Khai thác yếu tố sinh thái, văn hóa tỉnh Bắc Giang – hướng tới một tầm nhìn mới

1. Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nhưng cũng là tỉnh nằm trong vùng thủ đô Hà Nội. Là trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Bắc Giang chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa và có nền văn hoá phong phú, đặc trưng của Kinh Bắc, là một trong những cái nôi của Dân ca Quan họ.

  • Về yếu tố sinh thái tự nhiên, Bắc Giang nằm kẹp giữa hai dãy núi hình cánh cung là cánh cung Đông Triều và cánh cung Bắc Sơn, phần giữa phía Đông tỉnh có địa hình đồi núi thấp là thung lũng giữa hai dãy núi này; phía Đông và Đông Nam là cánh cung Đông Triều với ngọn núi Yên Tử, cao trung bình 300 – 900m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m; phía Tây Bắc là dãy núi cánh cung Bắc Sơn ăn lan vào tới huyện Yên Thế, cao trung bình 300–500 m. Tại vùng núi phía Đông Bắc giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vật và thực vật đa dạng phong phú.

Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng, bên đục, bên trong. Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha.

  • Về yếu tố văn hóa, trên địa bàn Bắc Giang có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chay và người Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%.

Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với với 23 làng quan họ ven sông Cầu được UNESCO công nhận, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

Hệ thống công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị tiêu biểu như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa), có các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Theo đó các nhà khảo cổ học cho rằng trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống.

  • Vai trò, vị thế. Bắc Giang là tỉnh nằm trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với Vùng Đồng bằng sông Hồng. Với vị trí đó, Bắc Giang là “cửa ngõ kép” của Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Là cửa ngõ xuất – nhập khẩu, trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa (logistics) của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), phát triển du lịch (khu Tây Yên Tử, hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, núi Nham Biền…), sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp chất lượng cao, là đầu mối kinh doanh, thương mại quan trọng của Vùng Thủ đô với các tỉnh Đông Bắc của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Lợi thế kinh tế của Bắc Giang là nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Nông, lâm nghiệp đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách năng động, tích cực. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao (như vùng trồng vải thiều) đã được quan tâm phát triển, mở rộng diện tích. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp (như gà đồi…) cùng với nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục có những bước phát triển tốt.

Vị trí và mối liên hệ vùng (VIUP, Hyder)

2. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Bắc Giang, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu; tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, tạo động lực phát triển để sớm thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp, có trình độ phát triển trên mức trung bình của cả nước. Nền kinh tế đi lên từ công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, đô thị hiện đại và du lịch văn hóa. Tổ chức không gian khoa học, hệ thống đô thị, khu vực nông thôn phát triển hài hòa, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, dịch vụ phát triển, nông nghiệp chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.(QĐ 269/QĐ – TTg, ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ)

3. Trên cơ sở đặc điểm điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế, mối quan hệ vùng, khai thác tốt yếu tố sinh thái tự nhiên, văn hóa…không gian lãnh thổ tỉnh Bắc Giang được xác định bởi vùng động lực và các tiểu vùng phát triển. Tạo ra không gian kinh tế – xã hội, đặc biệt có các điểm nhấn trong hệ thống đô thị, cụm tương hỗ, khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu du lịch và khu nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các khu vực trong tỉnh, Cụ thể:

  • – Tiểu vùng động lực: Bao gồm TP Bắc Giang và một số xã của các huyện giáp ranh với thành phố; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và đào tạo;
  • – Tiểu vùng khu vực phía Tây: Gồm huyện Hiệp Hòa (trung tâm tiểu vùng), các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang và Yên Thế; định hướng phát triển công nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch;
  • – Tiểu vùng khu vực phía Đông: Gồm huyện Lục Ngạn (trung tâm tiểu vùng), Lục Nam, Sơn Động; định hướng phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản; du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp;
  • – Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang (trong đó có nội dung sáp nhập một số xã vào đô thị), tỷ lệ dân số đô thị đạt 22,2% tổng dân số toàn tỉnh. Sau khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V (giảm 1 đô thị do sáp nhập TT Lục Nam vào TT Đồi Ngô). Sau năm 2020, phát triển thành phố Bắc Giang đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, là đô thị trung tâm của Tỉnh; tập trung xây dựng thị trấn Chũ đạt đô thị loại III (đô thị sinh thái) là trung tâm điều phối, phát triển khu vực phía Đông Bắc; xây dựng thị trấn Thắng đạt tiêu chí đô thị loại III (đô thị công nghiệp), là trung tâm điều phối, phát triển tiểu vùng khu vực phía Tây.
  • – Phát triển công nghiệp, làng nghề: Công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều tiềm năng của tỉnh. Ngoài khu công nghiệp Đình Trám rộng hơn 100 ha đã cơ bản được lấp đầy, tỉnh còn phát triển gần 10 cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã đã và đang đi vào hoạt động hoặc đang thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh như: Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng, Hòa Phú, Việt Hàn, Khu Logistic… Các làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển như: mây tre đan Tăng Tiến, bún Đa Mai, rượu làng Vân, mì Chũ, bánh đa Kế… Tất cả đã tạo ra một triển vọng mới cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
  • – Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa: Bắc Giang cũng là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú với thảm rừng nguyên sinh còn khá nhiều (xã An Lạc, huyện Sơn Động, vùng Tây Yên Tử), hệ thống sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu…, hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), hồ Khuôn Thần, làng Thum, Lòng Thuyền (Lục Ngạn), suối Nứa (Lục Nam), sông Sỏi (Yên Thế)…Với hơn 100 di tích lịch sử văn hoá lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, đình cổ Lỗ Hạnh, đình Phù Lão và chùa Tiên Lục với cây Dã hương nghìn năm tuổi, thành cổ Xương Giang, thành đất nhà Mạc, đồn Phồn Xương của nghĩa quân Đề Thám, an toàn khu Hoàng Vân… Các lễ hội cổ truyền… Đây là tiềm năng, cơ hội căn bản để Bắc Giang phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa có thương hiệu.
Ý tưởng tổ chức không gian (VIUP, Hyder)

4. Thành phố Bắc Giang có tính chất là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của Vùng thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận – trung chuyển hàng hóa của Vùng thủ đô Hà Nội; là thành phố đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái – Trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Khu công nghiệp và xuất khẩu lao động phía Đông Bắc Vùng thủ đô Hà Nội.

Trong đồ án điều chỉnh QHC TP Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cùng với hệ thống sinh thái tự nhiên, văn hóa, dòng sông Thương thơ mộng đã trở thành tiềm năng một trục kiến trúc cảnh quan trọng yếu trong cấu trúc tổng thể của đô thị Bắc Giang mở rộng, một đô thị xanh – thông minh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để đón các cơ hội đầu tư tốt hơn, ngày 22/03/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phân khu Khu số 2, thành phố Bắc Giang (QĐ số 436/QĐ-UBND)

Cấu trúc không gian đô thị gồm 9 phân khu phát triển: Khu số 1, khu đô thị trung tâm có tổng diện tích 1.865,4 ha; khu số 2, khu vực phía Nam đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có tổng diện tích 1.706,6 ha; khu số 3, khu vực phía Tây Nam có tổng diện tích 1.498,2 ha; khu số 4, khu vực phía Tây trung tâm đô thị hiện hữu, tổng diện tích 1.903,3 ha; khu số 5, khu vực phía Bắc, tổng diện tích 727,7 ha; khu số 6, khu vực phía Đông Bắc, tổng diện tích 718,7 ha, được hình thành song song với việc hoàn thiện đường vành đai V; khu số 7, khu vực núi Nham Biền, tổng diện tích 1.492,97 ha; khu số 8, khu dân cư nông thôn và vùng canh tác nông nghiệp, tổng diện tích 3105,3 ha; khu số 9, khu vực phía Đông, tổng diện tích 1.379,77 ha, là khu dân cư hình thành trên cơ sở phát triển thị trấn Tân Dân và khu vực xã Thái Đào dọc QL31 giao với Vành đai V vùng thủ đô.

Hệ thống không gian xanh, sinh thái (VIUP, Hyder)

5. Mỗi vùng đất đều có những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên như địa hình, hệ sinh thái nông. nghiệp, giá trị văn hóa, lịch sử. Sự đa dạng, phong phú của điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hóa có ảnh hưởng đáng kể trong quy hoạch tổ chức không gian lãnh thổ và qui hoạch phát triển đô thị. Việc phân tích, lợi dụng và cải tạo điều kiện tự nhiên, khai thác giá trị đặc trưng văn hóa nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng trong tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quạn, kỹ thuật xây dựng và môi trường sinh thái. Bắc Giang là tỉnh hội nhập đủ các yếu tố sinh thái, văn hóa, lại có vị trí đặc biệt trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ…Việc tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh và TP. Bắc Giang nếu khai thác tốt các yếu tố trên sẽ tạo ra cấu trúc, hình thái phát triển không gian có tính đặc thù, là cơ sở để phát triển hiệu quả các không gian chức năng như kinh tế, đô thị, du lịch, môi trường một cách tốt nhất. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chiến lược, tầm nhìn mà tỉnh Bắc Giang kì vọng hướng tới.

Văn hóa truyền thống được khai thác trong kiến trúc hiện đại ở Bắc Giang
Nhà Thi đấu Thể thao Xương Giang

Trương Văn Quảng*

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)

–––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  • Qui hoạch tổng thể phát triển KT – XH tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (QĐ 269/QĐ – TTg, ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ)
  • Đề án đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 (QĐ 249/QĐ – UBND, ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang)
  • Đồ án điều chỉnh QHC TP Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (VIUP, Hyder)
  • Đồ án điều chỉnh cục bộ QHC TP Bắc Giang đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phân khu Khu số 2, TP Bắc Giang (QĐ số 436/QĐ-UBND)
  • Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343