Bối cảnh đô thị hóa và địa chính trị mới trên thế giới và trong khu vực
Thế kỷ 21 là thế kỷ của đô thị và đô thị hóa. Năm 2008, lần đầu tiên dân số thế giới sống trong các đô thị vượt mốc 50%, và ngày càng chiếm đa số do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Các đô thị là nơi tập trung ngành nghề, kinh tế, sản xuất và dịch vụ, là động lực phát triển của mỗi quốc gia. Dù chỉ chiếm 2% diện tích thế giới, các thành phố là nơi tiêu thụ tới 80% tài nguyên thiên nhiên. Điều này góp phần dẫn tới các hệ quả xấu về môi trường. Song song với đô thị hóa là quá trình toàn cầu hóa trong một “thế giới phẳng”, với hội nhập quốc tế, đầu tư và di cư toàn cầu tăng, trong khi khoảng cách phát triển vùng miền và bản sắc địa phương giảm. Thế kỷ này cũng được gọi là “Thế kỷ của châu Á”, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu lục này trong phát triển kinh tế và phát triển đô thị (PTĐT) với các đầu tàu đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, và các cộng đồng kinh tế như ASEAN, ASEAN+3 và tiểu vùng sông Mekong.

Việt Nam có vị trí địa chiến lược như thế nào? Xưa nay, chúng ta thường biết đến chuyện Việt Nam nằm trong khu vực châu Á có sự phát triển kinh tế năng động bậc nhất thế giới. Theo phương Bắc-Nam, nước ta là cửa ngõ mậu dịch từ Trung Quốc xuống ASEAN. Theo chiều Đông-Tây, ta là điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông-Tây ở Tiểu vùng Sông Mekong. Thêm vào đó, Việt Nam có đường bờ biển dài và một số cảng nước sâu nên ngày càng được chú mục trên trường quốc tế.
Trong số những diễn biến địa chính trị mới và ít được nhắc tới hơn, xin đề cập đến hai sáng kiến tham vọng ở phạm vi toàn cầu và khu vực, mà Việt Nam nằm lọt trong những “bàn cờ” lớn như vậy.
Đầu tiên là “Sáng kiến Vành đai – Con đường” (Belt and Road Initiative) nhiều tỉ USD của Trung Quốc. Lần đầu được công bố năm 2013 với tên gọi “Một vành đai – Một con đường” (One Belt One Road), Trung Quốc đang triển khai rất rốt ráo và tham vọng trở thành bá chủ thế giới bằng việc chủ trì đầu tư, xây dựng và kiểm soát các tuyến hạ tầng vận tải huyết mạch trên bộ và trên biển liên lục địa, nhắm tới 152 nước. Đây được ví như những “Con đường Tơ lụa Thế kỷ 21”. “Vành đai” (Belt) chỉ các tuyến vận tải đường bộ và đường sắt, trong khi “Con đường” (Road) là các tuyến vận tải hàng hải, qua đó dòng vốn cũng như công nghệ của Trung Quốc sẽ được xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong bàn cờ này, Việt Nam là một mắt xích nối liền Trung Quốc với ASEAN. Những dự án hạ tầng vĩ mô ở Việt Nam đang rục rịch khởi động như tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc Nam đóng vai trò then chốt để nối mạch “vành đai”, trong khi tham vọng kiểm soát biển Đông của Trung Quốc đóng vai trò kiểm soát “con đường” (Hình 1). Tuy nhiên, nhiều nước đang hoài nghi về tính khả thi của dự án, và số nước không ủng hộ cũng tăng dần lên.
Để cạnh tranh với Trung Quốc và cân bằng lại phần nào ảnh hưởng trong khu vực, Nhật Bản đã cam kết hậu thuẫn toàn diện và mạnh mẽ cho sáng kiến “Mạng lưới Đô thị thông Minh ASEAN” (ASEAN Smart City Network, ASCN) do Singapore khởi xướng và làm hạt nhân hình mẫu, mới được chính thức thành lập tháng 11/2018 (hình 2). Đối với Nhật Bản, sáng kiến này mở ra một thị trường ASEAN rộng lớn và phát triển nóng cho các công ty công nghệ cao của Nhật vốn đang lao đao với thị trường trong nước do kinh tế suy thoái và dân số già hóa. Nhật sẽ phối hợp với ASEAN để hiện thực hóa ASCN thông qua hợp tác với Chương trình “Xã hội 5.0” (Society 5.0) của Nhật, Mạng lưới Đổi mới ASEAN-Japan (ASEAN-Japan Innovation Network), JETRO và các tổ chức khác. Hai mươi sáu thành phố của 10 quốc gia ASEAN được chọn thí điểm đưa vào “bàn cờ” ASCN, và Việt Nam có ba thành phố chủ chốt là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng (Đọc thêm tại CLC, 2018). Điều này liên quan đến việc lựa mô hình đô thị ưu tiên như trong đề xuất ở cuối bài.

Bức tranh tổng thể trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn để phát triển, song cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ như toàn cầu hóa với sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt, những diễn biến xấu của biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái, kéo theo sự gia tăng ô nhiễm và thảm họa thiên tai.
Xu hướng toàn cầu về PTĐT và định hướng của Việt Nam
Trong vòng vài thập niên trở lại đây, đi đôi với những thách thức toàn cầu lớn là những tín hiệu tích cực của sự phát triển vũ bão của công nghệ, sự hình thành các mô hình kinh tế mới trong đó có kinh tế sáng tạo, sự trỗi dậy của cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up hay ground-up) và tiếp cận tham dự (participatory)… Trong bối cảnh đó, các xu hướng phát triển và mô hình đô thị mới lần lượt nổi lên, lan tỏa tầm ảnh hưởng và thậm chí trở thành cuộc chạy đua trong khu vực hay toàn cầu. Bảng 1 tóm tắt những xu hướng này và liên hệ với định hướng và bối cảnh của Việt Nam.

Nhìn vào bảng, ta có thể thấy một số mô hình đô thị liên quan lẫn nhau. Thí dụ một thành phố đáng sống thì thường là xanh, sáng tạo và bền vững. Một điều cần lưu ý khác là trong thuật ngữ gốc tiếng Anh, Innovative City khác biệt về bản chất với Creative City. Innovative City lấy liên kết giữa doanh nghiệp với nghiên cứu và công nghệ làm nền tảng (và do vậy khá gần với Smart City), trong khi Creative City dựa chủ yếu vào giới công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, Innovative City thường được dịch là Đô thị Sáng tạo, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về định hướng PTĐT1
Phát triển đô thị ở Việt Nam sau Đổi mới và phân tích khả năng triển khai những xu hướng thời đại
Sau hơn ba thập kỷ mở cửa phát triển kinh tế, Việt Nam đã có những bước Phát triển đô thị (PTĐT) vượt bậc. Sự tăng trưởng không chỉ về số lượng đô thị, qui mô dân số và đất đai, mà đã hướng tới việc nâng cao dần chất lượng đô thị và phát triển bền vững. Đô thị Việt Nam dần dần có môi trường sống và làm việc tốt hơn, sức cạnh tranh cao hơn trong thu hút đầu tư, thực sự trở thành hạt nhân của quá trình hiện đại hoá đất nước. Sự tham gia đa dạng của các tập đoàn tư nhân lớn cũng đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Qua phân tích, ta có thể thấy nguồn nhân lực tương đối trẻ, rẻ và năng động cùng các cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ quốc tế ở Việt Nam là rất lớn. Song nguồn nhân lực cũng đang thay đổi dần theo hướng bất lợi khi dân số đang bị già hóa dần và nhân công ngày một tăng. Yếu tố quyết định, chìa khóa tới thành công trong bối cảnh mới nằm ở đổi mới căn bản tư duy, hệ thống thể chế, chính sách pháp luật (như một cuộc “Đổi mới 2”), trong đó yếu tố con người luôn là sống còn.



Kết luận và kiến nghị
Thông qua những phân tích đa dạng, đa chiều, chúng ta có thể thấy tiềm năng và cơ hội PTĐT cho Việt Nam là rất lớn. Song chúng ta cũng cần vượt qua những thách thức và rào cản không nhỏ, tìm ra những hướng đi có tính chiến lược, khôn ngoan, thực tế và khả thi theo một lộ trình hợp lý, toàn diện và có tính hệ thống.
Dưới đây là một số kiến nghị về chiến lược PTĐT cho thời kỳ mới, với tầm nhìn PTĐT vừa đột phá, vừa bền vững. Các chiến lược và hành động đề xuất được chia thành 6 mảng chủ đạo và sắp xếp theo chuỗi quay vòng: (1) xây dựng hệ thống R&D (nghiên cứu và phát triển); (2) xây dựng chiến lược quốc gia; (3) xây dựng hệ thống chính sách; (4) xây dựng cơ chế tài chính; (5) xác định phương châm triển khai; (6) Lựa chọn mô hình ưu tiên; rồi quay trở lại (1) với mức độ hoàn thiện hơn. Hình 5 mô tả sơ đồ hệ thống kiến nghị này với những chiến lược và hành động cụ thể.

Thành quả của ba thập kỷ PTĐT mạnh mẽ và đứng trước những vận hội mới trong thời đại “4.0” đem lại nhiều cảm hứng và hi vọng. Nếu xây dựng được những tư duy chiến lược, định hướng táo bạo, lộ trình phù hợp và khả thi, đội ngũ đa ngành có tâm và có tầm, mạng lưới liên kết trong và ngoài nước mạnh, các kênh tài chính đa dạng và mềm dẻo, đầu tư hiệu quả cao và phân vai trò, thế mạnh mỗi vùng miền rõ ràng, chúng ta có thể vượt qua nhiều thách thức để phát triển đột phá, hướng tới tương lai PTĐT nhanh, mạnh và bền vững, sánh tầm khu vực và quốc tế.
Ghi chú
- Chẳng hạn, TP.HCM hiện đang có chủ trương biến khu phía Đông thành phố thành “đô thị sáng tạo” (truyền thông đã đưa tin rất rộng rãi), tuy nhiên khi đọc chi tiết các định hướng đi kèm thì thấy về bản chất không phải là Creative City mà là muốn hướng tới Innovative City.
- SWOT – bao gồm Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác trong đó có PTĐT.
Tài liệu tham khảo chính
- Tạp chí Xây dựng (27/5/2008). http://www.xaydung.gov.vn/web/guest/trang-chi-tiet/-/tin-chi-tiet/Z2jG/86/23257/nhung-thanh-tuu-cua-nganh-xay-dung-trong-linh-vuc-kien-truc-quy-hoach-sau-20-nam-doi-moi.html
- Tô Kiên (2018). Không gian Công cộng trong Thành phố Đáng sống và Nhân văn. Tạp chí Quy hoạch số 30+31/2018, trang 76-83
- Tô Kiên, Miho Miyoshi và Atsuyuki Nakaseko (2018). Smart plus livable: How public space should be designed towards smart and livable districts. Tham luận tại Hội thảo Quốc tế của Hiệp hội các Hội Quy hoạch Châu Á-Thái Bình Dương APPS, Đại học Kiến trúc TP HCM, tháng 8/2018
- Centre for Liveable Cities (CLC) (2018). ASEAN Smart Cities Network. CLC Publications. Sách điện tử có thể download tại: https://www.clc.gov.sg/docs/default-source/books/book-asean-smart-cities-network.pdf
Tô Kiên – Kiến trúc sư Quy hoạch và Chuyên gia Cao cấp
Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ tầng Eight-Japan (EJEC)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)