Trong điều kiện thuận lợi và còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, 5 năm qua, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Đảng bộ, Chính quyền quận Nam Từ Liêm đã kế thừa, phát huy thành tựu của Đảng bộ, Chính quyền huyện Từ Liêm trước đây, đồng thời với ý chí quyết tâm, trên tinh thần: “Chủ động, đổi mới, quyết liệt và hiệu quả”, lựa chọn các khâu đột phá, tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế – xã hội; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Nam Từ Liêm đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Những định hướng trong thời gian tới có ý nghĩa quyết định hướng đi cho một quận Nam Từ Liêm tăng trưởng xanh và bền vững.
Ông Trần Đức Hoạt
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm
Trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã tạo ra được “sự bứt phá” ngay từ năm đầu tiên thành lập (vượt 40% so với dự toán), tạo đà cho những năm tiếp theo. Kết quả, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2014-2018 đạt 31.926,72 tỷ đồng, tăng bình quân 36,4%/năm. Năm 2018, thu ngân sách đứng đầu thành phố Hà Nội, đạt 8.418 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2014; trong đó thu ngân sách trên địa bàn (không tính tiền sử dụng đất) năm 2018 tăng 3,4 lần so với năm 2014. Thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán được giao, liên tục nằm trong danh sách 05 quận có số thu cao nhất Thành phố, điều này phản ảnh rõ nét sự phát triển kinh tế của quận.
Trong thời gian tới, quận Nam Từ Liêm tiếp tục tăng tốc để hoàn thành xuất sắc Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025. Đây là giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển quận Nam Từ Liêm thành một đô thị văn minh, giàu đẹp – Trọng tâm là xây dựng và phát triển Quận một cách bền vững, với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; kinh tế phát triển theo định hướng xanh, bền vững, hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Định hướng một số nhiệm vụ phát triển quận Nam Từ Liêm trong thời gian tới:
- Tập trung hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, tạo đà tăng tốc phát triển giai đoạn 2021 – 2025;
- Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ưu tiên phát triển thương mại – dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao và dịch vụ du lịch trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của quận, từ những lợi thế về vị trí, hạ tầng giao thông và các công trình kiến trúc, chuyên ngành, các không gian đặc thù của quận theo quy hoạch được duyệt;
- Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch các khu vực làng xóm cũ, tăng cường chỉnh trang cảnh quan và thực hiện văn minh đô thị để tạo nền tảng cho phát triển dịch vụ; đặc biệt là đẩy mạnh triển khai phát triển đô thị theo hướng thông minh;
- Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, nâng mô hình “chính quyền thân thiện – trách nhiệm” hiện nay lên “chính quyền thân thiện chuyên nghiệp”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, và các lĩnh vực y tế, văn hóa…;
- Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh, thu hút doanh nghiệp, thu hút đầu tư; chăm lo, lắng nghe, và giải quyết tốt các nhu cầu và mong muốn của nhân dân;
- Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt xây dựng quận thành đô thị an toàn thân thiện, sẵn sàng đón nhận các sự kiện lớn của quốc tế, quốc gia trên địa bàn;
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam,
Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội
Quận Nam Từ Liêm – Khu vực đô thị trung tâm đầy tiềm năng
Quận Nam Từ Liêm được thành lập từ cuối 2013 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm.. Ngay từ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt phê duyệt năm 1992, Nam Từ Liêm đã là khu vực được ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, các dự án khu đô thị mới và một số công trình tầm cỡ quốc gia. Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phê duyệt năm 1998 đã xác định đây là khu vực được định hướng phát triển lâu dài và trước mắt là hướng mở rộng TP Hà Nội trung tâm, nơi được bố trí các trung tâm chuyên ngành như giáo dục đào tạo, thể dục thể thao quốc gia, không gian xanh công cộng của TP… hoàn chỉnh xây dựng một số trục giao thông lớn của TP như đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, quốc lộ 32…
Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2011, một lần nữa khẳng định vị trí Nam Từ Liêm hiện nay là khu vực đô thị trung tâm được mở rộng, khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ, thương mại cấp TP có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại, khu vực sinh thái cảnh quan dọc sông Nhuệ, một số công viên giải trí chuyên đề…
Từ những định hướng phát triển đã được xác định qua các đồ án quy hoạch, thực tiễn vừa qua đã cho thấy những tiềm năng và động lực phát triển quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng bàn, những thách thức về quản lý đô thị, ở đây, xin được nêu một số giải pháp cụ thể với quận Nam Từ Liêm – Đó là:
- Cần đổi mới cơ chế, mô hình quản lý đô thị để kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với phát huy giá trị, giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang các khu vực, các điểm dân cư đã hình thành;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng để nâng tầm nhận thức, huy động nguồn lực trong bảo tồn di sản và đổi mới cơ cấu kinh tế với mũi nhọn là du lịch, dịch vụ và thương mại;
- Trong quản lý, phát triển đô thị rất cần chú trọng đến trọng điểm xây dựng các khu cảnh quan, sinh thái cây xanh, mặt nước cũng như kết cấu hạ tầng để phát huy vai trò của các công trình công cộng tầm cỡ quốc gia.
ThS.KTS Trần Hoàng Linh
Phòng QHKT 1 – Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
Một số nội dung định hướng công tác quy hoạch đối với quận Nam Từ Liêm
Quận Nam Từ Liêm với tính chất được quy hoạch là một trong những trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội, gồm các chức năng: Dịch vụ, thương mại, tài chính, văn hóa, giải trí, du lịch, thể dục thể thao cấp Quốc gia và cấp thành phố, nhà ở. Trong thời gian tới, để xứng đáng với tính chất là trung tâm mới của Thủ đô, Nam Từ Liêm cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa trong công tác quy hoạch, theo các nội dung sau:
– Về kiến trúc cảnh quan:
- Tăng cường kỷ cương trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, trật tư đô thị;
- Kiểm soát việc xây dựng tại các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa dịch vụ thương mại, khu dân cư hiện hữu, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại;
- Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Cải tạo, khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan sông Nhuệ;
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai và công trình công cộng;
- Rà soát tổng thể, chi tiết các quy hoạch, dự án đầu tư đã và đang thực hiện trên địa bàn Quận, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện quy hoạch. Đối với các khu quy hoạch và dự án không triển khai thực hiện được hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị, cần phân tích đánh giá và thông qua ý kiến cộng đồng dân cư để đề xuất với TP và các Sở, ngành, điều chỉnh phù hợp với sự phát triển đô thị trên địa bàn quận.
– Về quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở:
- Rà soát quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa phù hợp quy hoạch để triển khai tăng cường hệ thống công cộng đơn vị ở, trường học, cây xanh, bãi đỗ xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác;
- Chuyển đổi các cơ sở công nghiệp, kho tàng, ưu tiên các chức năng công cộng còn thiếu; Cải tạo các khu tập thể cũ;
- Kiểm soát quy mô dân số để đảm bảo đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội;
– Về hạ tầng giao thông: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông trên địa bàn theo từng giai đoạn, đặc biệt là cải tạo các tuyến đường trong khu vực dân cư hiện hữu (đáp ứng các yêu cầu về cứu hỏa).
– Về định hướng phát triển: Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển hạ tầng dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại:
- Khuyến khích xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ;
- Rà soát, bổ sung và khai thác hiệu quả mạng lưới chợ hiện có góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đảm bảo đời sống nhân dân gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
- Quy hoạch xây dựng và quản lý tốt các công trình văn hóa, di tích, từng bước tạo ra các điểm du lịch văn hóa. Cải tạo, khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan sông Nhuệ.
- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, khuyến khích các loại hình dịch vụ chất lượng cao trong thương mại, y tế, giáo dục, thể thao, tài chính ngân hàng ….
KTS Vũ Hoài Đức
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
Nam Từ Liêm – Cực phát triển phía Tây Thủ đô
Có thể nhận định rằng: Quận Nam Từ Liêm là nơi ghi dấu những công trình tạo nên sức phát triển của Thủ đô Hà Nội trong 2 thập kỷ đã qua. Đây là mảnh đất khởi nguồn động lực, của những đổi mới thành công trên lĩnh vực quy hoạch kiến trúc suốt hai thập kỷ qua, mà dư âm vẫn còn đang tiếp diễn.
Xét trên khía cạnh kiến trúc, cũng có thể nói rằng những công trình quan trọng xây dựng trên địa bàn Nam Từ Liêm trong suốt giai đoạn phát triển mạnh mẽ vừa qua, thực sự là khởi nguồn của trào lưu phát triển kiến trúc hiện đại của Thủ đô. Thiết kế của sân vận động Mỹ Đình được mượn từ kiểu dáng cổ xưa để làm giả hình ảnh hiện đại, các hình khối của mái phía trên các khán đài được lấy ý tưởng từ hình dáng trống đồng Việt Nam. Ý tưởng “Lượn sóng Biển Đông” được tạo dáng trên mái Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Bảo tàng Hà Nội tạo dấu ấn đặc biệt với hình khối kim tự tháp ngược. Ở thời điểm khánh thành nhân dịp kỷ niệm Thủ đô 1.000 năm, tổ hợp tháp KeangNam là tòa nhà cao nhất Việt Nam và được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng về xây dựng cũng như ngành công nghiệp dịch vụ, những ngành đang thúc đẩy sự phát triển của TP Hà Nội.
Tuy nhiên, quy luật phát triển nhanh gắn liền với những bất cập nảy sinh tạo nên sự bất hợp lý mà Nam Từ Liêm đang phải giải quyết. Sự chuyển đổi nhanh khiến môi trường văn hóa xã hội đảo lộn; điều này thấy rất rõ ở các khu dân cư làng xóm cũ như Mỹ Đình, Nhân Mỹ, Mễ Trì, Phú Đô… người dân mất công cụ sản xuất, không có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, có tiền nhiều do đền bù… gây hệ lụy về xã hội, làng xóm cũ bị phá vỡ cấu trúc truyền thống; việc kết nối hạ tầng với các khu đô thị mới và với hệ thống hạ tầng khung rất hạn chế. Tình trạng gia tăng sự quá tải đô thị như tắc đường tại các trục chính và xung quanh bến xe Mỹ Đình, hay ngập lụt do hệ thống đầu mối thoát nước ra sông Nhuệ chưa hình thành… Thực sự đây là bài toán hóc búa không chỉ riêng với quận Nam Từ Liêm mà đã trở thành vấn đề của chính quyền Thành phố phải giải quyết.
Đặc biệt, thách thức cho việc hình thành một vành đai xanh theo trục sông Nhuệ đặt ra trong quy hoạch chung theo Quyết định 1259 là hết sức lớn và quan trọng trên địa bàn Nam Từ Liêm. Việc bảo vệ không gian tự nhiên, hình thành mạng lưới sông – hồ và công viên cây xanh kết hợp các khu đô thị sinh thái hai bên sông Nhuệ trong thời gian tới là công việc có tính chất then chốt của quận Nam Từ Liêm trong giai đoạn đô thị hóa hiện nay.
Vành đai xanh sông Nhuệ, cùng với việc đường đua xe công thức 1 (F1) sẽ sớm hình thành trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vừa là động lực mới. Đồng thời, cũng là thách thức khi lịch sử lại một nữa gửi gắm trọng trách của sự khởi nguồn phát triển bằng những hình thái hoàn toàn mới cho mảnh đất Nam Từ Liêm.
Ông Nguyễn Đức Huấn
Tổ 4 Làng Phùng Khoang, Phường Trung Văn quận Nam Từ Liêm
“Chúng tôi đang cùng với chính quyền xây dựng đô thị văn minh – hiện đại”
Phải công bằng mà nói sau 5 năm phát triển quận Nam Từ Liêm, đời sống nhân dân chúng tôi được cải thiện nhiều. Ban đầu, cũng nhiều ý kiến, rằng từ làng lên phố sẽ khó khăn, nhưng đó là với các làng còn thiết chế làng xã, nghĩa là rất ít và rất hạn chế. Cũng nhiều người lo ngại rằng lên quận mọi thứ sẽ phải theo quy chế đô thị. Quả nhiên là về sau này đến xây 1 viên gạch cũng phải xin phép, nhưng nhờ thế mà an ninh trật tự được đảm bảo hơn. Cá nhân tôi cho rằng điều đó là cần thiết, có như thế mới giữ được kỷ cương, phép tắc.
Đã nhiều năm tôi làm công việc nghiên cứu về di tích văn hóa, phải nói rằng Đảng bộ chính quyền quận Nam Từ Liêm đã rất nỗ lực và quan tâm ủng hộ việc giữ gìn văn hóa và những nét bản sắc địa phương. Sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, thương mại, dịch vụ với sự đảm bảo từ phía chính quyền đã giúp người dân ổn định cuộc sống, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Các khu đô thị mới, dự án quy mô lớn trên địa bàn quận đã đem lại diện mạo mới cho khu vực này. Từ phía người dân, chúng tôi cũng đang cùng với chính quyền quận Nam Từ Liêm nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp và hiện đại!
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)