Tháng 11 tới đây, UNESCO sẽ họp thông qua hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo. Theo TS Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc), đây là một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững, gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự tham gia và vai trò đổi mới sáng tạo của người dân.
TCKT đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc) xung quanh đề án phát triển TP sáng tạo tại Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Thúc đẩy TP sáng tạo là một trong những mục tiêu phát triển bền vững!
Phóng viên (P/V): Thưa ông, thời gian gần đây thuật ngữ “TP sáng tạo” đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về bối cảnh xuất hiện ý tưởng thúc đẩy sự phát triển các TP sáng tạo?
TS. Nguyễn Quang: Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu bằng sáng kiến Giải thưởng Thành phố vì Hòa bình của UNESCO, được đưa ra từ hội nghị Habitat 2 (năm 1996). Giải thưởng này nhằm vinh danh những sáng kiến và mô hình thành công trong việc tăng cường đoàn kết xã hội, cải thiện điều kiện sống trong các khu phố gặp khó khăn và phát triển sự hài hòa trong đô thị. Đây cũng chính là cụ thể hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ 2000-2015, đặc biệt là Mục tiêu thứ 8 “Thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu trong phát triển”. Hà Nội là một trong năm thành phố toàn cầu được UNESCO vinh danh với giải thưởng Thành phố vì Hòa bình năm 1998-1999.
Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ các lãnh đạo quốc gia đã thông qua Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 với 17 Mục tiêu PTBV giai đoạn 2015-2030. Các mục tiêu này đa dạng hơn, cụ thể hơn, đặc biệt gần với hiện trạng phát triển của các quốc gia thu nhập trung bình. Bên cạnh các mục tiêu phát triển truyền thống về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, môi trường, bình dẳng giới, đã xuất hiện các vấn đề mới như quản lý đất đai, tài nguyên nước, biển và phát triển đô thi. Hai mục tiêu 16 và 17 tập trung vào thúc đẩy phát triển hòa bình và xây dựng quan hệ đối tá cho phát triển bền vững. Đặc biệt Mục tiêu PTBV 11 là thúc đẩy sự phát triển bao trùm, an toàn, thích ứng và bền vững của các thành phố và khu định cư.
Hợp tác phát triển, sáng tạo và văn hóa chính là động lực quan trọng của thực hiện các mục tiêu phát triển bền vứng. Năm 2016, Hội nghị Habitat 3 đã thông qua một Chương trình Nghị sự Đô thị Mới nhằm cụ thể hóa các mục tiêu PTBV ở khu vực đô thị khi dân số đô thị toàn cầu vượt qua tỉ lệ 50%.
Trên cơ sở những sáng kiến toàn cầu này, dặc biệt là các Công ước về Văn hóa, UNESCO đã đưa ra sáng kiến mới xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo (UCCN).
Bằng cách tạo mạng lưới này, UNESCO đã thừa nhận tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong phát triển đô thị bền vững, một tầm nhìn đã được xác nhận và hợp nhất thông qua việc thực hiện các Công ước Văn hóa, Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và Chương trình nghị sự đô thị mới.
Cho đến nay, mạng lưới các thành phố sáng tạo đã thu hút nhiều thành phố, và ngày càng trở nên hấp dẫn. UNCC cũng đang tích hợp nhiều thành phố khác nhau, từ các khu định cư quy mô nhỏ đến đô thị, trong các môi trường kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường khác nhau.
Sáng kiến này của UNESCO cũng được hình thành trong bối cảnh của sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiêp 4.0, với sự áp dụng nền kinh tế kỹ thuật số, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3 D và công nghệ nano.
Các thành phố tham gia mạng lưới đô thị sáng tạo có thể tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh. Thí dụ, thành phố Baguio (Philippin) và Chieng Mai (Thái Lan) tập trung vào thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, Phuket (Thái Lan)- Ẩm thực, Singapore và Bangdum (Indonexia) – Thiết kế, Busan (Hàn Quốc) – Điện ảnh, Bucheon (Hàn Quốc) – Văn học, Chengnai (Ấn Độ) – Âm nhạc.
P/V: Trong bối cảnh đó, TP sáng tạo được xem như một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững phải không thưa ông?
TS.Nguyễn Quang: Cũng có thể nói như vậy. Vì đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự hợp tác vì sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động. Sự hợp tác của các bên liên quan, cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền tạo ra năng lực phát triển mới, nâng cao tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho TP. Có một nghiên cứu cho thấy: các quốc gia phát triển nhất, có thu nhập đầu người cao nhất cũng có chỉ số sáng tạo cao nhất; các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất, cũng gắn với chỉ số năng lực sáng tạo cao nhất. Đó chính là yếu tố để thúc đẩy sự phát triển bền vững và các TP sáng tạo.
Chúng tôi nhìn nhận TP sáng tạo còn gắn với khái niệm TP thông minh, vì sự sáng tạo gắn với những sáng kiến đem lại những giá trị mới. Thông thường chúng ta hay quan niệm TP thông minh gắn với công nghệ, sử dụng những công nghệ liên quan đến kinh tế kỹ thuật số nhưng thực chất công nghệ chỉ là phương tiện. Quan trọng nhất là mục đích của mình là gì. Thực chất đó là những sáng kiến cải tạo không gian, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị.
Ví dụ như ở Madelyn, một thành phố rất nhiều tội phạm, khi ông thị trưởng đưa chương trình cải cách xã hội vào những khu ổ chuột của TP đã biến khu vực này thành một điểm du lịch thú vị. Họ thiết kế đường cáp treo nối khu ổ chuột với trung tâm TP, đưa hội hoạ vào những không gian công cộng, nâng cao chất lượng sống của những người dân sống bên lề xã hội. Rất nhiều ví dụ về những sáng kiến đổi mới không gian đô thị như thế: Ở Seoul, người ta khơi thông dòng suối Cheonggyecheon thành đường đi bộ và không gian công cộng nhằm thay thế đường cao tốc bụi bặm, ô nhiễm. Họ đem âm nhạc và hội hoạ vào con đường đi bộ và không gian công cộng mới, cải thiện chất lượng không gian sống, làm giá trị bất động sản ở đó tăng cao. Seoul cũng có Khu Công nghệ số, trước đó là một bãi rác khổng lồ bên cạnh sân vận động thành phố. Chính quyền trung ương và địa phương đã kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng, cải tạo và biến khu vực đó thành một trung tâm kết nối văn hoá nghệ thuật và công nghệ thông tin….
Đó là những sáng kiến xây dựng TP sáng tạo, TP thông minh, tôi cho rằng vấn đề này gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ. Có thể kể đến Jerusalam, một TP “ngủ”, có xu hướng tôn giáo, nhưng giờ đã thay đổi với sự góp mặt của các tập đoàn về công nghệ thông tin. Tôi có dịp đến tham quan một toà nhà cũ, họ không cải tạo nhiều, nhưng ở đó có tới hơn 40 nhóm khởi nghiệp start up, thu hút gần 1 tỷ đô la. Mà chỉ đơn giản là họ tạo ra những không gian để trao đổi, thảo luận với nhau, rất nhiều người từ các quốc gia khác cũng đến đấy, cùng thảo luận những ý tưởng mới trong công nghệ thông tin.
Hà Nội và tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á
TS Nguyễn Quang: Hà Nội cũng đang làm hồ sơ tham gia và xây dựng tham gia mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO. Nếu hồ sơ được chấp thuận, Hà Nội sẽ trở thành Thành phố sáng tạo thứ 181 trên thế giới và thủ đô thứ 32 được công nhận về mặt sáng tạo thiết kế. Điều này sẽ giúp thành phố tăng vai trò và vị thế của mình trên thế giới với nhiều cơ hội trao đổi và hợp tác quốc tế hơn. Mục tiêu của Hà Nội là xây dựng TP sáng tạo dựa trên nền tảng văn hoá để phát triển một cách bền vững. Hà Nội đã lựa chọn lĩnh vực thiết kế, theo tôi đó là lợi thế tiềm năng của TP, có thể gắn kết những lĩnh vực khác và đem tới năng lực cạnh tranh và thương hiệu tốt nhất cho Hà Nội. Để hỗ trợ cho những hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, UNESCO cũng đang xây dựng dự án về Thủ đô sáng tạo, nhằm huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay các sáng kiến và mô hình phát triển mới. UN-Habitat và UNIDO cũng được mời tham gia sáng kiến với kỳ vọng hỗ trợ Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
P/V: Theo ông, để thực hiện mục tiêu này, TP cần thay đổi theo hướng nào?
TS. Nguyễn Quang: Đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải thay đổi tư duy, dũng cảm để tạo ra sự khác biệt. Đối với đề án tham gia mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO, tôi cho rằng yêu cầu đầu tiên chính là sự cam kết tham gia của chính quyền, sự bảo trợ và tạo điều kiện đối với những hoạt động sáng tạo. Đổi mới và công nghiệp sáng tạo phải là một chiến lược mũi nhọn của thành phố. Một thông điệp quan trọng khác là: muốn đổi mới và tạo ra sự khác biệt, con người phải có không gian tự do cho sáng tạo, và không bị kìm kẹp bởi những thiết chế hành chính và tư duy lạc hậu. Hay nói cách khác: sẽ không có đổi mới sáng tạo nếu không có tự do tư duy, cũng như không thể hành chính hoá các hoạt động sáng tạo.
Cũng cần phải có những thay đổi tích cực trong quan điểm về phát triển và quản lý đô thị, cụ thể là:
- Đổi mới sáng tạo phải lấy phát triển bền vững trong đó con người sống trong hệ sinh thái là trung tâm. Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống, năng suất lao động, tạo ra được cộng đồng gắn kết hài hoà, con người được an toàn…. Đó là mục tiêu tối thượng của sự đổi mới sáng tạo.
- Phải tận dụng và khai thác các tài sản xã hội. Nếu như trước kia người ta quan niệm tài sản tiền, là hạ tầng, đất đai thì bây giờ nên thay đổi cách suy nghĩ này. Tài sản bao gồm cả tài sản xã hội: đó là lịch sử, văn hoá, thiên nhiên. Những câu chuyện, truyền thuyết, những đặc thù, đặc tính, thậm chí là cả yếu tố khí hậu, địa hình của địa phương, không gian sinh thái của địa phương đó cũng là tài sản xã hội. Tài sản này nhiều khi không thể sờ mó hoặc biến thành tiền ngay được nhưng nếu biết khai thác, nó sẽ biến thành lợi ích xã hội to lớn, cả về vật chất và tinh thần.
- Phải tạo ra được sự khác biệt. Hội An là một sự khác biệt, không phải là TP lớn nhưng rõ ràng rất thu hút, bởi sự khác biệt của nó, điều đó taọ ra được giá trị gia tăng cao cho TP.Các nhà kinh tế học khám phá ra hiệu suất không chỉ đến từ quy mô kinh tế mà còn đến từ kinh tế của sự khác biệt. Sự khác biệt của Hội An nằm ở chính những giá trị tài nguyên thiên nhiên, xã hội, lịch sử, cộng đồng và từng con người của mảnh đất này.
- Tôi cũng muốn nhấn mạnh sự đổi mới sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ trong ngành công nghệ số. Ở đây, nhờ công nghệ thông tin, người ta kết nối với nhau tốt hơn, sự kết nối đó góp phần khai thác tài sản xã hội hiệu quả. Nó là công cụ để chính quyền phổ biến và vận động chính sách, và ngược lại để người dân đóng góp vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. Đó là cầu nối hai chiều. Phong trào vận động đổi mới sáng tạo không thể tách rời khỏi giới trẻ, họ tràn đầy năng lượng để làm ra những thứ mới mẻ. Họ nắm bắt công nghệ rất nhanh, hoạt động tích cực. Họ là lực lượng xã hội quan trọng trong sáng tạo vì sự phát triển bền vững.
- Những sáng kiến mới, muốn thực hiện được những ý tưởng thì cần có những phòng thí nghiệm “sống” để thử nghiệm, có thể tổ chức theo nhóm, tổ chức sự kiện, hình thành những cộng đồng sáng tạo để cùng bàn bạc trao đổi cách tiếp cận và thực hiện ý tưởng. Đó chính là vai trò của cộng đồng, họ là đối tượng tương tác, làm việc, và hưởng thụ thành quả của sự sáng tạo.
P/V: Một câu hỏi cuối cùng: Hà Nội đã lựa chọn tối đa hoá tiềm năng của lĩnh vực thiết kế cho sự phát triển bền vững của đô thị – Điều này có nghĩa là giới KTS sẽ có nhiều cơ hội hơn để thể hiện năng lực cũng như tư duy sáng tạo của mình phải không thưa ông?
TS.Nguyễn Quang: Bản thân kiến trúc là một nghề đề cao năng lực tư duy sáng tạo cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng. Cơ hội cũng là thách thức. Chúng ta có thể bắt đầu càng sớm càng tốt những kế hoạch khởi nghiệp start up của mình. Thí dụ: cùng phối hợp với chính quyền và cộng đồng xây dựng những không gian công cộng kết nối với các tòa nhà và đường phố. Đó chính là không gian của các sáng kiến, các thử nghiệm văn hóa nghệ thuật mới, áp dụng công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, tiết kiệm nước và làm sạch không khí. Là nơi kinh doanh các sản phẩm văn hóa, kết nối đô thị-nông thôn, là nơi trình diễn thời trang, nơi chia sẻ thông tin và đàm luận, nơi thử nghiệm những giải pháp chiếu sáng linh động… Chúng ta cần chủ động hình thành cộng đồng sáng tạo, dặc biệt trong việc kết nối nhiều hơn với các ngành nghề khác. Hãy lấy con người làm trung tâm, tương tác nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó cũng là sứ mệnh của những người làm nghề kiến trúc – Vì những TP sáng tạo và bền vững!
Thảo Nguyên (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)