Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” – Tín hiệu tốt cho kiến trúc nhà ở nông thôn

Đó là đánh giá chung của Hội KTS Việt Nam và cộng đồng xã hội đối với kết quả khả quan từ cuộc thi Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo Nhà ở nông thôn Việt Nam”. Gần 200 phương án dự thi không chỉ thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc của các nhóm tác giả mà đó chính là sự quan tâm của giới nghề đối với mảng đề tài kiến trúc nông thôn đương đại. Ngày 14/06/2019, tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang đã phối hợp tổ chức Lễ công bố và trao giải cuộc thi Thiết kế Kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”. Được tổ chức với sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam và đơn vị đồng hành Tôn BlueScope Zacs, tại buổi lễ, BTC cuộc thi đã công bố và trao các giải thưởng chính thức của cuộc thi.

Trao giải Top 40 phương án xuất sắc cuộc thi

Được phát động từ tháng 11/2018, cuộc thi Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo Nhà ở nông thôn Việt Nam” hướng tới việc kết nối các KTS, đơn vị tư vấn thiết kế và các chủ đầu tư, nhà thầu trên toàn quốc… cùng chung tay sáng tạo các mẫu nhà ở nông thôn phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương. Với nhiều hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ Cuộc thi Thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” đã thực sự trở thành một sân chơi chuyên môn hữu ích, nơi giao lưu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của giới KTS cả nước và cộng đồng.

Tại buổi lễ, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, Chủ tịch HĐGK chia sẻ: “Phải nói rằng Hội đồng giám khảo đã rất khó khăn trong việc lựa chọn những phương án xuất sắc. Bởi lẽ có rất nhiều ý tưởng độc đáo, nhiều giải pháp hấp dẫn và thú vị đã được đề xuất ở các đồ án dự thi. Chúng tôi đánh giá cao tính thực tiễn của cuộc thi, và những đồ án được giải cao đều có khả năng ứng dụng cao, phù hợp với vùng miền mà vẫn giữ được nét đặc trưng cho văn hóa địa phương. Đó cũng là dụng ý của Ban tổ chức cuộc thi khi đưa ra từng hạng mục giải thưởng dành cho các vùng: Miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Và đó là những giải thưởng xứng đáng của các kiến trúc sư trẻ.”

Triển lãm các phương án nhận giải thưởng

Danh sách các phương án đạt giải cuộc thi:
1. Giải Nhất Chung cuộc
Phan Công Hùng – NHÀ Ở MIỀN BẮC – 100.000.000VNĐ
2. Giải thiết kế được yêu thích nhất
Phan Công Hùng – NHÀ Ở MIỀN BẮC – 30.000.000VNĐ
3. Giải xuất sắc hạng mục
– Ngô Tuấn Anh – NHÀ Ở MIỀN BẮC – 50.000.000VNĐ
– Trần Ngọc Đăng, Tạ Tuấn Anh – NHÀ Ở MIỀN TRUNG – 50.000.000VNĐ
– Viện nghiên cứu tiêu chuẩn & Thiết kế điển hình hoá Xây Dựng – Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây Dựng – NHÀ Ở MIỀN TÂY NAM BỘ – 50.000.000VNĐ
4. Giải khuyến khích
– Đoàn Thanh Hà – NHÀ Ở MIỀN BẮC – 20.000.000VNĐ
– Nguyễn Huy Tịnh – NHÀ Ở MIỀN TRUNG – 20.000.000VNĐ
– Nguyễn Đức Trí – NHÀ Ở MIỀN TRUNG – 20.000.000VNĐ
– Lê Quốc Phi – NHÀ Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ – 20.000.000VNĐ
– Lê Thanh Ngọc – NHÀ Ở MIỀN TÂY NAM BỘ – 20.000.000VNĐ
– Nguyễn Thi Xuân Thành, Bùi thế Long, Võ Thế Duy – NHÀ Ở MIỀN TÂY NAM BỘ – 20.000.000VNĐ
5. Giải đặc biệt
Viện nghiên cứu tiêu chuẩn & Thiết kế điển hình hoá Xây Dựng – Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây Dựng – NHÀ Ở MIỀN TÂY NAM BỘ – Tài trợ toàn bộ Tôn và thép mạ Zacs để hiện thực hóa phương án thiết kế.

Giải Nhất – Hạng mục miền Bắc

KTS Phan Công Hùng – KTS Ngô Minh Hiếu – KTS Nguyễn Lương Thuận
Đơn vị: BHA Architect

Chúng tôi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà ở nông thôn ở miền bắc tại Ứng Hòa, Hà Nội. Hiện nay, nghề làm tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội vẫn đang là một làng nghề điển hình lưu giữ và phát triển nghề truyền thống.
Nhóm đã quyết định đề xuất một giải pháp thiết kế mang lại hơi thở mới cho bộ mặt kiến trúc tại làng nghề này, hướng đến việc kết hợp hài hòa giữa không gian kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại

“Xu hướng sử dụng công nghệ trong thiết kế nhà ở nông thôn”

Để phù hợp, đáp ứng với tốc độ phát triển xã hội hiện nay, việc sử dụng các vật liệu mới với công nghệ khoa học kỹ thuật cao ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là thép. Ưu điểm của thép là bền vững, được chế tạo và lắp ráp các cấu kiện ngay tại nhà máy, giúp rút ngắn thời gian thi công tại công trường, dễ thi công và lắp đặt nhanh, đặc biệt là vẫn bảo tồn được các giá trị truyền thống Bắc Bộ.

Thay thế cấu trúc gỗ của nhà nông thôn truyền thống bằng vật liệu thép đem lại không gian mới mẻ, cùng với việc kết hợp với các vật liệu mới như: tường nhiều lớp và vách kính để đóng mở không gian phù hợp, lấy sáng tự nhiên và tạo view nhì ra bên ngoài; sử dụng gạch không nung thân thiện với môi trường, xếp so le tạo khoảng thông gió và lấy sáng cho ngôi nhà.

Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” là một sân chơi chuyên môn hữu ích, nơi giao lưu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của giới KTS và cộng đồng. Hy vọng TCKT sẽ tiếp tục có những cuộc thi bổ ích nữa để mang lại nhiều giá trị cho xã hội.

Giải xuất sắc – Hạng mục Miền Tây Nam bộ

KTS. Nguyễn Quốc Hoàng
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn & Thiết kế điển hình Xây Dựng – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây Dựng
– Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Thiết kế điển hình hóa Xây Dựng

Lấy cảm hứng từ nhà sàn vượt lũ của người dân Tây Nam Bộ, nhóm tác giả đã hình thành ý tưởng nhà ở với 2 phần riêng biệt: phần nhà chính kiên cố và phần nhà nổi phía sau. Nhà chính được thiết kế theo mô hình nhà sàn trên cột BTCT kiên cố, bao gồm phòng khách, bếp và 1 phòng ngủ ở tầng 2. Tầng 2 có thể làm nơi tránh trú lũ lụt khi cần thiết. Nhà nổi được kết cấu từ khung thép và các vật liệu nhẹ, bao gồm 1 phòng ngủ và khu vệ sinh.

“Kiến trúc nông thôn thực sự là một thách thức đối với KTS Trẻ”

Trước đây, nhà ở nông thôn chủ yếu lợp mái lá hoặc mái ngói, với hệ thống xà gồ, li tô, cầu phong và xây dựng bằng gạch, xi măng… Còn bây giờ, là mái tôn và hệ thống vì kèo thép và lắp ghép từ khung thép, lắp dựng tường, sàn bằng các tấm panel. Các vật liệu mới, cách xây dựng mới, giúp cho quá trình xây dựng công trình đơn giản và dễ dàng hơn, rút ngắn được thời gian thi công, và giảm giá thành xây dựng. Ngoài ra, với công nghệ tiên tiến, các KTS sẽ có nhiều giải pháp hơn để hiện thực hóa những ý tưởng, dù nhỏ hay lớn. Đó thực sự là một thách thức đối với tôi và những KTS Trẻ trong lĩnh vực thiết kế nhà ở nông thôn.

Đối với các KTS, nhất là KTS trẻ, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc khi thiết kế các công trình, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp nhất. Đặc biệt, đối với nhà ở nông thôn, cần có những nghiên cứu chuyên sâu và những hiểu biết tổng hợp về cả văn hóa, phong tục, hay khí hậu, địa chất… để đưa ra được những thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc, đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Giải xuất sắc – Hạng mục miền Bắc

KTS. Ngô Tuấn Anh
Giải Xuất sắc hạng mục Miền Bắc

Có ba yếu tố địa phương được tôi chủ yếu khai thác trong phương án dự thi, cụ thể:
Thứ nhất là yếu tố Địa lý cảnh quan trong đó có đặc điểm vị trí khu đất xây dựng. Những bối cảnh xung quanh khu đất như cánh đồng lúa, ao cá, nhà thờ tổ, những ngôi nhà hàng xóm láng giềng… có tác động đến hình thức, bố cục của công trình. Tiếp đó là về khí hậu của khu vực Đồng bằng Bắc bộ là nhiệt đới nóng ẩm. Đặc điểm khí hậu nơi đây là mưa nhiều và lớn; giải pháp cho công trình là những tầng mái dốc vươn xa tránh mưa tạt và thoát nước tốt.
Thứ hai là yếu tố Văn hóa – xã hội, tập quán sinh hoạt của người Việt luôn coi trọng nhu cầu giao tiếp giữa con người với nhau, giữa các thành viên trong gia đình, giữa hàng xóm láng giềng, giữa cá nhân với cộng đồng… mối quan hệ thân thiết đó vẫn tồn tại từ xưa đến nay như một nét bản sắc riêng của dân tộc ta. Ngôi nhà được thiết kế với những đường nét đơn giản, hình ảnh gần gũi thân thuộc với quần thể kiến trúc làng xóm chứ không phát triển theo hình thức độc lạ…
Thứ ba là yếu tố Kinh tế – kĩ thuật, nhà ở nông thôn đa phần có chi phí đầu tư thấp và ở những nơi có trình độ lao động xây dựng không cao, nguồn cung vật liệu xây dựng không được đa dạng. Trên cơ sở thực tế đó, công trình được thiết kế cần có sự đơn giản tối đa, sử dụng những vật liệu phổ biến ở địa phương như gạch, cát, đá,…

“Cần khai thác yếu tố địa phương và công nghệ mới cho nhà ở nông thôn Việt Nam để phù hợp với sự phát triển của xã hội”

Nhà ở nông thôn hiện nay, có thể dễ nhận thấy những ngôi nhà được xây mới có kiến trúc rất ít dấu ấn truyền thống và bản sắc của địa phương. Do không có sự tư vấn của KTS, các mẫu nhà được người dân chọn là những mẫu nhà phổ biến ở đô thị. Một phần nguyên nhân thực sự về quy hoạch nhà ở nông thôn khi mà diện tích khu đất cho nhà ở ngày càng thu hẹp, tình trạng phân lô đất dài, chiều ngang hẹp như nhà ở thành phố khiến nhà ở không có sự thông thoáng, ít sự lựa chọn về hình thức phù hợp với bối cảnh nông thôn.

Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của KTS càng cao, khi nhận được sự tin tưởng từ người dân thì đó cũng là trách nhiệm của KTS với xã hội. Cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” thực sự là một làn gió mới, “đánh thức” các KTS về trách nhiệm với cộng đồng và người dân nông thôn. Các KTS thiết kế kiến trúc và quy hoạch nhà ở nông thôn cần có những kiến thức sâu sắc về nhà ở mang dấu ấn bản sắc địa phương đó, chia sẻ kiến thức của mình với cộng đồng, tư vấn trực tiếp giúp đỡ người dân. Có thể chính trong những ngôi nhà của các KTS ở nông thôn, hay người thân, họ hàng, người thân, bạn bè…¬khi đó chúng ta sẽ có được những công trình mới xây dựng theo một kiến trúc tốt phù hợp với địa phương. Các mẫu công trình tốt có giá thành hợp lý được người dân biết tới, ứng dụng và phổ biến nó, được hiện thực hóa ở những địa phương có điều kiện tương đồng. Khi đó sẽ gây được hiệu ứng tốt và lan rộng nhanh chóng góp phần thay đổi được những bất cập của nhà ở nông thôn hiện nay.

Giải xuất sắc – Hạng mục Miền Trung

KTS. Tạ Tuấn Anh
Đơn vị: Đại học Kiến trúc Hà Nội

“Định hướng giải pháp thiết kế cần theo kịp xu hướng và bền vững”

Ngày nay dưới sự tác động của tốc độ đô thị hóa nông thôn cao, cùng với sự tăng trưởng phát triển của kinh tế xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của các vùng nông thôn dần được nâng cao kéo theo sự phát triển mạnh của nhà ở nông thôn – nơi mà diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở tương đối thoải mái hơn so với trong đô thị. Sự phân hóa giàu nghèo cũng ngày càng rõ rệt thể hiện trong việc xây dựng nhà ở tại nông thôn. Các KTS cần nắm bắt được xu hướng phát triển của kinh tế xã hội đồng thời tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống và kiến trúc truyền thống các vùng miền nông thôn khác nhau để góp phần chung tay định hướng xây dựng kiến trúc nhà ở nông thôn bền vững thể hiện qua:

  • Định hướng cơ cấu, hình thức nhà ở nông thôn theo mô hình cuộc sống mới hiện đại nhưng vẫn giữ lại được bản sắc lối sống đặc thù của địa phương.
  • Định hướng cơ cấu nhà ở nông thôn bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội – nhà ở sống chung nhiều thế hệ (2 – 3 hoặc có thể 4 thế hệ)
  • Định hướng giải pháp thiết kế, sử dụng vật liệu xây dựng mới kết hợp vật liệu địa phương theo xu hướng sinh thái và bền vững trước sự biến đổi của môi trường khí hậu
Trần Ngọc Đăng
Đơn vị: Đại học Kiến trúc Hà Nội

“Thực trạng nhà ở nông thôn Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết”

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa đang diễn ra kèm theo sự phát triển của kinh tế xã hội, hình thức kiến trúc nhà ở nông thôn đang dần thay đổi, mang theo đó nhiều biến động, đánh mất dần bản sắc, văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Theo tôi, cuộc thi thiết kế kiến trúc Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt nam là một sân chơi có ý nghĩa, không chỉ tác động đến giới KTS và còn đã góp phần “chung tay” thay đổi quy hoạch nhà ở nông thôn. Các KTS ngày nay cần phải có những đóng góp, những phương án giúp người dân ở các vùng nông thôn có một ngôi nhà tiện lợi, phù hợp, thoải mái nhưng vẫn phải mang nét truyền thống, văn hóa của mỗi vùng miền.

Bích Thủy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343