Vận dụng “Lý thuyết đường biên” trong việc thiết lập hệ sinh thái xã hội nhân văn giữa khu ở cũ và mới

“Lý thuyết đường biên” của KTS Jan Gehl

Trong cuốn sách kinh điển “Cities for People” (“Đô thị vị nhân sinh” được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam năm 2019 ra mắt độc giả năm 2010 – tác phẩm tổng kết hoạt động thiết kế đô thị trải dài nửa thế kỷ khắp thế giới với quan điểm lấy con người làm trung tâm và là đối tượng cần được dành sự ưu tiên cao nhất), KTS nổi tiếng người Đan Mạch Jan Gehl đã nêu một số luận điểm đáng chú ý, trong đó có “Lý thuyết đường biên”. Lý thuyết này coi đường biên là yếu tố xác lập không gian một đô thị nói chung (so với vùng lãnh thổ bao quanh) và một khu vực cụ thể nói riêng trong đô thị (so với các khu vực lân cận khác). Đường biên đóng vai trò thật sự quan trọng trong việc nhận diện và trải nghiệm không gian. Một khu đất, theo phép đo địa chính, được xác định bởi các điểm mốc, qua hai điểm mốc gần nhau xác định nên một cạnh, tập hợp các cạnh sẽ cho một hình dáng, và hình dáng đó cũng đi liền với diện tích. Tương tự như vậy, ngôi nhà được xác định bởi tường bao, khoảng sân bởi hàng rào, khu đô thị/đô thị bởi các cạnh biên của khu đô thị/đô thị ấy.

Hình 1: Bản đồ phân bố các khu đô thị mới tại Hà Nội
(Nguồn: Danielle Labbé và cộng sự, 2019)

Đường biên là vùng chuyển tiếp hoạt động bởi vì các hoạt động bên trong và bên ngoài phạm vi đã xác định đó có sự tương tác với nhau ở một mức độ nhất định. Hoạt động bên trong nếu vươn tầm ra bên ngoài để kết nối, hoặc hoạt động bên ngoài muốn “thẩm thấu” vào bên trong đều phải qua những đường biên này, chính bởi vị trí đặc biệt của chúng. Nói một cách khác, đường biên là nơi “giao thoa” các hoạt động của hai khu vực.

Đường biên cũng là vùng trải nghiệm, có thể cung cấp chỗ dừng chân hay lưu trú thuận tiện để con người quan sát, tiếp xúc và cảm nhận trước khi quyết định có tham gia vào một hoạt động nào đó hay không, và nếu có tham gia thì ở mức độ nào. Trong khi quan sát và trải nghiệm, con người có thể so sánh các hoạt động bên trong và hoạt động bên ngoài đang diễn ra theo hai cách: Đồng thời hoặc theo từng pha ngắn xen kẽ nhau, tùy thuộc vào góc độ quan sát để từ đó có sự lựa chọn thích hợp. Một vị trí lý tưởng là nơi có thể đứng hoặc ngồi tựa lưng để cảm thấy an toàn và chắc chắn phía sau đồng thời hướng tầm quan sát rộng ra phía trước cũng như sang cả hai bên, còn bên trên có một kết cấu vươn ra che mưa chắn nắng. Hoạt động càng nhiều, càng thường xuyên, càng đa dạng thì tính chất trải nghiệm cũng càng lớn và độ hấp dẫn càng cao.

Đường biên có hai dạng thức cơ bản là đường biên mềm và đường biên cứng. Đường biên mềm là các không gian mở trên mặt tiền, đặc biệt là tầng trệt, từ mức độ trung bình trở lên, có những khoảng ngắt quãng hợp lý bởi phố, ngõ và một số dạng thức không gian mở khác. Ngoài ra, có nhiều chi tiết trang trí hay sắp đặt phong phú, đem lại cảm giác tích cực cho con người, khiến họ nán lại lâu hơn. Trong khi đó, đường biên cứng hoàn toàn ngược lại, khiến con người chỉ muốn tránh né hoặc thoát ly thật nhanh nếu buộc phải đi qua. Đường biên mềm, theo những nghiên cứu tại Đan Mạch, mà cụ thể hơn là ở Copenhagen, giúp gia tăng hoạt động công cộng dọc theo đường biên lên bảy lần (Jan Gehl, 2010).

Khu ở cũ và khu ở mới tại Hà Nội

Trong một đô thị, nhất là một đô thị quy mô lớn như Hà Nội, với nhu cầu nhà ở cao và gia tăng khá nhanh theo thời gian, các khu ở mới xuất hiện liên tục theo chương trình phát triển mà chính quyền đô thị đặt ra và chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc thực hiện. Những khu ở này thông thường được xây dựng ở ba khu vực:

  1. Những khu vực ngoại vi đã được quy hoạch và đang trong quá trình phát triển;
  2. Những khu công nghiệp, nhà máy, phân xưởng cũ trước ở ngoại vi nay thuộc nội đô gây ô nhiễm hoặc hoạt động không hiệu quả nên cần phải được di dời ra xa trung tâm, để lại một quỹ đất trống, mà đa phần là những vị trí đắc địa, nếu không xây công trình công cộng thì đều được đầu tư xây dựng những chung cư cao cấp, có thể thêm một số khu biệt thự và dãy nhà ghép khối hướng đến đối tượng có thu nhập cao và mong muốn sống gần mặt đất;
  3. Những khu ở cũ thấp tầng sau 30 – 50 năm sử dụng đã xuống cấp nhiều, không đảm bảo chất lượng ở cho cư dân, cần được tái phát triển theo mô hình nhà ở nhiều tầng hoặc cao tầng tích hợp dịch vụ cho mục đích tái định cư và phần diện tích chênh lệch sẽ là cơ hội dành cho những đối tượng có điều kiện từ nơi khác chuyển đến.

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung bàn luận trường hợp đầu tiên, vì đó là xu thế phát triển mạnh nhất hiện nay và mang tính phổ biến hơn nhiều so với hai trường hợp còn lại. Tại Hà Nội, tính đến thời điểm 2018, đã có 252 dự án khu đô thị mới (KĐTM) được phê duyệt trong vòng 25 năm, chỉ riêng giai đoạn trước mở rộng (2004 – 2008) đã có đến 167 dự án được lập (Danielle Labbé và cộng sự, 2019). Có thể thấy khoảng 70% số KĐTM nói trên tập trung bên ngoài bán kính 10 km từ trung tâm thành phố, tức là từ đường vành đai 3 trở ra, và có đến 82 dự án (gần 1/3) nằm ngoài bán kính 20 km, tức là trong phần Hà Nội mở rộng. Trong phân vùng không gian này, khu ở mới chính là các KĐTM và khu ở cũ là những làng xóm chưa bị đô thị hóa (ngoài 20 km) hoặc đã bị đô thị hóa một phần (từ cự ly 20 đến 10 km).

Khu ở mới thường nằm ngay bên cạnh khu ở cũ (trường hợp A) hoặc ở cự ly khá gần (trường hợp B). Khi khu ở cũ và khu ở mới nằm cạnh nhau, sự phân định không gian hầu hết sẽ ở dạng đường (có thể là đường phố được quy hoạch mới hoặc tận dụng đường bao quanh làng có sẵn), tức là có ranh giới vật lý rõ ràng. Còn đối với trường hợp B, sẽ tồn tại một không gian chuyển tiếp với kích thước chiều rộng nhất định, ở dạng một vùng canh tác (1), một khu đất trống chưa có chức năng sử dụng cụ thể (2) hoặc một khu dân cư đang trên đà phát triển hướng về phía khu đô thị mới (3).

  1. Vùng canh tác này, qua thực tế quan sát và ghi nhận, có thể vẫn tồn tại, được sử dụng bởi người dân bên khu ở cũ là chủ yếu, hoặc dần chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất dịch vụ, đất ở, hoặc đất ở kết hợp với dịch vụ;
  2. Khu đất trống chưa có chức năng sử dụng cụ thể, có thể tạm được sử dụng làm bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng thời gian đầu, rồi được lấp đầy dần bởi một số loại hình dịch vụ tự phát như trông giữ xe, rửa xe, sửa chữa xe, hàng quán, trước khi chính thức hóa (được chính quyền cho phép) và kiên cố hóa (được hộ dân đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh lâu dài nếu nhận thấy tính sinh lợi của loại hình dịch vụ);
  3. Khu ở mật độ thấp sẽ tiếp tục phát triển thành khu ở mật độ cao khi người dân ở khu ở cũ mở rộng diện tích nhà cho chính mình (gia đình có thêm nhân khẩu, hoặc sang nhượng bán lại một phần đất cho người từ nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp). Sau một thời gian ngắn, chỉ vài năm, khu ở mở rộng này sẽ chạm tới khu đô thị mới. Ranh giới vật lý giữa hai bên có thể rõ ràng với đường phố/ngõ rộng phân cách, hoặc không rõ ràng với hàng rào giữa các lô đất tiến lùi tùy trường hợp hoặc thậm chí sát tường.
Hình 2: Ranh giới giữa khu ở mới và khu ở cũ qua các trường hợp
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

Khu ở mới là những KĐTM được quy hoạch tương đối bài bản và phần lớn là khá đồng bộ, dù chất lượng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi và cần được bàn luận thêm cho rõ cũng như đánh giá toàn diện để đảm bảo chính xác – khách quan. Do được quy hoạch từ đầu nên mọi thứ đều mới: Thành phần cư dân mới, quan hệ xã hội mới, nhà ở mới, tiện ích và cơ sở vật chất mới, không gian mới, dịch vụ mới, … Yếu tố hạ tầng, dịch vụ và không gian nhìn chung là “thế mạnh” của khu ở mới, và một số nơi còn được “điểm cộng” về cảnh quan.

Hình 3: Phân tích SWOT của khu ở cũ và khu ở mới cạnh nhau
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

Khu ở cũ là những làng xóm đang dần chuyển đổi dưới tác động của đô thị hóa, mà trực tiếp là từ phía khu ở mới ngay bên cạnh (hoặc cách đó một quãng) dội sang. So với khu ở mới, khu ở cũ có “ưu thế” về giá trị văn hóa – lịch sử (do còn giữ được đình, chùa, nhà thờ họ, miếu, cổng làng, giếng làng, duy trì hương ước, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, lễ hội dân gian, … ở những mức độ khác nhau). Tính gắn kết cộng đồng bền chặt cũng là một điểm đáng chú ý tại đây. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, khi sự quản lý không chặt chẽ, nhiều hệ lụy không sớm thì muộn sẽ phát sinh, cả về không gian (hạ tầng xuống cấp, ngập lụt, ô nhiễm môi trường) lẫn về xã hội (văn hóa mai một, lối sống thay đổi theo hướng quá thực dụng, …).

Vấn đề đặt ra ở đây là cần đạt được sự chung sống “hòa thuận” kiểu “cộng sinh” giữa hai khu ở mới – cũ cận kề nhau, tức là điểm mạnh của bên này “bổ khuyết” cho điểm yếu bên kia để cả hai thực thể cùng tồn tại lâu dài và phát triển hài hòa, đúng với bản chất vốn có, đảm bảo sự đa dạng của không gian đô thị cũng như văn hóa bản địa, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra như đô thị mới lấn át và “nuốt chửng” làng xóm cũ hoặc làng xóm tác động tiêu cực đến văn minh đô thị.

Đường biên giữa khu ở cũ và khu ở mới

Câu châm ngôn “nhất cự ly – nhì tốc độ” của người xưa xem chừng vẫn còn ý nghĩa trong bối cảnh ngày nay khi phát triển đô thị bền vững là vấn đề thu hút sự quan tâm và triển khai thực hiện là yêu cầu có thể coi là cấp bách. Trước hết, trong nền văn minh hậu công nghiệp, con người có xu hướng ngồi tại chỗ trong phòng kín lâu hơn và ra ngoài trời ít hơn trước. Hệ quả là một số vấn đề liên quan đến sức khỏe phát sinh và sự liên hệ thực giữa cá nhân với cá nhân cũng như giữa cá nhân với cộng đồng bị thu hẹp, khiến tính bền vững xã hội của phát triển đô thị giảm sút. Mặt khác, một đô thị đáng sống là nơi mà đi bộ được khuyến khích trước tiên, rồi đến đi xe đạp và sau đó là phương tiện giao thông công cộng, còn sử dụng xe hơi được kiến nghị giảm thiểu. Bằng cách này, con người có thể trải nghiệm không gian được thiết kế tốt dễ dàng hơn và lâu hơn. Họ cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để thưởng thức các hoạt động văn hóa tinh thần hấp dẫn và phong phú xung quanh được tổ chức sao cho phù hợp (Jan Gehl, 2010). Do đó, đi bộ là một yếu tố rất quan trọng để tạo lập một khu ở sống động trong phạm vi hẹp và trên quy mô rộng hơn là một đô thị thực sự đáng sống. Và khi đã đặt đi bộ vào đúng tầm quan trọng thì cự ly – hay khoảng cách – cũng cần phải được đề cập, bàn luận và coi như một điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra về chất lượng đô thị. “Đô thị với những khoảng cách di chuyển ngắn” (có tài liệu dùng thuật ngữ “Đô thị nén”) là một lý thuyết có mối liên hệ mật thiết với – và bổ trợ cho – “Đô thị đáng sống”, theo đó nếu mọi loại hình dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng của người dân nằm trong phạm vi 400 m từ nhà họ (tương đương 5 – 7 phút đi bộ) thì nhu cầu sử dụng xe hơi gần như là không còn (Detlef Glücklich, 2005), (Kobe Boussauw và cộng sự, 2012).

Hình 4: Tổ chức không gian và các hoạt động dọc theo đường biên giữa khu ở cũ và khu ở mới theo hướng tăng cường giao tiếp và tương tác cộng đồng, góp phần xây dựng hệ sinh thái xã hội – nhân văn giữa hai bên, bên cạnh tính bền vững về xã hội của mỗi bên cần phải đạt được từ trước
Các ký hiệu 1A, 1B, … 1a, 1b, … xem Bảng 1
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

Khi dịch vụ của khu ở cũ phục vụ nhu cầu của một bộ phận cư dân bên khu ở mới và ngược lại thì đường biên sẽ là nơi cộng đồng hai bên thường xuyên băng qua. Với một khu ở mới điển hình quy mô trung bình có diện tích dưới 40 ha, tạm quy về một hình vuông cạnh 600m x 600m, dân cư tính từ lõi tới đường biên với khu ở cũ (cự ly 300 m) có xu hướng sử dụng dịch vụ bên khu ở cũ mà họ cần nhưng chưa được đáp ứng thường xuyên hơn cư dân thuộc phần còn lại, những người có điều kiện sang khu ở khác cận kề với họ với mục đích tương tự. Đối chiếu với khoảng cách 400 m theo lý thuyết “Đô thị với những khoảng cách di chuyển ngắn”, có thể thấy các loại hình dịch vụ bổ khuyết – đáp ứng nhu cầu của cư dân khu ở đối diện – nên nằm trong vành đai 100 m dọc theo hai bên đường biên.

Ngoại trừ các mối quan hệ đặc biệt sẵn có, không quá phụ thuộc vào vị trí và chỉ chiếm một tỷ lệ nào đó (thường là thấp) như gia đình, họ hàng, thông gia, bạn bè thân quen từ trước hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan, … những hoạt động giao tiếp giữa cộng đồng dân cư hai bên – khu ở mới và khu ở cũ bên cạnh nhau – cần có thời gian mới trở nên khăng khít và bao giờ cũng xảy ra trước hết tại đường biên, nơi con người có điều kiện tiếp xúc với nhau gần như hàng ngày, rồi mới lan tỏa dần đến những vị trí ở xa hơn về mỗi phía. Bên cạnh yếu tố chiều dài đường biên (đường biên càng dài về lý thuyết sẽ càng gia tăng cơ hội tiếp xúc cộng đồng với cùng một mật độ cư trú), những địa điểm dịch vụ và hoạt động của khu ở này thu hút sự quan tâm và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng bên khu ở kia nằm trong cự ly tiếp cận thích hợp, thuận tiện cho việc đi bộ chính là điều kiện cần cũng như điều kiện đủ để tăng cường mối liên hệ xã hội. Điều này sẽ góp phần thiết lập nên một hệ sinh thái gọi là hệ sinh thái xã hội – nhân văn, tồn tại song song với hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên và/hoặc nhân tạo.

Vận dụng “Lý thuyết đường biên” cho khu ở mới và khu ở cũ tiếp giáp nhau

Nếu mối quan hệ cộng đồng chỉ khép kín trong phạm vi khu ở, không hề có hoặc có rất ít giao tiếp thực với thế giới bên ngoài thì đó là một “biệt khu” (tiếng Anh gọi là “gated community” hoặc “walled community”), hiện tượng được khuyến cáo nên tránh bởi những nhà đô thị học và xã hội học, bởi vì mô hình ở đó không góp phần tạo nên một cộng đồng hài hòa trên cấp độ đô thị. Trong một đô thị đề cao tính nhân văn và bền vững xã hội, quan hệ khu ở cũ – khu ở mới là một trường hợp đáng để nghiên cứu nếu xét trên quan điểm “sự khác biệt tạo nên tính đa dạng” hay “tính đa dạng tồn tại trong sự khác biệt”.

Sự khác biệt giữa khu ở cũ và khu ở mới, như đã đề cập đến ở trên, có thể được phản ánh trên hai khía cạnh cơ bản:

  • Khía cạnh vật lý: Cách bố trí không gian sinh sống, hạ tầng, hình thức kiến trúc, cảnh quan, …
  • Khía cạnh phi vật lý: Cách tổ chức cộng đồng và các hoạt động cộng đồng, lối sống, phong tục, văn hóa, quan niệm, hệ tư tưởng, hệ giá trị, lợi ích, mối quan tâm, …

Điều quan trọng là sự khác biệt đó không dẫn đến sự chia tách hoặc tạo ra những mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Sự gắn kết và hòa hợp được kỳ vọng phụ thuộc vào “sự khéo léo” trong công tác quản lý, nhưng trước hết vẫn là cách thức tổ chức một số loại hình dịch vụ và không gian công cộng mang tính bổ khuyết cho nhau dọc theo đường biên dựa trên nhu cầu và hoạt động thực tiễn. Có bốn nhóm hoạt động, tương ứng là bốn kiểu hình không gian cần được xen cấy vào vành đai 100m dọc theo đường biên hai bên (Xem Hình 4).

Bảng 1. Phân loại hoạt động và tổ chức không gian tương ứng góp phần tăng cường tương tác và kết nối cộng đồng dân cư hai bên: khu ở cũ và khu ở mới (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

Có thể thấy 1a, 1c, 2b, 2d và 3b là những hoạt động đặc trưng của khu ở cũ (làng xóm) mà khu ở mới (KĐTM) không có, một bộ phận cư dân bên khu ở mới luôn có nhu cầu và nếu không có yêu cầu gì quá đặc biệt thì họ sẽ tìm đến vì chỉ cần di chuyển trong khoảng cách gần, thay vì đi chỗ khác xa hơn. Ngược lại, 1B, 1C, 1D và 1E là những dịch vụ vượt trội của khu ở mới mà khu ở cũ không có, hoặc nếu có thì cũng còn hạn chế về chất lượng và/hoặc quy mô, khó đáp ứng được nhu cầu tại chỗ, nên dân làng sẽ đi bộ sang bên KĐTM, cũng tận dụng lợi thế tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng. Các hoạt động còn lại, mỗi bên đều có thể tổ chức độc lập và có không gian riêng đáp ứng, song vẫn luôn mở để đón nhận cư dân bên kia sang tham gia khi lịch hoạt động của hai bên chéo nhau, hoặc cùng hoạt động một lúc nhưng tính chất và nội dung có sự khác biệt, tạo nên tính cuốn hút. Riêng nhóm hoạt động số 4, do không có giới hạn về khu vực hay đối tượng nên hoàn toàn có thể tổ chức chung theo kiểu luân phiên, xen kẽ nếu có sự thỏa thuận và hưởng ứng của chính quyền cũng như cộng đồng dân cư hai bên.

Một số hoạt động có sự tham gia của cư dân hai bên (đô thị và làng) được ghi nhận dọc theo đường biên giữa KĐTM Văn Quán và hai làng Yên Phúc – Yên Xá thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

Lời kết

Nếu biết cách tổ chức các hoạt động, lên kế hoạch/chương trình/kịch bản và xây dựng nội dung của từng hoạt động sao cho phong phú và hấp dẫn, kết hợp với thiết kế không gian tốt, an toàn và thuận tiện thì việc xây dựng cộng đồng bền vững giữa hai bên – khu ở cũ và khu ở mới – không phải là điều gì đó viễn tưởng, quá khó để đạt tới .

Tài liệu tham khảo

  1. Jan Gehl (2010), Cities for People, Island Press, trang 75 – 79 và 137
  2. Danielle Labbé, Gabriel Fauveaud, Francis Labelle-Giroux, Michael Leaf, Frédéric Morin-Gagnon, Clément Musil, Doãn Thế Trung, Tạ Quỳnh Hoa, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Mạnh Trí và Trần Minh Tùng (2019), Bridging the gap – Towards a better integration of masterplanned new urban areas and urbanised villages / Khỏa lấp khoảng cách – Hướng tới sự hòa nhập tốt hơn giữa những khu đô thị mới theo quy hoạch tổng thể và các làng xã bị đô thị hóa, NXB Thế giới, trang 21
  3. Detlef Glücklich (2005), Ökologisches Bauen – von Grundlagen zu Gesamtkonzepten, DVA, München, trang 196 – 203
  4. Kobe Boussauw, Tijs Neutens và Frank Witlox (2012), Relationship between Spatial Proximity and Travel-to-Work Distance: The Effect of the Compact City, Regional Studies, Vol. 46, No. 6, trang 687 – 706

 TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343