Khi kiến trúc không chỉ là đường nét

Nhằm mục tiêu quốc tế hóa, tăng cường liên kết đào tạo và trao đổi giảng viên, sinh viên kiến trúc với các trường đại học uy tín trên thế giới, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc, học tập quốc tế, trong tháng 4 vừa qua, ngành kiến trúc Trường ĐH Tôn Đức Thắng Tp.HCM đã tham gia workshop quốc tế tại Trường Đại học Nguyên Trí (YuanZe University), Đài Loan.

Tham dự workshop quốc tế này gồm 150 sinh viên ngành kiến trúc và thiết kế nội thất đến từ các trường đại học của Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, có 15 sinh viên kiến trúc của  Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Những sinh viên tham gia sẽ được cấp chứng nhận của TDTU tham gia chương trình học tập tại nước ngoài, đồng thời, được cấp chứng nhận tham gia workshop của Trường Đại học Nguyên Trí.

Ban giám khảo cuộc thi gồm 12 nhà thiết kế đến từ Đài Loan, HongKong, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Việt Nam.

Chủ đề chính của workshop là thiết kế, cải tạo không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng khu dân cư Neili, quận Zhongli, TP. Đào Viên, Đài Loan. Toàn bộ sinh viên tham gia được chia ra làm 9 nhóm, trộn lẫn sinh viên các nước với nhau.

Trước tiên, các nhóm SV và GVHD đi tham quan khảo sát thực địa, tìm hiểu đời sống người dân tại khu dân cư Neili. Kiến thức thu thập được sẽ là căn cứ cho những nhận định và ý tưởng cải tạo không gian sinh hoạt & kinh doanh của người dân trong khu vực. Bước tiếp theo, các nhóm chủ động làm việc tại trường hoặc ngay tại cộng đồng dân cư, dưới sự hướng dẫn của 1 giáo viên/ nhà thiết kế. Điều thú vị là hầu hết các nhóm đều chọn làm việc ngay tại cộng đồng dân cư, trong khu nhà sinh hoạt chung của khu ở.

Hình 1. Phiên khai mạc workshop tại Trường Đại học Nguyên Trí, Đài Loan

Các bài thiết kế không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thiết kế cải tạo không gian kiến trúc, mà hoàn toàn có thể là một sản phẩm liên quan đến những phạm trù khác như cảnh quan, hội họa, màu sắc, vật liệu, âm thanh, ánh sáng, chất cảm,…Miễn sao có ích cho cộng đồng, hướng đến điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Với tinh thần chủ đạo như vậy, lúc ban đầu sinh viên kiến trúc có phần bỡ ngỡ với cách tiếp cận công việc, hơi lúng túng khi tìm ý tưởng cho nhóm của mình. Tuy nhiên, chỉ sau một vài ngày sinh viên Việt Nam đã thích nghi dần với công việc cũng như cách suy nghĩ đặt vấn đề. Sự hiểu biết của các sinh viên đã mở rộng ở phạm vi rộng hơn rằng: Thiết kế không chỉ là Kiến trúc, mà còn bao hàm cả những phạm trù khác như cảnh quan, hội họa, vật liệu, âm thanh, ánh sáng,… Do vậy, nếu có dịp được tiếp cận và học hỏi những kiến thức mới, sự khác biệt đến từ những nền văn hóa khác nhau thì hãy để tâm hồn mình rộng mở để đón nhận tất cả những màu sắc của cuộc sống. Khi tiếp nhận được quan điểm linh hoạt và mềm mại đó, chúng ta sẽ vươn lên một tầm hiểu biết mới, hơn hẳn chính mình ngày hôm qua, và trở nên tự tin hơn, bản lĩnh hơn vào ngày mai.

Hẳn đó cũng chính là những điều có ý nghĩa vô giá mà khi ở trong nước không dễ có thể học được.

Hình 2&3. SV và GVHD đi tham quan khảo sát thực địa, tìm hiểu đời sống người dân

Kiến trúc không chỉ đơn thuần là bản vẽ thiết kế, hay đường nét mà còn có sự kết hợp của màu sắc, vật liệu, âm thanh, ánh sáng, lịch sử hình thành khu vực, nếp sống người dân địa phương,… Đôi khi, sự gắn kết với cộng đồng khu dân cư còn được thể hiện qua việc mời chính những người dân đến nói chuyện để hiểu nhu cầu thực của họ, mời người dân cùng tham gia vẽ tranh trang trí tường nhà cho họ, cùng nấu bữa ăn trưa ngay tại sân chung để hiểu thêm về đời sống thực tế… Chính sự chung tay thực hiện mọi việc đó giúp cho sinh viên đắm mình vào cuộc sống thực tế, từ đó đề xuất ra những ý tưởng tuy giản dị nhưng mang đầy tính khả thi, nhân văn và được cộng đồng người dân ở đây đón nhận.

Hình 4. Tác phẩm đầy màu sắc trong con hẻm nhỏ
Hình 5. Những ô cửa hoa của tòa nhà cộng đồng được trang trí lại từ những miếng film đầy màu sắc
Hình 6. Cải tạo không gian căn phòng trống bằng vật liệu địa phương cùng với âm thanh cuộc sống

Cuộc thi không phải để tìm ra quán quân, cũng không phân chia thứ hạng, mà bất kì ai tham gia cũng là người chiến thắng, chiến thắng bản thân mình trong nỗ lực học hỏi, hoàn thiện kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân, học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, và chiến thắng bởi những giá trị được tạo ra dành cho cộng đồng dân cư ở đây.

Đây thực sự là một sân chơi đầy ý nghĩa dành cho sinh viên kiến trúc, giúp cho những KTS tương lai có cách tiếp cận với nghệ thuật ở nhiều góc độ khác nhau, học cách tư duy, vận dụng sự hiểu biết của bản thân trong nhiều vấn đề, học hỏi được nhiều kiến thức mới. Chính đặc điểm của cuộc thi là có nhiều thành viên đến từ nhiều quốc gia nên có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cách tiếp cận vấn đề, và cả cách trình bày quan điểm cá nhân. Sinh viên Việt Nam mình phải vận dụng tất cả các giác quan để có thể cảm nhận được trọn vẹn quá trình sáng tạo ra sản phẩm của nhóm mình.

Hình 7. Những con hẻm nhỏ được cải tạo mang lại cảm giác suy tư cho người xem
Hình 8. Diễu hành trong khu dân cư và buổi biểu diễn múa phục vụ cộng đồng

Rõ ràng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, thì sinh viên mình học hỏi thêm nhiều sự tự tin, khả năng giao tiếp và ngoại ngữ trong một môi trường làm việc đa ngôn ngữ. Ngoài việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp chính thức thì việc học thêm Tiếng Hoa, tiếng Nhật là một điều đáng cân nhắc trong tương lai của những KTS Việt Nam.

Tất cả các bài thiết kế không chỉ về lĩnh vực kiến trúc, cảnh quan mà còn thể hiện các góc nhìn sâu sắc của nghệ thuật thông qua các ý tưởng về hội họa, màu sắc, chất cảm vật liệu, âm thanh, ánh sáng và nhịp điệu đời sống thường ngày của người dân. Thực sự, công việc của các sinh viên gắn liền với cộng đồng dân cư.

Hình 9. Trang trí con đường của khu phố bằng vật liệu tái chế, bức họa vẽ bằng màu tự nhiên

Sau khi tham gia workshop quốc tế tại Trường Đại học Nguyên Trí, đoàn sinh viên TDTU còn kết hợp tham quan và làm việc với Khoa Kiến trúc, Khoa Quy hoạch, Trường đại học quốc gia Thành Công, TP. Đài Nam (National Cheng Kung University, Tainan). Chuyến đi này lại tiếp tục mở ra những cơ hội mới tại cả hai trường đại học của Đài Loan.

Chúc các bạn sinh viên kiến trúc ngày càng có thêm những cơ hội tương tự để học hỏi được nhiều điều mới, có thêm nhiều bạn bè quốc tế mới và thành công mới!

KTS. Ngô Lê Minh – Phan Thị Ý Tri (Trường Đại học Tôn Đức Thắng)
TCKT.VN

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343