Hội đồng giám khảo cuộc thi Ngôi nhà mơ ước 2018 – 2019: “Chúng ta cần học cách sử dụng vật liệu thông minh”

Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Ngôi nhà mơ ước 2018” với chủ đề “Chất cảm vật liệu” đã nhận được sự quan tâm của sinh viên và KTS trên toàn quốc. TCKT đã có cuộc trao đổi nhanh với mốt số thành viên HĐGK ngay trước khi chấm giải. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Tổng biên tập TCKT/ Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

“BTC đánh giá cao tính sáng tạo và khả thi của từng phương án”

Mỗi KTS đều phải quan tâm đến chất cảm vật liệu, để thông qua vật liệu tạo cảm xúc cho người sử dụng. Vật liệu công trình vô cùng đa dạng, mỗi phối hợp lại tạo ra những cảm nhận khác nhau. Việc dùng vật liệu để đối thoại với người xem là cái tinh tế trong thủ pháp thiết kế của KTS. Không chỉ tạo cảm xúc, vật liệu còn góp phần quan trọng xử lý không gian kiến trúc, tạo lại sự thoải mái hay tác động tích cực đối với sức khỏe con người. Cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước 2018”, bên cạnh tính sáng tạo là điều không thể thiếu, BTC đánh giá cao tính khả thi trong phương án thiết kế. Để những sản phẩm dự thi không chỉ còn là những tác phẩm trên giấy mà sẽ được ứng dụng, phục vụ cuộc sống.

KS Nguyễn Thế Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thạch Bàn

“Khơi gợi sự đam mê, nhiệt huyết của CÁC KTS VÀ SV KIẾN TRÚC là đích đến của chúng tôi”

Qua hai mùa phát động, tôi đã được nghe tâm sự của nhiều thí sinh. Họ chia sẻ: “Cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” đã trở thành một sân chơi thường niên, thúc đẩy ý tưởng sáng tạo của các KTS nói riêng cũng như những người đam mê kiến trúc nói chung”. Nếu như các KTS xem đây là cơ hội để khẳng định năng lực hành nghề của mình thì các bạn sinh viên kiến trúc lại coi đây là một “sân chơi” lý tưởng để thỏa khao khát khẳng định bản thân. Dù đến với cuộc thi bằng lý do nào đi chăng nữa, chúng tôi đánh giá cao lòng đam mê và nhiệt huyết của các bạn gửi gắm qua từng nét vẽ.

KTS Nhà văn Nguyễn Trương Quý

“Chất cảm vật liệu hàm chứa tư duy văn hóa, triết lý sống và thiết kế của KTS”

Quan niệm được thừa nhận từ lâu rằng cơ thể con người là cấu trúc hoàn hảo nhất trong tự nhiên. Lớp vỏ của cỗ máy này – tức lớp da, tóc, lông hay móng chân là thứ con người cần có để hoàn thiện vẻ ngoài của họ. Tương ứng với cấu trúc này, các công trình kiến trúc cũng cần lớp vỏ bọc để tạo ra hình ảnh hoàn thiện của chúng – tức vật liệu bề mặt. Nếu lớp da người tạo nên vẻ đẹp sinh động cho cơ thể thì vật liệu sở hữu đặc tính chất cảm tạo nên sự hấp dẫn của mỗi công trình.

Lịch sử cho thấy không chỉ vật liệu xây dựng cái cốt mà cả chất liệu hoàn thiện bề mặt những công trình cũng là chỉ dấu của mức độ tiến hóa văn minh vật chất của các xã hội. Có khi vật liệu mới cũng báo hiệu sự đột phá của công nghệ xây dựng và thẩm mỹ kiến trúc. Nhìn chung, chất cảm của vật liệu hàm chứa các nền tảng tư duy văn hóa, thậm chí triết lý sống mỗi cộng đồng.

KTS Lê Trương – Tổng Giám đốc Công ty TTAS

“Vật liệu sẽ có giá trị và được tôn vinh khi nó được đặt đúng chỗ”

Để có được một ngôi nhà đẹp, cần hội tụ đủ 3 yếu tố: Văn hóa, Không gian, Vật liệu. Như vậy, Vật liệu là 1 trong 3 yếu tố quan trọng để hình thành nên một ngôi nhà đẹp. Những vật liệu tưởng chừng như rẻ tiền, bình thường nhất lại có thể tạo nên một ngôi nhà đẹp và sang trọng. Vật liệu sẽ có giá trị và được tôn vinh khi nó được đặt đúng chỗ. Cũng vật liệu đó, chúng ta có thể tạo nên những không gian khác biệt, kỳ diệu. Ngược lại, nếu không đủ kiến thức để sử dụng, nó có thể phá hỏng tất cả mọi thứ trong ngôi nhà. Việt Nam có thể khai thác, chế tác những vật liệu từ thiên nhiên với giá thành rẻ nhất cho những công trình kiến trúc nhà ở.

Rất nhiều vật liệu được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ mới đã tiệm cận hoặc vượt trội so với vật liệu nhập khẩu. Nó đã trở thành một tiềm năng xuất khẩu đắt giá ở rất nhiều thị trường Quốc tế. Có thể kể đến như Gạch ốp, lát Thạch Bàn, đá ốp lát nhân tạo của Vicostone, gạch gốm Bát Tràng, tấm lát sàn mà nguyên liệu làm từ tre. Đẹp và phù hợp là thông điệp mà chúng ta cần đem đến cho khách hàng để tạo dựng ngôi nhà cho họ. Bên cạnh đó, sự thấu đáo, đi đến tận cùng là phẩm chất không thể thiếu ở mỗi người làm nghề mới có thể tạo nên được Ngôi nhà mơ ước theo đúng nghĩa của nó.

KTS Nguyễn Thu Phong – TGD công ty Nhà Vui/ Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam

“Chúng ta cần học cách sử dụng vật liệu thông minh”

Trách nhiệm thiết kế của KTS, từ cổ chí kim tôi cho rằng cũng không thay đổi mấy, xung quanh những giá trị cốt lõi của nghề nghiệp. Đó là: Thấu hiểu nhu cầu sử dụng, vận dụng năng lực sáng tạo của tác giả đem lại công trình những giá trị: Công năng, bền vững, thẩm mỹ và kinh tế. Tư duy thiết kế thì mang đậm dấu ấn logic, thủ pháp sáng tạo, những cảm nhận tinh thần và trải nghiệm cuộc sống và nghề của chính tác giả. Với những thay đổi của thời đại công nghệ mới hôm nay, khả năng áp dụng các phần mềm tính toán, phần mềm vẽ, mô phỏng công trình giúp việc thiết kế khoa học, dễ kiểm chứng, dễ trình bày và giúp KTS nắm vững hơn các giải pháp đã chọn. Bên cạnh đó, các vật liệu-công nghệ mới được các nhà cung cấp giới thiệu cũng trở nên “thông minh” và được kiểm chứng vững chắc hơn bởi các thông số kỹ thuật luôn được cải tiến, luôn được cập nhật, đối chiếu, tính toán, đi kèm các phần mềm mô phỏng và tích hợp thông tin giúp việc thiết kế chính xác và có nhiều sự lựa chọn các giải pháp khác nhau. Tôi nói ý “thông minh” là vì thế. Vật liệu không còn là sự áp dụng cứng nhắc, vô hồn và thiếu linh hoạt. Vật liệu và các giải pháp sử dụng công nghệ mới cho phép sự mô phỏng tính toán nhiều phương án, cho phép tìm kiếm những giải pháp linh hoạt tích hợp để làm sao vừa đảm bảo tính kinh tế đáp ứng các nhu cầu sử dụng. Đó chính là điều KTS cần hết sức lưu ý để sử dụng chất cảm vật liệu cho hiệu quả.

KTS Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Công ty AVANT

“Cảm nhận về vật liệu giúp KTS kết hợp một cách hiệu quả và tinh tế”

Nói đến chất cảm vật liệu phải nói đến các khía cạnh cảm nhận bằng giác quan của con người như thị giác và xúc giác. Vật liệu, thông qua thị giác, tác động lên sức khỏe và tinh thần của con người, KTS lựa chọn vật liệu mang chất cảm như nào thì sẽ nhận lại được kết quả tác động đến con người như vậy. Có vật liệu tạo cảm giác mát mẻ, có vật liệu tạo cảm giác vui tươi hay trầm lắng. Khi người thiết kế biết kết hợp một cách hợp lý thì sẽ đạt được hiệu quả trong công năng, tác động đến sức khỏe cũng như tinh thần của người sử dụng.

Xúc giác là sự cảm nhận dễ hiểu hơn mà vật liệu mang lại cho con người, vì chúng ta có thể chạm để cảm nhận trực tiếp. Chẳng hạn, những vật liệu sần trong kiến trúc sẽ mang lại cảm giác thô sơ, vật liệu mịn lại mang đến cảm giác hiện đại… Những nhận thức từ vật liệu qua xúc giác còn được chuyển thẳng lên não và cho phép não người đánh giá và xác định mức độ an toàn trong công trình. Thông qua cuộc thi, BGK rất mong muốn lựa chọn được các tác phẩm biết kết hợp vật liệu các tinh tế nhất, tạo cảm xúc, tác động được vào giác quan của con người mà vẫn đáp ứng được tính sáng tạo, công năng cần có của một công trình kiến trúc.


(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343