Vốn là đặc trưng của điều kiện khí hậu của Việt Nam và dưới ảnh hưởng quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu rõ rệt và không thể đảo ngược, nắng nóng diện rộng, kéo dài và mưa to, gió lớn kèm giông tố, bão lụt là những điều kiện thời tiết thường xuyên xảy ra và có xu hướng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết vào mùa hè tại các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó có TP. Hà Nội. Các điều kiện thời tiết khó khăn này đã gây những ảnh hưởng to lớn đến sức khoẻ cũng như sinh kế của người dân đô thị, đặc biệt là những người lao động tự do ngoài trời. Bài báo giới thiệu, phân tích về các khả năng chống chịu của người lao động tự do có môi trường làm việc ngoài trời – vốn là nhóm người yếu thế trong đô thị đối với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè (nắng nóng, mưa to gió lớn) thông qua các biện pháp ứng phó, thích nghi của chính họ cũng như khả năng của hệ thống không gian công cộng trong việc hỗ trợ nhóm yếu thế này tại Hà Nội; bên cạnh đó, một số hỗ trợ và rào cản từ bên ngoài đối với vấn đề trên cũng được nhìn nhận. Đây chính là những cơ sở khoa học quan trọng nhằm giúp đề xuất xây dựng một mô hình không gian công cộng hỗ trợ cộng đồng, người yếu thế trong đô thị phù hợp và hiệu quả.
Giới thiệu chung
Hà Nội nằm giữa 20 ° 53 ‘và 21 ° 23’ vĩ độ Bắc và 105 ° 44 ‘và 106 ° 02’ kinh độ Đông – ở trung tâm khu vực đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam. Vị trí này thuộc vùng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm (Theo thang phân loại Köppen-Geiger: Cwa) – với đặc trưng nổi bật là gió mùa ẩm, nóng và mưa nhiều về mùa hè, lạnh và ít mưa về mùa đông. Một số thông số vi khí hậu chính như lượng bức xạ trung bình năm (TBN) là 120 kcal/cm², nhiệt độ TBN là 24,9°C (HPA,2016), độ ẩm TBN khoảng 80 – 82%, số ngày mưa TBN là 114 ngày, và tổng lượng mưa TBN đạt 1700 mm.
Những thông số trên giúp minh hoạ rõ nét đặc điểm khí hậu của thành phố Hà Nội nhưng trên thực tế, lại không khắc hoạ được những khắc nghiệt, khó khăn của điều kiện thời tiết mà người dân sông tại đô thị này phải đối mặt hàng ngày trong những mùa mưa, nắng. Bối cảnh diễn tiến thời tiết vào mùa hè hàng năm ở Hà Nội là trên nền nhiệt độ cao có sự xuất hiện khá thường xuyên của những đợt nắng nóng gay gắt (có lúc lên đến cực nóng), xen giữa là các trận mưa to (có thể kèm theo giông tố, gió mạnh). Trong vòng một thập kỉ trở lại đây, hiện tượng nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt xảy ra với tần suất khá thường xuyên tại Hà Nội. Cụ thể, đã có những đợt cực nóng kéo dài vào mùa hè năm 2009, 2014 và 2015, trong khi mùa đông năm 2016 ngắn và không lạnh như thường lệ. Đặc biệt, vào tháng 6 năm 2017, đợt cực nóng chiếm ưu thế ở Hà Nội (và hầu hết các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) trong khoảng 10 ngày – đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ cao trong vòng 45 năm. Mưa to, gió lớn tuy không xảy ra theo xu hướng khắc nghiệt, cực đoan như các đợt nắng nóng nhưng cũng có tần suất xuất hiện nhiều hơn so với trước đây. Tác động của bão ở Hà Nội không đáng kể (so với các tỉnh duyên hải miền Trung,); trên thực tế, đô thị này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng hoàn lưu nhiệt đới từ đó gây ra mưa lớn, lũ lụt và ngập úng.
Nắng nóng kéo dài gay gắt và mưa to gây ngập lụt chính là những khó khăn,trở ngại đáng kể của bối cảnh thời tiết đô thị vào mùa hè đối với người dân TP. Hà Nội. Không chỉ dừng lại như một sự bất tiện, các hiện tường thời tiết này nhiều khi trở thành vấn đề tối quan trọng, mang tính sống còn đối với những những nhóm người có môi trường sinh kế phụ thuộc thời tiết hoặc nhóm người yếu thế trong xã hội hoặc những người thuộc cả hai nhóm đó (như người lao động tự do ngoài trời). Hệ thống không gian công cộng (KGCC) nói chung với vai trò là một hệ thống hạ tầng xã hội hỗ trợ người dân đô thị nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững của môi trường đô thị dường như lại không đạt được những hiệu quả cần thiết.
Câu hỏi đặt ra là: Trong bối cảnh thời tiết khó khăn như trên vào mùa hè, các KGCC hiên đang đóng vai trò đến đâu trong việc hỗ trợ nhóm người lao động yếu thế này? Và trong tương lai, các KGCC cần đạt được những cải thiện gì để có thể trở nên tiện nghi sinh khí hậu hơn, hữu dụng hơn và bền vững về kinh tế – xã hội hơn?
Nhằm tìm kiếm những cơ sở khoa học trả lời những câu hỏi trên, nhóm tác giả bài viết đã thực hiện hai cuộc khảo sát không gian (KGCC) và điều tra XHH với nhóm người lao động tự do ngoài trời (TD-NT) tại Hà Nội trong giai đoạn 05/2017- 04/2018. Mục đích chinh là tìm hiểu:
- Khả năng chống chịu (ứng phó và thích nghi) của người lao động TD-NT cũng như nhu cầu về sử dụng KGCC, tâm tư, nguyện vọng của họ trước bối cảnh điều kiện thời tiết khắc nghiệt mùa hè (nắng nóng, mưa to), và
- Khả năng hỗ trợ nhóm người này của hệ thống KGCC của Hà Nội.
Để thực hiện được mục tiêu thứ nhất, nhóm tác giả đã thực hiện một cuộc điều tra XHH (Survey) tại khu vực nội thành TP. Hà Nội với sự tham gia của 86 người lao động TD-NT ở hầu khắp các ngành nghề; trong đó có 32 người tham gia vào những phỏng vấn chuyên sâu hơn (indept-interview). Địa điểm thực hiện ở khu vực trung tâm hoặc xung quanh các công trình công cộng, đầu mối giao thông và cả ở ngoài đường phố. Dành cho mục tiêu nghiên cứu thứ hai, một cuộc đánh giá, khảo sát không gian được tiến hành ở 20 KGCC lớn nhỏ (Công viên, vườn hoa, quảng trường, vỉa hè, địa điểm CC khác) trong khu vực nội thành, mang tính đại diện cho các loại hình KGCC ở TP. Hà Nội.
Trong khuôn khổ bài báo này, nhóm tác giả xin giới thiệu một số kết quả nghiên cứu chính (của cuộc điều tra XHH và khảo sát không gian) như sau:
Khả năng chống chịu của người lao động TD-NT
Khả năng này được nhìn nhận ở các khía cạnh: Đặc điểm cá nhân và đặc thù nghề nghiệp, Kiến thức, Khả năng chi trả, Các biện pháp ứng phó, thích nghi và cả sự hỗ trợ hay rào cản từ bên ngoài.
Một số đặc điểm chính về nhân thân có thể nhắc đến khi mô tả về nhóm người lao động TD-NT tham gia điều ta XHH là: Trung và cao niên (67 người, 77,9%, độ tuổi trung bình là 40-50 tuổi); ngoại tỉnh di cư (chiếm 82%, hầu hết đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam) Trong số đó, một phần ba (25 người, 35%) là di chuyển hàng ngày từ quê nhà – các vùng ngoại thành tới chỗ làm việc với khoảng cách trung bình là 15-20km; trong khi đó, số còn lại sống tại nhà trọ.
Về mặt Kiến thức và/hoặc nhận thức vấn đề: chỉ có khoảng 23% số người được khảo sát theo dõi thông tin thời tiết trước khi làm việc cho thấy sự hiểu biết và/hoặc nhận thức của người lao động về vấn đề này còn nhiều hạn chế . Nguyên nhân chính được họ đưa ra là việc ít có thời gian và điều kiện để tiếp cận tới các phương tiện truyền thông (ti vi, đài) hoặc các thiết bị công nghệ thông minh. Ngoài ra, họ cũng không quá quan tâm tới việc phải có sự đối phó, chuẩn bị trước. Đối với họ thì tất cả các điều kiện thời tiết dù khó khăn thế nào cũng như nhau – đều là những thử thách mà họ phải đối mặt hàng ngày, không thể tránh được, cần phải vượt qua!!!
Về khả năng chi trả: thu nhâp của những người lao động TD-NT thường thấp và không ổn định. Trước sự đắt đỏ của đời sống và gánh nặng phải nuôi thêm người phụ thuộc/ gửi tiền về cho gia đình (đối với những người ngoai tỉnh), các chi tiêu hàng ngày của họ rất hạn hẹp. Các khoản chi thêm cho nước uống, hoa quả, thức ăn hay các vật dụng/ dịch vụ khác nhằm đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn đều đòi hỏi phải cân nhắc rất kĩ; và có thể cuối cùng là không chi tiêu gì cả.
Về các chiến lược và biện pháp ứng phó, thích nghi: Để tránh bức xạ mặt trời và /hoặc mưa to, gió lớn vào mùa hè, hầu hết mọi người đều tự chuẩn bị cho mình quần áo, phụ kiện (> 97%) và nước uống (>80%). Những người bán hàng rong có xe đẩy (vd: người bán rong, người làm nghề ép dẻo, thợ khóa …), đôi khi mang theo võng, ghế gấp, bạt che để nghỉ ngơi / đi ngủ trong ngày. Khi trời mưa to và không có/ít mái hiên để trú ẩn, tất cả những người bán hang rong ưu tiên sử dụng áo mưa che cho hàng hoá và / hoặc phương tiện hoặc máy móc hành nghề của họ trước. Bổ sung nước uống thường xuyên (100%) vào mùa nóng là phương pháp phổ biến nhất trong việc điều chỉnh hành vi nhằm thích nghi khi nắng nóng xảy ra. Ba mươi phần trăm (30%) mua đồ uống tại hoặc gần nơi làm việc trong khi phần còn lại mang theo hoặc xin sự giúp đỡ của cộng đồng. Để tiết kiệm tiền, nhiều người đã cắt bữa ăn sáng hoặc ăn trưa sớm (43%). Để cải thiện hệ miễn dịch cho sức khoẻ lâu dài trong mùa nóng, nhiều người ăn trái cây theo mùa (chanh, cam, củ đậu…) như một nguồn vitamin giá rẻ. Người lao động TD-NT cũng áp dụng quãng nghỉ ngơi ngắn, cơ động giữa những ca làm việc hoặc trong lúc không có khách hàng. Quãng thời gian làm việc của họ ít thay đổi; tuy nhiên, trong những ngày nóng nhất, giờ làm việc của họ là sáng sớm và chiều muộn. Vào những lức mưa to, người đánh giày luôn ở nhà mỗi ngày mưa hoặc bão; trong khi những người bán hàng rong ở lại một địa điểm thay vì di chuyển. Vị trí họ chọn thường là nơi cao ráo, có mái che chứ không ở ngoài trời hoặc trú dưới tán cây vì sợ sét đánh, cây đổ.
Nhu cầu sử dụng KGCC của người lao động TD-NT và những tâm tư, nguyện vọng của họ
Về nhu cầu sử dụng KGCC: Là một trong những đối tượng thường xuyên sử dụng các KGCC và địa điểm công cộng trong đô thị như là một địa điểm dừng chân nghỉ ngơi và cả làm việc trong cuộc mưu sinh, những người lao động TD-NT quan tâm đến những điều kiện cơ bản mà các không gian này có thể mang lại nhằm hỗ trợ cho cuộc sống của họ. Những người lao động này trước tiên luôn mong muốn có được một địa điểm để nghỉ ngơi hàng ngày và quan niệm rằng nghỉ ngơi là đủ cho việc ứng phó và chống chịu đối các thời tiết nắng nóng. Địa điểm nghỉ ngơi được lựa chọn thường là những nơi hoặc gần những nơi có nhiều khách hàng tiềm năng (trong nhiều trường hợp là tại các KGCC); và nếu phải di chuyển thì thời gian di chuyển không quá 10 phút, Yêu cầu về cơ sở vật chất cần có quan trọng nhất là Bóng mát/ mái che và có chỗ ngồi hoặc ngả lưng. Những chỗ đó có thể là ghế ngồi/ chỗ ngồi nhưng cũng có khi chỉ là không gian phẳng, yên tĩnh và có bóng mát để họ có thể ngả lưng. Yêu cầu tiếp theo là Nước uống và Nhà vệ sinh công cộng. Cuối cùng, người lao động TD-NT luôn mong muốn tìm được chỗ nghỉ có thể cho phép phương tiện và dụng cụ làm việc được gần hoặc trong tầm kiểm soát của họ.
Về tâm tư, nguyện vọng: người lao động TD-NT luôn đặt vấn đề sinh kế lên hàng đầu đồng thời cũng coi vấn đề sức khoẻ (cả thể chất và tinh thần) là quan trọng. Đặc biệt, họ được đánh giá là những người có tinh thần tự lực cao khi không mong chờ sự hỗ trợ giúp đỡ từ phía bên ngoài, mà chỉ dựa vào chính mình hoặc dựa vào cộng đồng nhỏ mà họ sinh hoạt, làm việc. Đồng thời, khi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của bên ngoài, người lao động cảm thấy được tôn trọng và cũng rất trân trọng sự hỗ trợ đó.
Hỗ trợ và rào cản từ bên ngoài: Theo lời kể của người lao động tham gia các cuộc phỏng vấn thì có sự phân biệt đối xử và kì thị trong xã hội đối với họ. Điều này có thể lí giải thông qua việc nhiều người thường không có thiện cảm đối với hình ảnh của những người lao động ngoài trời vốn gắn liền với sự phi chính thức, tạm thời và có phần nhếch nhác. Sự kì thị này đã khiến cho việc người lao động TD-NT không được sử dụng/ không được chào đón tại các khu vực công cộng (công viên, đường phố, công trình công cộng) lẫn khu vực riêng (nhà hàng, cửa hiệu); từ đó dẫn tới việc họ bị cản trở trong việc tìm kiếm vị trí nghỉ ngơi hoặc tránh điều kiện thời tiết khó khăn. Trong một khía cạnh ngược lại, người lao động vẫn nhẫn được luôn nhận được sự hỗ trợ từ một mạng lưới thân cận nào đó bên ngoài, như họ hàng, hội đồng nghiệp, hội đồng hương. Trong mạng lưới đó, các thành viên có thể giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau thông qua chia xẻ thức ăn, vật dụng và các thông tin hữu ích.Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, gần một nửa những người tham gia khảo sát (48%) nói rằng họ đã từng nhận được hỗ trợ từ các hoạt động, các tổ chức từ thiện hoặc cộng đồng nói chung thông qua nước uống, thức ăn hoặc khám chữa bệnh cơ bản miễn phí. Trong một vài trường hợp, những sự hỗ trợ đó diễn ra hàng tuần hoặc thường xuyên hơn.
Hiện trạng của hệ thông KGCC trong khả năng hỗ trợ người lao động TD-NT
Khả năng hỗ trợ người dân và đặc biệt là người lao động TD-NT của hệ thống KGCC được xem xét qua Đặc điểm môi trường vi khí hậu, Cơ sở vật chất , Hoạt động và mối quan hệ của các nhóm sử dụng không gian
Về đặc điểm môi trường vi khí hậu: Các KGCC trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, cũng như hầu hết các KGCC tại TP. Hà Nội, đều có hệ thống cây xanh (và thậm chí có cả mặt nước). Những không gian tai khu vực trung tâm thành phố, nơi có lịch sử hình thành phát triển lâu đời thì có nhiều cây xanh cổ thụ thân cao, tán rộng hơn nên có môi trường vi khí hậu tốt hơn so với những KGCC mới được hình thành. Những cây xanh cổ thụ này khi phát triển thành một hệ thống sẽ tạo nên bên dưới vòm cây những không gian mát mẻ, thông thoáng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc nhiều cây cổ thụ trong công viên, vườn hoa được trồng trong khu vực thảm cỏ lớn – nơi không cho phép mọi người tiếp cận vào nên tán che không được sử dụng hiệu quả, trong khi ở những khu vực sân sinh hoạt chung lại không có đủ cây xanh, mái che. Thảm cỏ, mảng thực vật thấp (hoa, cây bụi) cũng xuất hiện khá nhiều tại các công viên, vườn hoa với tỉ lệ chiếm đến trên 40% nhưng đóng vai trò thẩm mỹ, giảm bức xạ nhiệt vào môi trường, hơn là việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động TD-NT. Vi khí hậu của những KGCC có diện tích mặt nước hoặc gần những khu vực mặt nước lớn cũng mát mẻ, thông thoáng hơn những khu vực không có.
Về cơ sở vật chất: Trong khi có cây xanh mặt nước làm nền tảng cảnh quan, cơ sở vật chất/ tiện nghi của các KGCC hiện đang chỉ đạt ở mức tổi thiểu.Hiện tượng thiếu mái che và ghế ngồi, chỗ ngả lưng nghỉ ngơi là câu chuyện thường thấy ở tất cả các KGCC. Trong khi đó, các chỗ ngồi được cung cấp lại không được tiện nghi và đồng bộ, nhiều ghế ngồi được đặt tại những chỗ không có mái che hoặc bị hỏng hóc, xuống cấp và bị chiếm dụng vào nhiều mục đích sử dụng. Một sự hữu hạn đáng trách cần phải nhắc đến là sự không có hoặc không sử dụng được của các nhà vệ sinh công cộng. Nước uống, nước rửa mặt – hạ nhiệt cơ thể khi nắng nóng xảy ra cũng không được cung cấp dưới bất cứ hình thức nào.
Về mặt quản lý sử dụng không gian, đóng vai trò là địa điểm công cộng dành cho tất cả mọi người và cũng là nơi có điều kiện vi khí hậu tốt nhưng các công viên tại Hà Nội đều có hàng rào và cổng kiểm soát, nhiều nơi còn áp dụng thu phí vào cửa. Điều này đã hạn chế hầu như toàn bộ sự tiếp cận sử dụng KGCC của người lao động TD-NT, đặc biệt là những người mang vác hàng hoá cồng kềnh hoặc đi cùng phương tiện đi vào bên trong. Trên đường phố, tình hình cũng không khá hơn. Người lao động TD-NT với đa số là những người buôn thúng bán bưng sử dụng vỉa hè là môi trường mưu sinh – hiện nay vẫn được coi là đối tượng vi phạm pháp luật (Luật Giao thông đường bộ 2008 và Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND – Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn TP. Hà Nội) và sự xuất hiện của họ đi kèm với hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn luôn bị xua đuổi, cấm đoán.
Về việc chia sẻ sử dụng không gian: tại KGCC có nhiều nhóm người sử dụng không gian (Người dân ở các lứa tuổi, khách du lịch, khách vãng lai, người bảo vệ, người kinh doanh tại chỗ ….) và người lao động TD-NT chỉ là một trong những nhóm người đó với tỉ lệ không nhiều. Tranh chấp/ thương lượng sử dụng không gian liên quan đến người lao động TD-NT có thể gồm việc chính những người này chiếm dụng không gian không chỉ để nghỉ ngơi mà còn bầy bán hàng hoá, kinh doanh hoặc việc họ bị xua đuổi, không cho phép sử dụng không gian bởi những người dân hoặc người quản lý, bảo vệ của KGCC đó.
Qua những kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy người lao động TD-NT là những người có tinh thần tự lực tự cường cao, giỏi xoay xở nhưng cũng vẫn mang trong mình những đặc điểm hạn chế từ bản thân và vẫn gặp những rào cản từ bên ngoài làm giảm đi khả năng chống chịu của họ. Hệ thống KGCC – một hệ thống hạ tầng có sẵn trong đô thị tuy vậy, lại không hỗ trợ được nhiều và hiệu quả trong trường hợp này.
Việc quan tâm nâng cao chất lượng vi khí hậu của không gian là cần thiết nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu hỗ trợ người lao động TD-NT. Sâu xa hơn, chúng ta thấy được sự quan trọng của việc thiết kế, tạo dựng các không gian công cộng làm sao để tăng cường sự tiếp cận và sử dụng của nhóm người yếu thế này một cách hiệu quả nhất trong khi vẫn đảm bảo sự hài hoà đối với các nhóm xã hội khác. Để đạt được mục tiêu đã đặt ra như vậy, chúng ta cần phải có một sự vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý cơ bản của lĩnh vực Thiết kế sinh khí hậu cũng như của lĩnh vực Thiết kế đô thị (với nhiều sự quan tâm, chú trọng đến những cơ sở lý luận xã hội). Những nguyên tắc thiết kế đó có thể được áp dụng riêng lẻ, nhưng tốt nhất nên tập hợp trong việc tạo dựng một Mô hình KGCC với vai trò hỗ trợ người lao động TD-NT ứng phó và thích nghi với thời tiết nắng nóng, mưa to tại Hà Nội (Gọi tắt là mô hình KGCC hỗ trợ)
- Nguyên tắc lựa chọn địa điểm: Ưu tiên cho việc tích hợp tại chỗ mô hình KGCC hỗ trợ ở các địa điểm tập trung nhiều người lao động TD-NT khi tại các địa điểm đó có đủ không gian hoặc có sẵn những cơ sở vật chất cơ bản. Trong trường hợp khi quy mô diện tích và/hoặc cơ sở vật chất không được đáp ứng thì sử dụng đến các KGCC, các khu vực CC nằm trong bán kính 100-200m tính từ các địa điểm trên nhằm đảm bảo thời gian di chuyển ngắn và người lao động có thể chuyển các trạng thái từ lao động sang nghỉ ngơi và ngược lại được dễ dàng.
- Với đặc điểm khí hậu và môi trường vi khí hậu của TP. Hà Nội, việc nâng cao tiện nghi vi khí hậu của các tại Hà Nội có thể tập trung vào việc xử lý các vấn đề như: Chống bức xạ mặt trời trực tiếp (trực xạ) vào không gian, Tăng cường hấp thụ nhiệt, Tăng cường thông gió (tự nhiên hoặc cưỡng bức) và Chống nóng. Đối với mưa to, kèm bão lũ, các KGCC cần phải được xây dựng với nhiều mái che rộng tại nhiều nơi. Ngoài ra, các hệ thống mái che này cần được xây dựng một cách bền vững, chắc chắn tại nơi cao ráo để giải quyết vấn đề mưa to, ngập lụt.
- Nhằm đảm bảo sự bền vững xã hôi của KGCC, các giải pháp thiết kế cần quan tâm cao nhất đến khả năng tiếp cận và sử dụng của người lao động TD-NT thông qua việc loại bỏ hàng rào, thu phí cũng như tăng cường bổ sung những tiện ích cơ bản trong không gian. Để tăng cường sự thấu hiểu, tránh kì thị của cộng đồng, các KGCC này cần bố trí các khu vực chức năng đảm bảo hoạt động nghỉ ngơi của người LĐNT không làm cản trở, mâu thuẫn với các hoạt động khác của cộng đồng; đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy sự giao lưu xã hội giữa họ. Các địa điểm này có thể cho phép hoạt động cứu trợ, từ thiện từ cộng đồng được diễn ra.
Cuối cùng, nhằm tiến tới tính thực tiến trong việc tạo dựng được những mô hình KGCC hỗ trợ một cách nhanh chóng và rộng khắp, được sự đồng thuận của cơ quan quản lý đô thị cũng như từ cộng đồng, chúng ta cần đảm bảo tính kinh tế trong việc xây dựng và vận hành các mô hình này. Các giải pháp thiết kế nên tiến tới các giải pháp thụ động hơn là chủ động và sử dụng công nghệ cao. Việc sử dụng vật liệu địa phương giá rẻ được khuyến khích thực hiện.
Ths.KTS Nguyễn Thanh Tú
Ths.KTS Phạm Thị Thanh Vân
Th.KTS Ngô Hoàng Ngọc Dũng
© Tạp chí kiến trúc