Khác với hệ thống lý thuyết mang tính học thuật và có tính bảo thủ, hệ thống đồ án kiến trúc đóng vai trò như sự kết nối, hiện thực hoá những kiến thức, nguyên lý học thuật đó với thực tế muôn màu ngoài cuộc sống. Đó cũng chính là sự khác biệt thú vị giữa học kiến trúc và học những ngành khác thuộc lĩnh vực xây dựng.
Nếu những lý thuyết tạo hình, nguyên lý nhà công cộng, nguyên lý nhà ở, lịch sử kiến trúc… là phần linh hồn của công tác thiết kế thì chính những đồ án kiến trúc là phần xác để chứa đựng những linh hồn ấy. Rõ ràng không ai có thể định hình, nắm bắt được thấu đáo linh hồn, nhưng có thể nói ai cũng có thể sử dụng, định lượng rất rõ ràng phần xác!
Đồ án kiến trúc chính là sự phản ánh nhận thức của sinh viên (SV) đối với những lý thuyết đã học. SV hiểu lý thuyết thế nào, sẽ bộc lộ ra đồ án kiến trúc như thế một cách rất rõ nét.
Và như thế, một cách logic, khi công cụ biểu hiện được đa dạng hoá thì khả năng diễn đạt được nâng cao. Hay nói một cách đơn giản thì đồ án kiến trúc càng đa dạng, khả năng bộc lộ kiến thức và năng lực của SV càng được mở rộng phong phú.
Thực tế cho thấy nhiều SV rất bỡ ngỡ khi được tham gia vào việc thiết kế những công trình chưa từng được học. Một trong những nguyên nhân của thực tế này là do hệ thống đồ án trong trường học thiếu đi tính điển hình. Khi phân loại được những công trình kiến trúc ngoài thực tế thành từng nhóm công trình như đã làm ở phần nguyên lý thiết kế nhà công cộng và nhà ở, việc còn lại là nên tìm ra một hoặc một vài công trình có tính điển hình cao của nhóm đó để SV có thể làm quen và đúc rút ra phương pháp giải quyết vấn đề cho hàng loạt các công trình tương tự.
Thực tế sản xuất bên ngoài vô cùng đa dạng, đặc biệt sự phát triển công nghệ xây dựng ngày càng mạnh, trong một tương lai không xa sẽ hình thành một số lượng lớn các công trình mà công năng bên trong đã lỗi thời với hình thức bên ngoài, hoặc lỗi thời với nhu cầu của chính những đối tượng mà nó phục vụ. Như vậy đồng nghĩa với việc công tác cải tạo công trình kiến trúc càng ngày càng nhiều, với nhiều cấp độ khác nhau. Những kiến thức về cải tạo công trình hiện nay hoàn toàn thiếu vắng trong hệ thống đồ án kiến trúc.
Các SV dường như thiếu phương pháp khi tiếp cận một vấn đề cần giải quyết, trong khi lại thừa giải pháp tình thế để đối phó khi gặp những khó khăn trong nhiệm vụ thiết kế. Thực tế là nhiều SV coi đồ án môn học như một cái ngưỡng để vượt qua cho xong, chứ không coi đó là một giai đoạn trong một quá trình. Từ đó dẫn tới thiếu tính kế thừa và kiến thức tổng thể về phương pháp nghiên cứu. Điều này là do hệ thống tổ chức các xưởng thiết kế trong trường chú trọng tới đào tạo diện rộng và theo từng đồ án riêng lẻ chứ không quan tâm tới chiều sâu về phương pháp thiết kế, không có tính kế thừa và không quan tâm tới tính quá trình của cả một hệ thống môn học.
Một vài định hướng đổi mới đồ án trong điều kiện thực tế hiện nay
Với hàng loạt những tồn tại từ lâu, và thực trạng đào tạo hiện nay, đối chiếu với nhu cầu xã hội cũng như tình hình kinh tế và dự báo phát triển nhu cầu xã hội trong tương lai, chúng tôi mạo muội đưa ra một vài suy nghĩ theo những hướng sau:
– Đa dạng hoá thể loại công trình, cụ thể hóa nội dung đề tài: Với việc đa dạng hoá đề tài đồ án, SV sẽ được tiếp xúc với nhiều loại hình công trình hơn. Quá trình thu nhận kiến thức không dừng lại sau kết thúc đồ án mà SV còn có thể học hỏi ở cả các khoá sau. Ví dụ như trong hệ thống đồ án hiện tại thiếu một thể loại công trình rất hay là Bảo tàng, trong khi làm đồ án Tốt nghiệp, thể loại này rất phổ biến. Nếu trong nhóm đề tài đồ án có thể đa dạng hóa để có được loại hình công trình này, các SV năm cuối có thể tham gia vào các buổi học đồ án của khóa sau để tham khảo, đồng thời SV khóa sau có thể học hỏi từ đồ án tốt nghiệp của các SV khóa trước. Trong quá trình tham gia hướng dẫn đồ án môn học, tôi nhận thấy có hai đồ án thường được SV hứng thú đặc biệt, là đồ án Biệt thự và Câu lạc bộ. Đó cũng là hai đồ án có sự phong phú trong đề tài vì tính mở của nó. Nếu trong đồ án Biệt thự, tôi vẫn thường yêu cầu SV xác định đối tượng và nhu cầu cụ thể của họ trước khi bắt tay vào thiết kế, thì trong đồ án Câu lạc bộ tôi muốn SV xác định rõ thiết kế loại hình Câu lạc bộ nào và họ phải lập nhiệm vụ thiết kế đặc thù cho thể loại Câu lạc bộ đó. Cả hai yêu cầu này nhằm tăng tính đa dạng cho loại hình đồ án và thực sự có tác dụng rất tốt trong việc thúc đẩy SV tìm hiểu các kiến thức xã hội liên quan tới công tác thiết kế.
Sự phong phú trong đề tài đồ án không chỉ mang lại hứng thú học tập cho SV mà còn khai thác được đầy đủ kiến thức của các thầy hướng dẫn, đặc biệt là các kiến thức thực tế. Trên thực tế, có rất nhiều giảng viên tham gia thực tế sản xuất bên ngoài và các cuộc thi kiến trúc trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều loại hình công trình không có trong hệ thống đồ án, nhưng nằm trong nhóm các công trình liên quan tới đồ án môn học. Việc đa dạng hóa đề tài đồ án sẽ giúp cho các giảng viên chủ động hơn trong quá trình truyền tải kiến thức, đồng thời chất lượng đồ án cũng sẽ được thay đổi về chất, không nặng về lý thuyết như hiện tại. Nói một cách khác, nó sẽ giống như chất xúc tác thúc đẩy cái xe mô tô phân khối lớn hoạt động đúng công suất thiết kế của nó, thay vì vận hành như một cái xe đạp.
Đề cập tới góc độ quản lý, việc đa dạng hoá đề tài cũng làm giảm thiểu nguy cơ SV sử dụng lại đồ án của nhau, đồng thời tạo điều kiện cho những SV ham học có thể thu nhận được nhiều kiến thức từ nhiều loại hình công trình thuộc cùng một nhóm phân loại.
– Hướng tới một đồ án thực tiễn thay vì một đồ án lý thuyết: Thực tế sản xuất cho thấy một đồ án kiến trúc có sự tham gia của rất nhiều bộ môn: Kết cấu, cấp thoát nước, cấp điện, vật lý kiến trúc, trang thiết bị công trình… Do vậy đồ án môn học cần có sự tôn trọng nhất định những thành phần bộ môn này. Hiện trạng đào tạo cho thấy những bộ môn này được dạy trong trường rất bài bản nhưng tính ứng dụng kém, mà lý do chủ yếu vì không được đưa vào đồ án môn học để SV làm quen dần dần.
Ví dụ cụ thể là ở đồ án Chung cư và đồ án Nhà văn hóa. Trong kiến thức Vật lý kiến trúc được giảng dạy có mô tả rất rõ cách tính toán thông gió và chiếu sáng tự nhiên dựa trên đường biểu kiến của mặt trời. Áp dụng cách tính toán này vào quá trình thiết kế chung cư sẽ cho ra bốn mặt của tòa nhà có sự khác biệt thú vị trong điều kiện khí hậu đặc thù. Đối với phòng khán giả trong đồ án Nhà văn hóa, mặc dù được học về cách tính toán âm học nhưng SV lại không hề quan tâm tới vấn đề này khi thực hiện đồ án, mà phải đợi tới đồ án tốt nghiệp, nếu có liên quan tới khán phòng thì kiến thức này mới lại được sử dụng… Tất cả những tồn tại này vô hình chung đang khiến cho SV có tư tưởng coi thường các bộ môn kỹ thuật công trình, dẫn tới việc rất yếu kém trong thực tế hành nghề cũng như ấu trĩ trong xử lý kỹ thuật công trình.
– Coi trọng tính phương pháp và kế thừa trong thiết kế: Mỗi giảng viên đều có phương pháp làm việc cũng như sở trường trong một vài loại hình công trình kiến trúc. Đào tạo SV để họ quen với 1 phương pháp làm việc hiệu quả có lẽ tốt hơn là bắt họ phải thích nghi với quá nhiều cách thức giải quyết vấn đề khác nhau. Bởi lẽ chúng ta đều biết giải một bài toán Kiến trúc hoàn toàn khác với một bài toán tự nhiên. Việc cần thiết ở đây là định hướng SV hiểu, thành thạo vận dụng được phương pháp luận trong thiết kế mà mỗi giảng viên có kinh nghiệm đều có sự khác nhau.
Tính kế thừa trong thiết kế thực sự quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo mang tính truyền nghề. Để làm được điều đó, rất cần có sự hiểu và thông cảm giữa người truyền đạt và người tiếp thu. Việc được làm việc với nhau trong một thời gian dài và ổn định sẽ giúp người truyền đạt nắm rõ khả năng tiếp thu cũng như xử lý thông tin của người học, từ đó có cách truyền tải thông tin hiệu quả. Khi tôi làm việc với SV trong một lớp qua hai đồ án môn học, cả hai bên bắt đầu hiểu và vận hành tốt các nguyên tắc làm việc thì lại có sự thay đổi. Điều này khiến cho bản thân SV mất thời gian làm quen với các nguyên tắc làm việc của giảng viên khác, trong khi tôi phải tiến hành lại từ đầu với một đơn vị lớp mới và biết chắc những nguyên tắc làm việc của mình sẽ chỉ được vận hành nửa vời.
Một vài giải pháp cho sự thay đổi
Với một số định hướng đã nêu ở trên, việc đưa ra một giải pháp có thể đạt được toàn bộ mục đích là vô cùng khó khăn, đây phải là một bộ giải pháp thống nhất và tổng thể, không chỉ về chuyên môn đơn thuần mà còn cả cơ chế, nhân sự… và cả tinh thần trách nhiệm. Ở góc độ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, tác giả chỉ xin nêu những giải pháp bản thân tự đúc rút trong quá trình làm việc.
– Tổ chức lại hệ thống đồ án môn học theo từng nhóm công trình, trong đó có những công trình có tính điển hình cao có thể đại diện cho vấn đề thiết kế của cả nhóm công trình.
Cụ thể là:
– Kéo dài thời gian mỗi đồ án lên một học kỳ thay vì ½ học kỳ như hiện tại. Nhờ có quỹ thời gian đó để có thể mời thêm các chuyên “gia thực tế” tham gia giảng dạy các bộ môn kỹ thuật kèm theo, phân đoạn đánh giá quá trình thực hiện đồ án được kỹ càng hơn.
Cụ thể là:
– Mỗi đồ án đưa thêm vào một khối lượng đồ án nhanh mang tính chất cải tạo công trình, thay thế cho hệ thống đồ án nhanh hiện thời không còn giữ được mục tiêu đào tạo ban đầu. Đây là khối lượng công việc nhằm mang lại tính thực tiễn xã hội rất cao cho SV.
Cụ thể là:
Thay lời kết
Với việc phát triển không ngừng trong các ngành khoa học nói chung và khoa học công nghệ xây dựng nói riêng, thì việc thiết kế các công trình cũng cần có những thay đổi nhất định, đặc biệt từ tư duy sáng tác ý tưởng đến việc sản xuất các bản vẽ thi công thực sự đã đến lúc cần có những thay đổi nhằm bắt kịp những khoa học công nghệ đang phát triển đó.
Nếu như không có những đổi mới ngay trong công tác giảng dạy đồ án kiến trúc sẽ rất nguy hiểm cho một thế hệ KTS trong tương lai không được trang bị những công cụ dụng cụ đầy đủ để song hành với quá trình phát triển. Vì vậy, đổi mới trong công tác đào tạo đồ án kiến trúc để đáp ứng những biết đổi của công nghệ xây dựng thực sự là cần thiết và phải triển khai ngay.
*ThS.KTS Nguyễn Đức Vinh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2019)