Di sản của tôi

Thời thơ ấu, gần nhà tôi ở Hải Phòng là chùa Dư Hàng và đình Từ Vũ. Ngày ấy, phố Dư Hàng có nhà tôi là phố ngoại ô, thưa người. Tôi nhớ, chiều chiều, tôi thường theo các chị tôi đến chùa Dư Hàng ngồi vãng cảnh. Các chị hay mang theo ô mai, khế dầm, kẹo bột vừa ngồi hát với nhau, vừa ăn mấy thứ quà kể trên thật vui vẻ. Trước cửa chùa là một thảm cỏ xanh hình tam giác nhọn vì ở đó là ngã ba, bên hông chùa là lối rẽ vào Miếu Hai Xã rồi tới chùa Đồng Thiện. Chính ở thảm cỏ xanh này, tôi đã phải “một đánh mười” đọ sức cùng lũ bạn học đánh “hội đồng” tôi vì tôi là con ông hiệu trưởng. Ở thảm cỏ ấy, tôi lần đầu ngã xuống đất và cũng lần đầu từ đất đứng lên liều mình chống chọi với bọn “bắt nạt”. Rời xa Hải Phòng, rời xa chùa Dư Hàng lên ngụ cư Hà Nội “đất thánh”, tôi mới biết chùa Dư Hàng là một ngôi chùa cổ rất thiêng có từ thời bà Lê Chân “Hải tầu phòng thủ”. Đình Từ Vũ lại là nơi tôi học lớp 1 sau ngày Hải Phòng giải phóng 13.5.1955. Tôi nhớ đình rất rộng nên học sinh ngồi học chỉ hết nửa đình. Ra chơi, chúng tôi tha hồ chạy nhảy. Có lần vì chạy nhảy mà tôi ngã đập mặt xuống thềm đá ở cửa đình. Nghe nói đình là nơi nhóm họp của dân cứ xung quanh, cũng rất thiêng. Tôi còn tồn nghi nhạc sĩ Từ Vũ – tác giả “Gái xuân” phổ thơ Nguyễn Bính rất nổi tiếng có lẽ lấy bút danh của mình chính là tên của đình này, bởi vì ông chắc cũng là dân ở gần đó.

Tác giả: Phạm Anh Quân

Chùa Dư Hàng và đình Từ Vũ chính là di sản của tôi thời thơ ấu. Đấy là hai nơi khai sáng khiến tôi khi thi hết cấp 1 đứng thì nhì thành phố, hun đúc nên tôi bây giờ. Mãi tới năm 2013, khi VTC làm phim chân dung về tôi, tôi mới có dịp về tần ngần trước hai di sản này, để thấm thía thời gian bạc trắng trên mái đầu nhưng vẫn chỉ là bé con bên di sản.

Ở Hà Nội thì di sản của tôi chính là căn gác tư nhà tôi ở số nhà 60 Hàng Bông. Ở đó, từ năm 1980 khi tôi lập gia đình, căn gác từ lúc ấy vẫn được che bằng giấy dầu thì đã là nơi chốn đi về, quây quần của biết bao bậc tài danh văn nghệ của đất nước. Khi đó, đất nước còn vô cùng khó khăn, có được một góc gác, một khoảng trời riêng để gặp gỡ, chia sẻ giữa các bạn hữu thật là hiếm hoi. Tôi nhớ những chiều Bùi Xuân Phái ngồi ngoài sân, trầm tư trước khung vải. Rồi Văn Cao đến tươi cười cụng chén rượu vuốt râu, trò chuyện cùng Đặng Đình Hưng về Đặng Thái Sơn vừa đoạt giải thưởng Chopin danh giá. Căn gác cao giữa phố cổ cũng không ngăn được bước chân của cao nhân Nguyễn Tuân của làng văn nghệ Việt Nam. Ông ngồi, dựng ba tong vào góc gác, thủng thẳng lấy bình rượu kẹt kiểu Huê-Minh-Uây hay dùng, rót ra một ly cô-nhắc mời các đàn em nhấm nháp. Rồi Nguyễn Xuân Khoát – người anh cả Tân nhạc xuất hiện như một niềm kiêu hãnh, đứng trầm ngâm nhìn về khoảng không nơi có phố Nhà Thờ thuở ấu thơ. Bao giờ quên cái chiều Xuân Diệu vừa bước lên cầu thang, vừa nói trong hơi thở dốc để báo tin tôi được giải thưởng thơ báo “Văn Nghệ” (1981-1982). Thấp thoáng đâu đó bóng dáng Nguyễn Xuân Sanh bồi hồi kể về “Xuân Thu nhã tập” và Tế Hanh đến đọc thầm “Hà Nội vắng em”. Không thể không nhớ Trinh Dương với những tranh luận gay gắt về thơ và bắt tôi chép ngay “Hà Nội ngũ hành” để đưa vào tuyển tập. Tôi nhớ cái mơ màng trong hơi men của Hoàng Trung Thông khi lắng nghe tôi hát “Đêm Tây Bá Lợi Á” phổ thơ ông. Lại Văn Vao và Phạm Văn khoa xì xụp bát bún riêu cua và nhớ lại những cảnh quay trong “Tắt đèn”. Đấy là đêm ấm cúng cùng Nguyễn Khải trước ngày ông vào ở hẳn Sài Gòn. Đấy là cặp mắt tròn xoe ngộ nghĩnh của Hoàng Ngọc Hiến cứ như từ trời rơi xuống khi phải nghe chuyện trớ trêu của cảnh ngộ đời thường. Rồi Trịnh Công Sơn ập đến như gió để rồi gửi lại “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Rồi Thanh Tùng từ Hải Phòng lên mang theo âm hưởng “Thời hoa đỏ” nhói nhức trong thi ca. Và Thu Bồn với những cơn say nồng nàn nằm ngủ ngoan “đến chuột cũng thèm” ở một góc gác tràn trề âm hưởng “Bài ca chim Chơ-rao”.

Từ trái qua phải: NS Hồng Đăng, Diễn viên Phương Thanh, Nhà phê bình Ngô Thảo, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, Nhà thơ Thu Bồn và Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng
Ảnh: Hà Tường (năm 1983) tại tư gia của nhà thơ Thụy Kha (60 Hàng Bông – Hà Nội)
Tác giả: Phạm Anh Quân

Ở thời đổi mới, căn gác lại là nơi chia sẻ sự trở lại văn đàn của Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Hữu Loan từ Thanh Hóa ra cũng ôm một bầu tâm sự dốc ra lai láng trên căn gác này. Đông nhất sự gặp gỡ và chia sẻ ở căn gác này là bạn bè văn nghệ của cả thế hệ chống Mỹ. Nơi đây là nơi Trần Vũ Mai viết trường ca “Nàng chim lạc”, biên tập “Tuổi thơ im lặng” của Duy Khán, “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Nơi đây, Thanh Thảo lần đầu công bố với bạn bè “Khối vuông ru bích” mới mẻ. Nơi đây, Nguyễn Trọng Tạo thường xuyên trú ngụ sau những ngày ở khu Bốn và miền Trung để rồi hát vang “Khúc hát sông quê”. Có thể nói, căn gác “đây là chốn tha hồ muôn khách đến”. Nào là những trận cười vang cùng Thái Bá Vân, Đào Hùng, Cao Xuân Hạo. Nào là những đùa vui cùng Dương Tường, Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn. Anh em văn nghệ coi đây như căn nhà của mình. Người nổi tiếng, người trong bóng tối đều gặp gỡ ở đây. Khi thì là Chu Hoạch, Lê Huy Quang, Phan Đan. Khi thì là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài. Người các tỉnh đều lấy đây làm nơi chia sẻ, tụ quần trong những ngày ở Hà Nội. Khi thì là Hoàng Hưng, Nguyễn Duy từ Sài Gòn ra. Khi thì là Nguyễn Hồi Thư, Nam Dao, Đông Duy từ xa xứ về. Khi thì là Đức Hậu từ Thái Bình lên. Khi thì là Ngọc Bái từ Yên Bái xuống. Suốt 20 năm cho đến cuối thế kỷ căn gác đã trở thành “di sản của tôi” bởi những gặp gỡ văn nghệ từ bốn phương trời.

Tác giả: Phạm Anh Quân

Đối diện với nhà tôi là nhà cặp nhà văn Nguyễn Hoài Giang và Vân Anh. Khi họ chuyển nhà thì lại là nhà của nhà báo Phạm Mạnh. Phía sau nhà tôi là nhà của nhà phê bình Ngô Thảo với những bài phê bình văn học nổi tiếng một thời. Bởi vậy, tự thân, căn gác nhà tôi đã không còn là căn buồng bình thường nữa mà là nơi hội tụ tinh hoa văn nghệ suốt hai thập kỷ cuối thế kỷ. Người ta có thể bán nhà mình chứ không ai bán di sản của mình. Bởi thế, ngôi nhà xưa đã không chỉ là “một chốn đi về” của tôi mà còn là ký ức gắn bó với một thế hệ nghệ sĩ đã cùng nhau vượt qua 1 thời gian khó như thế – Đó thực sự là một di sản cũng rất cần được gìn giữ.

Nguyễn Thụy Kha

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343