Xếp hạng để quản lý không gian công cộng khu nội đô lịch sử thành phố Hà Nội – Hướng đến thành phố sáng tạo

Các không gian công cộng (KGCC) được hình thành từ lâu đời, trải qua nhiều biến cố lịch sử, chúng có một sức sống riêng thật mãnh liệt, mang đến cho cư dân thành phố những không gian nhiều ký ức, tô điểm cho kiến trúc, cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, số lượng các KGCC tại khu vực này không ít và rất phong phú về thể loại. Trong xu thế chung tại các thành phố trên thế giới, xác định những đặc trưng riêng để khẳng định và phát triển thì mô hình thành phố sáng tạo rất phù hợp với định hướng của Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các KGCC – nơi con người được tự do thể hiện bản thân, kết nối với cộng đồng, giải pháp xếp hạng KGCC để có những nguyên tắc quản lý phù hợp cho từng hạng là rất cần thiết.

Khu Nội đô lịch sử thành phố Hà Nội: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QD 1259/QD.TTg), NĐLS gồm địa bàn 05 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam quận Tây Hồ.

Một số khái niệm, thuật ngữ

  • Không gian công cộng (KGCC) đầu tiên xuất hiện trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị [3]. Tiếp theo, nó được định nghĩa chính thức tại Thông tư số 19/2010/TT – BXD là các “công viên và vườn hoa/sân chơI “[1].
  • Quản lý: Là sự tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý thông qua những công cụ quản lý nhằm đạt được mục tiêu mà chủ thể quản lý đặt ra [2].
  • Xếp hạng: Là một cách phân loại để đánh giá các đối tượng một cách định lượng, hoặc phối hợp giữa định lượng và định tính, nhằm phân mức độ cao thấp của từng đối tượng tham gia xếp hạng.
  • Thành phố sáng tạo: Không phải thành phố chỉ ưu tiên tầng lớp sáng tạo, mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó xây dựng nên bản sắc riêng biệt và độc đáo [8].
  • Mối liên hệ giữa KGCC và thành phố sáng tạo: Quảng bá hình ảnh và truyền thông là một nét đặc trưng của thành phố sáng tạo. Để biến mình thành điểm đến lý tưởng, thu hút đầu tư nước ngoài, mọi quốc gia trên thế giới đều cải thiện và nâng cấp hình ảnh của các thành phố trung tâm. Và không gian công cộng (KGCC) – bộ mặt đô thị chính là nơi được chú trọng. [8]

Các cách phân loại KGCC

– Theo cấp độ trong đô thị

  • Cấp đô thị: Quảng trường trung tâm, quảng trường chức năng phía trước các công trình cấp đô thị, công viên cấp đô thị. Các khu vực này được gọi là không gian sinh hoạt công cộng, thường tập trung ngay khu vực lõi ĐT.
  • Cấp khu ở, đơn vị ở: Là những vườn hoa, sân chơi trong khu ở. Không gian này được gọi là không gian sinh hoạt cộng đồng.
  • Cấp công trình: Là khoảng không gian mở phía trước hoặc sau công trình, sử dụng cho 1 nhóm nhỏ cộng đồng trong khu vực xung quanh.[4]

– Phân loại theo sở hữu

  • KGCC thuộc sở hữu nhà nước (PS): Thường được mở cửa cho mọi đối tượng. Vì vậy, thường không giới hạn đối tượng sử dụng và không thu phí, như: Đường, vỉa hè, quảng trường công cộng, công viên, vườn hoa, bãi biển…
  • KGCC thuộc sở hữu tư nhân (POPS): Có thể có thu phí cho những ai muốn sử dụng. KGCC này trong phạm vi của chủ sở hữu gồm: quảng trường trước công trình, không gian mở bên trong cụm hay nhóm công trình.

– Theo mức độ sử dụng:

  • KGCC: nơi mở cửa cho mọi đối tượng, mọi người dễ dàng tiếp cận và sử dụng trong mọi thời điểm mà không bị giới hạn bởi các điều kiện văn hoá – xã hội hay điều kiện kinh tế.
  • KG bán công cộng: là nơi cho phép mọi người sử dụng nhưng giới hạn về đối tượng, không gian và thời gian sử dụng. [5]

– Theo tính chính quy

  • KGCC chính quy được tổ chức hợp pháp: là những KGCC được quy hoạch, phê duyệt và được các cơ quan quản lý thực hiện.
  • KGCC phi chính quy và hình thành tự phát: là các không gian trống, chưa được hoạch định thành những KGCC. Những KGCC này tồn tại song song với không gian chính quy và phát triển nhanh chóng. Hình thức KG này đa dạng như vỉa hè, hẻm phố, không gian trống chưa xây dựng. Tuy những không gian này mang nhiều lợi ích trong thời điểm nào đó nhưng không tồn tại lâu dài vì thiếu những hỗ trợ cần thiết [6] [17].

– Theo chức năng

  • KGCC là nơi tụ họp – Quảng trường
  • KGCC là nơi nghỉ ngơi, thư giãn – Công viên
  • KGCC là nơi vui chơi, giải trí thư giãn hàng ngày – Sân chơi, vườn hoa khu ở

Thực trạng KGCC khu NĐLS thành phố Hà Nội

Tại khu vực NĐLS, số lượng và thể loại KGCC không ít. Cụ thể có 42 công viên và vườn hoa; 46 hồ nước có đường dạo; các quảng trường; 3 tuyến phố đi bộ, 1 phố sách, 2 khu chợ đêm; các sân chơi nội khu.

Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số tại khu vực ở mức vượt ngưỡng tính toán của QHC, đồng thời thực tế quản lý yếu kém các KGCC dẫn đến chỉ tiêu diện tích KGCC trên bình quân đầu người giảm xuống đáng kể. Thực trạng này sẽ còn xấu đi nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý phù hợp.

Bảng 1. Diện tích công viên, vườn hoa trong tương quan dân số tại nội đô [7]

Dưới đây là kết quả Phân tích SWOT về thực trạng KGCC tại NĐLS:

– Điểm mạnh:

  • Là khu vực có bề dày văn hoá, lịch sử;
  • Tập trung nhiều KGCC có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, văn hoá, lịch sử
  • Có sức hút dân cư ở các khu vực khác trong thành phố, khách du lịch

– Điểm yếu:

  • Khái niệm, chỉ tiêu về KGCC trong các văn bản pháp quy còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể;
  • Chưa có quy định chung nào cho QL KT, CQ KGCC;
  • Thiếu nghiên cứu chuyên sâu về QL KT, CQ KGCC;
  • Quỹ đất hạn chế, chưa chú trọng đầu tư phát triển KGCC;
  • Quản lý yếu kém dẫn đến KGCC bị chiếm dụng, xây dựng không phép, trái phép, giữ gìn vệ sinh môi trường kém, xung đột giao thông…

– Cơ hội:

  • Được đầu tư các nguồn lực từ chính quyền thành phố và trung ương
  • Đô thị lõi lịch sử, được chính quyền quan tâm về mặt chính sách, kêu gọi đầu tư, nhiều nhà nghiên cứu tập trung;

– Thách thức:

  • Khi nền kinh tế tập trung chuyển sang kinh tế thị trường, xã hội hoá đầu tư dịch vụ ĐT nhiều nguy cơ tiềm tàng;
  • Ảnh hưởng của toàn cầu hoá đến lối sống, văn hoá, kiến trúc;
  • Xu hướng phát triển giao thông công cộng sẽ tác động lên KT, CQ đô thị

Xếp hạng và quản lý KGCC khu NĐLS

Từ phân tích thực trạng KGCC khu NĐLS cùng các kết quả điều tra xã hội học tại một số KGCC trong khu vực cho thấy: Tại khu NĐLS, các KGCC có số lượng và thể loại phong phú, có giá trị lịch sử văn hoá khác nhau, chất lượng kiến trúc, cảnh quan và mức độ thu hút người sử dụng rất khác nhau. Điều đó cho thấy, việc xếp hạng KGCC như một cách phân loại tổng hợp dựa trên các tiêu chí đã nêu là cần thiết.

– Mục đích xếp hạng: Nhằm đề ra các nguyên tắc quản lý phù hợp tương ứng với thực trạng của từng hạng KGCC, nâng cao chất lượng KGCC.

– Tiêu chí xếp hạng: Trên cơ sở phân tích các đặc điểm của KGCC khu NĐLS, việc xếp hạng KGCC khu vực này được đề xuất theo 4 nhóm tiêu chí là Cấp KGCC; Giá trị lịch sử, văn hoá; Chất lượng kiến trúc, cảnh quan; Mức độ thu hút người sử dụng.

Bảng 2. Tiêu chí xếp hạng không gian công cộng khu nội đô lịch sử

– Cách tính điểm cho từng hạng KGCC khu NĐLS

  • Hạng A Có ít nhất 3/4 chỉ tiêu loại A trở lên, không có chỉ tiêu loại C
  • Hạng B Có ít nhất 2/4 chỉ tiêu loại B trở lên
  • Hạng C Có 3/4 chỉ tiêu loại C
Bảng 3: Tiêu chí đánh giá KGCC và nguyên tắc quản lý

Kết luận

Laundry và Bianchini cho rằng: “Thành phố sáng tạo là thành phố hướng tới lợi ích cho mọi người, và thách thức của thành phố sáng tạo là dung hòa được các kiểu sáng tạo khác nhau, coi những gì tưởng như đối lập và cần loại bỏ là một phần của tổng thể”. Trong một thành phố sáng tạo thì KGCC sẽ có một vai trò vô cùng quan trọng. “Tất cả mọi hoạt động đang tồn tại trên một con phố, dù lộn xộn vẫn tạo nên bản ballet đường phố. Và đó là nét cần có để xây dựng một thành phố sáng tạo đúng nghĩa”, Jane Jacob đã nhận định [8].

Trong bối cảnh các KGCC khu NĐLS thành phố Hà Nội rất cần có những giải pháp quản lý phù hợp để phát huy những giá trị vốn có của mình, giải pháp xếp hạng và đưa ra các nguyên tắc quản lý phù hợp cho từng hạng là rất hiệu quả. Các KGCC khi được quản lý tốt, sẽ trở thành những không gian trọng tâm, thu hút người dân tới trải nghiệm, vui chơi, giải trí, phát triển con người và khả năng sáng tạo cá nhân để đóng góp cho cộng đồng.

Nguyễn Liên Hương
THS, Giảng viên, Khoa Quản lý đô thị, ĐH Kiến Trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343