Năm nay, Giải thưởng Pritker đã vinh danh hai nữ kiến trúc sư đến từ Dublin, Ireland: Yvonne Farrell và Shelley McNamara. Với vai trò là giảng viên kiêm kiến trúc sư, rất nổi tiếng với các ý tưởng thiết kế mạnh mẽ nhưng vô cùng tinh tế. Các đề xuất, nghiên cứu của họ là sự kết hợp khéo léo và nhạy cảm giữa hiện đại, lịch sử và con người . Trong vòng 40 năm hành nghề, bộ đôi đã hoàn thành rất nhiều dự án trong công cuộc xây dựng các thành phố ở Ireland, Anh, Pháp, Ý và Peru. Farrell và McNamara cũng là hai nữ kiến trúc sư Ireland đầu tiên được nhận giải thưởng Pritker.

QUÁ TRÌNH HÀNH NGHỀ
Yvonne Farrell và Shelley McNamara quen biết nhau từ lúc học chung tại khoa Kiến trúc tại Đại học Dublin (UCD). Cả hai cùng chung quan điểm về ngành kiến trúc là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng và phức tạp nhất trên hành tinh. Sau khi tốt nghiệp, Farrell và McNamara đều tham gia giảng dạy. Họ luôn coi trọng công tác giảng dạy như một hoạt động song hành với việc làm nghề thực tế. Chắt lọc kinh nghiệm tích lũy được từ chính những dự án của mình để truyền đạt và giảng dạy cho các thế hệ sinh viên, họ từng là giảng viên tại nhiều tổ chức trên thế giới như: École Polytechnique Fédérale de Lausanne và Academia di Architettura di Mendrisio….
Vốn là nghiên cứu sinh của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Ireland và Nghiên cứu sinh danh dự của RIBA, Farrell và McNamara trước đây từng giữ chức Chủ tịch CLB Kenzo Tange tại khoa Thiết kế sau đại học của Harvard (2010) và Chủ tịch CLB Louis Kahn tại Đại học Yale (2011). Đồng thời, sau khi được nhận Ciải thưởng Silver Lion Award tại triển lãm Biennale di Venezia năm 2012, họ đã được bổ nhiệm thành Hội đồng giám khảo cho triển lãm International Architecture Exhibition năm 2018 với chủ đề FREESPACE. Năm 2019, bộ đôi nữ kiến trúc sư được vinh danh với Huy chương RIAI James Gandon cho Thành tựu trọn đời về kiến trúc được trao bởi RIBA.
Nói về cảm hứng thiết kế, McNamara chia sẻ về hình ảnh một công trình được xây từ thế kỷ 18 trên trục đường lớn của thành phố Limerick – nơi không gian và ánh sáng đã khơi dậy các giác quan của cô. Còn Farrell lại bị mê hoặc bởi quê hương Tullamore, Co.Offaly với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi giúp cô cảm thấy “gần gũi hơn với thiên nhiên”.

Năm 1978, hai nữ kiến trúc sư thành lập văn phòng Grafton Architects cùng với 3 người khác. Những dự án đến với họ đều là những dự án có mức đầu tư lớn và liên quan đến văn hóa và học thuật quan trọng như Viện đô thị Ireland, Đại học Dublin (2002), Trung tâm nghệ thuật Solstice (Navan, Ireland 2007), Trường cộng đồng Loreto (2006) và Trường Y, Đại học Limerick (2012).
Dự án nước ngoài đầu tiên của McNamara và Farrell là Đại học Luigi Bocconi ở Milan (2008) – Công trình đã nhận giải thưởng Công trình thế giới của năm (World Building of the Year) tại Lễ hội Kiến trúc thế giới năm 2008 tổ chức tại Barcelona. Sau đó, vào năm 2015, dự án thiết kế Khu trường đại học UTEC Lima (2015) đã được Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh (RIBA) trao giải tại lễ khai mạc RIBA International Prize 2016.
Những dự án hiện đang triển khai của họ bao gồm Tòa nhà Marshall tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London và Tổ hợp thương mại Oxford Street. Các dự án của họ ở Dublin bao gồm: Khu văn hóa Quảng trường Parnell; Thư viện thành phố; Trụ sở chính của Ban cung cấp điện; Khách sạn Vicar St; Tòa nhà giải trí Booterstown; Trung tâm phiên dịch và đồng cỏ ven biển; Trường học giáo dục Dublin 7 cùng nhau.
TRIẾT LÝ THIẾT KẾ

Trong một cuộc phỏng vấn, hai kiến trúc sư chia sẻ về việc nghiên cứu tìm kiếm “Kiến trúc giúp tăng sự kết nối và nâng cao mối quan hệ giữa cộng đồng”. Trên thực tế, dự án Đại học Capitole Toulouse 1, Trường Kinh tế (2019) mới hoàn thành của họ là một ví dụ điển hình, công trình là sự kiết hợp giữa những cây cầu, bức tường, đường dạo và tháp đá đan xen tạo thành – một tổng thể liên kết
Như phát ngôn của Ciải thưởng Pritzker đã nêu, kiến trúc của Yvonne Farrell và Shelley McNamara luôn xoay quanh con người. Với việc nghiên cứu về quy mô và tỉ lệ phù hợp với con người, họ đã tạo ra các không gian tăng cường sự kết nối trong môi trường lớn. Mặt khác, McNamara khẳng định rằng: “Kiến trúc chính là khung của cuộc sống loài người. Nó neo giữ và kết nối chung ta với thế giới theo cách mà không chủ thể nào khác có thể làm được”
ĐÁNH GIÁ TỪ HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO GIẢI THƯỞNG PRITZKER 2020

Yvonne Farrell và Shelley McNamara đã hành nghề kiến trúc trong 40 năm với định hướng và tư tưởng rõ ràng phù hợp với tiêu chỉ của Giải thưởng Pritzker: Nghệ thuật kiến trúc kết hợp với mục đích phục vụ cộng đồng được thể hiện qua công trình xây dựng.
Văn phòng đồng sáng lập của họ là Grafton Architects có trụ sở tại Dublin, Ireland được thành lập vào năm 1978. Kể từ khi bắt đầu, Yvonne Farrell và Shelley McNamara đã kiên định và không ngần ngại theo đuổi để đưa ra một công trình có chất lượng tốt nhất phục vụ cộng đồng. Họ đã xây dựng một thành tựu bao gồm nhiều công trình giáo dục, nhà ở và công trình văn hóa dân sự. Là những người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực được xem như là nghề nghiệp của nam giới – họ trở thành tấm gương cho thế hệ sau noi theo trong ngành kiến trúc.
Ngoài những công trình tại quê hương Ireland, Yvonne Farrell và Shelley McNamara còn dành được nhiều công trình quốc tế thông qua thi tuyển tại Ý, Pháp, Peru. Với sự nghiên cứu sâu sắc về các dự án cùng với năng lực quan sát nhạy bén về văn hóa và bối cảnh, họ đã đề xuất những phương án thích nghi, phù hợp nhất với khu đất nhưng vẫn đem lại sự tươi mới, hiện đại trong ý tưởng thiết kế. Việc đề cao “tinh thần nơi chốn” đã đem lại các thiết kế tăng cường tính kết nối trong cộng đồng. Khu nhà ở North King Street của họ ở Dublin (2000) là một ví dụ thể hiện ý tưởng trên: công trình có sân trong và không gian nghỉ ngơi cho người dân tại các khu phố đông đúc sử dụng với nhiều mục đích khác nhau tạo lên liên kết giữa cộng đồng.
Cách tiếp cận của họ với kiến trúc luôn thiết thực, cho thấy sự hiểu biết từ tổng quan quy trình thiết kế cho đến các chi tiết kiến trúc nhỏ nhất. Điều đó thể hiện rõ nhất ở các công trình có vốn ngân sách khiêm tốn. Viện đô thị Ireland (2002) là một điển hình. Việc sử dụng những giải pháp thiết kế “crafted skin” tạo nên những hiệu ứng thú vị cho công trình thông qua vật liệu, các nếp gấp, nhu cầu về bóng râm,… Đồng thời, việc tính toán kiểm soát vi khí hậu trong công trình đã giúp họ tạo ra những công trình hiệu quả về năng lượng và bền vững.
Ngoài ra, Yvonne Farrell và Shelley McNamara đã nghiên cứu nhiều giải pháp thiết kế chiếu sáng tự nhiên nhằm tạo ra sự kết nối giữa không gian bên trong và bên ngoài công trình. Thông qua ánh sáng từ cửa sổ mái hoặc cửa sổ bên trong khắp tòa nhà, không gian sử dụng đem lại cảm giác ấm áp hơn, giúp người dân dễ dàng định hướng không gian và kết nối với tự nhiên hơn.
Với sự đam mê và kiên trì với triết lý kiến trúc của mình, họ đã tạo dựng một sự nghiệp thiết kế đồ sộ với hàng loạt các công trình nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt, với việc tổ chức triển lãm Venice Biennale 2018 để nêu lên những quan điểm, nghiên cứu không ngừng nghỉ trong việc cải thiện đời sống cho người dân và đóng góp vào sự phát triển của ngành kiến trúc qua những dự án quốc tế mà họ đang tiến hành. Quan điểm, thái độ và thành tựu của Yvonne Farrell và Shelley McNamara xứng đáng được vinh danh tại giải thưởng Kiến trúc Pritker năm 2020.

Cẩm Tú – TCKT.VN
(Tổng hợp và biên dịch từ Archdaily)
© Tạp chí kiến trúc