Di sản kiến trúc và bản sắc vùng miền

Di sản văn hóa trong đó có di sản kiến trúc là sản phẩm do con người tạo ra cho vùng miền mà nó tọa lạc. Sống tại nơi đó, nó được cộng đồng cư dân vừa sử dụng vừa nuôi dưỡng, vừa gìn giữ vừa vun đắp thêm những điều kiện để tồn tại, phát triển, và vì thế nó luôn chứa đựng những yếu tố có tính đặc trưng của vùng miền nơi nó sinh trưởng. Nói cách khác, di sản kiến trúc chính là nhân tố tạo nên truyền thống và khi tuyền thống được gìn giữ, phát huy thì nó tạo nên bản sắc của mỗi vùng miền.

Các công trình kiến trúc tự thân là những sản phẩm vật chất tồn tại lâu dài cùng năm tháng, luôn hiện hữu trong không gian văn hóa của cộng đồng vùng miền. Kiến trúc là nơi con người lưu trú, sản xuất và hoạt động văn hóa, là môi trường để nuôi dưỡng các đặc điểm, nguồn sinh khí của mỗi vùng đất. Vì vậy, chúng luôn luôn là thành phần quan trọng tạo lập bản sắc vùng miền.

Đình Chu Quyến

Bản sắc thường được xác lập bằng các yếu tố phi vật thể, nhưng bản thân các yếu tố phi vật thể lại được hình thành, nuôi dưỡng trong các di sản kiến trúc. Cùng với môi trường tự nhiên, di sản kiến trúc chính là môi trường, điều kiện để hình thành bản sắc của một vùng miền. Bản sắc là cái được tích tụ dần theo thời gian, có sự gọt rũa, sàng lọc nhất định, những đặc trưng nơi chốn vừa được bồi đắp, vừa bị tàn phai nhưng đọng lại các cốt lõi, từ đó người ta nhận ra và nhớ đến. Các công trình kiến trúc hay không gian đô thị, với ngôn ngữ riêng, đã tồn tại đủ lâu, có những giá trị được nhận diện, tham gia tích cực vào quá trình đó bằng diện mạo vốn có, bằng giá trị được xác lập, bằng không gian nó tạo ra hoặc không gian mà nó tham gia vào.

Như vậy, vai trò của di sản kiến trúc đối với sự hình thành bản sắc của một vùng miền là hết sức quan trọng. Di sản kiến trúc và bản sắc vùng miền có mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Mối quan hệ ấy có ý nghĩa quan trọng trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Tức là di sản kiến trúc có vai trò quan trọng cả khi bản sắc được hình thành trong quá khứ, khi bản sắc được giữ gìn trong hiện tại và khi bản sắc được tạo lập trong tương lai.

Với ý nghĩa đó, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, di sản kiến trúc không chỉ là lưu giữ những dấu tích vật chất của các thời kỳ lịch sử, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản mà còn là gìn giữ, lưu truyền những bản sắc tốt đẹp của mỗi vùng miền. Vì di sản chứa đựng những yếu tố tạo lập bản sắc nên bảo tồn di sản còn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam đương đại và tương lai.

KTS Lê Thành Vinh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343