Hội thảo: Kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa và thời đại của kỷ nguyên công nghệ số

Nhằm tạo ra một Diễn đàn toàn diện về sáng tạo kiến trúc trong thời đại mới và những hướng đi trong tương lai, sáng ngày 27/11/2019, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa trong thời đại công nghệ số. Với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, hội thảo nằm trong khuôn khổ những hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa xây dựng (1979-2019), tiền thân của Viện Kiến trúc Quốc gia (2014-2019).

 

Kiến trúc được tạo ra một cách chủ động bởi các KTS, nhưng hoạt động sáng tạo của họ luôn chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, văn hóa vốn có ở địa phương cũng như những biến động trên cấp độ quốc tế. Cùng với cách mạng công nghệ 4.0, quá trình sản xuất và trao đổi thông tin toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ. Kiến trúc cũng không nằm ngoài sự phát triển đó, phương pháp tư duy, thiết kế, quản lý kiến trúc cũng vì vậy trở nên rất khác với cách làm truyền thống.

Ngay trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đã đặt ra những câu hỏi, không chỉ cho những đại biểu tham dự hội thảo mà còn đối với tất cả những người làm nghề kiến trúc: Kiến trúc là gì? KTS làm gì? Kiến trúc Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? Những câu hỏi này sẽ góp phần thúc đẩy giới nghề đến với một chủ đề gợi mở hơn: Chúng ta đã sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

Sự tham gia của những KTS danh tiếng trong và ngoài nước với những chủ đề phong phú và gợi mở: “Kiến trúc xếp chồng” (KTS Salvador Perez Arroy – Tây Ban Nha); “Thẩm mỹ kiến trúc, bản sắc truyền thống và thời đại” (TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận); “Đứng lên vì môi trường, hướng tới văn hóa” (KTS Takashi Niwa – Nhật Bản); “Tiếp cận bền vững trong kiến trúc và quy hoạch đô thị” (KTS Marek Obtulovic – CH Sec); “Định hình thế giới quanh ta” (KTS Maysho Prashad – Mỹ); “Tính bản địa trong cảnh quan” (KTS Lê Tuấn Long)…. Thông qua những tác phẩm kiến trúc hiện đại, được xây dựng ở nhiều nơi tại Việt Nam và trên thế giới, nhưng với quan điểm tương đối đồng nhất: Khai thác cảnh quan, vật liệu tự nhiên, phát huy giá trị bản sắc văn hóa bản địa và tạo ra những giá trị mới…. Có thể nói, hơn bao giờ hết, giới KTS thấu hiểu vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo Kiến trúc phù hợp với cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa địa phương trong thời kỳ cách mạng công nghệ số.

KTS Salvador Perez Arroy (Sáng lập S Design): Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tham quan các công trình kiến trúc Việt Nam là rất tích cực. Tôi ngưỡng mộ cách thức kiểm soát khí hậu nhờ phân mảnh không gian để cải thiện thông gió tự nhiên qua các khoảng sân và kiểm soát nắng để tạo ra bóng mát và chiếu sáng các không gian thông qua sự phản chiếu từ các bức tường.

….Khi chúng ta nói về truyền thống hoặc gốc rễ văn hóa, chúng ta cần hiểu rằng không bao giờ nên sao chép một cách đơn giản những mô hình cũ mà phải sử dụng nó là chất liệu truyền cảm hứng một cách tinh tế – Bởi hiện nay không gian thường có sẵn và cuộc sống thì phát triển không ngừng.

TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận – ĐH Kiến trúc Hà Nội: Chúng ta đều biết rằng kiến trúc là một nghệ thuật phối hợp, được quyết định bởi nhiều tác nhân quan trọng để có được một tác phẩm kiến trúc. Đó là: (1) cần một KTS từng trải trong hành nghề; (2) cần một nhà thầu xây dựng biết làm đẹp; (3) cần một nhà quản lý biết giới hạn trách nhiệm của mình; (4) cần một nhà đầu tư biết giá trị tài chính của mình; (5) cần một nhà sử dụng có văn hóa. Đây là 5 yếu tố cơ bản cho một tác phẩm kiến trúc, tất cả đều là yếu tố con người đã tham gia vào sự tác thành tác phẩm kiến trúc. Nếu nhận thức tốt về bổn phận của từng người thì chắc chắn chúng ta sẽ có một nền kiến trúc phát triển giàu tính thẩm mỹ và có bản sắc.

KTS Lê Tuấn Long (Sáng lập Eden Lanscape): Có nhiều yếu tố cấu thành “thương hiệu” một vùng đất hoặc một dự án, trong đó việc khai thác yếu tố bản địa. Để tạo được sự khác biệt thì yếu tố bản địa có thể coi là một điểm mạnh, việc khai thác điểm mạnh này chính là một trong những cách thức hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu cho một dự án. Sự khác biệt đến từ việc khai thác các giá trị bản địa sẽ luôn đặc biệt và riêng biệt. Những đặc tính này luôn làm cho dự án trở nên dễ nhớ, dễ nhận biết và dễ tạo được sự đồng thuận đến từ cộng đồng.

Quỳnh Trang – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on tumblr
Tumblr
Share on pinterest
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343