KTS Đoàn Kỳ Thanh: “Dòng chảy của cuộc sống luôn là sự sáng tạo”

Là thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho TP như Zone 9 (9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative city (số 1 Lương Yên)… KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết: Đó là những khu đất để trống, thậm chí có nơi hoang tàn đổ nát, các nghệ sĩ cũng như các bạn trẻ đã thổi hồn, tạo sức sống cho các không gian này, thu hút giới trẻ đến tham gia những hoạt động văn hoá, sáng tạo. Hoạt động của Zone 9, Creative city từng được trình bày như một case study khi tham chiếu xây dựng đề án phát triển TP sáng tạo ở TP Kuching – Malaysia.

Phóng viên (P/V): Từ kinh nghiệm thực tiễn khi khởi xướng Zone 9 và Creative city, anh có thể chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo trong đô thị hiện đại?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi nghĩ có thể bắt đầu bằng những ví dụ cụ thể, từ chính nhu cầu có được không gian để có thể trình bày ý tưởng, kết nối các nguồn lực, trao đổi và tìm cách để các ý tưởng đó thăng hoa trong hiện thực.

Như các bạn đã biết, Zone 9 hay Creative city đều được hình thành do nhu cầu thiết yếu có một không gian sáng tạo cho giới trẻ. Khi mới khởi động, chúng tôi thường gọi vui Zone 9 là “Hợp tác xã nghệ sĩ – Tổ hợp không gian văn hoá – nghệ thuật”. Do nhiều nguyên nhân, Zone 9 đã “chết non”. Cho đến giờ Creative city vẫn đang hoạt động bình thường, thu hút giới trẻ, nhiều bạn làm văn hoá – nghệ thuật, công nghệ start up. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan về không gian, nên cũng có nhiều hạn chế, nhiều hoạt động ngoài trời, đông người khó thực hiện được.
Hà Nội hay những TP của chúng ta vẫn còn rất nhiều những khu đất trống, chưa được sử dụng hợp lý. Và việc chung tay biến chúng thành những không gian thú vị đầy màu sắc dành cho giới trẻ là việc hoàn toàn trong tầm tay của chúng ta. Những không gian đó được coi như “cơ sở hạ tầng” cần thiết cho sự phát triển kinh tế sáng tạo, tạo ra những giá trị mới một cách sáng tạo.

P/V: Vậy theo anh, điều kiện tiên quyết để thúc đẩy việc hình thành những TP sáng tạo là gì?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Có thể dễ dàng nhận thấy các TP sáng tạo – Không gian sáng tạo đang được thúc đẩy trên quy mô toàn cầu. Xét từ nhiều phương diện, đó chính là quá trình tương tác ở quy mô rộng lớn. Xét về chiều sâu, phát triển bền vững đang là xu hướng tất yếu dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Phần lớn mọi người đều quan niệm rằng: Sáng tạo dựa trên nền tảng của công nghệ, tạo ra những bước nhảy đột phá so với những cách làm truyền thống, đó chính là cơ hội để tạo ra những gía trị mới cho xã hội.

Tôi lại nghĩ hơi khác một chút: Sự sáng tạo vẫn luôn ở đó, kể cả khi chúng ta không đề cập đến. Xây dựng một TP sáng tạo là chúng ta đang nói đến việc xây dựng một “hệ sinh thái” cho những cộng đồng sáng tạo, trong đó có sự kết nối hữu cơ, tất cả cùng cộng sinh để thúc đẩy sự phát triển chung. Nghĩa là, thúc đẩy TP sáng tạo là xây dựng quy mô với sự tham gia của TP và cộng đồng. Điều này cần sự tham gia của nhiều bên, từ nhận thức đến ban hành chính sách, tạo được bộ khung pháp lý, bảo hộ cho những công dân sáng tạo nắm bắt cơ hội, huy động những nguồn lực tài chính… cho sự phát triển hệ sinh thái đặc biệt này. Khi có hành lang pháp lý ổn định sẽ tạo điều kiện xây dựng những cộng đồng sáng tạo, không gian sáng tạo. Mặt khác, từ góc độ của người dân, họ cũng cần thay đổi tư duy, tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng những giá trị mới cho thành phố.

P/V: Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ tham gia Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO. Theo anh, để có một Thủ đô sáng tạo thực sự, chúng ta cần chú trọng điều gì?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi cho rằng, trước hết cần có những con người sáng tạo, được phát triển trong một hành lang pháp lý ổn định. Chính quyền nên tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển công nghệ và sáng tạo. Xây dựng TP sáng tạo, cần một kịch bản tổng thể và một “tổng đạo diễn” thông minh. Bởi lẽ những sản phẩm sáng tạo không thể chỉ đánh giá theo cách thông thường.

Thời gian qua, chúng ta có thêm phố bích hoạ Phùng Hưng, những khu phố đi bộ, cá nhân tôi cũng được mời tham vấn ý tưởng cho TP về những không gian này. Phải nói rằng đó là những ý tưởng tốt, đưa nghệ thuật tương tác với cuộc sống, kết nối người dân trong không gian công cộng của Thủ đô… Nhưng để có thể nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân, hình thành một đời sống nghệ thuật thực sự thì cần nhiều hơn thế, bắt đầu từ sự “thức tỉnh” của mỗi cá nhân, thay đổi tư duy của cộng đồng. Rõ ràng, nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi cần có một không gian rộng lớn hơn để tương tác, cộng đồng giao lưu và cộng sinh trong một TP giàu sức sáng tạo.

P/V: Tiên phong trong nhiều lĩnh vực mới, tham gia ý tưởng cho nhiều dự án khó, anh cùng từng nói về những ước mơ về một không gian nghệ thuật mới. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về điều này không?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi thực sự mong muốn Hà Nội có một không gian đặc biệt dành cho nghệ thuật. Cách đây vài năm tôi và các anh em trẻ đã đề xuất ý tưởng xây dựng Quận Nghệ thuật sông Hồng b- Red river Art district với chính quyền thành phố. Gần đây cũng được các bên liên quan “rục rịch” hỏi đến. Tôi rất vui vì TP đã lắng nghe nhu cầu của các anh em trong lĩnh vực sáng tạo. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp 100% năng lượng để thực hiện ý tưởng này – Hà Nội sẽ có một điểm đến thực sự hay ho, kết nối các giới, ngành ở nhiều lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật, góp phần tạo sự hấp dẫn cho Hà Nội…

P/V: Cảm ơn KTS Đoàn Kỳ Thanh! Chúc ý tưởng của anh sớm thành hiện thực và Thủ đô sẽ có một điểm đến mới, một không gian thú vị dành cho giới trẻ!

Nhật Khuê (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343