Năm 1010, Hà Nội trở thành kinh đô của nước Đại Việt.
Năm 1945, Hà Nội trở lại là thủ đô của nước Việt Nam độc lập.
Năm 1976, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.
Năm 2008, sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.
Hà Nội có diện tích 3358,9 km2, phần đô thị chiếm diện tích 319,56km2; Dân số khoảng 8,05 triệu người, thành thị 3,96 triệu người, chiếm tỷ lệ 49,2%, nông thôn 4,09 triệu người, chiếm 50,8%. Thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 5080 USD; tổng thu nhập khoảng 32,8 tỷ USD (so với Việt Nam: 2726 USD/người; tổng thu nhập khoảng 260,301 tỷ USD – năm 2018).
“Giấc mơ Hà Nội”
Từ năm 1986 mở đầu thời kỳ “Đổi mới” đến nay, Hà Nội đã có nhiều thay đổi: Mở rộng ranh giới hành chính, lập thêm nhiều khu đô thị mới, quận mới; dân cư đông đúc với nhiều phố thương mại; hệ thống giao thông cho nhiều phương tiện qua lại, cầu qua sông Hồng, sông Đuống; nhiều nhà cao tầng đua tranh vươn cao; nhiều ngành nghề mới xuất hiện…
Song về cơ bản, Hà Nội chỉ tương tự như đô thị lớn của các nước phát triển vào thế kỷ 19 và 20, gắn với giai đoạn Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần 1, 2, 3.
Theo quan niệm về dòng chảy kinh tế, Hà Nội hiện mới chỉ là một địa điểm gắn với dòng chảy hàng hóa và nhân lực. Trên thực tế, dòng chảy công nghệ và tài chính, dòng chảy tri thức và văn hóa chưa chuyển dịch qua đây. Thành phố Hà Nội đã khởi đầu cách đây hơn ngàn năm, song nay vẫn chưa đạt được mức trở thành một đô thị điểm nút trong mạng lưới đô thị toàn cầu, có khả năng cạnh tranh và đối đầu được với các thách thức trong xu hướng hội nhập.
Hà Nội có ít mô hình không gian sản xuất/dịch vụ tiên tiến. Thu nhập của Hà Nội chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI, đầu tư kết cấu hạ tầng và kinh doanh bất động sản. Hà Nội chưa khai thác được lợi thế Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, là nơi tập trung tầng lớp tinh hoa tự do sáng tạo, nơi kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc và cửa ngõ tiếp thu văn minh nhân loại, để trở thành hình mẫu phát triển cho địa phương khác trong cả nước, là đầu tầu cho quá trình thịnh vượng của quốc gia.
Trong nhiều năm gần đây, Hà Nội trở thành địa điểm thu hút nhiều thế hệ trẻ đến an cư, lập nghiệp và tiếp thu văn hóa mới. Song với nguồn việc làm chỉ có mức thu nhập thấp, họ không có tiền để chi trả nhà ở và chi phí đáp ứng nhu cầu văn hóa đua tranh tiêu dùng.
“Giấc mơ Hà Nội” với nhiều người ngày càng trở nên xa vời.
Sản xuất hàng hóa và tiêu dùng hàng hóa tại Việt Nam và Hà Nội
Một trong những hoạt động tiêu biểu của loài người là sản xuất hàng hóa và tiêu dùng (dịch vụ) hàng hóa. Hàng hóa được sản xuất nhờ công nghệ – Công nghệ nào thì hàng hóa đó. Trong nền kinh tế thị trường, cuộc đua tranh chủ yếu là đua tranh sản xuất hàng hóa và tiêu dùng hàng hóa, cũng có nghĩa là đua tranh về công nghệ sản xuất và tiêu dùng hàng hóa. Loại, nhóm hàng hóa thường gắn liền với vòng đời của loại, nhóm công nghệ tạo lập nên hàng hóa đó. Có bao nhiêu loại, nhóm hàng hóa thì có bấy nhiêu ngành kinh tế. Việt Nam hiện có khoảng 734 ngành, thế giới có khoảng 2000 ngành. Việt Nam thiếu nhiều ngành nghề so với thế giới là do không có công nghệ sản xuất ra loại hàng hóa của ngành nghề đó. Nền kinh tế của Việt Nam cũng như Hà Nội còn thiên về kinh tế tiêu dùng, trong đó nổi bật là kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất hàng hóa từ công nghệ của họ, ta chỉ là người lao động làm thuê. Công nghiệp hóa không thể thành công nếu chỉ trông chờ vào công nghệ của người khác. Doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó chỉ có 20% là hoạt động sản xuất, còn lại là dịch vụ. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam, ngoài việc gặp khó khăn về thương hiệu, vốn, còn gặp nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm và tiếp cận công nghệ mới, nhằm thay thế công nghệ lạc hậu sản xuất ra các sản phẩm chỉ cạnh tranh được nhờ giá rẻ do chi phí lương thấp.
Nhu cầu tất yếu về Công nghệ nguồn hay mức độ Sẵn sàng về công nghệ
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam không có thời gian và nguồn lực để nghiên cứu đổi mới công nghệ; chỉ có thể cải tiến công nghệ đang sử dụng, để tồn tại bằng mọi giá, bất chấp cả các tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong số đó lại đang là những chủ nhân chính bên trong hàng trăm Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trải rộng trên cả nước.
Các doanh nghiệp cần các nhà khoa học công nghệ (KHCN), và ngược lại, chính doanh nghiệp là địa chỉ tiếp nhận kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN. Nhu cầu về công nghệ mới để sản xuất hàng hóa mới là rất lớn, nhưng nguồn cung từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở ta lại rất hạn chế.
Mức độ sẵn sàng về công nghệ (để cho cộng đồng lựa chọn) là một trong tiêu chí quan trọng của thế giới đánh giá Năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) để cạnh tranh của mỗi quốc gia. Hiện Việt Nam mới có hơn 500 ngàn doanh nghiệp. Chính phủ mong muốn đến năm 2020 Việt Nam phải có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Dù có nỗ lực đến mấy để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp, nhưng nếu không có công nghệ nguồn cho xã hội tiếp cận, vận dụng thì cũng không thể có được mong muốn về số lượng doanh nghiệp mới này.
Việt Nam hiện có 3 khu công nghệ cao: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội; Khu công nghệ cao TP. HCM; Khu công nghệ cao Đà Nẵng và một số khu công nghệ quy mô nhỏ hơn tại các địa phương. Song đây mới chỉ là nơi tập trung sản xuất hàng hóa của một số ngành được gọi là nhóm ngành công nghệ cao. Các khu công nghệ này không phải là nơi tích tụ và tạo lập công nghệ nguồn cho tất cả các ngành nghề Việt Nam, để phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu của nền kinh tế sản xuất, dịch vụ và có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Việt Nam cần một mô hình không gian phát triển mới theo tinh thần của mô hình Thung lũng Silicon
Có rất nhiều điều để nói về Thung lũng Silicon (Silicon Valley) California, Mỹ, song trước hết đây là mô hình nổi bật về ĐMST (trong lĩnh vực công nghệ thông tin) của Hoa Kỳ và thế giới. Silicon Valley được hình thành năm 1971, vào thời kỳ đầu của giai đoạn CMCN 3.0. Tại đây hiện có trụ sở của hàng chục các doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu thế giới; Hơn 40 trường đại học, cơ sở nghiên cứu và trở thành một trong những nơi dẫn đầu thế giới về bằng sáng chế với số lượng lớn các công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD; Thu hút đến 1/3 tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại Hoa Kỳ; Nơi mức lương trung bình của người lao động vào khoảng 150 ngàn USD/năm (3,4 tỷ đồng/năm) và có nhiều triệu phú, tỷ phú nhất Hoa Kỳ.
Những đặc điểm nổi bật của Mô hình Thung lũng Silicon:
- Silicon Valley là một Cụm kinh tế công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, nơi tập trung một số lượng lớn các tổ chức, doanh nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm mới từ các công nghệ mới có liên quan;
- Nơi hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu, mạng xã hội và văn hóa mở (thực và ảo), khuyến khích tinh thần liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với khách hàng; giữa doanh nghiệp với các tổ chức chính quyền, hiệp hội thương mại, trường đại học…;
- Nơi các tổ chức vừa cạnh tranh mạnh mẽ vừa học hỏi lẫn nhau về việc thay đổi hay tạo lập ngành nghề mới, thị trường mới, người tiêu dùng mới;
- Nơi hình thành Hệ sinh thái hỗ trợ việc trải nghiệm, chấp nhận rủi ro, và chia sẻ các bài học thành công cũng như thất bại trong quá trình tạo lập công nghệ mới…;
- Nơi hình thành văn hóa có đặc tính xã hội gắn với việc kinh doanh, ĐMST gắn với tinh thần kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp;
- Đây là nơi có điều kiện thời tiết và cảnh quan tuyệt vời như một công viên, giúp nuôi dưỡng một văn hóa lạc quan và cởi mở;
Mô hình Silicon Valley được rất nhiều nước trên thế giới nghiên cứu ứng dụng. Việt Nam đang thiếu các mô hình với tinh thần phát triển như vậy. Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng phải đi tiên phong kiến tạo các mô hình này.
Khu công viên ĐMST phía Tây Hà Nội – Mô hình Thung lũng Silicon tại Hà Nội
Nhu cầu tất yếu
Hà Nội không thể là đại diện tiêu biểu của nền kinh tế tiêu dùng, cho dù là tiêu dùng thông minh, gắn với các sản phẩm thông minh từ thành quả của cuộc CMCN 4.0. Hà Nội không thể chỉ tập trung phát triển khu vực nội đô, cho dù có có biện hộ bằng các lý luận về “Đô thị nén”; Không thể chỉ tập trung phát triển một số khu vực ven nội đô đáp ứng nhu cầu kinh doanh bất động sản…mà phải hình thành các mô hình phát triển tiên tiến, các không gian phát triển mới gắn với các dòng chảy kinh tế, đặc biệt là về Dòng công nghệ – tài chính; Dòng tri thức – văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực, vị thế của Thủ đô.
Hiện tại, Hà Nội đang hình thành một số không gian phát triển mới tại Gia Lâm và Đông Anh. Song đây chỉ là các mô hình giải quyết những vấn đề đơn lẻ của chính Hà Nội.
Hà Nội cần tạo lập các mô hình phát triển tiên tiến, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, là hình mẫu phát triển cho cả nước. Một trong những mô hình đó là Khu công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội, theo tinh thần của mô hình Thung lũng Silicon.
Địa điểm và quy mô, diện tích
Khu vực dự kiến hình thành Khu công viên ĐMST có diện tích đủ lớn khoảng 20 ngàn ha, như một tam giác với điểm cực Bắc là Khu đô thị Đan Phượng; điểm cực Nam là Khu đô thị Hoài Đức; điểm cực Tây là Khu công nghệ cao và đô thị vệ tinh Hòa Lạc; Nằm giữa các tuyến đường quốc gia, trục đường đô thị và có sân bay Hòa Lạc; Trong tương lai, có thể mở rộng lên phía Tây Bắc, thêm cực nữa là Đô thị vệ tinh Sơn Tây.
Khu vực hiện là vũng đất trũng (như thung lũng), thường bị ngập lụt, không có hiệu quả về sản xuất nông nghiệp cũng như kinh doanh bất động sản, rất thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng.
Đây cũng là địa điểm phù hợp với quan điểm chính về điều kiện dẫn tới thành công của một mô hình Thung lũng Silicon: i) Con người; ii) Văn hóa; iii) Sự kết nối bên trong và bên ngoài; iv) Áp lực lớn về đổi mới để thoát nghèo và hội nhập.
Ngoài ra, đây cũng là nơi hội tụ được các yếu tố “Nhân hòa”, trước hết là sự quyết tâm của Thành ủy, chính quyền và người dân Hà Nội mong muốn đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước và làm thay đổi cuộc sống của chính mình.
Chức năng, tính chất
a) Khu công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội trước hết là một Cụm kinh tế, được hình thành và phát triển trên nền tảng của cuộc CMCN 4.0:
- Đây không phải là nơi sản xuất hàng hóa theo nghĩa thông thường, như sản phẩm động cơ của KCN Bắc Thăng Long Hà Nội; sản phẩm máy tính và phần mềm tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.., mà là nơi sản xuất ra công nghệ nguồn, tinh thần ĐMST, tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh để lan truyền trong toàn quốc; Là nơi hình thành bộ máy ĐMST chuyên nghiệp để đào tạo doanh nhân thế hệ mới;
- Đây là trung tâm về khoa học và thị trường công nghệ của Hà Nội và quốc gia, nơi hỗ trợ các Khu kinh tế, Khu công nghiệp (FDI; Phụ trợ); Khu công nghệ, Khu nông nghiệp công nghệ cao trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; Góp phần hình thành Khu đô thị sáng tạo tại phía Tây của Thành phố Hà Nội;
- Đây là nơi các nhà khoa học, kỹ sư trong và ngoài nước làm việc cùng nhau, tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ nguồn của các ngành công nghiệp. Dự kiến đây có khoảng 30 vạn người làm việc, kết nối trực tiếp và trực tuyến với 1 triệu doanh nhân khởi nghiệp và tái khởi nghiệp; các nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài;
b) Khu công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội là một môi trường văn hóa:
- Được hình thành bởi 3 yếu tố: Con người, văn hóa và các kết nối; Là nơi hình thành những Mô hình “Không gian thứ ba” – Không gian sáng tạo (Coworking Space), tách biệt khỏi nhà ở và nơi làm việc; Là không gian vật lý (ngoài không gian ảo), nơi tụ họp chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tạo ra sự tương tác giữa các ý tưởng được gọi là “Sự lan truyền tri thức”, góp phần nảy sinh các sáng kiến mang tính đột phá; Là nơi hình thành tầng lớp sáng tạo.
- Có khả năng thu hút các chuyên gia, đặc biệt là người nước ngoài. Chính các chuyên gia này giúp cho Việt Nam hiểu rõ hơn thị trường quốc tế, nơi mà hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập.
c) Khu công viên ĐMST là không gian tập trung các định chế liên quan đến nhau, về cơ bản bao gồm đồng bộ 4 khu vực không gian chính:
- Khu vực tập trung trụ sở của các doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước, được ưu tiên chọn lựa những ngành mang tính thời sự ví dụ như công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường; công nghệ vật liệu mới; công nghệ kinh tế biển; công nghệ nông nghiệp công nghệ cao… Đây cũng là điểm đầu tiên của quy trình chọn lựa các tổ chức, doanh nghiệp được phép có mặt trong Khu công viên ĐMST;
- Khu vực tập trung các tổ chức, doanh nghiệp KHCN, cơ sở đào tạo đại học, viên nghiên cứu trong và ngoài nước;
- Khu vực tập trung các tổ chức quản lý và phát triển, doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm cấp quốc gia và quốc tế có liên quan…;
- Không gian Hệ sinh thái gắn kết hoạt động của 3 thành phần trên, trước hết là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống công trình lưu trú, mua sắm, nghỉ ngơi giải trí, văn hóa và hệ thống công viên cây xanh, mặt nước…được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế.
Sản phẩm của Khu công viên ĐMST
Sản phẩm không phải hàng hóa theo nghĩa thông thường, mà là Hệ thống sản phẩm mang tính tri thức và văn hóa, trước hết gồm:
- Bằng phát minh sáng chế;
- Công nghệ nguồn (ý tưởng, thương hiệu, thị trường…) được tạo lập cho việc nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và cạnh tranh của các ngành nghề hiện có, nhằm tận dụng tối đa ngành nghề từ các cuộc CMCN 3.0 trở về trước đã tồn tại ở Việt Nam. Đây cũng chính là điểm khởi nguồn cho việc đổi mới hiệu quả mô hình Khu kinh tế và Khu công nghiệp hiện có trong cả nước.
- Công nghệ nguồn được tạo lập cho việc hình thành các ngành nghề mới, trước hết là những ngành được hình thành dựa trên ứng dụng của công nghệ thông tin, các ngành khoa học về công nghệ sinh học, vật liệu mới, kinh tế biển, quốc phòng…Đây sẽ là nơi chứng kiến sự ra đời, chuyển giao ngành nghề mới cho Việt Nam, ví dụ như sản xuất người máy và các hoạt động dịch vụ liên quan đến sử dụng người máy…
- Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là doanh nghiệp thế hệ mới có khả năng tham gia chuỗi giá trị hàng hóa và cung ứng toàn quốc, toàn cầu;
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia;
- Cộng đồng công dân thế hệ mới gắn với tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh;
- Là hình mẫu cho việc đổi mới KHCN tại các trường đại học, viện nghiên cứu…
Chủ thể tạo lập, quản lý, điều hành và khai thác Khu công viên ĐMST
Không bắt đầu từ các công ty hay tập đoàn kinh doanh bất động sản, mà bao gồm:
- Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội; Bộ, ngành có liên quan;
- Doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ trong và ngoài nước; Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST;
- Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp KHCN, cơ sở đào tạo đại học, viên nghiên cứu trong và ngoài nước;
- Cá nhân, tổ chức, cộng đồng dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái có liên quan: Quỹ đầu tư mạo hiểm; Hệ thống cơ sở dữ liệu…;
- Cộng đồng xã hội có liên quan.
Kinh phí đầu tư xây dựng Khu công viên ĐMST
Kinh phí đầu tư xây dựng có thể đến từ: - Thay vì tập trung đầu tư xây dựng các cầu mới qua sông Hồng để kết nối thị trường bất động sản; các tuyến đường vành đai với hy vọng làm giảm áp lực về giao thông vào khu vực trung tâm, dùng nguồn kinh phí này để giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng và hỗ trợ ban đầu cho việc thu hút sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước;
- Hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và cộng đồng xã hội…
Khu công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội – Đặc khu tri thức và văn hóa Hà Nội
Khu công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội có thể coi như một dạng đặc khu (1 trong 5 cấp độ quy hoạch theo Luật quy hoạch). Đây không chỉ là “Đặc khu hành chính, kinh tế” mà là dạng “Đặc khu tri thức và và văn hóa”, với đặc điểm:
i) Nơi hình thành nguồn động lực mới cho thể chế, tăng trưởng và năng suất kinh doanh của Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam;
ii) Nơi thu hút được các doanh nhân, nhà khoa học trong và ngoài nước, gắn với khởi nghiệp ĐMST và hội nhập, nhằm tạo ra: Nhiều việc làm mới với thu nhập vượt trội; Nhiều doanh nghiệp mới có tầm vóc quốc gia và quốc tế, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ mà Việt Nam lựa chọn để tập trung phát triển;
iii) Nơi nghiên cứu các công nghệ nguồn cho việc triển khai các mô hình phát triển hiện đại khác như: Mô hình Chính phủ điện tử; Đô thị thông minh; Mô hình đầu tư theo hình thức cộng đồng (Crowdfunding), trên nền tảng của công nghệ dữ liệu khối (Blockchain)…;
iv) Nơi sản sinh ra tài năng, tinh thần kinh doanh thế hệ mới, khả năng cạnh tranh và là một trong những hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng của Nền kinh tế tri thức. Đây cũng là nơi các cơ quan của chính phủ, các trường đại học và các doanh nghiệp hợp tác để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo; nơi nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ; nơi hình thành các văn hóa liên kết;
v) Theo thời gian, tại đây định hình được:
- Điểm nút chính của Dòng công nghệ và tài chính xuyên quốc gia; Dòng tri thức và văn hóa của Nền kinh tế số hay trung tâm của “Dòng dữ liệu số” xuyên quốc gia; dần có vị thế quan trọng tại khu vực ASEAN, châu Á và thế giới.
- Địa điểm hàng đầu của cả nước về số lượng bằng phát minh sáng chế, việc làm có thu nhập hấp dẫn; Nợi tập trung trụ sở của các doanh nghiệp có vị thế hàng đầu của Việt Nam, thế giới…
- Không gian cho các thế hệ trẻ trình diễn các hoạt động gắn với thành tựu của CMCN 4.0; Nơi đào luyện con người của thế hệ mới như Công dân kỹ thuật số; Công dân toàn cầu.
- Hình ảnh tiêu biểu cho giai đoạn phát triển mới của Hà Nội và Việt Nam…
vi) Đây là nơi được Chính phủ và Hà Nội tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi theo mô hình đặc khu.
Niềm tin Hà Nội
Việt Nam là nước thuộc nhóm Quốc gia đang phát triển, đi sau nhóm nước phát triển hàng trăm năm. Dù còn có tranh luận, nhưng cuộc CMCN 4.0 là cuộc chơi chung lớn của thế giới, và thực sự là cơ hội phát triển nhanh và bền vững cho Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Việt Nam đã nói nhiều về CMCN 4.0, bây giờ phải đổi mới nhận thức và sớm hành động. Việc hình thành các đặc khu tri thức và văn hóa như Công viên ĐMST tại phía Tây Hà Nội có thể coi là một bước đổi mới về tầm nhìn và cách làm nhằm cụ thể hóa việc tham gia vào cuộc CMCN 4.0.
Năm 2028, xã hội sẽ không còn nói tới việc kỷ niệm 20 năm ngày mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Việc đó sẽ là hiển nhiên, khi Khu công viên ĐMST phía Tây Hà Nội, một mô hình Thung lũng Silicon mới, một Đặc khu tri thức và văn hóa mới đi vào hoạt động hiệu quả, sánh vai với các mô hình Thung lũng Silicon tại các nước phát triển và trở thành hình mẫu của Nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.
*TS Phạm Đình Tuyển
Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)