Tổ chức không gian kiến trúc làng nghề truyền thống tiểu vùng nam đồng bằng Sông Hồng

Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng (TVNĐBSH) gồm 4 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, là tiểu vùng văn hóa, kinh tế quan trọng của đồng bằng sông Hồng. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 5.544,27 km2 (chiếm 36,96% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng), dân số gồm 5.375.121 người (chiếm 27,45% dân số vùng đồng bằng sông Hồng). Do được thiên nhiên ưu đãi, TVNĐBSH rất thuận lợi về điều kiện địa hình, sông hồ với đồi núi đá vôi trùng điệp, bao gồm cả trung du, đồng bằng và ven biển nên có nhiều danh lam thắng cảnh. Mặt khác, là nơi tập trung nhiều di tích văn hóa lịch sử, nhiều làng nghề truyền thống với sản phẩm nghề có thể phục vụ phát triển du lịch. Tính đến nay, TVNĐBSH có 628 làng nghề, chiếm 12,3% trong tổng số 5.096 làng nghề tại Việt Nam và chiếm 28% trong tổng số 2.239 làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng [2],[3],[4],[5],[6],[7],[8],[9]. Các làng nghề đã góp phần vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của TVNĐBSH và từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng dịch vụ công nghiệp – nông nghiệp, thương mại và phát triển du lịch. Do nhu cầu về vận chuyển nguyên vật liệu và thông thương hàng thủ công, nên các làng nghề truyền thống TVNĐBSH thường lựa chọn xây dựng tại các vị trí thuận lợi cho giao thông như gần các con sông, gần đường giao thông.

Hình 1: Đền thờ Tổ nghề làng Đồng Xâm, Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình

Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của các làng nghề là rất lớn, đồng thời du lịch làng nghề cũng đã được các cấp Bộ, Ngành quan tâm ưu tiên phát triển, các địa phương cũng đã nhận thấy lợi ích khi phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động kinh tế du lịch, nhưng việc đầu tư, khai thác phát triển làng nghề gắn với du lịch còn nhiều hạn chế, manh mún, mang nhiều tính tự phát; giá trị kinh tế thu được từ du lịch làng nghề còn ít, số lượng khách du lịch đến với làng nghề còn chưa nhiều; nền văn hóa, xã hội làng nghề truyền thống bị biến đổi mạnh bởi quá trình đô thị hóa và tác động ảnh hưởng của kinh tế thị trường; vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường làng nghề chưa được quan tâm thỏa đáng, nên làng nghề chưa hấp dẫn khách du lịch tìm đến. Ngoài ra, quan trọng hơn hết là các làng nghề chưa quan tâm đến việc bổ sung các không gian chức năng còn thiếu trong cấu trúc làng truyền thống để phục vụ và thu hút khách du lịch.

Việc nghiên cứu đánh giá tình hình tổ chức không gian kiến trúc (TCKGKT) làng nghề truyền thống TVNĐBSH gắn với du lịch; phân tích các yếu tố tác động ảnh hưởng đến TCKGKT làng nghề truyền thống TVNĐBSH gắn với hoạt động kinh tế du lịch và đề xuất các giải pháp TCKGKT làng nghề truyền thống TVNĐBSH gắn với du lịch. là cần thiết và cấp bách.

Thực trạng hoạt động kinh tế du lịch gắn với làng nghề truyền thống TVNĐBSH

Hiện nay, TVNĐBSH có 7.784 điểm du lịch văn hóa, trong đó phải kể đến các di tích lịch sử có giá trị tại các làng nghề truyền thống; mỗi năm bình quân thu hút tới hơn 10.954 triệu lượt khách đến tham quan du lịch văn hóa trong vùng (hình 1,2). Các hoạt động kinh tế tại các làng nghề truyền thống TVNĐBSH đã có nhiều thay đổi về sản xuất và kinh doanh sản phẩm làng nghề. Cụ thể đã hình thành các công ty thương mại, các cửa hàng buôn bán, các trang điện tử giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề kết hợp với sản xuất tại các hộ gia đình. Do đó mặt hàng làng nghề ngày càng được nhiều người trong và ngoài nước biết và tìm đến mua bán sản phẩm và tham quan làng nghề. Từ đây, hình thành nên hoạt động kinh tế gắn đến du lịch như dịch vụ đưa đón khách du lịch, tổ chức tiếp đón, ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi, du lịch trải nghiệm và giới thiệu các loại sản phẩm làng nghề tới tận tay khách du lịch. Hoạt động du lịch đã mang lại cho các làng nghề nhiều giá trị, trong đó làm tăng thu nhập, mức sống cho người dân, đưa văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như các mặt hàng truyền thống của làng nghề đến khách du lịch, thông qua du lịch sẽ nhân rộng quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề ra khắp bốn phương.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế thương mại nói chung hoạt động kinh tế du lịch nói riêng của các làng nghề TVNĐBSH chưa có sự gắn kết giữa các làng nghề trong cụm xã hay trong huyện, tỉnh; sự quảng bá thương mại và văn hóa làng nghề còn mang tính tự phát, chỉ tập trung vào làng nghề cụ thể nhưng chưa xuyên suốt hệ thống các làng có cùng hệ thống sản phẩm hay các làng có di tích văn hóa, các hoạt động lễ hội nên chưa thực sự hấp dẫn thu hút khách du lịch; đặc biệt các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa có giá trị như đình làng, đền thờ, chùa, miếu…, các lễ hội truyền thống chưa thực sự gắn chặt với việc giới thiệu, buôn bán, kinh doanh sản phẩm của làng nghề; các không gian đón tiếp, không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, không gian thương mại, không gian dịch vụ, không gian lưu trú… chưa được quan tâm đầu tư xây dựng; các không gian di tích lịch sử văn hóa hiện đang bị lấn chiếm, xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng chưa được trùng tu bảo tồn, phát triển mở rộng các không gian nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với làng nghề; môi trường vệ sinh các làng nghề chưa được chú trọng, rác thải, nước thải làm ảnh hưởng đến môi trường không khí, môi trường nước, đó cũng là lý do làng nghề truyền thống TVNĐBSH chưa đáp ứng du lịch văn hóa làng nghề.

Nhìn chung, việc phát triển du lịch văn hóa là tính tất yếu trong hoạt động kinh tế làng nghề, do đó nếu không có sự quan tâm của các cấp, các ngành về sự phát triển kinh tế làng nghề truyền thống một cách bền vững thì tại các ngành nghề sẽ phát triển tự phát các không gian dịch vụ du lịch, dẫn đến sự xây dựng xô bồ, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến các công trình di sản văn hóa làng nghề truyền thống.

Các yếu tố tác động ảnh hưởng đến TCKGKT làng nghề truyền thống TVNĐBSH

– Đô thị hóa: Đô thị hóa mang lại cho làng nghề truyền thống nhiều mặt tiêu cực hơn là tích cực, khi nền văn hóa đô thị ảnh hưởng đến làng nghề sẽ bào mòn, xâm lấn dần các giá trị văn hóa lâu đời, kể cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị di sản văn hóa làng nghề mất dần, đồng nghĩa với việc không đủ kích cầu cho các hoạt động du lịch vì khách du lịch không chỉ đến với các sản phẩm của làng nghề mà còn đến tham quan các loại hình di sản văn hóa truyền thống. Vì vậy, chúng ta cần phải hạn chế khả năng đô thị hóa đến làng nghề, xây dựng một làng nghề truyền thống trong lòng một đô thị phát triển, đó chính là những giải pháp hiệu quả nhất cho việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa làng nghề mà không bị chi phối tác động của đô thị hóa.

– Công nghiệp hóa – hiện đại hóa: Khác với yếu tố đô thị hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa là các yếu tố có tác động ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển các làng nghề truyền thống TVNĐBSH, nhất là gắn với các hoạt động du lịch. Đó là: 1/ Góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn, dịch chuyển sản xuất kinh tế sản phẩm làng nghề thuần túy sang kết hợp với trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thương mại làng nghề, đưa du lịch văn hóa và du lịch làng nghề vào kích cầu cho sản xuất làng nghề; 2/ Làm động lực để phát triển, nâng cao chất lượng cho hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật làng nghề.

Hình 2: Cổng làng và nghề dệt lụa tại làng nghề truyền thống Nha Xá, Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam

– Phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội làng nghề: Văn hóa truyền thống rất có giá trị trong quá trình phát triển du lịch làng nghề, là động lực thu hút khách du lịch đến với làng nghề, do đó cần kế thừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bảo tồn phát triển các di sản văn hóa của làng nghề.

– Phát triển các hoạt động kinh tế du lịch: Các hoạt động du lịch làng nghề gồm có lễ hội, du lịch văn hóa, trải nghiệm làng nghề, tham quan mua bán sản phẩm làng nghề,… Vì vậy, cần tổ chức các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ đáp ứng các hoạt động du lịch nêu trên tại các làng nghề truyền thống tại TVNĐBSH.

– Nhu cầu du lịch văn hóa làng nghề: Ngày nay, do xã hội phát triển nên nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao, nhất là các hoạt động dành cho du lịch văn hóa làng nghề ngày được người dân quan tâm. Có thể thấy phần lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị đều nằm ở các làng nghề truyền thống, vì vậy các làng nghề trong cả nước nói chung cũng như làng nghề truyền thống TVNĐBSH nói riêng đều là điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa.

– Vấn đề vệ sinh môi trường làng nghề: Một vấn đề còn nan giải nhất, đó là vấn đề ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường tại các làng nghề truyền thống. Môi trường làng nghề nếu bị ô nhiễm sẽ không thể hấp dẫn khách du lịch đến với làng nghề, từ đó sẽ không thể phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các làng nghề truyền thống.

Một số giải pháp TCKGKT làng nghề truyền thống TVNĐBSH gắn với hoạt động kinh tế du lịch

1. Bổ sung các không gian chức năng cho cấu trúc không gian làng nghề truyền thống đáp ứng hoạt động kinh tế du lịch. Cụ thể như sau:

– Chức năng phục vụ chung làng nghề: Khu vực đón tiếp, khu vực dừng nghỉ chân, bãi đỗ xe ô tô, không gian trưng bày, tham quan giới thiệu sản phẩm làng nghề, dịch vụ ăn uống, vệ sinh;

– Chức năng phục vụ riêng tại các hộ gia đình: Dịch vụ quảng bá giới thiệu sản phẩm, tham quan trải nghiệm; Ăn uống, ngủ nghỉ dạng homestay;

– Chức năng kho, sân bãi chứa nguyên vật liệu, bãi tập kết sản phẩm làng nghề trước khi vận chuyển; sơ chế, chế biến sản phẩm. Do khả năng thu hút của các di sản văn hóa làng nghề đối với khách du lịch nên cần chú ý bố trí các dịch vụ nghỉ chân, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu vực có giá trị cảnh quan và di sản kiến trúc như đình, ao, cổng làng; Mua bán giới thiệu sản phẩm tại chợ làng, các trung tâm mua sắm; Hoạt động văn hóa, lễ hội tổ chức tại sân đình; Hoạt động tâm linh tại chùa, đền, miếu làng…

2. Tổ chức hệ thống các làng nghề theo hướng phục vụ du lịch:

Căn cứ vào vị trí các làng nghề truyền thống tại TVĐBSH, vào hệ thống giao thông đường bộ, đường sông kết hợp với các di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên có thể tổ chức các tuyến du lịch văn hóa làng nghề theo một số giải pháp sau:

– Tổ chức theo dạng tuyến – điểm (Các làng nghề truyền thống là các điểm trong không gian): Tổ chức các làng nghề, các công trình di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thành một tuyến phục vụ khách du lịch, cần kết hợp với các công trình phục vụ như điểm đỗ xe, điểm bán vé, tiếp đón, giới thiệu sản phẩm, thương mại, dịch vụ ăn uống, vệ sinh. Tất cả các công trình dịch vụ nêu trên đều được bố trí tại đầu làng, thuận lợi kết nối giao thông, một số điểm nghỉ chân, ăn uống và mua sắm được bố trí đan xen trong làng. Giải pháp này sử dụng cho các làng nghề đơn lẻ, cách xa nhau trong cùng huyện hoặc tỉnh, đồng thời các làng nghề cùng bám theo tuyến đường bộ hoặc đường sông.

– Tổ chức theo dạng tuyến – nhóm điểm, cụm điểm (các làng nghề truyền thống là các nhóm điểm trong không gian): Tổ chức các làng nghề thành nhóm, cụm kết hợp với các công trình di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thành một tuyến phục vụ khách du lịch. Giải pháp này áp dụng cho các làng nghề gần nhau tạo thành các cụm làng nghề trong cùng huyện hoặc tỉnh.

3. Giải pháp chỉnh trang, cải tạo các không gian làng nghề truyền thống TVNĐBSH phục vụ hoạt động du lịch:

– Không gian lễ hội, không gian sinh hoạt cộng đồng: Cần cải tạo chỉnh trang, trùng tu, phục chế, bảo tồn các công trình phục vụ tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo trong làng đã bị xuống cấp, đặc biệt chú ý các công trình thờ cúng thành hoàng làng, thờ tổ nghề của làng nghề. Không gian chợ làng nên giữ gìn theo phong cách chợ truyền thống bên cạnh các không gian thương mại, siêu thị nếu có.
Đối với các không gian phục vụ lễ hội, không gian vui chơi giải trí, không gian cây xanh, mặt nước cần cải tạo, chỉnh trang tiếp tục phát triển nếu có thể hoặc giữ gìn nguyên trạng, tránh bị xâm hại, chiếm dụng phục vụ các mục đích khác.

– Không gian nhà ở: Thường kết hợp với các hoạt động sản xuất, đây chính là các không gian cốt lõi để sản xuất ra các sản phẩm làng nghề đồng thời cũng là nơi khách du lịch thích thú được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm làng nghề. Không gian nhà ở được chia làm hai, không gian bên ngoài là khuôn viên nhà ở và bên trong là không gian ở; khuôn viên là nơi chủ yếu phục vụ sản xuất kết hợp với các hoạt động sinh hoạt chung của gia đình khi có công việc như tiệc tùng, cưới xin, hiếu, hỉ… Khuôn viên ngôi nhà cần bổ sung thêm các không gian phục vụ khách du lịch như không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, không gian nghỉ chân, không gian nhà xưởng sản xuất trải nghiệm, khu vệ sinh, không gian lưu trú phục vụ khách du lịch. Một số hộ gia đình nếu không có điều kiện phát triển sản xuất nên chuyển sang chuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm làng nghề và làm các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Không gian ở nên bố trí thành khu vực riêng biệt, đầy đủ chức năng đảm bảo điều kiện ăn ở, ngủ nghỉ của gia đình, nếu điều kiện đất đai chật hẹp, có thể bố trí không gian ở lên các tầng trên của ngôi nhà.

Các không gian bổ sung mới trong không gian nhà ở có thể cải tạo từ các không gian cũ hoặc mở rộng, xây dựng các không gian mới, tuy nhiên cần chú ý gìn giữ và phát huy các hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn và nhất là các ngôi nhà gỗ truyền thống có giá trị kiến trúc, lịch sử lâu đời nhất thiết không được phá bỏ mà chỉ nên tôn tạo, bảo tồn.

– Không gian sản xuất: Rất quan trọng đối với các làng nghề truyền thống, các công đoạn sản xuất mang tính thủ công, ít độc hại đến môi trường được kết hợp với không gian ở trong khuôn viên ngôi nhà, nhà xưởng, sân, hiên, không gian phòng khách đều được tận dụng làm không gian sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường ở và sản xuất do đó không gian xưởng sản xuất đảm bảo hệ thống thông gió, hút bụi, hút mùi…, nhà xưởng có thể tổ chức trước khu đất, hoặc bên cạnh, phía sau hoặc tầng dưới đối với ngôi nhà ở phục vụ thuận tiện cho khách du lịch tham quan trải nghiệm.
Đối với các công đoạn sản xuất lớn, độc hại, không gian sản xuất nên tập trung vào một khu vực cuối hướng gió, cuối nguồn nước của làng nghề hay một cụm làng nghề, các xưởng sản xuất tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.

– Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, tiếp đón khách du lịch, bãi đỗ xe: Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm bố trí thành khu vực riêng, phía trước ngôi nhà, gần với cổng ra vào và đường làng, thuận lợi giao thông đi lại, nên tổ chức thêm cây xanh mặt nước bên cạnh để tạo nên cảnh quan đẹp cho khách du lịch nghỉ chân và tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề. Đối với một làng nghề, các không gian trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm tập trung nên bố trí tại khu vực đầu làng, gần với chợ làng và tiện lợi đối với đường giao thông thủy, bộ. Đối với một cụm làng nghề nên bố trí tại các thị tứ, gần các trục đường giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và khách du lịch đến tham quan, mua sắm.
Không gian tiếp đón, bãi đỗ xe được bố trí kề liền với không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thành một tổ hợp phục vụ du lịch.

+ Hệ thống giao thông, cây xanh: Nhằm tạo nên cảnh quan đẹp cho làng nghề đồng thời thu hút khách du lịch, cần thiết phải trồng nhiều cây xanh, tận dụng mặt nước có sẵn của làng nghề như hồ, ao, giếng làng, mặt sông để khai thác cảnh quan du lịch. Đối với hệ thống giao thông, nên mở rộng để phục vụ xe vận chuyển khách du lịch, vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa phục vụ lưu thông đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế làng nghề.

+ Xử lý chất thải, rác thải, vệ sinh môi trường: Các loại chất thải rắn, nước thải, khí thải, nồng độ bụi của làng nghề hay cụm làng nghề phải được xử lý thông quan hệ thống tập trung trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

4. Giải pháp quản lý hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng:

– Để hoạt động kinh tế du lịch làng nghề đạt hiệu quả cao, cần thiết đưa cộng đồng dân cư tham gia vào các công tác tổ chức, quản lý, vận hành, thực hiện và hưởng lợi ích từ du lịch làng nghề mang lại:

– Đối với việc thực hiện, người dân được tham gia góp ý từ khâu bố trí quy hoạch các không gian, chức năng phục vụ du lịch, được tham vấn, đóng góp ý kiến trong việc triển khai các hoạt động phát triển du lịch của làng nghề.

– Đối với công tác quản lý, vận hành người dân được cử đại diện thông qua chủ nhiệm hợp tác xã, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tham gia cùng với chính quyền địa phương vào tất cả các quy trình quản lý và vận hành các hoạt động kinh tế du lịch làng nghề.

Cộng đồng dân cư có nghĩa vụ đóng góp công sức và kinh phí, cùng với chính quyền quản lý, thực hiện các hoạt động trong tổ chức hoạt động phục vụ du lịch làng nghề; Là những người tham gia trực tiếp và hưởng lợi từ cách hoạt động buôn bán, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú…

Kết luận

TVNĐBSH có tính đặc thù về địa hình, về nền văn hóa đặc trưng, do đó có rất nhiều làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa có giá trị. Việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động kinh tế du lịch là vô cùng cần thiết trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái các khu vực nông thôn.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển gắn với du lịch về nguồn vốn, về chủ trương, về định hướng; Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm tổ chức phát triển làng nghề theo hướng gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề; Cộng đồng dân cư cần tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch, đầu tư vốn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của làng nghề phục vụ du lịch; Các nhà chuyên môn nên quan tâm đến điều kiện văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế và nhất là đặc điểm sản xuất, đặc điểm sản phẩm của mỗi làng nghề truyền thống để từ đó giúp tổ chức quy hoạch, bố trí các không gian chức năng cho cấu trúc làng nghề, các không gian và hình thức kiến trúc nhà ở cho mỗi hộ gia đình; Tổ chức hệ thống giao thông, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề, tổ chức hệ thống cây xanh, mặt nước cảnh quan, từ đó ngày càng hấp dẫn khách du lịch đến với làng nghề truyền thống TVNĐBSH nói riêng và các làng nghề trong cả nước nói chung.

*PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi
Trường Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
[1]. Quyết định số 795/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSH đến năm 2020”.
[2]. Cục thống kê tỉnh Thái Bình, Thực trạng làng nghề tỉnh Thái Bình năm 2017, Nhà xuất bản Thống kế (2017).
[3]. Sở Công thương Hà Nam, Hà Nam phát triển làng nghề theo hướng bền vững (2016)
[4]. Báo Công thương, Bộ Công thương, Nam Định nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề (2017).
[5]. Báo Ninh Bình, Để làng nghề phát triển bền vững (2016).
[6]. Văn hiến Việt Nam, Hà Nội làng nghề trước thực trạng khó khăn, chậm phát triển (2017)
[7]. Báo Vĩnh Phúc, Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch (2017).
[8]. Báo Hưng Yên, Để làng nghề phát triển bền vững (2017).
[9]. Tạp chí Cộng sản, Phát triển làng nghề ở Bắc Ninh theo hướng bền vững (2018)
[10]. Nguyễn Đình Thi, Kiến trúc Nhà ở nông thôn, NXB Xây dựng (2011).
[11]. Phạm Côn Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc.
[12]. Internet

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343