Mở đầu cho chuỗi sự kiện học thuật của Ngày Thiết kế Ý (Italia) tại Việt Nam (IDD-VN-2019), xưởng thực hành (workshop) Kiến trúc – Thiết kế đô thị với chủ đề “Thành phố tương lai với bảo tồn di sản – Tái tạo đô thị và biến đổi bền vững” diễn ra từ ngày 11 đến ngày 20/ 3/2019 dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, UNESCO Việt Nam, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, Workshop do công ty SCE projects Asia, tổ chức với sự dẫn dắt của GS.KTS Luigi Core, Giám đốc và Chủ tịch của Hiệp hội KTS Venice – Đại học Venice (IUAV Venice) và GS Matteo Aimini – Đại học Kỹ thuật Milan. Thành phần tham gia về phía Việt Nam gồm có các giáo viên và hơn 40 sinh viên (SV) thuộc 3 trường đào tạo kiến trúc lớn tại Hà Nội là ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng và ĐH Phương Đông.
Chủ đề – Lịch trình – Phương pháp nghiên cứu và thực hiện
Câu hỏi nghiên cứu và thiết kế chính của workshop là cách ứng xử với những câu chuyện – địa điểm mang nhiều ý nghĩa, giá trị của quá khứ như thế nào trong bối cảnh đương đại. Địa điểm nghiên cứu và thiết kế của workshop tập trung vào các địa điểm công cộng tại trung tâm lịch sử của thành phố Hà Nội, cụ thể là khu vực Hồ Gươm và xung quanh – nơi đóng vai trò là kết nối quan trọng giữa khu phố cổ và khu phố Pháp.
Với mong muốn tôn vinh câu chuyện giữa thiết kế và di sản, workshop có 2 chủ đề chính, bao gồm:
- Công trình di sản: Công trình Thư viện quốc gia và khuôn viên xung quanh. Đây là một công trình hơn 100 năm tuổi, đặc trưng cho kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc.
- Khu vực di sản: Khu vực phía Bắc của Hồ Gươm với trọng tâm là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Các SV làm việc theo nhóm, được hình thành trên cơ sở tự nguyện, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Mỗi nhóm được chủ động lựa chọn chủ đề và địa điểm nghiên cứu tương ứng. Các nhóm tiến hành khảo sát thực địa, ghi nhận lại các yếu tố hiện hữu của khu vực, đề xuất ý tưởng và dần hiện thực hoá ý tưởng; địa điểm thực hiện là xưởng thực hành của trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội. Từ các thông tin đã thu thập tại thực địa, qua mạng internet và qua các bài giảng, hướng dẫn của các thầy cô giáo Ý – Việt Nam, các nhóm SV đã thảo luận, phác thảo các ý tưởng thiết kế của riêng mình.
Phương pháp, công cụ triển khai ý tưởng và thể hiện trong workshop là không có giới hạn, trong đó khuyến khích sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc vẽ tay sơ phác những ý tưởng ban đầu và việc minh hoạ, triển khai ý tưởng thành sản phẩm cuối cùng sử dụng các phần mềm đồ hoạ.
Kết quả chính của workshop
Qua một tuần làm việc khẩn trương, hăng say và sáng tạo, các nhóm SV đã cho ra đời những bản vẽ thiết kế hấp dẫn của mình. Các sản phẩm của 10 nhóm SV đã được triển lãm tại khu di sản văn hoá quốc tế Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội vào ngày 21/ 3/2019; thu hút sự quan tâm tìm hiểu và yêu thích của các chuyên gia khách mời (đến tham gia sự kiện hội thảo quốc tế kèm theo workshop) cũng như các khách thăm quan khu Hoàng thành (Trong thời gian tới đây, các sản phẩm này cũng sẽ được triển lãm tại Ý như một thành quả đến từ Việt Nam tôn vinh sự kiện Ngày thiết kế Ý 2019 tại nhiều quốc gia).
Có thể thấy sự chú ý của các nhóm chia đều cho hai chủ đề. Các giải pháp thiết kế đa dạng nhưng đều chia sẻ một số trọng tâm chính, bao gồm: Việc giữ gìn những giá trị vật thể và phi vật thể của công trình – khu vực; đặt con người/ người sử dụng và sự phát triển bền vững về mặt xã hội làm trọng tâm và có sự tiếp thu, tích hợp những quan điểm, công nghệ mới để đảm bảo sự thích ứng trong tương lai. Những nội dung này đã cho thấy khả năng tư duy, thực hiện thiết kế khá sâu sắc và nhạy bén của các SV Việt Nam, cũng như thể hiện cho thấy tình yêu của các bạn trẻ đối với các giá trị di sản đô thị của Hà Nội. Từ góc độ đào tạo, các giáo sư Ý đã đánh giá cao khả năng học tập – làm việc của các bạn SV trước áp lực, thách thức lớn như: Sự phức tạp của vấn đề cần nghiên cứu, khối lượng nội dung cần thực hiện lớn và thời gian thực hiện eo hẹp. Các giáo sư cũng mong chờ sự phát triển sâu sắc và hoàn thiện hơn nữa của các bài làm trong tương lai.
Workshop được đánh giá là thành công, đánh dấu cho sự phát triển đa dạng các cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế giữa nhiều bên, trong các vấn đề quan trọng của đô thị là quy hoạch – thiết kế kiến trúc và di sản. Bên cạnh đó, workshop này chính là một cơ hội quí báu giúp hoạt động đào tạo của các trường Đại học Việt Nam, trong đó có Đại học Xây dựng được nâng cao và phát triển tiệm cận với thế giới, đồng thời, workshop đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Ý và Việt Nam vốn có nhiều tương đồng và trân trọng lẫn nhau.
Một số đồ án tiêu biểu của các nhóm sinh viên tham gia workshop
1. “THE REVIVAL” – “Sự hồi sinh”
Giải Nhất – Hạng mục: Công trình di sản – Thư viện Quốc gia – Nhóm tác giả: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Đánh thức một công trình đã bị “ngủ quên” trong quá khứ, làm cho nó trở nên có ý nghĩa, có giá trị hơn, năng động và linh hoạt hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thời đại phát triển công nghệ số như hiện nay là những gì mà nhóm tác giả muốn thể hiện. Bên cạnh đó, việc tôn vinh giá trị lịch sử, tạo mối liên kết giữa công trình hiện tại và không gian quá khứ; thay thế mô hình không gian mới nhưng không làm mất đi giá trị văn hóa cốt lõi của công trình chính là lý do mà tác phẩm đã được đông đảo các thành viên Hội đồng đánh giá cao.
2 . “THE MEMORY OF PICTURE” – “Ký ức qua những bức ảnh”
Giải Nhất hạng mục: Khu vực di sản – Hồ Hoàn Kiếm – Nhóm tác giả: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Tái hiện lịch sử quanh Hồ Gươm thông qua những bức ảnh là một cách đặt vấn đề của nhóm tác giả. Phố cổ Hà nội với những mái ngói, khung cửa tựa như một bức tranh sống động, những hình ảnh đó luôn gợi lên những ký ức đầy giá trị về cuộc sống của người Hà Nội. Chọn tuyến phố Đinh Tiên Hoàng để tạo dựng những triển lãm đầy chất nghệ thuật, một quảng trường được bố trí vươn sát mặt hồ để giúp du khách có cơ hội được tiếp cận với mặt nước và là nơi tập trung các hoạt động biểu diễn. Hồ Gươm trở thành tấm gương phản chiếu khơi gợi lịch sử, một cuộc đối thoại giữa cuộc sống tấp nập với sự phẳng lặng, trầm ngâm của mặt hồ.
3 . “PASTCODE” – “Mật mã quá khứ” – Nhóm tác giả: trường ĐH Xây dựng
Mở cánh cửa lịch sử bằng một “Mật mã” mang tên “quá khứ” là một ý tưởng khá mới và táo bạo của nhóm tác giả. Ngày nay, khi con người quá tập trung vào mạng xã hội, internet,.. họ quên đi những giá trị lịch sử xưa cũ, việc sử dụng công nghệ để kết nối mọi người hiện tại với quá khứ, với những bối cảnh những giá trị tốt đẹp thời xưa là một phương pháp phù hợp với bối cảnh công phát triển của truyền thông và kỹ thuật số. Việc sử dụng mã code sqr để hỗ trợ quá trình tham quan của du khách là một cách hiệu quả để tiếp cận lịch sử. Bên cạnh đó nhóm tác giả còn sử dụng nhiều thủ pháp kỹ thuật như việc lát gạch theo hình thái viền hồ và tạo thành khu phố đi bộ cố định; tạo những bục nhô ra hồ với hình thái giật cấp giống với hình thái của khu nhà đối diện; tạo gương cong phản chiếu với sự lặp lại tầng tầng lớp lớp của các mái nhà cổ càng tạo cho tuyến phố có một dấu ấn riêng biệt và khác biệt.
4. “RECONECTION” – “Sự kết nối” – Nhóm tác giả: trường ĐH Xây dựng
Gắn với lịch sử từ ngàn năm xưa, mọi người truyền tai nhau rằng vua Lê Lợi trả gươm cho rùa thần được gọi là Kim Quy, nhóm tác giả đã có ý tưởng lấy hình ảnh mai rùa để làm hình ảnh tượng trưng, để làm gợi lại hình ảnh lịch sử đáng quý. Cùng với đó là phân khu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ tạo điểm nhấn như một đôi mắt rùa đang tỏa sáng, hứa hẹn sẽ đem lại một sản phẩm thú vị.
5. “VOID” – “KHOẢNG TRỐNG” – Nhóm tác giả: trường ĐH Phương Đông
Nhà 31B thuộc khuôn viên thư viện quốc gia Việt Nam là một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc Pháp duy nhất còn giữ được tính nguyên bản từ khi xây dựng tới nay. Với việc đề xuất cải tạo cho công trình, nhóm tác giả đã đưa ra những giải pháp hợp lý nhất cho công trình mà vẫn giữ được giá trị cốt yếu. Giữ nguyên hình thức mặt đứng ngôi nhà để đảm bảo tính nguyên bản. Mở hướng tiếp cận chính cho ngôi nhà ra phía đường Tràng Thi. Đưa thêm lõi giao thông trục đứng bên ngoài nhà ở phía tiếp giáp với nhà K2 và kết nối nhà 31B với nhà K2 tạo một tuyến kết nối cho toàn bộ công trình trong thư viện. Bên trong nhà giải phóng tường ngăn, đưa những chức năng mới vào công trình: cafe, book store, phòng triển lãm, không gian hoạt động sáng tạo… Cải tạo không gian áp mái để tăng diện tích sử dụng. Cải tạo không gian bên ngoài nhà đưa cây xanh, mặt nước vào để làm dung hòa giữa công trình và cảnh quan tự nhiên. Sử dụng hầm làm giải pháp cho việc đỗ xe …
*NCS Nguyễn Thanh Tú – NCS Nguyễn Hải Vân Hiền
ThS Phạm Hồng Việt – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)