Có hay không cá tính kiến trúc hiện đại Hà Nội? – Bài 1

Kiến trúc nhà ở hiện đại Hà Nội trước đổi mới: Hoàn cảnh tạo nên bản sắc ?

Cấu trúc phố với nhà mái ngói thấp tầng đặc trưng của Hà Nội năm 1959 được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Rév Miklós (Hungary)

Là một thành phố có lịch sử lâu đời của Việt Nam, hiện đang chuyển mình mạnh mẽ để hòa nhập vào dòng chảy thế giới, Hà Nội cũng được đánh giá là một trong những thủ đô có bản sắc. Tuy nhiên thành phố băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để giữ được những đặc trưng bản địa khi các giá trị toàn cầu đang thống trị? Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong hội thảo “Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ 20” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật tổ chức, dịch giả Trịnh Lữ đã nhận xét về bản sắc Hà Nội trong nghệ thuật tạo hình thế kỷ 20 “quả thật cũng phong trần như lịch sử” (Trịnh Lữ, 2010). Theo đó, lịch sử phát triển Hà Nội trong mỹ thuật chia làm 3 giai đoạn chính:

  • Từ đầu thế kỷ cho đến nửa sau của thập kỷ 1950: Tiểu tư sản dân tộc, đi từ lãng mạn cá nhân đến lãng mạn cách mạng, hứng khởi chân thực, diễn đạt tự do, kỹ thuật theo hướng khuôn vàng thước ngọc của phương Tây và chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa nghệ thuật Pháp;
  • Từ cuối thập kỷ 1950 đến trước thời mở cửa: Công nông binh xã hội chủ nghĩa (XHCN), tập thể hóa xảm xúc, hứng khởi thoái hóa từ chân thực sang khiên cưỡng có chỉ đạo, kỹ thuật nghiệp dư hóa, diễn đạt gò bó, vay mượn chủ yếu từ Liên Xô, Trung Quốc hoặc khai thác vốn cổ dân gian về mặt hình thức;
  • Từ giai đoạn mở cửa cho đến nay: Hoang mang căn tính, dò dẫm tự do, hứng khởi thị trường, say mê hội nhập, diễn đạt vay mượn chủ yếu từ quảng cáo và các loại hình nghệ thuật phương Tây đương đại.

Như vậy 3 giai đoạn bản sắc nghệ thuật tạo hình của Hà Nội nói trên cũng tương ứng với 3 giai đoạn lịch sử lớn của thế kỷ 20:

(1) Giai đoạn thuộc địa trước năm 1954 – năm 1954 là thời điểm chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương, đồng thời cũng kết thúc sự hiện diện của người Pháp cùng với hơn 100 năm thuộc địa, do đó Hà Nội trước năm 1954 chịu ảnh hưởng rất nhiều vào những quan điểm “Tây hóa” do người Pháp mang đến.

(2) Giai đoạn tự chủ 1954-1986 – Giai đoạn 30 năm này nếu chi tiết hơn sẽ gồm 2 giai đoạn nhỏ là trước năm 1975 và sau năm 1975. Tuy nhiên đối với Hà Nội, sự kiện thống nhất đất nước năm 1975 mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị hơn bởi không mang lại những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội: Hà Nội vẫn tiếp tục là một thành phố XHCN điển hình tại Việt Nam với lối sống XHCN cũng những quan điểm, tư tưởng XHCN hiển hiện tương đối đậm đặc trong mọi mặt đời sống.

(3) Giai đoạn mở cửa từ 1986 đến nay – Giai đoạn có quá nhiều biến động, đổi thay bởi chính sách mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế, đã làm thay đổi nhiều hệ quan điểm và tư tưởng sau một thời gian dài đóng cửa khép kín, đồng thời xuất hiện nhiều trào lưu, xu hướng mới cũng như các yêu cầu của cuộc sống đương đại chi phối bởi nền kinh tế thị trường.

Kiến trúc là một nhánh của nghệ thuật tạo hình và kiến trúc nhà ở lại là một nhánh quan trọng trong kiến trúc. Ngoài những công trình mang tính biểu tượng và đại diện, hình ảnh của các thành phố còn được thể hiện qua kiến trúc nhà ở thành phố đó. Nhà ở truyền thống vẫn được xem là đại diện đặc sắc cho các đô thị nhưng cùng với thời gian, khu vực nhà ở này dần bị thu hẹp hoặc được bảo tàng hóa làm mất đi tính sống động tạo nên khung cảnh sống. Chính vì vậy, vấn đề bản sắc đang được chuyển giao cho khu vực “nhà ở hiện đại” khi sự giao lưu các dòng chảy văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn bởi quá trình toàn cầu hóa.

Bài viết này mong muốn đưa ra những tiếp cận khởi đầu để trả lời cho câu hỏi “Có hay không bản sắc kiến trúc nhà ở hiện đại Hà Nội?”. Với quan niệm “bản sắc là cái khác biệt để phân biệt với những yếu tố khác”, liệu “nhà ở hiện đại” Hà Nội có những sự khác biệt thực sự trong dòng chảy chung của kiến trúc nhà ở Việt Nam nói chung và kiến trúc nhà ở các địa phương khác nói riêng hay không?

Nhà ở Hà Nội trở nên “hiện đại” từ khi nào?

Hà Nội là một vùng đất có lịch sử thú vị và phức tạp nhất trong cả nước, bởi đây là vùng đất nhiều lần được lựa chọn là thủ phủ của các triều đại, các đời đô hộ phủ. Hà Nội vốn được xem là đầu não của những hệ tư tưởng “truyền thống Việt Nam” do bởi vai trò kinh đô trong một thời kỳ dài của thành phố dưới sự quản lý điều hành của các triều đại phong kiến. Vậy “nhà ở hiện đại” tại Hà Nội xuất hiện từ khi nào và dấu hiệu nào để phân biệt giữa “nhà ở hiện đại” và “nhà ở truyền thống” tại thành phố này?

Sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã mang đến một công nghệ xây dựng mới thông qua quá trình nguyên lý hóa phương pháp thiết kế, nhân tạo hóa vật liệu sử dụng, kỹ thuật hóa và công nghiệp hóa cách thức xây dựng, thay vì dựa trên các kinh nghiệm truyền lại, những vật liệu có sẵn trong tự nhiên và sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ như cách kiến tạo các công trình kiến trúc truyền thống và thuần Việt. Hệ thước mét quy chuẩn thay thế cho hệ thước tầm mang tính cá nhân; vữa xi măng, kim loại, kính… được đưa vào công trình nhiều hơn thay thế cho kết cấu gỗ chủ đạo và độc tôn; các công trình mới có (nhiều) “tầng lầu” cũng phổ biến bên cạnh những ngôi nhà một tầng hoặc có tầng xép của người Việt…, đã làm cho Việt Nam bắt đầu tiếp cận với sự phát triển xây dựng của thế giới lúc bấy giờ. Như vậy, “kiến trúc hiện đại” tại Việt Nam xuất hiện cùng với quá trình thuộc địa của người Pháp, nói cách khác là có sự tiếp biến với kiến trúc thế giới thông qua sự thuộc địa hóa. Hiện nay, nhiều chuyên gia đã xem quá trình thuộc địa hóa như khởi đầu sơ khai của quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ sau này bởi bản chất của 2 quá trình này có vẻ tương đồng nhau trên phương diện dùng các sản phẩm, văn hóa, tư tưởng quốc gia này “xâm chiếm” quốc gia khác, đồng thời thúc đẩy sự pha trộn, giao lưu, phát triển các nền văn hóa trên các vùng lãnh thổ khác nhau.

Như vậy, người Pháp, cùng với quá trình thuộc địa hóa của mình, đã mang đến những “kiến trúc hiện đại” bên cạnh các kiến trúc truyền thống của người Việt, và thậm chí, sau một vài chiến dịch cải tạo, nâng cấp và kiên cố hóa thành phố, những kiến trúc thuộc địa dần trở nên “thống trị”, trở thành những yếu tố chủ đạo trong phát triển không gian đô thị (Phan Phương Thảo, 2013). Nhà ở Hà Nội trở nên “hiện đại” và “đô thị” hơn với những vật liệu “mới” như vữa xi măng, bê tông, gạch ngói “Tây”… làm khung xương và những chi tiết kiến trúc hay những mô-típ trang trí theo những nguyên tắc của các trào lưu, phong cách kiến trúc thế giới như Art Nouveau, Art Déco… tạo một diện mạo “mới”. Những ngôi nhà hiện đại này, hoặc thay thế hoàn toàn kiến trúc các ngôi nhà truyền thống, hoặc khéo léo hơn, kết hợp để tạo ra những dòng kiến trúc giao lưu mà kiến trúc Đông Dương là một ví dụ điển hình.

Sự “hiện đại” của ngôi nhà còn thể hiện qua những lối sống, văn hóa sống mới – “Tây” hơn, gắn liền với các không gian mới mà trước đây không có trong các ngôi nhà thuần Việt. Một trong số những biểu hiện thành công của việc “hiện đại hóa” lối sống là sự dẫn nhập kiểu nhà ở biệt thự vào các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, đã biến nhà ở không chỉ để ở đơn thuần mà còn là nơi hưởng thụ, thể hiện thẩm mỹ, đẳng cấp xã hội của chủ nhà thông qua những chi tiết kiến trúc, sự phức hợp không gian sinh sống. Nhiều yếu tố không gian, kiến trúc trong ngôi nhà được “nhập khẩu” và thậm chí không tìm thấy tên gọi trong vốn từ tiếng Việt, dẫn đến phải vay mượn bằng cách Việt hóa các từ tiếng Pháp, chẳng hạn như ban công (balcon), lô gia (loggia), (tầng/mái) măng-sác (mansard)…

Ngoài việc “hiện đại hóa” kiến trúc, người Pháp cũng “hiện đại hóa” việc đào tạo KTS tại Việt Nam. Những thế hệ KTS được đào tạo bài bản, không còn thực hành nghề dựa trên kinh nghiệm và cảm tính, mà họ có những hiểu biết văn hóa, lối sống Việt và trang bị những nguyên tắc hình, thẩm mỹ phương Tây đã tiên phong sáng tạo ra những ngôi nhà với kiểu kiến trúc “mới”, tạo ra trào lưu kết hợp Pháp-Việt cho các không gian ở, đồng thời họ cũng là những người thầy truyền lại cho các thế hệ sau về những tuyên ngôn, phong cách thiết kế của mình, ví dụ như cuốn sách “Từ những mái nhà tranh cổ truyền” của tác giả Nguyễn Cao Luyện, một KTS được người Pháp đào tạo, sau này trở thành Chủ tịch của Hội KTS Việt Nam, đã nói lên những suy nghĩ của ông về việc giữ những “giá trị tinh tế do trí tuệ kiến trúc của dân tộc Việt Nam” (Nguyễn Cao Luyện, 2007).

Như vậy, rõ ràng người Pháp đã mang đến một tinh thần mới cho kiến trúc Việt nói chung và kiến trúc nhà ở Hà Nội nói riêng. Và Hà Nội, với vị thế “tam trùng” – thủ phủ Bắc Kỳ, thủ phủ Việt Nam thuộc địa và thủ đô Đông Dương thuộc Pháp – đã trở thành vùng đất đầy tiềm năng cho việc tiếp biến văn hóa và kỹ nghệ xây dựng mới, mở đầu cho thời kỳ “hiện đại” của ngành xây dựng Việt Nam dựa trên những tri thức khoa học và tư duy hệ thống, từ đó dần hoàn thiện và bổ sung để có được những khoa học công nghệ xây dựng hôm nay. Hà Nội, cũng trở thành nơi “phát tích” các trào lưu, xu hướng kiến trúc bởi tập hợp đông đảo những người hành nghề kiến trúc hơn các địa phương xung quanh, trở thành “mẫu hình” trong các cách “làm” nhà ở đô thị bởi thành phố này luôn đối mặt với nhu cầu cao về nhà ở nói chung và nhà ở chất lượng nói riêng.

Các cách “làm” nhà ở hiện đại của Hà Nội trong quá khứ

“Khu phố cổ” Hà Nội, hay còn gọi là khu “36 phố phường” ở phía Bắc hồ Hoàn Kiếm và phía Đông, Nam thành cổ, từ trước đến nay vẫn được xem là khu phố truyền thống, “gốc lõi” của đô thị Hà Nội, để phân biệt với “khu phố cũ” xuất hiện muộn hơn trong giai đoạn thuộc địa hóa, do người Pháp thiết lập ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm và phía Tây, Bắc thành cổ. Tuy nhiên, ngoại trừ việc phân chia dải thửa tạo thành những lô đất rất dài nhưng lại hẹp bám dọc các con đường đã hiện hữu từ trước khi người Pháp xuất hiện thì hình thái kiến trúc vật chất của “khu phố cổ” mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay lại hoàn toàn do người Pháp can thiệp mạnh vào những năm 1930-1940 bởi quá trình nâng cấp đô thị Hà Nội trước sự tạm bợ của nhà ở “đô thị” truyền thống (Phan Phương Thảo, 2013). Có thể cấu trúc xen kẽ nhà-sân của nhà ống truyền thống vẫn được giữ nguyên nhưng diện mạo các ngôi nhà đã đổi khác bởi tính “kiên cố” của tường gạch xây dày, mái lợp ngói, nhà 2-3 lầu, vòm cửa lá sách 2 lớp, những chi tiết, hoa văn kiến trúc kiểu thuần Tây hoặc Đông-Tây kết hợp đã tạo nên một sự “hiện đại hóa” trót lọt và êm thấm một quỹ nhà ở đô thị lớn của Hà Nội lúc bấy giờ. Đây cũng là một sự “thay máu” lớn (mà sau này thường được biết đến với thuật ngữ gentrification) của Hà Nội khi những người nghèo không có tiền kiên cố hóa nhà ở của họ sẽ phải nhường chỗ cho những người khá giả, đã làm cho Hà Nội từ một kinh đô “lam lũ” trở nên hào nhoáng hơn với những kiến trúc không còn tạm bợ và lối sống kiểu cách của những người có tiền, dẫn đến nhà ở khoác thêm vai trò như là một tác phẩm của nghệ thuật tạo hình, cả ngoại thất lẫn nội thất, và được nâng cấp lên thành những “giá trị văn hóa thẩm mỹ” không gian trong lối sống của người Hà Nội.

Không chỉ Hà Nội, những đô thị khác cũng được người Pháp “hiện đại hóa” theo phương cách này nhưng đối với Hà Nội, do sự tập trung đậm đặc một lượng lớn nhà ở trong khu phố cổ nên đã tạo nên đặc trưng nhà ở cho thành phố này. Bên cạnh đó, các khu phố mới với những kiểu nhà ở phương Tây (biệt thự đơn/song lập, nhà phố hay một số nhà ở tập thể sơ khai…) đã làm cho khu vực nhà ở của Hà Nội được đổi mới hình ảnh. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc phương Tây và kiểu tổ chức nhà ở phương Đông đã làm hình thái kiến trúc mới này tuy đến từ “xa” nhưng lại không “lạ”, nhất là sau một thời gian dài người Hà Nội đã quen dần với khung cảnh “tiểu Paris” mà người Pháp muốn thiết lập ở thành phố này thông qua thiết kế đô thị cùng nhiều công trình kiến trúc quan trọng của người Pháp được tích lũy dần theo thời gian.

Sau khi người Pháp rút, Hà Nội cũng kết thúc một giai đoạn “lãng mạn hóa” kiến trúc để bước vào một thời kỳ mới “thực dụng” hơn khi lấy hệ tư tưởng XHCN làm chủ đạo dẫn đến quá trình tập thể hóa các mặt đời sống đô thị và cách làm đô thị được nhập khẩu từ các nước XHCN Đông Âu. Đặc biệt, quan niệm “tập thể hóa” ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển nhà ở của thành phố trong bối cảnh thiếu chỗ ở thời hậu chiến lẫn nhu cầu một lượng nhà ở mới đáp ứng cho người nhập cư đến tái thiết Hà Nội. Chính quá trình “tập thể hóa” đã làm cho nhà ở Hà Nội thời kỳ này có màu sắc rất riêng so với các thành phố khác, dù màu sắc đó là tích cực hay tiêu cực. Có thể phân biệt 2 cách thức “tập thể hóa” nhà ở khác nhau tại thành phố này:

(1) “Tập thể hóa” nhà ở hiện hữu: Những căn nhà mà chủ nhân đã bỏ đi cùng với sự rút quân của người Pháp khỏi Việt Nam được “quốc hữu hóa” và được “chia năm xẻ bảy” rồi phân phối lại cho người dân. Một kiểu “tập thể hóa” nhà ở hiện hữu khác nữa là chủ nhân những ngôi nhà to, rộng, dưới sự “vận động” của thành phố, nhường một phần nhà ở của mình cho những người khác “mượn” hoặc “sử dụng tạm thời” trong lúc chờ chính quyền xây dựng và phân phối nhà ở mới. Quá trình “tập thể hóa” này đã làm cho các ngôi nhà tư nhân thường là một gia đình trở thành một kiểu dạng nhà ở tập thể nhiều gia đình dẫn đến sự biến đổi cấu trúc không gian mạnh mẽ. Những ngôi nhà hoàn chỉnh về hệ thống không gian khép kín trước đây bị chia thành nhiều phần nhỏ “độc lập”, “riêng lẻ” và phải gánh vác thêm những chức năng mới phát sinh. Người Hà Nội (phải) làm quen với khái niệm “biệt thự tập thể” tại khu phố Pháp hay “nhà ống tập thể” trong khu 36 phố phường và dần dần lại trở thành một “đặc trưng” của nhà ở Hà Nội dù “đặc trưng” này không hoàn toàn nhận được những phản hồi tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, việc “tập thể hóa” này thể hiện một lối sống nhường nhịn, chia sẻ, khắc phục những bất lợi để cùng nhau phát triển, mong chờ và hướng đến những tương lai tốt đẹp hơn – một kiểu sống “lãng mạn” trong khó khăn. Đây cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến sự phá hủy dần các di sản kiến trúc nhà ở trong khu phố cổ và khu phố cũ bởi quá trình tăng mật độ dân số theo thời gian và việc sử dụng không đúng chức năng nguyên gốc lẫn tình trạng “sở hữu tập thể”.

(2) “Tập thể hóa” nhà ở mới: Nhà ở xây mới dưới hình thức “nhà tập thể” có nhiều gia đình cũng nhau sinh sống và chia sẻ các trang thiết bị, các không gian cư trú, từ những không gian chính (ở, sinh hoạt) đến những không gian phụ (vệ sinh, bếp). Hàng loạt các khu tập thể ra đời theo thời gian dựa trên nguyên tắc “tập thể hóa” này. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân đầu người được hạ xuống (mặc dù tiêu chuẩn diện tích đất đô thị bình quân đầu người vẫn cố gắng được nâng lên) nhằm giúp cho các ngôi nhà tập thể mới có thể tiếp nhận nhiều hơn số nhân khẩu cư trú. Do đó, sự tập thể hóa này còn được hiểu như một cách “kinh tế hóa” việc xây dựng nhà ở Hà Nội vì các nhà tập thể đều thể hiện tinh thần thực dụng cao khi các chi tiết kiến trúc để trang trí được loại bỏ – “đẹp trong khả năng có thể” – tạo nên những kiến trúc được đánh giá là “khô cứng”, không có cảm xúc, khác biệt hoàn toàn với cách “làm” nhà ở của các thời kỳ trước, vốn chú trọng đến sự trang trí và tính biểu cảm của ngôi nhà. Tuy nhiên, những không gian trống bên ngoài và xung quanh các nhà tập thể mới là điểm sáng cho bức tranh khu tập thể. Ở đấy, cùng với thời gian, có thể bắt gặp muôn mặt đời sống của những cư dân khu tập thể. Các không gian có thể bị lấn chiếm và tư hữu hóa theo nhiều kiểu khác nhau, có thể được các cá nhân sử dụng riêng một cách “tập thể” hoặc có thể được khai thác bởi chính cộng đồng để phục vụ cộng đồng…, nhưng ẩn sau những lộn xộn, hỗn tạp đó lại cho thấy một “cơ chế” sử dụng không gian đặc thù, thể hiện sự thích ứng và cộng sinh với các bối cảnh cuộc sống khác nhau. Có thể thấy, qua thời gian, chất lượng vật lý các khu tập thể ngày càng xuống cấp nhưng khung cảnh cư trú vẫn hấp dẫn bởi các hoạt động sống, bởi sự hài hòa giữa các yếu tố con người, môi trường tự nhiên và môi trường kiến trúc. Các khu tập thể và nhà tập thể cũng còn được xem là kết quả tương đối thành công của các chính sách nhà ở công tại Việt Nam. Mặc dù không thừa nhận nhưng đây có thể xem là tiền thân của “nhà ở xã hội” sau này.

Như vậy cả 2 cách thức “tập thể hóa” đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt về chỗ ở lẫn thể hiện quan điểm về một cuộc sống XHCN trong một thành phố XHCN và có thể được xem là một trong những đặc trưng của Hà Nội giai đoạn hiện đại khi thể hiện được những tư tưởng kiến tạo nhà ở thích ứng.

Kỳ sau: Bài 2: “Kiến trúc nhà ở Hà Nội sau đổi mới: Loay hoay tìm bản sắc”.

Trần Minh Tùng
Nguyễn Thùy Dương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343