Cảm xúc tạo ra sự khác biệt – Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước 2018-2019

Cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà mơ ước 2018-2019” đã khép lại với nhiều cảm xúc cho các đơn vị, cá nhân tham dự cũng như bạn đọc. Phóng viên TCKT đã có cuộc phỏng vấn nhanh với 2 tác giả Giải Nhất hạng mục Bán Chuyên Nghiệp và Chuyên Nghiệp của cuộc thi năm nay.

Giải Nhất hạng mục Chuyên Nghiệp
Giải Bình chọn Cuộc thi thiết kế: Ngôi nhà mơ ước 2018-2019

• KTS. Nguyễn Tuấn Nghĩa
• Đơn vị: NGHIA-ARCHITECT
• Tên phương án dự thi: Villa LP Tản Đà
• Mã số phương án: CN028

Công trình nằm ở phía Nam hồ suối Bơn cạnh một đoạn đường ít giao thông. Từ nhà hàng xóm ở phía Tây, mặt đất lài dần xuống hồ tạo ra một khu đất dốc khá thuận tiện cho việc khai thác cảnh quan. Về hướng Bắc của hồ là khu resort Tản Đà, với trục giao thông chính bên tay phải kết nối đường tỉnh Tản Lĩnh vào khu vực quanh hồ. Về hướng Bắc của khu vực là vườn quốc gia Ba Vì.

Trong quá trình thiết kế cho mỗi dự án nhà ở, cá nhân tôi luôn đặt yếu tố hợp lí lên hàng đầu. Trong dự án Villa LP, vì công trình có context khá đẹp và thuận lợi, lại đặt trong bối cảnh thiên nhiên mở nên tôi chỉ cố gắng tận dụng tối đa những ưu thế của khu đất đem lại. Về cơ bản, tôi muốn công trình có ít đường nét, giảm khối tích theo chiều cao và tạo ra tuyến không gian, đưa được cây xanh và khoảng mở len vào sâu trong khối công trình. Nếu nhìn qua Villa LP sẽ chỉ thấy hai đường thẳng của diềm mái so le, các khối không gian đóng mở được cài vào trong đó và lùi lại tạo ra những khoảng hiên rộng để sinh hoạt và tăng tính tương tác của các thành viên gia đình. Nhìn chung, công trình đạt được mong muốn của tôi là “Đơn giản” và “Khiêm tốn”, tạo điều kiện cho thiên nhiên lên tiếng cũng như đưa con người gần hơn với không gian mở của cảnh quan thiên nhiên xung quanh nó.

Với chủ đề “chất cảm vật liệu” của cuộc thi năm nay, tôi nghĩ BTC hướng đến việc lan tỏa những khái niệm mới về nhà ở, văn hóa ở cũng như ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thiết kế trong đời sống. Đối với các KTS, cần có bề dày kinh nghiệm để có thể tạo ra những công trình thiết thực với người sử dụng. Chính vì vậy, để tạo ra những không gian ở tiện nghi và thoải mái nhất cho người sử dụng, tôi và các cộng sự tại văn phòng Nghia-Architect luôn nghiên cứu và tìm hiểu thật kĩ các dữ liệu liên quan đến công trình, từ context/ bối cảnh tác động qua lại giữa công trình và các đối tượng xung quanh cho tới các kịch bản sử dụng phù hợp với chủ nhà. Việc hiểu rõ chủ nhà cũng như tạo ra được kịch bản sử dụng hợp lí luôn là điều rất quan trọng. Nhìn chung, tôi đánh giá cao khả năng phân tích logic cũng như giải quyết các vấn đề có thể xảy ra, sáng tạo ra các kịch bản sử dụng mang tính trải nghiệm và đem lại giá trị cho không gian sống. Mặt khác, mỗi KTS sẽ có cách tiếp cận khác nhau cũng như cách giải quyết cùng một vấn đề khác nhau dựa trên nền tảng nhận thức cá nhân nên khó có thể có một mẫu số.

Với tôi, nếu công nghệ hay vật liệu mới hay bất cứ thứ gì, nếu biết dùng một cách khéo léo đều là những yếu tố rất quan trọng để tạo ra được những ngôn ngữ và hình ảnh mới lạ cho công trình kiến trúc. Ngoài ra công nghệ còn giúp tăng năng suất lao động cũng như quản lí các dự án một cách khoa học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tôi chỉ coi đó là công cụ, quan trọng nhất vẫn là chiều sâu tư duy cũng như cảm xúc mà người KTS có thể tạo ra trong các tác phẩm của mình. Cái đó mới chính là cốt lõi để việc sử dụng các công cụ kia một cách hiệu quả và sáng tạo, hời hợt thì chỉ tạo ra những thứ hời hợt dù bạn có bao nhiêu thứ mới trong tay đi nữa. Công nghệ thì luôn luôn thay đổi và cập nhật, nhưng thứ tạo ra sự khác biệt lại nằm ở giá trị cốt lõi bên trong của mỗi KTS.

Giải Nhất hạng mục Bán Chuyên Nghiệp
Giải Ngôi nhà mơ ước Cuộc thi thiết kế: Ngôi nhà mơ ước 2018-2019

• Nhóm KID15: Tạ Hồng Đức, Lương Thị Phương My, Lương Văn Nam
• Đơn vị: Lớp 15K7 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
• Tên phương án dự thi: Coco Home – “Mái ấm Bến Tre”
• Mã số phương án: BC088

Cuộc thi năm nay hướng đến “Chất cảm vật liệu”, chính vì vậy chúng tôi đã chọn hướng đi lên từ vật liệu. Và cây dừa được chúng tôi hướng đến vì tính tận dụng đa dạng của nó trong vật liệu nội thất, kiến trúc, đặc biệt là thân cây. Đồ án đặt ra một bối cảnh Chùa truyền thống cơ bản nhất gồm 2 Nhà chính – phụ vuông góc trên diện tích 1200m2 (tưssơng đương với quy mô Chùa Vạn Đức). Mái Ấm Đức Quang – Bến Tre đưa ra một phương án cho 10-20 trẻ em 5-10 tuổi sinh hoạt trong chùa.

Cây dừa gắn bó và tạo nên bản sắc cho Bến Tre và đi vào như một ngành sản xuất chính. Nhóm nghĩ một cách đơn giản và thực tiễn nhất khi đặt ra câu hỏi: Lượng phế thải lớn từ ngành công nghiệp dừa sẽ đi đâu? Có nhiều câu trả lời khác nhau nhưng sẽ ý nghĩa hơn cả khi chúng được tiếp tục đóng góp cho sự vận hành của xã hội, trở thành những nguyên liệu có giá trị, đến với những đối tượng cần những sự đùm bọc, quan tâm nhất, cụ thể hơn là những trẻ em ở các mái ấm tỉnh Bến Tre.

Nếu như sự sắp xếp công năng tác động lên hành vi, hoạt động thì vật liệu và các bề mặt tác động đến những cảm xúc và nhận thức: Vui buồn, ấm áp, lạnh lẽo,… Và công trình với những vật liệu bản địa từ dừa – gỗ dừa khiến cho những đứa trẻ có sự gần gũi hơn với quê hương, cảm thấy thân thuộc như gia đình dù đang sinh sống ở trong khuôn viên chùa. Vật liệu giản dị thình thành nếp sống giản dị, biết yêu thương và trân trọng tự nhiên. Đó là lý do để thấy rằng một công trình nhà ở xã hội cho một nơi nào đó trong tương lai nên được làm từ nguyên liệu tự nhiên thân thuộc của chính địa phương.

Nhận được giải thưởng ứng dụng vật liệu gạch của nhà tài trợ là niềm vui lớn của nhóm. Ngoài việc sử dụng gỗ dừa thì các vật liệu khác đều đến từ thương hiệu Thạch Bàn, nhằm tạo ra chất cảm tương đồng với bối cảnh chùa xung quanh (gạch nung, ngói,…). Đặt biệt sàn lát gạch phủ men khô mang đến hiệu quả khi sử dụng về sự sạch sẽ, đặc biệt với các hoạt động thường ngày của trẻ em rất cần nhiều sự tiếp xúc ngoài da.

Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước 2018 với chủ đề “Chất cảm vật liệu” là một đề bài mới lạ đối với sinh viên, đòi hỏi sinh viên phải quan tâm nhiều hơn về vật liệu cũng như hiệu quả của chúng – thông thường, khi làm đồ án thì công năng hay ý tưởng sẽ là thứ được quan tâm và dành nhiều thời gian suy nghĩ hơn là vật liệu. Trong phương án dự thi, nhóm chúng tôi chỉ ra mối quan hệ “xoay vòng” của 3 loại chất cảm: Kiến trúc – Vật liệu – Con người. Qua đó, chúng tôi cũng muốn làm nổi bật vai trò của vật liệu luôn tồn tại một cách vô hình và đóng vai trò gắn kết con người với bối cảnh xung quanh.


(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343