Loại hình và các xu thế ảnh hưởng thiết kế không gian sáng tạo?

Trong một thập niên vừa qua, dưới áp lực của những lực đẩy kinh tế, văn hóa, và dân số sau thời kỳ suy thoái năm 2008, nhiều không gian sáng tạo đã được hình thành với mục tiêu chính giúp đỡ mọi người khởi sắc. Thiết kế không gian đã chuyển dịch ra khỏi mối bận tâm về hình thức để tiếp cận chặt chẽ hơn các giá trị cốt lõi, nhằm giúp con người phát triển trong điều kiện kinh tế và dân số mới.

Bản chất của sáng tạo đang chuyển dịch không gian trở thành các nơi chốn mở, linh hoạt – nơi mà các chuyên môn và ngành nghề riêng biệt hội tụ dễ dàng. Không gian sáng tạo (KGST) là những biểu hiện vật lý của các lực đẩy kinh tế, dân số và văn hóa. Đó là các nơi làm việc khởi phát cho quá trình sáng tạo thông qua việc tăng cường sự tương tác, giao tiếp, cộng tác – Như những cách thức dẫn đến các ý tưởng mới. Tổ chức không gian tạo điều kiện thuận lợi cho sự cộng tác, tạo ra các gặp gỡ ngẫu nhiên, và tái lập mạng lưới xã hội.

Các không gian sáng tạo được phát triển xung quanh khu vực ĐH Pennsylvania và trung tâm thành phố. (Nguồn: ghi chú theo Wagner & Watch, 2017 trên nền ảnh từ Google Earth)

Các loại hình không gian sáng tạo

Một số thể loại không gian mới được hình thành và phát triển, như không gian cộng tác đã trở thành loại hình phát triển nhanh nhất ở Mỹ, không gian gia tốc, vườn ươm khởi nghiệp, … đã trải qua sự trưởng thành vượt bậc ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Singapore, Tây Ban Nha, Nhật Bản và các quốc gia khác. Các không gian thường được xây dựng kế cận hoặc trong cùng quần thể để sử dụng lợi thế cạnh tranh về nơi chốn, đồng thời thúc đẩy sự tương tác giữa các ngành, nghề khác nhau.

Sự thay đổi trong bố cục mặt bằng tăng tính cộng tác với mô hình Đại học – Công ty. Nguồn: (Wagner & Watch, 2017)

“Đổi mới sáng tạo vượt ra ngoài các phát minh đơn thuần mà có nghĩa ứng dụng sáng tạo các công nghệ, quá trình hoặc ý tưởng cho các mục đích hữu ích. Sáng tạo đang trở thành hàng hóa giá trị cao, là chìa khóa cho sự cạnh tranh và phát triển kinh tế” (Horn, 2005)

  • Vườn ươm (incubator): Nơi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ để ươm mầm các ý tưởng đột phá tiềm năng từ bước khởi đầu, có thể bao gồm chương trình huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị, mạng lưới hỗ trợ cần thiết cho các nhà khởi nghiệp.
  • Không gian gia tốc (accelerator) (KGGT): Nơi mà những nhóm các chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm và nhà đầu tư cung cấp các chương trình tăng tốc ngắn hạn nhưng tập trung cao độ cho đội ngũ các công ty để đẩy nhanh sự tương tác với thị trường. Các chương trình cung cấp bao gồm cấu trúc hướng dẫn, cơ hội mạng lưới, và tiếp cận nguồn vốn.
  • Không gian cộng tác (co-working space) (KGCT): Văn phòng hoặc môi trường làm việc được chia sẻ để giảm chi phí thuê văn phòng hàng tháng và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các đơn vị khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động. Nhiều không gian cùng chia sẻ mục tiêu tạo ra những môi trường tăng cường sự kết nối và sáng tạo.
  • Không gian khởi nghiệp (startup space) (KGKN): Cung cấp cho những người khởi nghiệp không gian và các tài nguyên cần thiết để thử nghiệm và nuôi dưỡng ý tưởng. Nhiều nơi cung cấp các không gian làm việc khác nhau bao gồm các phòng thí nghiệm, hoặc kết hợp tăng cường với vườn ươm, KGGT hoặc KGCT. Các không gian này có thể phục vụ cho nhiều nhóm nghành khác nhau, hoặc có thể chỉ một ngành chuyên biệt.
  • Trung tâm sáng tạo (Innovation space) (TTST): Những không gian riêng, cộng tác hoặc công cộng với những kỹ thuật phát triển mới nhất để đề xướng các ý tưởng và phát triển sản phẩm. Nhiều phiên bản được hình thành tùy vào trọng tâm kinh tế (ví dụ như dược và robotics); mục tiêu khách hàng (ví dụ như các công ty, người khởi nghiệp, sinh viên); và tích hợp với các hoạt động khác (văn phòng cộng tác, vườn ươm, các trang thiết bị thí nghiệm chia sẻ).
  • Không gian người làm (Maker space): Là không gian mà con người và người khởi nghiệp có thể phát triển, kiểm tra các ý tưởng. Các tài nguyên bao gồm một loạt các thiết bị, hạ tầng, vật liệu, và các chuyên gia. Một số được hình thành theo các ngành công nghiệp cụ thể và có thể đặt trong các thư viện, trung tâm cộng đồng, tổ chức tư nhân, hoặc trong các trường đại học.
  • Viện nghiên cứu (Research Institute): Tạo điều kiện cho nghiên cứu cộng tác nhiều lĩnh vực (thường là giữa học thuật, khu vực tư nhân, và công cộng) để đẩy mạnh sự chuyển tiếp từ các phát minh thí nghiệm đến sử dụng thực tế. Thường đặt cạnh các tòa nhà đại học để kích hoạt tương tác giữa các nhà nghiên cứu từ các khoa lân cận.
  • Hội trường dân sự đổi mới (Innovation Civic Hall): Một loại hình mới dành riêng cho không gian dân sự cho những cộng đồng sáng tạo để thu thập và trao đổi các ý tưởng. Bao gồm các không gian làm việc mở và giảng dạy, không gian sự kiện, các không gian sử dụng linh hoạt.

Các xu thế ảnh hưởng thiết kế không gian sáng tạo

1. Bản chất mở và cộng tác của sáng tạo đang thay đổi bản chất thiết kế

Sáng tạo đang ngày càng tăng tính cộng tác, liên quan đến hai hay nhiều người để đạt được sự đổi mới từng bước hay vượt bậc. Hợp tác và hội tụ, một xu hướng mà nhiều ngành nghề riêng biệt hợp tác cùng nhau như là một công cụ sáng tạo, là nền tảng quan trọng của sáng tạo mở. Thiết kế không gian đặt trọng tâm vào sự cộng tác, tạo ra các không gian linh hoạt, môi trường làm việc gắn kết và đáp ứng cao theo nhu cầu con người và các nhóm làm việc. Một số chiến thuật thiết kế chú trọng vào sự cộng tác, như: Hợp nhóm chỗ ngồi để hòa trộn nhân lực từ các chuyên ngành khác nhau, một số không gian tổ chức thành các cụm láng giềng, đòi hỏi chia sẻ các thiết bị và vật tư như là một cách để tạo điều kiện cho đối thoại và nói chuyện bên lề, bố cục sàn làm việc mở, các ngăn cách vật lý được gỡ bỏ để tăng cường sự hòa nhập và cộng tác.

Sự linh hoạt trong không gian đang ngày càng được chú trọng để đáp ứng nhu cầu thay đổi của con người và quá trình sáng tạo trong thực tế. Tính linh hoạt được chuyển thể trong thiết kế như đa dạng trong loại hình không gian để đáp ứng nhu cầu làm việc cá nhân và theo nhóm, ứng dụng tường di động, nội thất và thiết bị có thể di chuyển, các dây diện ròng rọc có khả năng kéo dãn cao, sàn công trình tạo điều kiện cho máy móc có thể dịch chuyển, hoặc không gian được tái cấu trúc với thời gian lắp đặt tối thiểu. Thiết kế văn phòng mở nhằm tăng cường tương tác và giao tiếp mặt đối mặt, tăng cường sự linh hoạt, và tăng hiệu quả không gian. Thiết kế văn phòng tổng hợp với không gian đóng và mở cân bằng giữa không gian tương tác (mang tính xã hội) và cá nhân (mang tính phản ánh). Một số không gian tạo các tường dày, hút âm để đảm bảo tính riêng tư và im lặng hoặc dùng tường kính như một tín hiệu thị giác về tính mở của không gian.

Mục tiêu về sáng tạo cũng đã ảnh hưởng đến các phòng thí nghiệm để khuyến khích công việc nhóm và cộng tác thông qua không gian thí nghiệm được chia sẻ. Ranh giới giữa các ngành độc lập ngày nay đã biến mất, phòng thí nghiệm nghiên cứu nên được thiết kế để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khác nhau và có thể dễ dàng thích ứng với những nhu cầu thay đổi với khả năng tái cấu trúc không gian với chi phí và sự gián đoạn thấp nhất. Các thành phần thiết kế mới của phòng thí nghiệm bao gồm chỉ vài mảng tường cứng, tường kính, lab mở, các bàn làm việc với ổ cắm và thiết bị nghiên cứu trên bánh xe, trần thông minh (cho phép người sử dụng điều khiển đèn và các thiết bị điện khác), và một bàn café gần đó để khuyến khích đối thoại. Không gian mở của phòng thí nghiệm sẽ tăng cường sự tương tác và cộng tác. Trong không gian này, các nhà nghiên cứu sẽ ngồi thuận tiện kế tiếp nhau, học hỏi lẫn nhau.

2. Sự phức tạp của sáng tạo đang xác định lại giá trị của giao tiếp

Nhiều nhà kinh tế và khoa học đã kết luận rằng sự tập trung về mặt địa lý của các công ty gần nhau sẽ tạo hiệu ứng hội tụ vì “các ý tưởng di chuyển không hoàn hảo qua không gian”. Những hạn chế trong chia sẻ các thông tin ngầm, phức tạp và trong việc kết nối các ngôn ngữ khác biệt cũng như kinh nghiệm liên ngành. Khả năng chia sẻ kiến thức sẽ gia tăng khi các công ty ở gần nhau. Các ngành định hướng sáng tạo cũng đạt được các lợi ích quan trọng từ việc chia sẻ thông tin. Ảnh hưởng từ lập luận trên, các KGST được tái sắp xếp để gia tăng giao tiếp mặt đối mặt. Điều này sẽ giúp cho việc chuyển giao kiến thức kỹ thuật và kích thích quá trình thông tin. Với các thông tin phức tạp cao, con người thường có xu hướng giao tiếp mặt đối mặt đảm bảo sự phức tạp của thông tin được nêu rõ và nắm bắt.

Sắp đặt hành lang ở vị trí phù hợp sẽ làm tăng cường các cuộc gặp ngẫu nhiên. Nguồn: (Wagner & Watch, 2017)

Tăng cường cơ hội tương tác cá nhân được chuyển thể sang thiết kế bằng việc sử dụng khung xương công trình để định hình giao tiếp, cộng tác, và truyền cảm hứng. Cấu trúc tổng thể của công trình, hình dáng, kích thước, và chiều cao ảnh hưởng đến khả năng diễn ra các cuộc gặp mặt đối mặt. Ví dụ, một công trình với hình chữ nhật dài hay hình dạng rắn tạo nhiều cản trở cho con người gặp gỡ do khoảng cách đi lại. Giao tiếp thuận lợi hơn trong cùng một tầng hơn là giữa các tầng. Một số chiến thuật tổ chức không gian để tăng cường sự kết nối giữa con người, như tổ chức khoảng thông tầng để giảm sự ngăn cách giữa các tầng và tạo ra sự kết nối về mặt thị giác giữa các không gian; bố trí cầu thang nội bộ ở trung tâm tòa nhà và đủ rộng cho ít nhất hai người nói chuyện thoải mái; hành lang kết nối với không gian trung tâm và được thiết kế để tạo ra các cuộc gặp ngẫu nhiên, gia tăng tương tác xã hội; phòng chờ được thiết kế thành các không gian xen kẽ thích ứng với các loại chỗ ngồi khác nhau, kết hợp màu sắc, mẫu mã, chất liệu, và thiết bị chiếu sáng truyền cảm hứng.

Không gian văn phòng tổng hợp cho công ty Manifest ở St. Louis, Mỹ. (1) Trạm làm việc linh hoạt, (2) Một số người đeo tai nghe để cách ly với tiếng ồn, (3) Không gian yên tĩnh kế cận, (4) Tường kính cho không gian mở và có thể nhìn thấy. Ảnh: Triggs Photography.

Không gian tập trung công cộng có vai trò quan trọng trong việc tạo lập các cuộc chạm trán tình cờ hay ngẫu nhiên sẽ khởi phát giao tiếp truyền cảm hứng, qua đó kích thích sự sáng tạo. Những giao tiếp như vậy thường là tự phát và giữa những người làm việc trong các đơn vị tổ chức khác nhau, các dự án, và ngành nghề khác nhau, và xảy ra thuận lợi nhất ở các không gian công cộng thân mật trung tính cho mọi người. Ví dụ không gian café, không gian chung, tầng trệt công trình. Nhiều KGST tạo cảm giác thoải mái như ở nhà, chỗ làm việc và không gian công cộng được làm nhòa đi để lôi kéo mọi người đến với nhau và giúp họ thư giãn, một yếu tố thiết yếu của sáng tạo và kích thích các ý nghĩ nguyên bản. Tương ứng với sự thay đổi của KGST, tầng trệt được thay đổi trở thành các điểm thu hút cộng đồng. Xử lý tầng trệt cần tạo sự thông suốt thị giác để liên kết người bên ngoài với các hoạt động sử dụng bên trong. Ví dụ như sử dụng các cửa sổ lớn từ sàn đến trần tạo sự trong suốt để mời gọi sự hòa nhập giữa bên ngoài và trong. Đồng thời, cũng tạo sự thẩm thấu, cảm giác mà con người sẵn sàng bước vào và sở hữu không gian. Ví dụ làm cho sảnh công trình trở nên hướng tới xã hội bằng việc thiết kế một quán ăn hay café kết hợp công nghệ không dây nhanh và miễn phí có thể biến tầng trệt trở thành khu làm việc.

Không gian cho cộng đồng sáng tạo ở District Hall, Boston. Không gian được chuyển đổi linh hoạt, kích thích sự gặp gỡ, tương tác, cũng như làm việc cá nhân. Ảnh: Bruce Martin

Chương trình hóa không gian đóng vai trò quan trọng trong không gian sáng tạo, làm cho không gian trở nên sống động, như các hướng dẫn, các sự kiện xã hội và văn hóa, đào tạo và gặp gỡ. Các KGST tích hợp liền mạch giữa thiết kế và chương trình để xây dựng một môi trường cộng đồng và cộng tác. Đó là sự cân bằng giữa không gian chung và riêng, và chọn lọc các sự kiện về mặt thông tin và xã hội.

3. Bản chất phổ biến của công nghệ đang chuyển hóa không gian thành các nền tảng thử nghiệm nhằm cân bằng giữa yêu cầu tổ chức, sức mạnh công nghệ và nhu cầu con người

Sự phát triển của công nghệ làm gia tăng sự dịch chuyển của nhân viên, giúp họ có thể làm việc từ nhiều vị trí khác nhau và vẫn kết nối. Con người ngày càng ít gắn với trạm làm việc hơn là trước đây. Điều này tạo nên xu hướng giảm số lượng và thu nhỏ không gian làm việc cố định. Sự mở rộng của không gian ảo rõ ràng đang làm thay đổi sử dụng không gian thực và ảnh hưởng đến thiết kế KGST. Các công nghệ có thể được phân thành 3 loại: công nghệ là công cụ cộng tác và giao tiếp; công nghệ là công cụ nghiên cứu và sản xuất; và công nghệ là công cụ trình diễn và trưng bày.

Không gian sáng tạo đặc trưng khác nhau tùy thuộc vào mức độ công nghệ tích hợp trong không gian. Nguồn: (Wagner & Watch, 2017)

Công nghệ đã giúp cởi trói các nhân viên khỏi sự gắn chặt với công sở và tăng cường sự công tác và giao tiếp. Điều này có thể giúp làm tăng năng suất của nhân viên thậm chí 10-20%, nhất là đối với quần thể công nhân trí thức di động. Một số nền tảng phần mềm như Bluejeans, Webex, Skype, … có thể sử dụng trên điện thoại thông minh cho đến những không gian hội nghị truyền hình quy mô lớn. Nhiều công nghệ giúp tăng cường sự cộng tác, như các chương trình phần mềm quản lý dự án, hỗ trợ hệ thống quy trình làm việc, và phần mềm cộng tác đám mây. Công nghệ cũng đang thay đổi quá trình sáng tạo trong nghiên cứu và sản xuất. Một số ví dụ tiêu biểu như in 3D và hình dung tại chỗ đã vượt quá giới hạn của các ngành, tạo điều kiện cho sáng tạo trong các lĩnh vực như kỹ thuật, hàng không, công nghệ nano và nhiều ngành khác. Công nghệ biểu diễn và trưng bày đang phát triển và làm thay đổi rất lớn đến thiết kế không gian như tường LED tương tác trình chiếu, bảng kỹ thuật số, màn hình tương tác, bàn tương tác, …

Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các không gian thiết kế linh hoạt để đáp ứng mức độ đổi mới công nghệ. Không gian được thiết kế cho phép nhân viên chuyển đổi nhanh chóng thiết bị, các băng ghế có thể di chuyển với các ổ cắm sẵn có, và sự linh hoạt để sử dụng các công nghệ cá nhân ở vị trí làm. Đồng thời kho lưu trữ các thiết bị cũng thay đổi do sự nâng cấp làm cho các công nghệ hiện tại nhanh hơn, năng lượng hiệu quả và kích cỡ thiết bị thu gọn lại. Quá trình thay đổi tạo một thế giới mới của chia sẻ như chia sẻ trạm làm việc, không gian, và thiết bị. Với bản chất phổ biến của công nghệ, các nhân viên đang ngày càng lưu động và sử dụng công nghệ riêng, thiết kế không gian ngày càng ít các trạm làm việc chuyên dụng. Xu hướng này, được hỗ trợ bởi việc nhấn mạnh vào cộng tác và chia sẻ, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến không gian. Ước lượng không gian văn phòng ngày nay ít hơn khoảng 30% so với 10 năm trước. Đồng thời thiết kế không gian hội họp cũng thay đổi. Các cuộc họp có thể diễn ra tại bàn kết hợp với sự tham gia của các nhóm ở xa.

Trung tâm Sáng tạo Watt Family của ĐH Clemson kết hợp các màn hình tương tác dọc các hành lang, trong lớp học dự án, và khu vực làm việc nhóm. Ảnh: Clemson.

Kết luận

Khi kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt giá trị lớn hơn vào sự đổi mới như là một phương thức để phát triển ngành mới và nghề nghiệp mới, vai trò và giá trị của KGST sẽ tăng lên tương xứng. Không chỉ cho con người sự tự do và tập trung vào thử nghiệm, KGST còn là một địa điểm thực nghiệm của thiết kế và công nghệ. Mười năm qua của thiết kế đã cho thấy vai trò quan trọng của động lực con người và tăng cường sự tương tác con người như là một công cụ để đổi mới. Quan niệm mới về sáng tạo trong đó đặt trọng tâm vào sự cộng tác và hội tụ của các ngành nghề khác nhau đòi hỏi các không gian sáng tạo cần được thiết kế để tăng cường sự hợp tác, giao tiếp, và tương tác con người. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đòi hỏi không gian linh hoạt, dễ dàng thích ứng với bối cảnh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người và đảm bảo sự kết hợp liền mạch giữa chương trình hóa và thiết kế không gian. Tổ chức không gian sáng tạo cần đáp ứng mục tiêu cốt lõi là giúp mọi người được khởi sắc trong diều kiện phát triển kinh tế, xã hội và liên tục thay đổi của công nghệ kỹ thuật.

*Lê Đàm Ngọc Tú
Khoa Kiến Trúc, ĐH Xây Dựng Miền Trung

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)

——————————————————————————

Tổng hợp và lược dịch từ:

Horn, P. M. (2005). The Changing Nature of Innovation. Research-Technology Management, 48(6), 28-31. doi:10.1080/08956308.2005.11657345
Wagner, J., & Watch, D. (2017). Innovation Spaces: The New Design of Work. Washington, DC: Brookings Institution.

 

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343