Dấu ấn Kiến truc 2019

Được giới chuyên môn đánh giá là một năm khá sôi động đối với ngành kiến trúc – xây dựng, riêng đối với giới KTS, năm 2019 lại càng trở nên đặc biệt với những sự kiện quan trọng, có tác động sâu rộng tới không chỉ giới kiến trúc mà còn mang tính định hướng với toàn xã hội.

Hãy cùng TCKT và giới kiến trúc điểm lại những sự kiện nổi bật trong năm qua với những dấu ấn đặc biệt của năm 2019

1. Ngày 13/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc với 88,64 số phiếu tán thành.

Luật Kiến trúc gồm 5 chương với 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Hơn 20 năm qua, Hội KTS Việt Nam đã rất kiên trì với mục tiêu xây dựng Luật cho giới hành nghề kiến trúc. Luật Kiến trúc đã hội tụ những nhu cầu cần và đủ, đó là sự chuẩn bị công phu nhiều mặt của Hội KTS Việt Nam cũng như các giới, ngành có liên quan – Hướng tới xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Luật Kiến trúc ra đời đem đến sự kỳ vọng cho mỗi KTS hành nghề chuyên nghiệp, mối quan tâm hàng đầu chính là lòng tự trọng, sự tự do và quyền bình đẳng trong quyền làm ăn và làm nghề. Và, đó cũng là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với nghề kiến trúc.

2. Trong hai ngày 22-23/11/2019, hơn 400 KTS từ khắp các vùng miền tổ quốc đã đến với Hòa Bình tham gia cuộc Gặp gỡ Mùa thu 2019 với chủ đề: Kiến trúc với phát triển nông thôn.

Phải nói rằng kiến trúc nông thôn đã là nhiệm vụ quan trọng từ nhiều năm qua của Hội KTS Việt Nam. 2019 được coi là năm then chốt – tổng kết 10 năm Chương trình phát triển xây dựng nông thôn mới. Hội thảo chuyên môn thường niên của Hội KTS Việt Nam lần này đã mở ra những góc nhìn gợi mở, đa chiều cho sự nghiệp phát triển nông thôn mới. Đó không chỉ là câu chuyện của thiết kế kiến trúc, của quản lý quy hoạch hay chính sách hỗ trợ như nhiều năm qua – Mà, quan trọng hơn, hội thảo đã đề cập đến sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn các bên, từ nhà chuyên môn, cộng đồng, các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Sự kiện được xem là sự mở đầu hiệu quả, khẳng định vai trò cụ thể của giới KTS trong công cuộc xây dựng nông thôn mới – giai đoạn chiến lược 2021-2030.

3. Diễn đàn KTS Trẻ – YAF 2019 do CLB KTS Trẻ Việt Nam tổ chức lần đầu tiên ngày 25/9/2019 tại TP HCM đã thu hút sự tham gia của hơn 1500 KTS trẻ trên toàn quốc.

Với chủ đề “Sự kỳ vọng”, YAF 2019 đã thành công rực rỡ khi mở ra một sân chơi mới cho giới kiến trúc. Trọn vẹn một ngày đến với Diễn đàn, trải qua một “bữa tiệc” kiến trúc với những công trình mới, những sản phẩm và công nghệ mới của các nhà cung cấp, ba phiên đối thoại chuyên môn chất lượng… các KTS trẻ không chỉ đến tham gia mà còn thực sự được trải nghiệm và kể những câu chuyện của mình về kiến trúc. Nói về sự kiện này, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ: “Diễn đàn YAF là nơi hội tụ những tư tưởng mới, những hoài bão lớn và những thành công mới của các KTS trẻ. Với sự chung tay, chung lòng của các KTS trẻ, đây chắc chắn sẽ trở thành hoạt động truyền thống bổ ích dành cho giới KTS tại Việt Nam”

4. Khu đô thị Nam Hội An

Những năm gần đây ở Hội An, du lịch tăng trưởng vượt bậc, chủ yếu do khai thác hợp lý quỹ di sản văn hóa và kiến trúc đô thị. Đây là một thành công ngoạn mục đã và đang đóng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của Hội An.

Nhưng cũng chính sự phát triển nhanh chóng của du lịch lại đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với di sản văn hóa và kiến trúc đô thị của Hội An.Trong bối cảnh ấy, Dự án Vinpearl Nam Hội An – Khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, với quy mô 200ha do Tập đoàn Vingroup khởi xướng năm 2017 bên biển Cửa Đại, cách đô thị cổ Hội An 10 km có thể được coi là ý tưởng đầu tư đột phá, không chỉ đơn thuần trong việc nâng cấp các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh du lịch mà quan trọng hơn, đó chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị mới Nam Hội An nhằm giảm tải áp lực nhiều mặt lên đô thị cổ Hội An để các giá trị của di sản văn hóa và kiến trúc đô thị Hội An được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất trong cuộc sống đương đại. Đây là điều đáng để các địa phương khác tham khảo.

5. Ngôi nhà Đức tại TP HCM – Công trình kiến trúc xanh hiện đại

Cho đến nay, có thể khẳng định, sau Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam do Hội KTS Việt Nam công bố năm 2011, Kiến trúc xanh (KTX) đã trở thành một trong những hướng phát triển của Kiến trúc Việt Nam hiện đại. Thực tế là, có nhiều KTS, nhất là các KTS trẻ đi tiên phong theo hướng KTX đã thành danh ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ở nước ta, KTX mới thành công ở các công trình có quy mô không lớn và chủ yếu được xây dựng theo quan niệm thiết kế thụ động truyền thống, mà chưa có nhiều công trình được xây dựng theo quan niệm thiết kế chủ động, hiện đại, nghĩa là sử dụng hợp lý các công nghệ và vật liệu hiện đại để tạo nên các công trình kiến trúc xanh có quy mô lớn.

Ngôi Nhà Đức

Trong bối cảnh ấy, công trình Ngôi nhà Đức được xây dựng năm 2017 trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM là một điểm sáng. Công trình do các KTS Mainhard von Gerkan, Nikolaus Goetze và Volkmar Sievers – Công ty gmp thiết kế theo các tiêu chí phát triển bền vững của Hội đồng Xây dựng bền vững của Đức. Hiện nay công trình được đánh giá là công trình kiến trúc xanh hiện đại, đầu tiên và hoàn hảo nhất ở nước ta. Ở đó, sự kết hợp thông minh công nghệ và vật liệu hiện đại với sáng tạo độc đáo về mặt đứng 2 lớp phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới đã cho phép trên thực tế, tiết kiệm đến 40% năng lượng sử dụng. Đây là điều rất cần được nghiên cứu, tham khảo để phát triển kiến trúc xanh hiện đại ở nước ta.

Khu đô thị Nam Hội An

KTS Hoàng Thúc Hào – KTS trưởng VP Thiết kế 1+1>2

Năm 2019 có khá nhiều sự kiện quan trọng, nhưng tôi ấn tượng với cuộc Gặp gỡ Mùa thu 2019 do Hội KTS Việt Nam tổ chức, chủ đề tập trung vào vai trò của kiến trúc với phát triển nông thôn. Hội thảo đã quy tụ và mời tới những người có nhiều đóng góp cụ thể về thực tiễn và lý luận cho sự phát triển nông thôn mới.

Với giới nghề nói chung, sự ra đời của Luật Kiến trúc đã tạo điều kiện và xác lập chính thức vai trò sáng tạo của KTS. Để luật đi vào cuộc sống, mỗi KTS phải có ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Luật như “thượng phương bảo kiếm” nhưng sử dụng thế nào cho hiệu quả thì đấy là trách nhiệm của KTS, góp phần hơn nữa vào phát triển bền vững, bảo vệ bản sắc và đa dạng văn hóa.

Năm 2019, chuyện hội nhập đã trở thành hiển nhiên. KTS phải làm chủ công nghệ mới, thiết kế sử dụng thuật toán, nhanh chóng làm chủ các phần mềm thiết kế hiện đại. Cách tư duy kiến trúc sắp tới sẽ nhiều thay đổi, về phương pháp tiếp cận và phối hợp. Tôi cho rằng bản thể sáng tạo của KTS vẫn giữ vai trò cốt lõi. Công nghệ hiện đại nhưng vẫn do con người, công nghệ hỗ trợ và đồng hành với sự sáng tạo của KTS. Kiến trúc vẫn luôn cần những nhạc trưởng yêu nghề và say mê sáng tạo.

Năm 2019, 1+1>2 có nhiều công trình khánh thành và một số đang dần hoàn thiện như: Làng Mít, Trường Mầm non và tiểu học Dạ Hợp – Hòa Bình, điểm trường Bản Lỷ, Trung tâm làng nghề và bảo tàng gốm Bát Tràng… Chúng ta nói nhiều đến kiến trúc xanh, nhưng ít nói về “xanh trong trí tuệ, xanh trong tư tưởng”, KTS phải khỏe mạnh trong năng lực tư duy và phản biện, khỏe mới có ý thức tiến bộ và vượt lên chính mình.

Bước sang thập kỷ mới, KTS cần “nhiệt tình lạnh”, liên tục “thử và sai” mà không nản. Điều này phải được rèn luyện. Tôi cho rằng đó là một loại “thiền” dai dẳng mỗi ngày của giới kiến trúc – Mỗi ngày một việc tốt, một ý nghĩ tích cực, chiến thắng bản thân, dần dần tạo nên sự biến đổi về chất, từng bước hình thành ý thức xã hội về phát triển bền vững và sống xanh!

KTS Lê Việt Sơn  – Chủ tịch Công ty CP Thiết kế Xây dựng Hà Nội

Năm 2019 với tôi tương đối may mắn. Sở dĩ nói may mắn vì năm nay vẽ không nhiều, nhưng lại được hưởng thành quả từ mấy năm trước. Tôi được nhận được Giải thưởng Nhà nước về quy hoạch đô thị, Giải thưởng của Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam VECAS về chất lượng thiết kế công trình. Đặc biệt tháng trước tôi vừa được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công an – Ủy viên Bộ Chính trị về thiết kế Trụ sở Nhà hát công an nhân dân. Tôi cảm thấy hài lòng với công việc thiết kế trong năm qua, một năm có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn với nhiều hoạt động nghề nghiệp mang lại.

Trong năm 2019, có hai sự kiện đáng chú ý và theo tôi ít nhiều tác động trực tiếp tới môi trường hành nghề kiến trúc, các KTS, các bên chủ đầu tư (bao gồm cả tư nhân và nhà nước) nói rộng hơn là tác động xã hội. – Đó là triển lãm của một nhóm các KTS trẻ (thế hệ sau tôi nên tôi gọi thế) trưng bày những gì họ đã làm (kiến trúc) trong khoảng 10 năm hành nghề. Họ làm vì sự đam mê nghề, khát khao thể hiện mình và hơn hết họ chủ động (hay làm chủ) trong việc hành nghề của mình. Mặc dầu có giới hạn về qui mô (qui mô triển lãm, qui mô công trình triển lãm) nhưng sự kiện đã cho giới hành nghề thấy một cách nghĩ mới, cách làm không thụ động, như một làn gió tươi mới thổi vào môi trường hành nghề “đã cũ”.

Sự kiện trên như một liều thuốc xoa dịu, khỏa lấp một phần nỗi buồn khi mà sự kiện đáng ra phải được giới hành nghề hoan hỉ chào đón – Luật Kiến trúc ra đời. Mặc dầu được Quốc hội thông qua nhưng Luật còn nhiều khiếm khuyết, chưa đảm bảo cho môi trường hành nghề kiến trúc sáng tạo, bình đẳng giữa KTS và các chủ thể liên quan. Điều này không những không làm thúc đẩy tính sáng tạo và khuyến khích trong môi trường hành nghề nếu không muốn nói là đi ngược sự tiến bộ chung tất yếu của loài người.

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Tạp Chí, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Lãnh đạo, Ban biên tập và toàn thể đồng nghiệp. Mong vai trò, vị trí của Kiến trúc được xếp đúng vị trí giá trị nghệ thuật như nó vốn có.

TS. KTS Ngô Lê Minh  – Khoa Kiến trúc trường ĐH Tôn Đức Thắng

Năm 2019 để lại ấn tượng tốt đẹp cho tôi về sự phát triển kiến trúc nước nhà cũng như nhận thức của cộng đồng về kiến trúc ngày càng được nâng cao. Trong năm qua, những điểm sáng kiến trúc là phong trào thiết kế sáng tạo Kiến trúc xanh và bền vững, Kiến trúc vì cộng đồng, Kiến trúc nông thôn mới,… với nhiều đóng góp từ các cơ quan báo chí và Tạp chí chuyên ngành, cùng với sự trưởng thành của thế hệ các KTS đã tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hóa và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống.

Không chỉ tập trung vào các giải thưởng thiết kế, mảng chuyên đề trao đổi, bàn luận cũng được giới kiến trúc quan tâm và có kết quả đáng ghi nhận. Đó là bàn luận về kiến trúc gắn với kinh tế thị trường, xác định lại mối quan hệ các bên liên quan như cơ sở đào tạo – doanh nghiệp sử dụng – người hành nghề tư vấn kiến trúc. Quá trình phát triển kiến trúc của nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế khiến cho việc đào tạo kiến trúc tại các cơ sở đào tạo đứng trước nhiều thách thức mới. Từ đó, dẫn tới nhu cầu thay đổi cập nhật phương thức, chương trình đào tạo, cách tiếp cận các xu hướng đào tạo mới từ nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và gia tăng sự tương tác giữa người dạy & người học, và giữa chính người học với nhau.

Rõ ràng, trong lĩnh vực đào tạo KTS, những điểm sáng ấn tượng của năm 2019 đã khẳng định và góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo kiến trúc, gắn kết đào tạo với kiến trúc, kiến trúc với cuộc sống thực tiễn, nhằm hướng đến phát triển xu hướng kiến trúc bền vững trong tương lai.

KTS Nguyễn Văn Cường  – Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên

Năm 2019 đã khép lại, hoạt động tư vấn của đơn vị nói riêng, của khu vực dịch vụ tư vấn kiến trúc cơ bản ổn định. Trong quá trình thực hiện dự án được giao, vai trò của KTS đã dần được luật hóa, cộng đồng xã hội ghi nhận và giao trách nhiệm. Các đô thị, đô thị mới, khu dân cư và các khu chức năng khác đã dần ổn định hình hài và tạo ra ngôn ngữ cho khu vực. Được sự hỗ trợ của công nghệ, công việc của các KTS đã tiếp cận với các xu hướng thiết kế theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc tìm tòi một hướng đi riêng, một kiến trúc mang bản sắc riêng còn nhiều lúng túng.

Thị trường, môi trường hoạt động cùng với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm qua rất sôi động và đầy ắp các sự kiện, trong sự hoạt động của các “HUB” có thể ví dụ các địa điểm: X-hub (Hà Nội); AGohub (Hà Nội); Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên – Huế; Lightup (Hải Phòng), Không gian văn hóa kiến trúc (Thái Nguyên)… được xem là hoạt động quan trọng, tác động nhiều đến giới nghề. Ở những không gian như thế, các KTS được trải nghiệm nghề, được nghe, được nhìn và được đối thoại, rất nhiều kiến thức về giải pháp công nghệ mới, về các cuộc thi, về những gương mặt KTS cùng các giải thưởng, cũng từ đây nhiều KTS trẻ định hình tư duy, tìm được hướng đi cho riêng mình… Với những thành công bước đầu, mong rằng trong thời gian tới mô hình này được phủ khắp, luôn đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, tạo nguồn cảm hứng cho giới kiến trúc trong quá trình hành nghề sáng tạo.

KTS Vương Đạo Hoàng  – Giám đốc Công ty CP thiết kế và truyền thông Kiến Việt

Năm 2019 với tôi là một năm nhiều biến đổi: Dự án mới với nhiều quy mô và các yêu cầu chưa gặp bao giờ, trình độ quản lý cũng phải thích nghi với những yêu cầu đòi hỏi mới. Điều này khiến tôi nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của việc xây dựng đội ngũ nhân sự có tài có tâm trong đòi hỏi cấp thiết của doanh nghiệp.

Sự kiện tác động mạnh tới giới nghề theo tôi là việc ban hành Luật Kiến trúc cùng với việc thay đổi việc đánh giá phân loại các văn phòng. Nó thể hiện bước chuyển của nhà nước trong công tác quản lý nhưng đồng thời cho thấy phản ứng rất mạnh mẽ của giới nghề khi đứng trước một đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện rõ vai trò của Hội nghề nghiệp, càng ngày sẽ càng có tiếng nói trong hoạt động hành nghề kiến trúc.

KTS Nguyễn Thu Phong  – Chủ tịch CLB KTS Trẻ Việt Nam

Năm 2019 đối với tôi khá sôi động trong hoạt động hội và nghề. Riêng với vai trò Chủ nhiệm CLB KTS Trẻ Việt Nam, tôi đã chủ trì 2 sự kiện lớn của cộng đồng KTS trẻ: Liên hoan KTS trẻ Việt Nam lần thứ 8 tại Vũng Tàu vào tháng 4, Diễn đàn KTS trẻ Việt Nam YAF 2019, lần đầu tiên vào tháng 9. Đây đều là những sự kiện đáng nhớ và đạt được nhiều thành tựu đóng góp cho giới. Với YAF 2019, anh em BTC đã nỗ lực cố gắng tạo nên dấu ấn về một sân chơi chuyên môn đạt tầm quốc tế với 15 diễn giả uy tín trong và ngoài nước.

Tôi cũng rất vui mừng với sự phát triển đồng đều của đội ngũ KTS trẻ địa phương, ngày càng mạnh dạn sáng tạo và làm chủ cuộc chơi nghề nghiệp.

Nói về thị trường tư vấn 2019, tôi thấy một cơ hội bùng nổ các nhu cầu đặt hàng. Nhiều VP KTS trẻ đã được tạo điều kiện phát triển, qua đó đã giúp các bạn thử nghiệm các sáng tạo mới đầy triển vọng. Thông qua nền tảng Archkii.com, chuyên giới thiệu các dự án thiết kế của các KTS, tôi có điều kiện quan sát kỹ hơn các tác phẩm của các bạn đồng nghiệp, cảm xúc thật phấn khởi bởi sự đa dạng phong cách cũng như tính chuyên nghiệp trong hành nghề ngày càng được khẳng định. Đây là một dấu hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường hành nghề tư vấn trong thập kỷ tới.

Khai mạc Liên hoan KTS trẻ lần thứ 8 – Vũng Tàu 2019: “Cháy mãi tình yêu nghề”

KTS Tô Kiên  – Chuyên gia Quy hoạch đô thị (Tập đoàn Tư vấn phát triển hạ tầng Eight – Japan (EJEC)

Phải nói rằng tôi đã có một năm vô cùng bận rộn và thú vị. Tôi vẫn làm nhiều việc đa dạng với tư cách chuyên gia QH đô thị, từ thiết kế tư vấn, tham gia hoặc chấm thi tuyển, tới nghiên cứu, viết báo, dự hội thảo, đi thuyết trình, và bay liên tục giữa Tokyo và các thành phố ở Việt Nam.

Theo tôi quan sát, năm 2019 là một năm sôi động của ngành xây dựng với nhiều dự án lớn đặc biệt là của các tập đoàn tư nhân lớn, thị trường tăng trưởng tốt, sự cạnh tranh gắt gao giữa các chủ đầu tư lẫn các tư vấn, sự tăng trưởng nhanh chóng của các startup kiến trúc, và sự bùng nổ xu hướng liên kết tư vấn nội-ngoại để tăng cường sức cạnh tranh. Trong số các xu hướng của năm thì tôi thấy nổi bật nhất là xu hướng thiết kế công trình và đô thị xanh, xu hướng hợp tác “3 nhà” (công – tư – đại học) và sự tham gia của các bên liên quan, và cuối cùng là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nội thất dựa trên sự bùng nổ các đô thị mới và nhu cầu lối sống mới.

Năm 2019 chứng kiến sự ra đời của Luật Kiến trúc và mốc hiệu lực của Luật Quy hoạch 2017 sửa đổi. Đây là những cơ sở pháp lý tác động rất lớn đến giới nghề trên tất cả các quy mô từ công trình đến cả vùng đô thị. Thí dụ, Luật Kiến trúc đặt ra những yêu cầu xác đáng về bản sắc địa phương, không tác động tiêu cực đến cảnh quan và môi trường thiên nhiên cũng như di tích lịch sử-văn hóa, bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như nhiều tiêu chí về quản lý kiến trúc xây dựng. Còn nhờ Luật Quy hoạch sửa đổi, các ngành có liên quan có thể phối hợp tốt hơn dưới một đạo luật chung, tránh chồng chéo, lãng phí. Ngoài ra, việc xác định và điều chỉnh về QH quốc gia, QH vùng/liên tỉnh và QH tỉnh cũng là những thay đổi quan trọng theo hướng phối hợp và sử dụng nguồn lực cũng như ngân sách giữa các địa phương được hiệu quả hơn. Tôi cũng kỳ vọng việc quy định công khai quy hoạch và kế thừa quy hoạch liên nhiệm kỳ sẽ tăng minh bạch, chống tham nhũng lãng phí, và tạo cơ hội cho sự tham gia đóng góp trí tuệ và tâm huyết của các bên liên quan cũng như của cộng đồng.

KTS Đoàn Thanh Hà – Công ty H&P Architects

Đối với cá nhân tôi, năm 2019 có nhiều sự kiện đáng chú ý: Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc; Nhóm các KTS kiến nghị “bảo vệ Di sản”; Hội KTS Việt Nam và nhiều tổ chức hướng về Kiến trúc ở nông thôn qua các diễn đàn, hội thảo, giải thưởng và cuộc thi;.. Ít được biết đến hơn là những đơn đặt hàng các nhà nghiên cứu Văn hóa Kiến trúc trong nước viết bài phân tích độc quyền chuyên sâu về công trình kiến trúc Việt Nam đương đại cho những tạp chí Kiến trúc uy tín của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – với tôi đây là “sự kiện” quan trọng, bởi lý luận và phê bình sẽ góp phần không nhỏ giúp cho công trình và KTS được “mổ xẻ”, nhìn nhận một cách sâu sắc, khách quan để giới thiệu ra “môi trường quốc tế”. Điều này sẽ góp phần gạn lọc ra đặc trưng Kiến trúc đương đại Việt Nam trong dòng chảy chung của Kiến trúc toàn cầu đang “phẳng” theo cách đáng lo ngại hiện nay. Ví dụ: Chúng ta chỉ cần nhắm mắt lại là có thể hình dung được đặc trưng của Ngôi nhà hiện nay do các KTS trẻ Việt Nam kiến tạo sẽ bao gồm 3 yếu tố: Tối thiểu hai lớp (bao che, không gian) + Vật liệu địa phương + Thảm thực vật (cây, rau).

Năm 2019, tôi có 2 công trình mới hoàn thành, làm thành viên ban giám khảo vài cuộc thi quốc tế (Ấn Độ) & trong nước, và nhận lời chia sẻ về quan điểm Kiến trúc của mình ở mấy nơi (Italy, Singapore, Việt Nam). Hiện, tôi đang tập trung hoàn thiện một ngôi nhà nhỏ ở Hải Dương để gia chủ đón Tết Canh Tý – đây là mẫu nhà thứ 3 tôi nghiên cứu thử nghiệm dành cho cộng đồng dễ bị tổn thương (nghèo, thấp kém, thua thiệt) của Việt Nam.

Tôi cho rằng thị trường tư vấn năm nay khá sôi động và có chuyển biến tích cực về tiêu chí đổi mới trong sáng tác, đặc biệt là các công trình Kiến trúc quy mô vừa và nhỏ do các KTS trẻ thực hiện. Năm qua còn có thêm những hoạt động làm rõ nét hơn về lĩnh vực thiết kế Nội thất và có lẽ tới lượt Cảnh quan trong năm mới (?!)

KTS Nguyễn Thanh Hà  – Chủ tịch Hội KTS DakLak

Là một KTS hành nghề tại một địa phương mà thị trường xây dựng kém phần sôi động hơn các nơi khác trong cả nước, năm 2019 là một năm khá trầm lắng đối với tôi. Bản thân là 1 người trong ban chấp hành hội của địa phương nên công việc tôi làm nhiều nhất về nghề có lẽ là hoạt động phản biện các đồ án quy hoạch. Nhưng các dự án đó vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị bước đầu, hơn nữa với thành phố hơn 400 ngàn dân các khu quy hoạch mới chủ yếu cũng là đất nền được đầu tư kinh doanh là chính, chứ nhu cầu ở chiếm tỉ lệ không cao. Vì vậy mảng xây dựng nhà ở tại địa phương năm vừa qua cũng khá trầm lắng.
Trong năm 2019 có khá nhiều chương trình, sự kiện về chuyên môn, trong các sự kiện tôi được tham dự có 2 sự kiện mà tôi thấy có ý nghĩa: Thứ nhất là Diễn đàn KTS trẻ toàn quốc YAF tại TP HCM – Đây là diễn đàn đầu tiên chuyên về nghề dành cho các KTS trẻ. Tại đây đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, kết nối các kiến trúc sư trẻ trong cả nước với nhau. Được nghe chia sẻ của các đồng nghiệp trong và ngoài nước nói chuyện kiến trúc, hành nghề kiến trúc ở ngoài nước và Việt Nam.

Thứ hai là hội thảo Gặp gỡ mùa thu tại Hòa Bình với chủ đề “Kiến trúc với nông thôn”. Trong các bài tham luận, các ý kiến của các đóng góp của các các đại biểu có rất nhiều ý tưởng có thể giúp người nông dân chúng ta có thể kinh doanh, kiếm tiền ngay tại các vùng quê của mình.

Triển lãm các mẫu nhà ở Nông thôn trong khuôn khổ Gặp Gỡ Mùa Thu 2019

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343