Phát huy giá trị kinh tế của di sản đô thị thời Pháp thuộc trong phát triển đô thị Hà Nội và TPHCM

Di sản đô thị là nhóm di sản văn hóa có qui mô lớn nhất trong mọi loại hình di sản mà con người kiến tạo được trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Di sản đô thị có tính nhị nguyên: Vừa là sản phẩm của sáng tạo từ văn hóa loài người, vừa là môi trường bao chứa những hoạt động văn hóa ấy. Do vậy, di sản đô thị là dạng di sản phức hợp, quí giá và luôn phát triển tiếp nối liên tục ngay từ trong nội tại của nó.

Tự thân di sản đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị tạo dựng hình ảnh và thương hiệu trong suốt quá trình hình thành và phát triển của một đô thị. Di sản đô thị còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó ăn sâu vào tâm thức cộng đồng cư dân và du khách. Gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội ngay tại địa phương và cả trên qui mô quốc gia.

Hình 1,2: Khung cảnh Hà Nội với Nhà hát Lớn là điểm nhấn cuối trục Tràng Tiền – (Nguồn: Wikipedia, 2019)

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hiện đại hóa đô thị, tại hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội và TP HCM, trong một số trường hợp đã ưu tiên cho các mục tiêu phát triển trước mắt hơn là duy trì lâu dài quỹ di sản kiến trúc – đô thị. Thời gian vừa qua đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận về những gì chúng ta đã và sẽ thực hiện với nhiều công trình kiến trúc được xem là di sản đô thị. Từ những tranh luận kéo dài giữa những người ủng hộ, bảo vệ, kiên quyết giữ di sản, với những nhà quản lý/nhà đầu tư muốn tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế hơn từ việc thay thế một phần, hoặc phá bỏ những di sản này, đã cho thấy những góc nhìn và quan điểm khác nhau. Khi chúng ta không có cùng một hệ quy chiếu về giá trị, sẽ rất khó để xác lập những luận cứ khoa học để thuyết phục và chứng minh cho tính đúng đắn của giải pháp sau cùng.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ hơn cách nhìn di sản đô thị dưới góc độ giá trị kinh tế, bởi những tác động tới di sản đô thị gần đây chủ yếu cũng vì lý do kinh tế. Bài viết mong muốn tham góp một cách nhìn thực tế hơn về di sản đô thị dưới những tác động chằng chéo của nhiều bên / nhiều nhóm cộng đồng có lợi ích không giống nhau. Chúng tôi lựa chọn di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội và TP HCM để phân tích vai trò và giá trị kinh tế của di sản, nhìn nhận di sản đô thị dưới góc độ giá trị kinh tế. Đây là nhóm di sản phong phú, đa dạng, có giá trị vật chất và giá trị sử dụng cao, có vai trò quan trọng trong quỹ di sản đô thị của hai thành phố.

Di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Hà Nội và TP HCM

Hà Nội và TP HCM là hai thành phố có di sản đô thị thời Pháp thuộc quy mô nhất ở Việt Nam là. Tại Hà Nội, khu vực trung tâm lịch sử tập trung nhiều di sản đô thị hình thành trước năm 1954. Các khu phố Pháp (còn gọi là khu phố cũ) được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 – nửa đầu thế kỷ 20, có hình thái hoà nhập hữu cơ giữa đô thị và công trình với các giá trị nổi bật:

  • Hệ thống đường phố, qui mô và tỉ lệ các công trình kiến trúc ăn nhập với “cơ thể” đô thị truyền thống, chuyển hóa với phố xá thời trước thành một thực thể khó có thể tách rời thông qua các con phố như Quán Sứ, Phủ Doãn, Tràng Tiền, Điện Biên Phủ…, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị giàu giá trị của Hà Nội. Sự chuyển hóa mềm này là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá về phát triển đô thị cho người Việt;
  • Kiến trúc công trình thể hiện sự tìm tòi sáng tạo, từ chỗ vận dụng các khuôn mẫu phương Tây vào điều kiện nhiệt đới, đến tạo lập một nền kiến trúc thích ứng với đặc trưng khí hậu và thẩm mĩ Việt Nam;
  • Tạo ra sự đa dạng chưa từng có về thể loại kiến trúc với các loại hình công trình mới như nhà ga, bệnh viện, nhà trọ, thư viện… mà người Việt chưa có trước khi người Pháp xâm nhập;
  • Các đường phố hấp dẫn ở sự sôi động và nhộn nhịp, sự phô bày các hoạt động sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và văn hóa đa dạng của cư dân đô thị.

Thực tiễn bảo tồn một số khu vực (Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Khu biệt thự – Đại sứ quán các nước,..) đã cho kết quả tốt. Một số kiến trúc tiêu biểu có giá trị (Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bắc bộ phủ, Bảo tàng Lịch sử,..) đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Khu vực Nam hồ Gươm đã bị xen cấy nhiều công trình cao tầng làm thay đổi hình thái không gian đô thị. Việc xây dựng cải tạo theo hướng hồi cố, giả cổ đã gia tăng nguy cơ làm sai lệch giá trị di sản, đánh tráo các giá trị gốc của di sản. Bên cạnh đó, chính sách nhà ở có yếu tố lịch sử đã làm cho các biệt thự có tình trạng đa sở hữu dẫn đến không kiểm soát được việc lấn chiếm, cơi nới làm thay đổi cấu trúc, hình thái, cảnh quan của công trình và tuyến phố.

Trong khi đó, nhóm di sản đô thị thời Pháp thuộc tại TP HCM nằm rải rác ở quận 1, quận 3, quận 5, trong đó tập trung nhiều nhất với các công trình qui mô nhất ở quận 1. Trong số 56 di tích tại TP HCM đã được xếp hạng Di tích Quốc gia, có 04 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong số 66 di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng Di tích cấp Thành phố, có 10 công trình thời Pháp thuộc [10]. Bên cạnh đó, còn có 01 di sản công nghiệp thời Pháp thuộc đã được xếp hạng Di tích Quốc gia là khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Ba Son (gồm ụ tàu nhỏ và triền nề). Đây được cho là lợi thế, tiềm năng rất lớn để khai thác và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế và du lịch.

Hình 3,4: Bản đồ Sài Gòn năm 1903 với khu phố do người Pháp xây dựng ở Quận 1 (trái) và tòa nhà Bưu điện TPHCM (phải) – (Nguồn: Wikipedia, 2019)

Bảo tồn kiến trúc thời Pháp thuộc tại TP HCM trong bối cảnh phát triển của đô thị lớn nhất cả nước không chỉ xem xét khả năng về kinh tế – xã hội của TP cho công tác này, mà phải coi chiến lược bảo tồn di sản đô thị như một quan điểm xuyên suốt trong phát triển đô thị nhân văn. Bằng việc đề cao di sản đô thị như nguồn gien đã được lưu giữ, thử thách và thích ứng qua hơn một trăm năm phát triển đô thị cận đại của TP, rất cần xây dựng các chính sách ứng xử, quản lý, điều tiết thông minh, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh phát triển mới.

Theo đánh giá của dự án nghiên cứu do Viện nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) thực hiện: “Việc bảo tồn kiến trúc thời Pháp thuộc ở TP HCM có tính xã hội cao, bên cạnh việc ưu tiên bảo tồn, còn phải xem xét đến sự phát triển do thành phố này là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tiêu chí và quy chế bảo tồn các cấu trúc đô thị, các công trình di sản chưa được quy định thật rõ ràng, trong nhiều trường hợp lấn cấn giữa bảo tồn và phát triển đã làm giảm tính năng động của thành phố” [12].

Nhìn nhận di sản đô thị dưới góc độ kinh tế

Trong các giá trị của di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Việt Nam, giá trị lớn nhất chính là giá trị sử dụng. Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính thì: “Sau khoảng thời gian kéo dài nhiều thập niên sau năm 1954 của sự phủ định – sự xem nhẹ và đổ bể, nay ta mới vỡ “nhẹ” ra, mới nhận ra quá muộn màng rằng: Khối tài sản kiến trúc đô thị kia chẳng những để cho ta tận dụng, tùy ý và tùy sức, mà còn là một di sản, một tài nguyên của cải – văn hóa – nhân văn. Nó không chỉ để ta vắt kiệt nốt, dùng nốt như đồ dùng trong nhà và như manh áo cũ. Nó là cái mà ta phải hồi sức hồi sinh, nối mạch, nối dòng thông suốt vào cơ thể dung hòa của đô thị, nay và mai” [2]. Chính giá trị sử dụng của di sản, cùng với giá trị khai thác trong phát triển du lịch văn hóa đã góp một phần trong hệ giá trị kinh tế của di sản đô thị.

Bên cạnh đó, chúng ta đã nói nhiều đến các giá trị của di sản đô thị: Lịch sử, văn hoá, kiến trúc, cảnh quan, giáo dục, tư liệu khoa học… mà chưa mạnh dạn đề cập đến giá trị kinh tế của di sản. Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn: “Chúng ta cũng đã xác định giá trị cho từng di sản, thậm chí mổ xẻ từng giá trị để tăng sức nặng của di sản vốn đang mong manh. Nhưng, những giá trị đó thường có ý nghĩa để lập hồ sơ xếp hạng, hay làm cơ sở cho việc bảo tồn, tôn tạo mà thiếu cách thức để phát huy nó, để thăng hoa, chí ít là đi vào cuộc sống một cách bình dị nhất, thật thà, ngay thẳng nhất” [6]

Bảng 1: Các thành phần hợp thành hệ giá trị kinh tế của di sản đô thị – nguồn: tác giả
Bảng 2: Tổng hợp các giá trị kinh tế của di sản theo TEV – nguồn: [4]

Quy hoạch đô thị của người Pháp cũng mang đến giá trị cảnh quan và kinh tế du lịch cao. Cảnh quan đô thị đặc sắc của các khu phố Pháp ở Hà Nội hay Sài Gòn trước đây và TP HCM ngày nay, với sự phối nhuyễn giữa cảnh quan hồ, sông nước, công trình cũ mới đan xen, hoạt động sôi động của con người đã tạo ra hình ảnh bản sắc khó có thể trộn lẫn của từng nơi so với những đô thị khác của Việt Nam, thậm chí trong khu vực Đông Nam Á. Chính đặc trưng này đã tạo nên một giá trị nữa là giá trị xây dựng hình ảnh/ thương hiệu đô thị cho Hà Nội, cho Sài Gòn – TP HCM đầy bản sắc, đa dạng, hài hòa văn hóa.

Giá trị di sản tổng hợp các yếu tố hữu hình và vô hình. Trong khi yếu tố hữu hình có thể dễ dàng kiểm đếm, đo lường và dễ đạt được sự đồng thuận về giá trị thì yếu tố vô hình khó khăn hơn, trong nhiều trường hợp không xác định chính xác được. Đánh giá giá trị một di sản/ cụm di sản đô thị đôi khi yêu cầu chúng ta phải phân tích và đánh giá cả các thành phần đô thị có liên quan, bởi di sản đô thị, cũng như các thành phần đô thị khác, luôn có các quan hệ phụ thuộc, ràng buộc và quan hệ tác động (xem bảng 1).

Để ước lượng giá trị kinh tế của di sản, các nhà kinh tế áp dụng một số phương pháp tính toán sau:

  • Phương pháp Đánh giá ngẫu nhiên (Contingent valuation method – CVM): Đây là phương pháp được lựa chọn sử dụng phổ biến nhất. Phương pháp này dựa vào thị trường giả định được thiết kế trong các cuộc điều tra phỏng vấn, để thu thập mức sẵn lòng chi trả (WTP) của những người liên quan.
  • Phương pháp Thực nghiệm lựa chọn (CE hoặc CM) cũng được sử dụng khá phổ biến. Theo phương pháp này, các lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ được mô tả thông qua các thuộc tính và các mức giá trị của các thuộc tính đó. Để ước tính mức sẵn lòng chi trả (WTP), một trong các thuộc tính sẽ là mức chi phí;
  • Phương pháp Giá trị thụ hưởng (Hedonic pricing method – HPM): Được sử dụng để ước lượng giá trị di sản văn hóa ẩn trong giá thị trường của một số loại hàng hóa và dịch vụ có thị trường. Phương pháp này ít được sử dụng.
  • Phương pháp Chi phí du lịch (Travel cost method – TCM): Được áp dụng để ước lượng giá trị giải trí của di sản văn hóa. Các khoản chi phí phải bỏ ra để tham quan, nghỉ ngơi tại một điểm du lịch dựa vào di sản văn hóa phản ánh giá trị giải trí của nơi đó. Phương pháp này tuy dễ thực hiện song được sử dụng ít nhất trong 4 phương pháp do có nhiều sai số khi thực nghiệm khảo sát các đối tượng khách du lịch văn hóa/ du lịch di sản.

Với di sản đô thị, chúng ta có một cách khác đơn giản hơn để tập hợp giá trị kinh tế của nhóm di sản này, đó là tổng hợp các giá trị mà một di sản / quần thể di sản có được (phương pháp TEV: total economic value) – (bảng 2), như sau:

Nghiên cứu của Wright và Eppink [13] công bố năm 2016 cho thấy: Theo các giá trị nêu trên, giá trị du lịch, lựa chọn, tồn tại và lưu truyền là những giá trị được đánh giá cao.

Đánh giá tiềm năng kinh tế của di sản đô thị

Việc lượng hóa giá trị kinh tế giúp thực hiện phân tích kinh tế, cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định chính sách ứng xử với di sản như bảo tồn, hồi sinh di sản, cải tạo, chỉnh trang hay chuyển đổi công năng/ chức năng. Theo nghiên cứu của Idle Rizzo, David Throsby [3] cho thấy:

  • So sánh lợi ích/ giá trị kinh tế với chi phí bảo tồn, hồi sinh di sản sẽ có thể đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương án.
  • So sánh lợi ích/ giá trị kinh tế giữa các lựa chọn (phát triển, bảo tồn, phục dựng di sản hay cải tạo hạ tầng…) nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách, lựa chọn phương án phù hợp khi tiến hành quy hoạch cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị…
Biểu đồ 1: Tổng giá trị kinh tế của di sản đô thị theo TEV (Nguồn: [4]).

Tuy nhiên, giá trị kinh tế của di sản không đơn thuần chỉ là giá trị bất động sản, hay giá trị khai thác, mà là cả hệ giá trị tổng hợp của rất nhiều giá trị thành phần liên quan. Đây chính là vấn đề mà nhiều nơi đã mắc phải khi coi di sản đô thị chỉ là những gì còn lại, là cái xác nhà, là những công trình xuống cấp cần phải thay thế… Về giá trị hữu hình, chúng ta chưa đánh giá đúng và đủ tiềm năng phối kết giữa các thành phần đô thị với các khu vực / địa điểm di sản để tăng giá trị cho di sản và cho cả khu vực đô thị lân cận, chưa làm rõ được yếu tố động lực phát triển của một địa điểm di sản có tiềm năng. Về giá trị vô hình, chúng ta chưa nhìn nhận cả chiều dài lịch sử của di sản, không đánh giá đúng các quan hệ tinh thần của di sản với cộng đồng, vai trò hình ảnh biểu tượng của di sản với xã hội, sự kết nối với quá khứ để điều chỉnh các hiện tượng / hành vi xã hội của một không gian / khu vực di sản. Những câu chuyện của Dinh Thượng Thơ, thương xá Tax (TP HCM) hay trường Châu Văn Liêm (Cần Thơ) là những trường hợp rất cần xem xét cẩn trọng.

Bên cạnh việc chứng minh tính quan trọng của di sản đô thị về mặt lịch sử, văn hóa, giáo dục… thì cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá, lượng hóa giá trị kinh tế của di sản đô thị (cả giá trị hữu hình và vô hình trong một chu kỳ quá khứ – hiện tại – tương lai) để có thể cung cấp cho các nhà quản lý/ nhà đầu tư/ cộng đồng các số liệu đầy đủ về ảnh hưởng của việc giữ hay không giữ di sản. Để đánh giá và lượng hóa đúng hơn hệ giá trị kinh tế của di sản đô thị, chúng tôi đề xuất 5 bước thực hiện sau:

Thực tế cho thấy, các quận trung tâm của Hà Nội hay TP HCM là nơi tập trung mật độ cao các công trình di sản đô thị thời Pháp thuộc, do đó, hơn bất kỳ khu vực nào khác của đô thị, các di sản nơi đây phải đối diện với làn sóng thương mại hóa bất động sản gay gắt nhất. Các nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn khu vực lõi để triển khai các dự án mới, từ đó làm thay đổi đáng kể cảnh quan lịch sử của khu vực trung tâm. Việc thay đổi/ chỉnh trang/ thay thế bất kỳ một công trình di sản đô thị nào trong khu vực trung tâm lịch sử này sẽ dẫn tới những biến động rất nhạy cảm về cảnh quan đô thị/ cảnh quan văn hóa/ chiều sâu lịch sử của đô thị. Sẽ thuyết phục hơn nếu một dự án có những đánh giá độc lập, khách quan, chính xác về mọi khía cạnh của một di sản trước khi chúng ta quyết định làm gì với di sản.

Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Hà Nội và TP HCM

Tại các nước đang phát triển, bảo tồn các công trình lịch sử có thể là gánh nặng cho ngân sách/ nguồn lực kinh tế, trong khi có rất nhiều công việc cần phải đầu tư cho phát triển. Các quốc gia này ưu tiên phát triển các đô thị chức năng để kết nối mọi người và công việc, giảm thời gian đi lại và tắc nghẽn. Trong bối cảnh có ít sự lựa chọn các kịch bản phát triển này, chúng ta thường có xu hướng tư duy rằng bảo tồn là trở lực, thậm chí xung đột với sự phát triển. Tuy nhiên, theo TS. Martin Rama – chuyên gia của Ngân hàng Thế giới: “Nhiều thành phố ở đất nước có thu nhập cao là một điểm hội tụ cho sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất. Các thành phố lớn nhất trên thế giới là những thành phố thu hút tài năng hàng đầu: Các doanh nhân lớn, nhà nghiên cứu đầy sáng tạo, nghệ sĩ nổi tiếng… Những người này thường kỹ tính, tinh tế trong chọn lựa vì họ có nhu cầu cao. Và họ không thật quan tâm đến các đô thị chức năng, họ muốn sống ở những thành phố thú vị, những đô thị có tính cách. Họ tìm kiếm một khung cảnh văn hóa rực rỡ, những bảo tàng hấp dẫn với kiến trúc đẹp… Vì vậy, ở nấc thang phát triển cao này, bảo tồn lại chính là một tài sản kinh tế cực kỳ quan trọng…” [9].

Như vậy, khi đạt đến ngưỡng phát triển nhất định, di sản đô thị chính là một trong những chìa khóa để mở ra cánh cửa kết nối với giới tinh hoa trong việc lựa chọn một nơi chốn/ một đô thị để sống, làm việc và cống hiến. Các trung tâm đô thị lịch sử lúc này có vai trò là những “hub”/ không gian kết nối tinh thần, nuôi dưỡng sáng tạo, làm giàu văn hóa, tạo “dinh dưỡng” và nguồn gen cho “cây” đô thị nhân văn tiếp tục nảy nở và phát triển. Trong bối cảnh chúng ta đang cần quy tụ các chuyên gia giỏi để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, thì các nhà quản lý càng cần thông tuệ, sáng suốt trong việc hoạch định các chiến lược bảo tồn, gìn giữ di sản đô thị cho sự phát triển tương lai của Thành phố. Sự đa dạng, giàu có về di sản ở các thành phố lớn của Việt Nam và cá tính của các đô thị càng mạnh thì sẽ thu hút các tài năng quốc tế dịch chuyển tới nhiều hơn.

Khi nhìn vào giá trị kinh tế của di sản đô thị, phải xem công tác bảo tồn như một chiến lược đầu tư lâu dài nhưng thông minh cho tương lai. Cần có cái nhìn tổng thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đánh giá đúng các nguồn lực mà di sản đô thị có thể tạo ra, không chỉ từ nội tại của nó, mà quan trọng hơn/ nhiều hơn là từ các phối kết đô thị để tạo ra động lực phát triển tổng hòa, sức thu hút/ hấp dẫn, hình ảnh và thương hiệu cho đô thị.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trong bối cảnh mới, chúng tôi khuyến nghị một số giải pháp sau:

1. Chính quyền mỗi TP xem xét thành lập Ban quản lý Di sản đô thị (tại Hà Nội có thể là ban quản lý khu phố cũ/Pháp). Do di sản và di tích không giống nhau nên cần có chủ thể quản lý tương xứng, độc lập và chủ động hơn cơ chế Phòng Quản lý di tích / Trung tâm Quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cần đảm bảo cơ chế quản lý bảo tồn di sản đô thị để tạo hành lang pháp lý cho chủ thể này. Ban quản lý Di sản đô thị thực hiện các nội dung về quản lý nhà nước, quản lý tập trung mọi hoạt động phát triển đô thị liên quan đến di sản, là một đầu mối cần thỏa thuận về kiến trúc – quy hoạch cho các dự án xây dựng trong khu vực di sản hoặc vùng lõi trung tâm đô thị lịch sử, trước khi dự án phát triển mới được phê duyệt. Ban quản lý Di sản đô thị cũng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức quản lý, thực hiện, hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra giám sát các dự án bảo tồn, các dự án phát triển đô thị trong vùng lõi đô thị lịch sử;

2. Ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong công tác bảo tồn di sản đô thị, từ việc kiểm đếm, đánh giá, xác định giá trị, công nhận di sản, tới việc quản lý hồ sơ di sản, theo dõi, điều tiết của các cơ quan quản lý và giới chuyên môn. Xây dựng cổng thông tin di sản với các ứng dụng mô phỏng 3D, tạo cơ hội trải nghiệm thực tế ảo từ xa cho cộng đồng và du khách. Chú trọng đào tạo nhân lực và thiết lập được cơ chế kết nối tốt để việc ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo tồn di sản đô thị trên địa bàn. thật sự hiệu quả, có khả năng phản ứng nhanh trước những thay đổi/ biến động sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn;

3. Xây dựng các kế hoạch tài chính phù hợp nhằm bảo vệ di sản trong điều kiện tốt nhất có thể. Ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa từ nhân dân (rất dồi dào nếu chính quyền biết cách khơi dòng) và các doanh nghiệp. Các Quỹ bảo tồn di sản quốc tế cũng là một nguồn tài chính tiềm năng. Chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc… để thu hút các tổ chức quốc tế, khai thác các nguồn tài chính bên ngoài nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn;

4. Chính quyền thực hiện điều tiết bằng chính sách, có ưu đãi nhất định, khuyến khích và hỗ trợ người dân. Chính quyền cần dành tỷ lệ vốn thích đáng cho các dự án tôn tạo các di sản đô thị, các khu phố lịch sử, các công trình kiến trúc tiêu biểu mà chỉ có Nhà nước mới có khả năng thực hiện – thông qua các giải pháp vĩ mô như: cải tạo cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, di dân, giảm mật độ dân số, ưu đãi thuế và thủ tục xây dựng cho các chủ sở hữu di sản/ chủ đầu tư dự án mới đã bảo vệ, tôn tạo di sản tốt…;

5. Cần xây dựng cơ chế tiếp nhận các sáng kiến từ cộng đồng, tranh thủ sự tham gia của cộng đồng, tổ chức tiếp nhận sáng kiến của mọi người từ trí thức, dân thường đến người nước ngoài. Tất nhiên không phải sáng kiến nào cũng có thể hiện thực hóa, nhưng cách tiếp nhận, thái độ tôn trọng của người có trách nhiệm sẽ làm người có sáng kiến phấn khởi và truyền cảm hứng cho những người khác;

6. Phát huy giá trị kinh tế của di sản đô thị thông qua thúc đẩy hình thành, hoàn thiện hệ sinh thái di sản trong / của đô thị. Nếu như hệ sinh thái di sản khu vực nông thôn bao gồm các di tích, các di sản định cư làng xóm truyền thống, các cảnh quan sinh thái, các thiết chế cộng đồng – xã hội, phong tục, tập quán, các lễ hội và sinh hoạt văn hóa,… thì hệ sinh thái di sản trong đô thị sẽ bao gồm các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị, các dịch vụ đô thị liên quan tới di sản, các hoạt động đô thị (cả ngày và đêm), lối sống thị dân… Khi tạo ra mạng lưới kết nối tốt, được quản lý tốt thông qua các chính sách hợp lý, được hỗ trợ phát triển trên nền tảng công nghệ mạnh… thì hệ sinh thái di sản đô thị sẽ tạo ra giá trị kinh tế cộng hưởng lớn, đóng góp thiết thực vào tănV g trưởng và phát triển kinh tế – xã hội;

7. Kịp thời đánh giá khoa học và đầy đủ các di tích/di sản đô thị để xếp hạng di tích các cấp. Trong thực tế, hiện có nhiều công trình và các thành phần đô thị rất có giá trị về văn hóa, lịch sử nhưng không có trong danh sách xếp hạng di tích bởi thủ tục kéo dài, hoặc được “để dành” cho một mục đích nào đó để dễ bề “ứng xử” sau này. Nhanh chóng xác định các tiêu chí, khoanh vùng bảo tồn, thống kê quỹ di sản, có thông tin đầy đủ về tình trạng của di sản kèm theo định hướng bảo tồn cụ thể,.. là điều kiện cần thiết để giữ được di sản trong các đô thị phát triển nhanh như Hà Nội hay TP HCM.

Sơ đồ 2: Sự cộng hưởng giá trị của hệ sinh thái di sản đô thị (Nguồn: [8])

Kết luận

Lâu nay, khi nhắc tới di sản, chúng ta thường nói tới yếu tố văn hóa, lịch sử,… mà chưa thật sự công nhận giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của di sản. Trong suy nghĩ của nhiều người, giá trị kinh tế của di sản đơn thuần là giá trị khai thác, là doanh thu bán vé tham quan, doanh thu cho thuê địa điểm. Chúng ta mặc định trong suy nghĩ rằng di sản thường không có giá trị thặng dư kinh tế cao, khai thác di sản khó đạt được hiệu quả kinh tế như các công trình hiện đại/ đương đại., Nhiều người còn tránh nói tới “kinh tế di sản” vì sợ rằng “kinh tế” sẽ lấn át “di sản”, và rồi di sản sẽ bị mai một, triệt tiêu trước nhu cầu kinh tế và phát triển.

Ở hướng tư duy ngược lại, chúng tôi mạnh dạn nhấn mạnh giá trị kinh tế của di sản với mong muốn làm rõ hơn các yếu tố nội hàm bên trong của chuỗi giá trị có tính cộng hưởng này. Di sản đô thị, với những thuộc tính của nó, hoàn toàn có giá trị kinh tế lớn, có thể tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển mà không cần phải thay thế, phá hủy. Với khái niệm mở rộng từ di sản thành hệ sinh thái di sản – một, hay nhiều, tập hợp các công trình di sản, các dịch vụ song hành, các phối kết thành phần của đô thị có liên quan, hoàn toàn có thể tạo ra chuỗi giá trị kinh tế – văn hóa – thương hiệu đô thị đẳng cấp và có dấu ấn riêng của đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Theo cách nhìn nhận di sản dưới góc độ kinh tế và phát triển, chúng tôi khuyến nghị cần có những nghiên cứu, đánh giá thật cụ thể, khoa học và chuẩn xác để các cấp quản lý có đủ dữ liệu cần thiết, đa chiều, trước khi ra quyết định. Để xây dựng mới một công trình kiến trúc hiện đại, có thể chỉ cần có tiền, nhưng để có được một công trình di sản, ngoài tiền thì còn cần có những thứ không thể nào mua được, đó là thời gian, là niên đại, là lịch sử, là ký ức và kỷ niệm.

Phát huy giá trị kinh tế của di sản không phải để thay thế, để phá hủy di sản, mà để khai thác và hòa nhập chúng vào dòng chảy phát triển kinh tế – xã hội của đô thị. Bằng việc tạo ra những liên hệ tương tác giữa Văn hóa, Di sản và Kinh tế, chúng ta sẽ có thể có được các giải pháp thông minh trong bảo tồn, hồi sinh và phát huy giá trị kinh tế của di sản đô thị trong phát triển đô thị nhân văn và bền vững tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gia Thuận (2018), Phát huy giá trị di sản văn hóa ở TP Hồ Chí Minh: Tiềm năng còn bỏ ngỏ”, Báo Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam, ngày 16/12/2018, Hà Nội.
2. Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa Kiến trúc”, Nhà xuất bản Tri Thức, p. 229-239, p. 320-322, Hà Nội.
3. Idle Rizzo, David Throsby (2006), “Cultural heritage: Economic analysis and public policy”, Handbook of the Economics of Art and Culture, Volume 1, Nhà xuất bản North Holland.
4. Lê Thu Hoa, Nguyễn Công Thành (2018), Phân tích kinh tế và Ước lượng giá trị kinh tế của di sản văn hóa phục vụ Quy hoạch đô thị”, Tài liệu hội thảo, Viện nghiên cứu Định cư và phát triển bền vững, Hà Nội.
5. Patricia M. O’Donnell (2015), “Employing Diverse Tools toward Sustainable Urban Heritage Management, Linking Urban, Peri-urban and Rural Context”, Kỷ yếu, Hội nghị UNESCO quốc tế về Văn hóa và Thành phố bền vững, Hangzhou, Trung Quốc.
6. Nguyễn Thanh Sơn (2009), Di sản đô thị: Nhận thức và ứng xử”, Tạp chí Tia sáng, số tháng 6/2009, Hà Nội.
7. Nguyễn Quốc Tuân (2014), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc – đô thị khu phố Pháp tại TP. Hải Phòng”, Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Hà Nội.
8. Nguyễn Quốc Tuân (2018), Khung phương pháp luận hồi sinh hệ sinh thái di sản khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ”, Tài liệu hội thảo, Viện nghiên cứu Định cư và phát triển bền vững, Hà Nội.
9. Thiên Điểu (2018), Bảo tồn đem lại khác biệt cho quốc gia có thu nhập cao”, Báo Tuổi trẻ TP HCM, ngày 06/5/2018, TP HCM.
10. Website Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM (http://svhtt.hochiminhcity.gov.vn)
11. Viện Bảo tồn di tích và Urban Solutions (2008), Quản lý di sản đô thị trong bối cảnh phát triển đô thị ở Việt Nam: Tài liệu hướng dẫn cho những nhà hoạch định, Hà Nội.
12. Viện nghiên cứu Kiến trúc (2001), “Điều tra, khảo sát và lập hồ sơ ban đầu, xác định giá trị nghệ thuật kiến trúc của các loại hình kiến trúc công cộng trong các đô thị lớn đương đại của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Hà Nội.
13. William C. C. Wright, Florian V. Eppink (2016), “Drivers of heritage value: A meta-analysis of monetary valuation studies of cultural heritage”, Tạp chí Ecological Economics. vol. 130, issue C, 277-284.

TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343