Tôi biết Hà (KTS Đoàn Thanh Hà – H&P Architects) và những công trình của anh đã vài năm, đôi ba lần trò chuyện tại Hội KTS Việt Nam, các triển lãm và lần Hà thuyết trình tại Festival KTS trẻ Việt Nam lần 6 tại Thanh Hóa 2015. Có thể nói những cảm nhận ban đầu là tôi không thích lắm các thiết kế của anh, vì có vẻ không bắt mắt và nằm trong trào lưu kiến trúc cộng đồng mới mẻ còn nhiều ý kiến khi đó. Độ nhỏ và đơn sơ các công trình Hà làm lúc 2013-2014 đã làm tôi tự hỏi “Anh chàng này theo đuổi xu hướng này được bao lâu?”. Dần qua năm tháng, Hà vẫn theo đuổi những thiết kế của mình, chinh phục các cuộc thi và gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Mãi đến kỳ tổ chức Diễn đàn KTS trẻ YAF 2019 lần này, tôi ngồi duyệt cả 15 bài thuyết trình và thấy thú vị cực kỳ về chất lượng bài diễn giả đem đến, ngày diễn ra, quá bận rộn, nhưng may mắn, tôi lại túc trực ở panel nơi Hà trình bày, nghe kỹ hơn về những gì anh theo đuổi và dấn thân.
Đó là một bài trình bày rất thú vị, súc tích, logic và dễ hiểu. Người nghe dễ dàng cảm nhận được những tư tưởng của tác giả thiết kế qua lộ trình sáng tạo không quá dài của giai đoạn trên 5 năm 2013-2014 đến 2019. Tiệp cận trực diện “Kiến trúc vị dân sinh” là gì, đến từ đâu? Anh đã tháo gỡ dần từng mắt xích một cách dễ hiểu trong chuỗi “Suy nghĩ – đặt vấn đề – theo đuổi lời giải – hiện thực hóa tư duy và công cụ thiết kế” thông qua các công trình thiết kế của mình dần hình thành. Thật vừa đẹp cho quãng thời gian đủ dài chứng minh những gì anh nghĩ là “có thể” đúng, “có thể” thuyết phục người khác đồng cảm và ủng hộ, trong khía cạnh này, anh và tác phẩm của anh đã chứng minh một cách thuyết phục bởi sự tiếp diễn đầy đam mê.
Thật thú vị và khéo léo khi nghe Hà truyền tải thông tin xây dựng một quan điểm đúng đắn và khôn ngoan khó bắt bẻ: “Kiến trúc vị dân sinh – Đáp ứng nhu cầu người sử dụng (Công năng) lại vừa thể hiện được nhân sinh quan của KTS (Quan điểm sáng tạo)”. Rõ ràng Hà chọn một hướng đi đầy nhân văn khi tiếp cận các cộng đồng cư dân yếm thế, dễ bị tổn thương trong xã hội để lắng nghe và tìm cách giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất của họ trong tầng bậc thấp của tháp Maslow. Anh cũng đồng thời tạo dựng một quyền sáng tạo riêng khi xây dựng triết lý “Kiến trúc vị dân sinh” của riêng mình: Anh xây dựng từ 3 nội dung tiếp cận: Không gian thiết yếu (vì dân) – Cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên (của dân), và Bộ nguyên tắc (do dân), thoạt nghe hơi khó hiểu và có chút khiên cưỡng ghép lại, nhưng bình tĩnh xem tiếp phần trình bày, mọi thứ được diễn giải logic và có tính thuyết phục hơn.
Anh cũng tự xây dựng triết lý làm việc của mình trên các bộ công cụ bộ 3 – rất thông minh và dễ tuân thủ, ví dụ:
- “Không gian thiết yếu” được cấu thành từ các đặc trưng: Chi phí thấp, đơn giản – dễ thi công bảo dưỡng và linh hoạt – trong sử dụng phát triển không gian;
- “Không gian thiết yếu” có các thành tố: Vật liệu xây dựng thiết thực, công nghệ xây dựng thích hợp và sự tham gia của người dân;
- “Không gian thiết yếu” với 3 không: Không ngăn cách, không phân biệt trong ngoài, không giới hạn đối tượng.
Công cụ 3N (Nước, Năng lượng, Nguyên vật liệu) công cụ Triple (3 tầng sử dụng, 3 phần kết cấu, 3 kiểu mái), bộ nguyên tắc hiệu quả “Ngon, Bổ, Rẻ”, bộ nguyên tắc 3 Không (Không sử dụng công nghệ tinh nhuệ từ nơi khác, không cưỡng đoạt tự nhiên, không mang vật liệu từ nơi khác đến)…
Xây dựng các nguyên tắc cơ bản và kiên định cho sáng tác của mình, Hà đã “tạo khuôn” cho những tác phẩm với ngôn ngữ riêng không nhầm lẫn nhưng vẫn cho phép ngao du sự thử nghiệm trong nhiều phiên bản công trình được nâng cấp qua các phiên bản Vườn vệ sinh, Không gian thân thiện…
Nhưng Slide trình bày tôi rất tâm đắc với tác giả là quan điểm “Cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên” với bộ ba tuyệt vời: “Học hỏi tự nhiên, Nương vào tự nhiên và Tái hiện tự nhiên”. Chỉ cần nắm khẩu quyết này, tôi tin bất cứ KTS nào cũng có thể đảm bảo trên 50% thành công cho công trình tương lai khi thiết kế. Nắm quan điểm này có khi dễ hiểu một cách nhanh nhất các tác phẩm của anh.
Đi vào các công trình cụ thể, tôi dần cảm được cái hay của tác giả khi nhìn thấy sự chuyển biến trong sáng tác của anh, từ Forestaurant – 2014, đến Tổ ấm ruộng – 2015 và Cái hang gạch – 2017, tất cả vẫn mạch dẫn của không gian mở, không giới hạn trong ngoài, đặc rỗng luôn luân chuyển dù là chất liệu, màu sắc của gỗ, bê tông hay gạch. Hiểu các triết lý anh tạo dựng, tôi cho rằng sẽ dễ xem các tác phẩm của anh hơn, hiểu sâu và cảm được logic dẫn dắt công trình sẽ phải hình thành như thể là tất yếu của cách đặt vấn đề. 5 năm trôi qua, khi có dịp, anh vẫn tiếp tục cuộc thử nghiệm mang tên Vườn vệ sinh, mỗi công trình mọc lên như một sự nghịch ngợm đầy chất thí nghiệm của một chàng KTS trẻ mới ra trường, ngẫu hứng, thêm vào các lý thuyết xanh và tái tạo năng lượng với sự tham gia của người dân địa phương. Không biết anh sẽ “cho ra lò” bao nhiêu Vườn vệ sinh nữa. Nhưng tôi tin cuộc dạo chơi này sẽ tiếp tục thú vị và biết đâu những phiên bản No4, No5… ngày càng độc đáo, phá cách nhưng cũng hoàn thiện hơn cách đặt vấn đề khởi thủy.
Ngoài ra, tôi đặc biệt yêu thích công trình Tổ khuyến năng – 2019 tại Hải Dương, đó là một công trình đơn giản ấn tượng với chất liệu thép và gạch, tổ chức không gian ở đậm chất modun nhưng vẫn có vẻ đẹp thiết kế “vị dân sinh” mang dấu ấn tác giả. Nội thất nhà ở nông thôn vừa đảm bảo cơ bản, vừa toát lên vẻ hiện đại và thân thiện, càng cổ súy cho quan điểm kiến trúc cho người nghèo, không phải là không thể đẹp!
Được dịp xem lại toàn diện và trực tiếp nghe tác giả trình bày, tôi đồng cảm với sự chọn lựa “Kiến trúc vị dân sinh” của anh. Lời kêu gọi to tát vì một nền kiến trúc vị dân sinh có thể sẽ khó được hưởng ứng, vì hướng đi này đòi hỏi những kiên trì, sư đam mê và một cái tâm thật sự đặt lòng trong nét vẽ. Sẽ không có nhiều đàn em, bạn trẻ bắt chước theo anh, và cũng có nhiều KTS làm kiến trúc cộng đồng, kiến trúc cho người nghèo với cách tiếp cận và triết lý khác, nhưng tôi tin Đoàn Thanh Hà đã thực sự tạo một chỗ đứng rất riêng, không nhầm lẫn và là một bài học quý giá, chân thực sinh động cho hình ảnh KTS trẻ Việt Nam tự lập, vững tin bước đi trên con đường hành nghề với lý tưởng đã chọn.
Làm thiết kế, ai ai cũng chọn khách hàng giàu có, chú tâm đồng hành với người nghèo, là cái gì đó hơn cả sự đam mê, rất hy vọng và đón chờ câu chuyện vị dân sinh tác giả sẽ viết tiếp trong những năm tới ngày càng hấp dẫn. Bắt đầu từ Hà Nội, mỗi lúc anh lại càng đi xa hơn, rộng khắp các vùng quê, vùng miền núi trung du Bắc Bộ đến với các cộng đồng cư dân yếm thế, ở những nơi đó, anh mong muốn viết tiếp tác phẩm trên con đường đã chọn!
KTS Nguyễn Thu Phong – Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)