Kiến trúc toàn cầu – Kiến trúc bản địa

Sự “khuyết danh của cảnh quan độ thị”

Sự bùng nổ của kiến trúc “hiện đại” trên khắp thế giới đã tạo ra những định kiến khác nhau. Ngày nay, thật khó để nhận dạng và tìm ra được nguồn gốc của một khu phố: Dù là ở Nhật Bản, ở Panama hay ở ngoại ô Paris…?? Một màu xám xịt đồng điệu đã khoác lên mình cảnh quan đô thị một sự thiếu nhạy cảm: Ở các nơi này, cuộc sống không còn tươi đẹp nữa – Vì ở đó chẳng còn chút lãng mạn, quyến luyến hay cội nguồn, thậm trí là không có cả linh hồn.

Trong thiết kế kiến trúc, bản sắc văn hóa hay văn hóa bản địa là một trong những vấn đề rất quan trọng. Nó là chất xúc tác mạnh mẽ để tạo ra những cảm hứng thiết kế của những KTS thực thụ. Đặc biệt, những vấn đề này càng quan trọng hơn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ. Thật vậy, quá trình “toàn cầu hóa” đang bị “nghi ngờ” nhất là trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng. Chính những điều đó khiến các KTS phải đặt lại câu hỏi khi bắt tay vào các dự án của mình: Toàn cầu hóa? hay bản địa hoá?

Ảnh 1: Phối cảnh quy hoạch cho dự án La ville demain của Le Corbusier
Với tư duy Quy hoạch như thế này chúng ta không thể nhận biết được chúng ta đang ở đâu trong thành phố

Cảm hứng bắt nguồn từ quá khứ?

Phản ứng tự nhiên của chúng ta là chối bỏ sự toàn cầu hóa các không gian sống để tái cấu trúc các thành phố, khu ở và công trình kiến trúc có khả năng đại diện cho một nơi chốn, lịch sử, nền văn hóa, văn minh hay một dân tộc. Cháu gái DALVA của tôi, năm nay chín tuổi, đã hỏi tôi rằng: Khi ở Việt Nam, tôi có thiết kế kiến trúc Việt Nam không? Câu hỏi ngây ngô như vậy phát ra từ miệng một đứa trẻ, đã khiến tôi rất lúng túng.

Từ khi tôi bắt đầu việc thiết kế kiến trúc (từ năm 1973), tôi đã luôn tìm cách để đặt các đồ án vào một bối cảnh nhất định, đặc biệt khi thiết kế một khu ở. Bằng cách lấy lại màu sắc, hình thái, vật liệu tương đồng với vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc di sản của mỗi nơi, tôi đã muốn các công trình mới của mình sẽ tiếp nối hài hòa với văn hóa và tôi cũng cố gắng ngụy trang vẻ ngoài hiện đại của các công trình mới này. Jean Renaudie, một KTS “hiện đại” đã mỉa mai tôi rằng: Các thiết kế đó quá “dân dã”. Bruno Zevi cũng nghĩ như vậy.

Tôi nghĩ họ cũng có lý: Việc tôn trọng, sự cảm mến với lịch sử, văn hóa, với một nền văn minh hay một dân tộc không xuất phát từ việc ngụy trang hay bắt chước lại những gì thuộc về quá khứ. Cách làm này thật đơn thuần và hạn hẹp. Không! Không phải cứ bắt chước Versailles thì là chúng ta sẽ làm ra một kiến trúc Pháp, cũng không phải cứ sao nguyên bản Văn Miếu Quốc Tử Giám thì chúng ta sẽ làm ra kiến trúc Việt Nam, dù những công trình này có vĩ đại đến thế nào đi chăng nữa.

Ảnh 2: Khu biệt thự Hồng Hải Hạ Long (Dự án Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và cộng sự Atelier DUBOSC et Associés đề xuất cho khu đô thị mới Hồng Hải – Hạ Long) dựa theo yếu tố văn hóa – thói quen của người dân khu vực

Kiến trúc khiến một thành phố trở nên đáng sống

Một sự may mắn và cũng là vinh dự của ngành nghề chúng tôi, đó là mọi điều không đơn giản đến vậy. Trong thiết kế kiến trúc ngày nay, với quy mô các công trình hiện tại, nếu ta lấy cảm hứng từ các công trình xưa vốn đã có một tỷ lệ khác, chúng ta sẽ ngay lập tức tạo ra một công trình kiến trúc chẳng ra đâu, một kiến trúc “giống một công trình nào đó” hay như những trang trí trong nhà hát.

Ảnh 2: Khu biệt thự Hồng Hải Hạ Long (Dự án Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và cộng sự Atelier DUBOSC et Associés đề xuất cho khu đô thị mới Hồng Hải – Hạ Long) dựa theo yếu tố văn hóa – thói quen của người dân khu vực. Trong khi nghiên cứu quy hoạch đô thị mới, các chức năng khác nhau cũng được nghiên cứu các không gian khác nhau
Ảnh 4: Tổng mặt bằng dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Louis – Đồng Nai (Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và cộng sự Atelier DUBOSC et Associés)

Spoerry hay James Stirling không bao giờ chấp nhận các công trình kiến trúc “hậu hiện đại”. Quay trở lại một chút, chúng ta sẽ nhận ra thứ khiến chúng ta thất vọng khi bản sắc không còn tồn tại trong những khu phố vô hồn kia không phải là sự lặp đi lặp lại của một kiến trúc toàn cầu…

Chính là bởi sự thiếu vắng kiến trúc

Ảnh 5 : La cité des Étoiles tại Givors của KTS. Jean Renaudie

Những công trình được xếp song song liền sát nhau đó không được gọi là kiến trúc. Kiến trúc không chỉ là những công trình. Mà kiến trúc là cảm xúc: Con người có lý trí, và họ cũng có một trái tim. Thiết kế kiến trúc là khiến các công trình tương lai hài hòa với môi trường xung quanh. Sự hòa nhập tinh tế một tác phẩm nhân tạo vào Thiên nhiên đã mang đến một phép màu thực sự: Ở nơi đó, con người cảm nhận “vũ trụ” từ chính bản thân mình (Le Corbusier). Mỗi khu đất có một đặc trưng riêng, kiến trúc xuất phát từ những đặc trưng đó sẽ tự trở nên đặc biệt, nghĩa là CÓ TÍNH NƠI CHỐN.

Một kiến trúc đẹp, nghĩa là một kiến trúc tốt ở nơi nó được xây dựng. Kiến trúc của khu vực này không thể giống hệt với kiến trúc của khu vực khác, bởi điều kiện mỗi nơi đều khác nhau. Khí hậu, địa hình, hệ thống thủy văn, thực vật, điểm nhìn và tất cả những yếu tố khác tạo nên dấu hiệu đặc trưng của “một khu vực” và của Kiến trúc. Ở đây cũng cần chú ý đến các kỹ thuật và vật liệu phù hợp (ví dụ như, có những nơi, chúng ta không thể sử dụng một số kỹ thuật trong mùa mưa, ở một vài nơi khác, nước rất quý hiếm, thật không đúng khi lãng phí nước trên công trường…)

Vì thế, nếu được thiết kế đúng, một khu phố không thể có kiến trúc giống hệt với một nơi nào khác, bởi mỗi nơi, trên hành tinh này đều khác nhau. Sự đồng đều, tầm thường, buồn chán, xấu xí, mất tỷ lệ chỉ xuất hiện khi chúng ta không quan tâm đến quá trình khai hóa đô thị: Chỉ các nền văn minh lớn mới biết cách phát triển kiến trúc của một thành phố (Grenade, Hue, Fes, Arras, Venise…)

Các công trình biểu tượng

Ảnh 6: Cầu cạn viaduc de viaur của KTS. Bodin

Liệu có tồn tại những công trình biểu tượng đặc trưng cho văn hóa của một quốc gia không? Tất nhiên là có! Các công trình kiến trúc lịch sử mang trong mình những giá trị văn hóa của quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, một công trình kiến trúc biểu tượng không phải là công trình kiến trúc di sản (chắc chắn là các công trình kiến trúc di sản đều bắt nguồn từ các công trình đã có từ lâu đời hơn nữa).

Cũng tương tự như vậy, các công trình biểu tượng tham gia vào sự phát triển văn hóa. Văn hóa kiến trúc là một chuyển động không ngừng nghỉ. Ở đất nước tôi, kiến trúc gô-tíc khác biệt hẳn với kiến trúc roman, về sau, kiến trúc Phục hưng phủ nhận kiến trúc gô-tíc để rồi lại bị thay thế bởi nghệ thuật Cổ điển. Tất cả những trào lưu này, luôn đối kháng nhau… và kết thúc bằng việc chúng đều tách biệt khỏi cùng một nền văn hóa.

Kiến trúc, nếu như thực sự là Kiến trúc, về mặt định nghĩa, sẽ có vai trò ở khắp mọi nơi: Một mình, trong một khung cảnh lớn, chúng sẽ tạo ra một tầm vóc mới cho khu vực – ví dụ như, cách đây 2500 năm, là đền Poseidon ở Cap Sounion. Hay như trường hợp của Cầu dẫn nước Viaur ở Pháp, hay cầu Long Biên ở Hà Nội. Trong các đô thị, các công trình của Richard ROGERS ở Luân Đôn, Trung tâm Pomidou ở Paris hay Banca di Monte dei Paschi, của Michelcchi ở Toscane, hay rất nhiều các công trình khác ở Tây Ban Nha, đều không ngừng tạo ra cảm hứng cho nghệ thuật đô thị. Không liên quan đến những hình mẫu của quá khứ, một vài công trình biểu tượng đương đại đã trở thành các điểm nhấn thực sự của một thành phố hay một quốc gia: Nhà hát SYDNEY hay tháp Eiffel…

Ngược lại, các thành phố lịch sử (Venise…) đã chối bỏ sự vươn mình của Kiến trúc đương đại, và được đóng khung lại, như một điểm kết của văn hóa (tôi không sáng tạo nữa=tôi không biết sáng tạo thế nào nữa), được xem như một thành phố đã ngủ quên và đứng ngoài cuộc. Hãy tin vào nền Kiến trúc hiện nay: Thứ khiến các thành phố trở nên đáng sống, các công trình khiến chúng ta tự hào dù nó có tiếp nối hay tách mình khỏi lịch sử, Kiến trúc là biểu tượng của nhân loại và của nền văn minh. Vì không có Kiến trúc, là chối bỏ văn hóa. Trong lịch sử nhân loại, mỗi dân tộc đã tạo ra những kỹ thuật, hình dáng thuận theo ý Trời. Ở Châu Á, phong thủy đã tạo ra sự kết nối giữa con người và vũ trụ. Chúng ta vẫn phải đi tiếp !

Ảnh 7: Bảo Tàng Pompidou Center của KTS. Peter Rice, KTS. Richard ROGERS, KTS. Renzo Piano

Toàn cầu hóa hay kiến trúc bản địa?

Rõ ràng toàn cầu hoá đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển, nhưng nếu toàn cầu hoá mà không quan tâm đến yếu tố bản địa thì quả thật cũng có nhiều hệ lụy tai hại. Có nghĩa là xã hội cần phát triển nhưng không được phép để mất đi những văn hóa bản địa. Tuy nhiên cần phải phân biệt rất rõ ràng về yếu tố “bản sắc văn hoá”. Thứ nhất, “bản sắc” do thiên nhiên ban tặng như Vịnh Hạ Long, Sapa trước kia, kiến trúc có vai trò làm tăng giá trị của những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Và chắc chắn những “công trình” thiên nhiên này cần được bảo tồn và làm tăng giá trị của nó ở mức độ nghiêm túc nhất.

Ảnh 8: Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia Việt Nam (Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và cộng sự Atelier DUBOSC et Associés)

Thứ hai là “bản sắc” do chính con người tạo ra, thường là những công trình có giá trị, gắn bó lâu dài trong tiến trình lịch sử của một con người. Những công trình đó thích nghi với điều kiện sống, điều kiện tự nhiên tại nơi nó tồn tại. Và chính công trình đó trở thành “bản sắc văn hóa địa phương” như tháp Eiffeil, nhà hát Opéra Sydney,… Nhưng nên nhớ rằng trước khi xây dựng những công trình đó, không ai có thể nói rằng “bản sắc văn hóa” hay văn hóa bản địa là như vậy. Có nghĩa là chính các công trình kiến trúc được xây dựng tạo ra văn hóa bản địa và nó có một giá trị lớn cần được bảo tồn bởi nó phù hợp với thói quen, nó có ý nghĩa về mặt biểu tượng, về địa danh và trở thành những dấu ấn cho một vị trí, một khu đất, đôi khi cả một đất nước.

Vì vậy, chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa hai khái niệm “toàn cầu hóa” và “bản địa hóa”. Không cứng nhắc mà luôn phải phát huy thế mạnh của từng cái và đảm bảo tính phù hợp tại mỗi thời điểm, điều kiện khác nhau.

* GS.KTS Eric DUBOSC
TS.KTS Nguyễn Việt Huy

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343