Tôi xin có mấy suy nghĩ nhỏ và đề cập thẳng vào vấn đề mà không qua lời dẫn.
I/ Vấn đề tầm nhìn (view) từ trong bờ ra biển
Thông thường, khi bàn về kiến trúc cao tầng ven biển, luận điểm thường được dùng là: “Nhà cao tầng ven biển che tầm nhìn từ bên trong đô thị ra biển, làm mất giá trị thẩm mỹ của cảnh quan đô thị”.
Tôi xin góp một số suy nghĩ của mình như sau:
1.1- Nếu dải đất ven biển là nhà thấp tầng thì ai sẽ hiện thực hóa luận điểm này?
- Nhà đầu tư tư nhân chắc sẽ không mặn mà lắm vì điều này ngược với quy luật giá trị đất đô thị. Quy luật giá trị đất đô thị ven biển là cao dần từ bên trong ra đến dải đất ven biển. (Xem hình 1). Nhà đầu tư tư nhân thì luôn tuân theo quy luật này.
- Muốn có điểm nhìn cao ở bên trong đô thị, thì phải có nhà đầu tư chấp nhận giá trị đất thấp mà lại xây cao tầng! Điều này có khả thi không?
- Chỉ có nhà nước mới có khả năng làm điều này. Nhưng vốn ở đâu? Trong điều kiện nước ta hiện nay, điều này khó khả thi.
1.2- Nếu đặt vấn đề là view thì có thể có 2 câu hỏi về giá trị của view như sau:
– Ai sẽ là những người cần loại view này? Chỉ là một tỉ lệ % rất nhỏ của người dân đô thị. Bởi phần lớn thị dân không có đủ điều kiện để sở hữu điểm cao từ bên trong đô thị để nhìn ra biển.
– Thời gian là bao nhiêu trong ngày để sử dụng các view này? Chắc chắn là một số phút rất ít trong 24 giờ, một % rất rất nhỏ
– Nếu nhân 2 hệ số % này ta sẽ có một % giá trị của view là rất, rất, rất nhỏ.
Vậy là giá trị của view từ bên trong đô thị ra biển là rất, rất nhỏ. Luận điểm của view từ bên trong đô thị ra biển là cần, nhưng không phải là chính để định hướng, để tạo khung quy hoạch cho các dải đất ven biển
II/ Vấn đề thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển
Thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển có phải được đánh giá bằng view từ bên trong đô thị ra biển không? Tôi cho rằng không phải như vậy. Bởi giá trị thẩm mỹ đô thị của các đô thị ven biển chủ yếu được đánh giá ở cảnh quan của dải đất ven biển.
2.1 – Dải đất ven biển có thể chỉ là nhà thấp tầng, ta có hình thái cảnh quan nhẹ nhàng, lãng mạn (trường hợp có quy hoạch hợp lý).
2.2- Dải đất ven biển có nhiều nhà cao tầng (trường hợp không tạo thành bức tường liên tục) ta có hình thái cảnh quan tráng mỹ
Cả hai trường hợp trên đều có giá trị thẩm mỹ ngang nhau, vấn đề là lựa chọn hình thái nào? Hay kết hợp một cách hợp lý. Điều này có nghĩa là không nhất thiết dải đất ven biển chỉ có nhà thấp tầng mới có giá trị thẩm mỹ đô thị.
2.3- Cảnh quan của dải đất đô thị ven biển thường được xác định từ giới hạn xây dựng đến bờ biển. Khoảng không gian này càng rộng, càng dễ tạo cảnh quan có giá trị thẩm mỹ cao cho dải đất đô thị ven biển. Chính không gian ven biển này mới quyết định vẻ thẩm mỹ của cảnh quan đô thị ven biển, chứ không phải view từ bên trong ra biển.
III/ Kết luận bỏ ngõ
3.1- View từ trong ra biển là cần nhưng không là chính nên nhà cao tầng ở dải đất ven biển vẫn có thể xây dựng nhưng cần tạo khoảng trống giữa các tòa nhà đó. Điều này ai cũng biết, nhưng cần lượng hóa tỉ lệ % của khoảng trống tương ứng với % nhu cầu view từ bên trong đô thị ra biển. Điều này cần một nghiên cứu, điều tra cụ thể chứ không thể chung chung được.
3.2- Giá trị thẩm mỹ của các đô thị ven biển được đánh giá ở cảnh quan của dải đất ven biển ( từ giới hạn xây dựng ra đến biển). Dải đất này càng rộng, càng có nhiều khả năng sáng tạo cảnh quan có giá trị cao. Đường dạo ven biển không chỉ là con đường để đi dạo, mà là tổ hợp cảnh quan hiểu theo nghĩa sea promenade.
KTS Nguyễn Luận