Chơi là hình thức hưởng thụ ở bậc cao, bởi có lẽ để chơi được thì phải có rất nhiều điều kiện cần và đủ. Để có chơi được, người ta cần có tiền, thời gian, công sức, trí thức và độ “đam mê”. Nước ta xưa cũng không có nhiều người “Chơi”, Việc chơi được tập trung phần lớn ỏ những người “ bậc trên”, và những vùng đất có kinh tế, xã hội phát triển , ví như Kinh đô , Kẻ chợ … đây là vùng đất tập trung chủ yếu của quan lại và tầng lớp trung lưu. Cư dân những vùng này có lẽ mới đáp ứng đủ những điều kiện cho việc “Chơi”.
Cái thú ăn chơi “kinh điển” của người Kẻ chợ vốn đã hình thành từ xa xưa khi nó còn mang tên Đại La, Thăng Long cho đến tận trước cách mạng tháng Tám. Cái thú ấy có phần “lặn” vào phía khuất của cuộc sống một thời gian dài khi mà đất nước trải qua những thay đổi lớn lao của chế độ mới.
Phạm Đình Hồ đã viết về thú chơi hoa trong “Vũ trung tùy bút”: …Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả. Mỗi loài hoa có ngôn ngữ riêng, vì thế tùy theo sở thích, nếp nhà và điều kiện kinh tế mà người Thăng Long – Hà Nội tìm một loài hoa phù hợp. Cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm vì thế những người có tâm hồn, những gia đình có truyền thống Nho giáo thích cắm cúc trong ngày xuân. Mẫu đơn là “thiên hương quốc sắc” và theo tích của Trung Hoa, mẫu đơn không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc, nhất quyết không chịu tù hãm trong vườn của đám vương quyền để đem sắc đẹp, hương thơm ban rải cho mọi người. Vì thế mẫu đơn được nhiều nhà Nho khẳng khái ưa trưng trong ngày Tết. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, ăn ở như bát nước đầy nên các gia đình nền nếp thích mua. Cành hải đường cắm vào bình sứ Bát Tràng men xanh, loại men không khoe khoang, có chiều sâu sẽ càng làm tăng vẻ chín chắn, mặn mà. Hoa hồng thanh cao được chọn làm hoa để cúng ở chùa chiền, đền miếu và trên bàn thờ tổ tiên. Hoa thủy tiên trắng ngần tượng trưng sự tinh khiết, cao sang. Sự tích hoa thủy tiên trong dân gian Việt Nam cho thấy loài hoa này mộc mạc và chân tình…”
Ban đầu đây đều là thú chơi cá nhân, những người chơi hợp nhau và lập hội của từng loài hoa ví dụ như có hội chơi Thủy tiên, hội chơi hoa trà my. Hội hoa lập ra, người chơi mang hoa của mình ra hội bày, cây đẹp nhất sẽ được giải của Hội.
Thế kỉ thứ 14, Nguyễn Trãi đã viết trong sách “Dư địa chí”,: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Cầu Đông là cây cầu bắc qua sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long, tương ứng với khu vực đầu phố Hàng Đường ngày nay. Chợ họp quanh cây cầu vì ở đây có bến để thuyền bè đưa hàng đi các nơi và cũng là bến đón hàng các nơi về. Chợ Tết bắt đầu họp vào ngày 23 tháng Chạp nên chợ hoa cũng họp vào ngày này.
Cầu Đông là chợ lớn nhất kinh thành nhưng Thăng Long còn có nhiều chợ khác cũng bán hoa. Gần thành có chợ Yên Quang, chợ đã đi vào ca dao Hà Nội:
“Ngày rằm phiên chợ Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua”.
Đất Kẻ chợ xưa có chợ Võng Thị vì vùng đất này được gọi là Võng Thị điền hoa. Phía Tây có chợ Bưởi, phía Tây Bắc có chợ Vẽ họp ngay gần đò Ngác… những Chợ này xưa là những nơi cung cấp hoa cho những dân chơi hoa khó tính của đất Kẻ chợ.. Khi sông Tô Lịch bị lấp thì chợ Cầu Đông không còn, chính quyền cho xây chợ mới Đồng Xuân phía trên. Chợ hoa Tết cũng chuyển lên phố Hàng Khoai. Khoảng năm 1910-1915, chính quyền chuyển ra Hàng Lược. Vị trí chợ hoa ở chỗ từng là cái cống bắc ngang sông tô nên còn gọi là chợ hoa Cống Chéo – Hàng Lược.
Chuyện xưa kể rằng ở phía Đông núi Sóc có một cây hoa đào lâu đời, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy đầy quyền uy trú ngụ ở đây che chở cho dân chúng khắp vùng. Thế nên ma quỷ không dám bén mảng, chỉ nhìn thấy hoa đào là chúng bỏ chạy. Như các vị thần khác dưới trần, cuối năm hai vị này cũng phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Lợi dụng hai thần đi vắng, ma quỷ đã đến quấy nhiễu. Vì thế để ma quỷ khỏi quấy phá, vào ngày Tết, dân chúng đã bẻ cành hoa đào cắm trong nhà.
Tranh dân gian Hàng Trống, bộ tranh tứ bình “Bốn mùa” nghệ nhân thường vẽ 4 loài hoa đại diện cho 4 mùa, thì hoa đào đại diện cho mùa xuân. Xưa người ta chơi đào không chỉ vào chính Tết, ngay từ rằm tháng Chạp, nhiều người đã mua đào, chơi đến 26, 27 Tết thì lại thay cành mới. Ra Giêng, các gia đình còn mua thêm những cành nhở, cắm trên bàn thờ cho tới Rằm Tháng Giêng. Mua Đào phải chọn cành nhiều nụ, và mầm lá gọi là lộc. Chọn tinh là phải chọn được cành tới đúng mùng 1 Tết thì nở rộ, vì theo phong tục thế mới may mắn.
Thông qua việc chọn đào, người ta cũng gửi gắm mong muốn vào trong đó, ví dụ mong muốn gia đình đoàn tụ người chọn thế Long giao, muốn con cái phương trưởng người ta chọn cành hình nơm. Đào là khí dương nên chơi đào bích, đào phai, đào thất thốn hay đào bạch thì đều rực khí dương trong nhà.
Từ thú chơi hoa chậu với các loài truyền thống, tới cuối thế kỉ 19, người Kẻ chợ với cuộc sống đô thị được hình thành rõ nét, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn, người Hà Nội dần chuyển sang chơi hoa Tây cắm bình. Cũng trong thời gian này, người Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1989, một số nhà thực vật người Pháp đã lập ra vườn Bách Thảo để trồng thí nghiệm các giống cây, giống hoa (người dân quen gọi là Trại Hàng hoa) trên đất của làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp. Nhờ có vườn Bách thảo mà dân 2 làng này đã có thêm những giống các loài hoa mới để trồng.
Ngoài các giống cây bản địa, người Pháp còn nhập các giống cây nhiệt đới từ châu Phi, các loại hoa, rau, củ quả từ các nước ôn đới ở châu Âu phù hợp với khí hậu miền Bắc. Hoa nhập từ châu Âu gồm có: Qillet (cẩm chướng), Panse’e (hoa bướm), Marquerite’ (cúc vàng), Violette (hoa tím)… Ban đầu, hoa trồng ở đây chỉ phục vụ những gia đình người Pháp trong các dịp lễ, Tết, hay tiệc tùng của người Pháp. Dần dà những giống hoa mới này đã xuất hiện trên những lọ hoa ngày Tết của người Kẻ chợ, những lọ hoa đó đầy mầu sắc như Violet – Tím, Thược dược – đỏ , vàng, trắng, lay-dơn – trắng, hồng… cho tới nay việc cắm một bình hoa như vậy vẫn được ưa chuộng.
Hà Nội ngày nay đã khác Hà Nội xưa nhiều lắm. Thủ đô đang được quy hoạch bởi rất nhiều những nhà cao tầng. Những làng hoa như Nghi Tàm, Ngọc Hà giờ đã không còn trồng hoa. Người bán hoa giờ toàn từ Hưng Yên lên bán …Những nét thanh lịch của người Tràng An dường như cũng ít thấy hơn. Rất khó để tìm ra nét khác biệt mang tính đặc thù. Nhưng vẫn còn đâu đó trên chung cư cao tầng kia một cành đào nho nhỏ hay một lọ hoa đủ cả Violet, Thược dược, Lay dơn… thế cũng an ủi được người Kẻ chợ đôi chút, rằng: “Nếp cũ vẫn còn”.
Tô Chiêm
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)