Ông Franz Xaver Augustinh: “Bản sắc luôn được phát triển trong sự tìm tòi và sáng tạo”

Franz Xaver Augustin
Nguyên viện trưởng Viện Goethe Hà Nội

Để trả lời câu hỏi về bản sắc, tôi chỉ có thể nói: Ta tìm thấy ta trong người khác – Tức là, bạn nhận ra bản sắc dân tộc của mình khi bạn nhận thấy ở đó khác với ở nước mình. Qua đó, bạn có thể cảm nhận về bản sắc riêng đó đúng hay sai. Nhưng thường bạn sẽ thấy, bạn không nhất thiết phải giống như người khác, họ chỉ là dung tác để bạn nhận ra bản sắc riêng của bạn. Tôi không ngạc nhiên khi người Việt Nam lo sợ rằng bản sắc văn hóa có thể bị mai một. Nếu các bạn trẻ với tri thức và óc sáng tạo suy nghĩ làm thế nào để xã hội hoạt động tốt, có những khó khăn và mâu thuẫn gì trong xã hội cần phải giải quyết… thì các bạn mới có thể khẳng định được mình, được bản sắc của dân tộc mình. Nếu các bạn nói rằng, bản sắc của chúng tôi là Tết, bánh chưng, áo dài…, đó cũng là bản sắc, nhưng theo tôi nghĩ, đó chỉ là những điều để các bạn tồn tại. Phải đặt câu hỏi: Thế nào là bản sắc của Việt Nam thế kỷ 21? – Nó chỉ có, khi các bạn cởi mở, ham học hỏi, có tri thức, khi các bạn dám đối đầu với vấn đề đang còn tồn đọng. Nếu những người làm văn hóa nghệ thuật được tự do phát biểu, họ sẽ có vai trò rất to lớn trong đó.

Cuốn sách được thực hiện với sự hợp tác của TCKT và Viện Goethe Hà Nội

Viện Goethe Hà Nội đã giới thiệu rất nhiều chương trình văn hóa thế giới tại đây qua các hình thức phim, triển lãm… Điều mà chúng tôi luôn cố gắng là tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Việt Nam, các đối tác văn hóa tại Việt Nam có điều kiện để làm việc chung với các nghệ sĩ nước ngoài từ sân khấu, hiphop tới các chương trình nhạc cổ điển. Họ sẽ học hỏi được rất nhiều trong quá trình giao lưu về Văn hóa.

Tất nhiên, chúng tôi có thể mang các chương trình múa hoặc ca nhạc dân tộc Đức để trình diễn cho các bạn xem. Nhưng những chương trình đó không thể hiện vẻ mặt của nước Đức ngày nay. Đó không phải là bản sắc tiêu biểu cho thế hệ trẻ Đức. Ví dụ như các con tôi, đôi khi chúng cũng thích xem và nghe các chương trình đó, nhưng sau đó đôi khi chúng làm trò và cười. Trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, chúng tôi cũng có các chương trình cổ điển như hòa nhạc Mozart, Beethoven, hay các hội thảo về triết học. Đó là một phần truyền thống và bản sắc của chúng tôi. Điều quan trọng là, bản sắc dân tộc luôn luôn phải được hình thành mới. Tôi nhận thấy từ các con tôi, ở lứa tuổi 15 đến 19, với chúng, bản sắc có liên quan tới môi trường quốc tế. Thêm vào đó là sự phát triển văn hóa của Đức, như nhạc DJ, techno. Nước Đức đã đi đầu về loại nhạc điện tử này với love paradise, đó là một phần của bản sắc và hầu như chẳng mấy liên quan đến nhạc dân tộc. Có thể 5 năm hoặc 10 năm nữa, loại nhạc điện tử này sẽ được thay thế bằng loại hình khác, và luôn luôn được phát triển như vậy. Bản sắc ở đây không phải là những gì bạn cất trong tài khoản mà là những gì mới, luôn được phát triển. Về cơ bản, chúng tôi muốn giới thiệu những sự tìm tòi đương đại về bản sắc văn hóa, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng, về chất lượng nghệ thuật, trong đó chứa đựng một phần rất lớn về bản sắc.

Theo tôi, chỉ có một phương thức chống lại sự toàn cầu hóa trong lĩnh vực văn hóa – Đó là: Khuyến khích hỗ trợ những sáng tạo mới và đặc sắc, giới thiệu những bộ phim hay về cuộc sống con người hàng ngày, giới thiệu những cuốn sách hay viết về những gì mà người dân quan tâm, chứ không phải vì các mối quan tâm của các nhà cầm quyền. Tất cả các vấn đề xã hội đó cũng có thể được thể hiện tốt qua sân khấu hoặc các loại hình nghệ thuật khác… Và bằng các sự phản ảnh xã hội thông qua văn hóa đó, người dân dần dần có thể tự tin hơn để chống lại sự toàn cầu hóa dưới sức ép của sự tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Mỹ Linh (ghi)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343