Khát vọng tạo bản sắc

“Khát vọng tạo Bản sắc” là một trong số ba chủ đề của Diễn đàn KTS Trẻ Việt Nam (YAF Vietnam 2019) do CLB KTS Việt Nam tổ chức ngày 25/09 tại TP. HCM dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam. Trong khuôn khổ của Diễn đàn nhiều hoạt động khác như triển lãm, thảo luận chuyên ngành. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút sự tham gia của giới nghề trên toàn quốc.

Bản sắc – hiểu một cách nôm na – là những nét đặc trưng nhất, tinh túy nhất của một nền văn hóa hoặc một phong cách kiến trúc, giúp chúng ta lĩnh hội được những giá trị của nền văn hóa – kiến trúc và phân biệt nền văn hóa – kiến trúc ấy với các nền văn hóa – kiến trúc khác. Bản sắc được hình thành gắn với một địa điểm và một cộng đồng nhất định, mang tính lịch sử và luôn phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, bản sắc đang nổi lên như một vấn đề của thời đại. Khôi phục và bảo tồn bản sắc, phát huy và kiến tạo bản sắc đang là một bài toán đặt ra cần đi tìm lời giải. Đó cũng là tấm gương phản chiếu sự kỳ vọng của cả xã hội, niềm tin của xã hội đặt vào đội ngũ kiến trúc sư. Là những người hành nghề và chịu trách nhiệm xã hội về sự phát triển của kiến trúc, giới KTS đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Họ đang hàng ngày hàng giờ trăn trở, nỗ lực tìm tòi, cố gắng sáng tạo và khát khao cống hiến, đóng góp.

1. Thế giới hiện nay đang diễn ra sự giao thoa của hai luồng văn hóa – triết lý Đông và Tây. Sự giao thoa này chắc chắn có ảnh hưởng đến vấn đề thiết lập bản sắc văn hóa nói chung và bản sắc kiến trúc nói riêng. Do vậy, tiếp cận vấn đề trong bối cảnh rộng lớn, trong dòng chảy xoắn cuộn giữa Đông và Tây là một sự lựa chọn khởi đầu thích hợp. Đó là nội dung trình bày của KTS. Nguyễn Tuấn Nghĩa. Trong các sáng tác của mình, anh đã tiếp thu được những kỹ thuật và quan điểm sáng tác hiện đại của phương Tây (trong thời gian học và thực tập tại Pháp) song vẫn dựa trên nền tảng văn hóa phương Đông, nơi anh đã sinh ra và lớn lên.

Diễn giả trong Diễn đàn KTS Trẻ Việt Nam (YAF Vietnam 2019)

2. Trong dòng chảy của sự phát triển, KTS mong muốn kiến tạo bản sắc sẽ phải quan sát kiến trúc dưới tác động của các yếu tố – cả tích cực lẫn tiêu cực – để có thể hiểu một cách thấu đáo sự tương tác nói trên, từ đó quay trở lại những vấn đề cốt lõi nhất của kiến trúc, trong đó có những đặc điểm riêng được hun đúc qua một quá trình hiện diện và phát triển lâu dài mà chúng ta vẫn gọi đó là bản sắc. Đó là điều mà KTS Shunri Nishizawa muốn trao đổi. Điểm nổi bật trong những thiết kế của KTS người Nhật này là sự quan sát tinh tế về bối cảnh văn hóa và hệ sinh thái thiên nhiên của các vùng miền, chủ yếu là Nam Bộ, nơi anh đã đi qua. Thậm chí trong một bản thiết kế của mình, anh đã biến một căn nhà không lớn thành một “vườn bách thảo” và “vườn bách thú” với rất nhiều loài thực vật tươi tốt, thu hút nhiều loài động vật nhỏ đến, là một “bảo tàng thiên nhiên” sinh động, giáo dục cho các con mình tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường.

3. Trong kiến trúc hiện đại, lớp vỏ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng cho công trình. Không chỉ tạo nên hình thức và phản ảnh ý tưởng thiết kế của KTS, lớp vỏ công trình còn góp phần tạo nên tính hiệu quả về năng lượng và sự tiện nghi vi khí hậu bên trong cho con người học tập, làm việc, sinh hoạt. Những khoảng trống giữa hai lớp vỏ của công trình cũng cần được nghiên cứu sao cho hợp lý và hiệu quả, cả về mặt thẩm mỹ lẫn sử dụng. KTS Nguyễn Xuân Minh đã rất hào hứng khi chia sẻ với chúng ta mối quan tâm của anh và cộng sự. Sinh ra và lớn lên, học tập và làm việc tại Huế, anh hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, và đã không ngừng nỗ lực xử lý lớp vỏ của các công trình mình thiết kế, từ nhà ở cho đến nhà nguyện, trường học nhằm đem lại những không gian thực sự tiện nghi mà không kém phần đẹp đẽ, với những không gian được xử lý khéo léo, đầy chất nghệ thuật với ánh sáng và bóng đổ, màu sắc và chất cảm của vật liệu mà vẫn hết sức lý trí.

4. Thời đại công nghệ 4.0 đang đến. Thiết kế kiến trúc là một lĩnh vực chịu tác động sâu sắc của sự đổi mới công nghệ. Do có công nghệ hỗ trợ, thiết kế kiến trúc đã vượt qua những giới hạn về kỹ thuật trước kia và vươn lên đạt những tầm cao mới, mang màu sắc mới, có diện mạo mới, phản ánh những tư tưởng mới. Trong tương lai, những gì là mới mẻ, là bước đi đột phá chúng ta chứng kiến ngày hôm nay cũng sẽ trở thành “di sản” và “bản sắc” của thời đại mà chúng ta đang sống. Đó là thông điệp mà KTS Chris Bosse mong muốn truyền tải. Sự đột phá dựa trên các công nghệ kết cấu mới và vật liệu mới, mô phỏng những cấu trúc của thiên nhiên là điều mà KTS và cộng sự luôn tâm niệm khi thiết kế cả dự án lớn như khu thi đấu thể thao nước Thế vận hội Bắc Kinh lẫn xử lý không gian nhỏ như một sảnh thông tầng trong một tòa văn phòng ở Sydney, để vượt qua khỏi những ranh giới thông thường của kiến trúc và kết cấu, đem lại cảm hứng và cảm xúc cho con người khi quan sát và sử dụng công trình đó.

5. Là một KTS trẻ hành nghề thuộc thế hệ 8x, Nguyễn Trung Hiếu đã có những kinh nghiệm quý báu khi phải bắt tay giải quyết những trường hợp tưởng chừng như bất lợi như nhà ở quay hướng chính tây với nắng xiên và hơi nóng gay gắt buổi chiều, nhưng không phải là kiểu “tránh né” thông thường mà vẫn nhìn thẳng vào những khía cạnh tích cực của vấn đề (như ngắm mặt trời lặn) để cân bằng cũng như tối ưu hóa giải pháp thiết kế. Thủ pháp vát, chéo, xiên đã được kiến trúc sư vận dụng không chỉ trong trường hợp bất lợi để khắc phục, mà còn cả trong điều kiện lý tưởng như một minh chứng cho sự tìm tòi, thể hiện tính sáng tạo, để lại dấu ấn cá nhân, thể hiện qua một loạt thiết kế nhà ở ấn tượng. Ngoài vát chéo, thủ pháp dùng đường cong cũng được KTS sử dụng đúng chỗ, đúng mực nên rất thành công. Bài nói chuyện số 5 trong phiên này đã thực sự gợi mở cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm.

Công trình V+H House

6. Trình Phương Quân – một KTS trẻ thế hệ 9x song đã có một vài năm thực tập kiến trúc cũng như thiết kế kiến trúc tại Singapore và một số quốc gia khác. Bài trình bày của diễn giả số 6 cung cấp thêm cho chúng ta một góc nhìn rộng hơn, mang tính so sánh. Để có thể thành công ở nước ngoài, nhiều cơ hội song cũng có vô vàn thách thức, KTS trẻ Việt Nam cần có thêm những hành trang gì? – Hành trang đó chính là sự tự tin, biến “điểm yếu” thành “điểm mạnh”, thậm chí là “lợi thế không ai khác có được”, hiểu rõ những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và trông đợi ở ứng viên, bên cạnh tinh thần cầu thị và mở rộng tư tưởng, sẵn sàng tiếp thu những điều mới mẻ, hòa nhập về văn hóa trong một môi trường làm việc thực sự quốc tế. Những lời khuyên hữu ích từ diễn giả Trình Phương Quân giúp các KTS trẻ có ước vọng bay cao, bay xa tìm một lối đi riêng cho mình trong một thế giới với nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn đang chờ đón.

Sáu diễn giả trong phiên thảo luận “Khát vọng tạo Bản sắc” đã đem đến sáu góc nhìn, sáu vấn đề khác nhau nhưng ít nhiều có những điểm tương đồng, như là sáu mặt của một hình lập phương, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc kiến trúc trong bối cảnh ngày nay, viễn cảnh tương lai như thế nào, để có sự chuẩn bị cần thiết về kiến thức, kỹ năng, … và đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần đề cao bản sắc kiến trúc bên cạnh nỗ lực làm kiến trúc thân thiện hơn về môi trường và bền vững hơn về xã hội.

Bản sắc là một vấn đề tương đối trừu tượng, không dễ định hình, do vậy cần phải hiểu rõ nội hàm của khái niệm này và soi rọi điều đó dưới nhiều góc độ. Chủ đề này, trong khuôn khổ của YAF 2019, có sự tham gia của sáu diễn giả với các bài thuyết trình đa dạng.

  1. Nguyễn Tuấn Nghĩa: “Ở giữa Đông – Tây”
  2. Shunri Nishizawa: Kiến trúc quan sát – Architecture of Observation
  3. Nguyễn Xuân Minh: “Lớp vỏ và khoảng trống”
  4. Chris Bosse: “Thánh đường kỹ thuật số và Đô thị của tương lai – Con người, công nghệ và thiên nhiên – Sự phối kết trong môi trường đô thị”
  5. Nguyễn Trung Hiếu: “Xây dựng ngôn ngữ thiết kế trong tạo hình kiến trúc nhà ở”
  6. Trình Phương Quân: “Hành trang chuẩn bị cho KTS trẻ khi hành nghề ở nước ngoài”

*KTS Nguyễn Quang Minh
Moderator Panel1 YAE 2019

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343