Bức tranh muốn vẽ

Đã có nhiều người “phải lòng” Hà Nội. Những góc phố cũ kỹ, xô lệch là bạn của các văn nghệ sĩ, nhất là các nhiếp ảnh gia và các họa sĩ. Nếu bạn là một họa sĩ hoặc đơn giản là người thích vẽ sống ở Hà Nội, bạn hẳn từng một lần vẽ phố. Tất nhiên không phải ai cũng chọn việc vẽ phong cảnh, lại còn là phong cảnh một nơi duy nhất làm sự nghiệp chính, nhưng họ hẳn có một đam mê cho việc đó. Đã có Bùi Xuân Phái làm nên một Hà Nội nữa trong tranh của ông, để rồi tạo nên một nguồn cảm hứng suốt nhiều thập niên.

Có một ước vọng ẩn đằng sau những bức tranh về Hà Nội – đa phần là vẽ những cảnh đẹp, hoặc có phẩm chất đẹp theo những tiêu chí mỹ học chung – là tạo ra một Hà Nội thứ hai có chất thơ trong thế giới tinh thần. Điều này cho thấy tâm thế chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn vẫn ngự trị trong cách nhận diện Hà Nội. Chúng có một cội rễ gần với những trào lưu mỹ thuật từ thời chủ nghĩa Khai minh, thời những ý niệm lãng mạn lớn mạnh cùng sự phát triển của tầng lớp tiểu tư sản thành thị, kéo theo là những sự ổn định thiết chế của một đô thị phương Tây phổ quát. Dĩ nhiên các đô thị Á Đông cũng có những thiết chế riêng, các khung cảnh trên bến dưới thuyền lầu gác phố đông trong tranh khắc hay quốc họa của Trung Quốc, Nhật Bản đã ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam. Chúng là những nền tảng để một đô thị như Hà Nội thành một đối tượng của hội họa khi người Pháp đến và sự có mặt của trường Mỹ thuật Đông Dương trong xã hội, khi hàng trăm họa sĩ và KTS được đào tạo theo thẩm mỹ bắt nguồn từ cái nôi Paris. Lẽ dĩ nhiên, khi đến Hà Nội, các tư tưởng thẩm mỹ đã tìm cách hòa trộn với văn hóa bản địa để tạo ra một trường phái Đông Dương.

Những thế hệ họa sĩ ghi lại khung cảnh Hà Nội ngay từ đầu đã xác định một dấu vết của chủ nghĩa ấn tượng, diễn đạt cảm xúc chủ quan trên nền cảnh thực địa. Thay vì chọn một cách thể hiện hàn lâm, các bức tranh Hà Nội suốt nhiều thập niên đã chọn lấy những lát cắt đời sống và nhà cửa của thành phố này. Lối thể hiện đó dường như phù hợp với sự đổi thay không mấy khi đồng bộ của Hà Nội. Các sự đổi thay chồng lớp lên nhau, tạo ra những trầm tích của các thập niên phát triển. Ở đây có một nghịch lý của nghệ thuật: Sự xô lệch vẹo vọ lại là một cảm hứng về bố cục hội họa. Nếu các bức ký họa được thực hiện cho các khu đô thị mới, chúng sẽ dễ lẫn với các diễn họa kiến trúc của đồ án thiết kế. Các nhà ký họa nhìn thấy ở cuộc sống bề bộn của đô thị một sức hấp dẫn của bố cục, của những khoảnh khắc mang tính biểu tượng lưu lại trên mặt giấy vẽ.

Nhưng các họa sĩ có khao khát, mong muốn một đô thị ngăn nắp, hoặc ít nhất hiện lên theo đúng ý muốn các nhà quy hoạch hay KTS không? Chẳng lẽ họ có một tâm thế khác, trong khi nhiều KTS cũng cầm bút vẽ, và các bức diễn họa phối cảnh thực tế cũng chung một gốc với hội họa? Hà Nội của những nhà quy hoạch hôm nay vắng bóng trong các bức tranh của các họa sĩ (và các KTS thích vẽ), điều này nói lên một điều gì? – Sẽ là phiến diện để nói ngay rằng Hà Nội đó thiếu hấp dẫn, nhưng quả thực những bức tranh vẫn phản chiếu một cảm hứng đô thị lãng mạn, nối dài một mỹ cảm đã làm nên một hình tượng Hà Nội có phần kinh điển. Đó là một sắc thái cổ kính, trầm mặc, mỗi bức tường gạch hay gốc cây sần sùi đều có khả năng kể về một quá khứ biến thiên, một hành vi văn hóa đã diễn ra. Người Hà Nội cảm thấy giá trị của họ được tồn giữ chính là nhờ những trầm tích ấy. Họ tự hào và yêu mến một hình ảnh Hà Nội ngàn xưa được lưu truyền qua nhiều niên kỷ. Họ giống như các nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ có chung một mối hoài cảm về Thăng Long – Kẻ Chợ, nơi tạo ra một diễn ngôn về cái đẹp vĩnh cửu. Các họa sĩ khi lưu lại hình ảnh phố xá, họ có chút ích kỷ của kẻ muốn chế ngự thời gian.

Hà Nội vẫn còn đây

Đứng lên từ gạch ngói

Hà Nội đang rầm rì

Đi trong từng ngõ tối

(Đêm Hà Nội 1950 – Chính Hữu)

Ký họa sảnh một biệt thự bên trong khu Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội
Tác giả: KTS Trần Thị Thanh Thủy

Trong những thập niên chiến tranh, hình ảnh Hà Nội mang một ám ảnh về sự mất mát “đứng lên từ gạch ngói”. Sự mất mát này không chỉ ở những giá trị vật thể của không gian kiến trúc, mà còn là dự cảm về sự ra đi của một không gian văn hóa cũ gắn với khung cảnh ấy. Những con đường “phố dài nghe sấu rụng” như trong bài thơ của Chính Hữu chứa một phần hồn cộng hưởng với những bài hát, áng văn, bức tranh, bồi đắp lên cảnh vật đô thị một hệ thần kinh nhạy cảm, mà mỗi người sáng tác về Hà Nội có thể chạm tới dù chỉ bằng những nét sơ phác.

Chủ nghĩa lãng mạn bắt rễ ở Hà Nội cũng nhờ những biến động thời cuộc. Đặc trưng của trào lưu thẩm mỹ này dành sự chú ý đến bi kịch của cái đẹp bị tổn thương, vì thế không ngạc nhiên khi rất nhiều tiểu thuyết thời 1930-1945 của Tự lực văn đoàn hay tân nhạc thời kỳ đầu viết về những sự tan vỡ, chia ly, thất tình và sự mâu thuẫn trong đời sống tình cảm. Nhìn rộng ra ở góc độ không gian sống, đây là lúc những sự xáo trộn về tập quán sống mà xu hướng hiện đại hóa và đô thị hóa gây nên. Những nhận định về nhà cửa kiểu Tây đã đem đến một luồng gió mới tích cực cho việc quảng bá “văn minh Âu hóa”. Việc xây dựng ở Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ 20 có những nét song trùng với quan điểm thiết lập một thủ phủ Liên bang Đông Dương của người Pháp như một bản sao của Paris, gợi đến những hào quang của thời kỳ Belle Epoque trước Thế chiến thứ Nhất, hoặc những sự phô bày giá trị thuộc địa tại các Đấu xảo. Ngay một phong trào nhắm đến tầng lớp bình dân như “Nhà Ánh sáng” do Tự lực văn đoàn khởi xướng cũng mang những quan điểm lãng mạn. Cho dù nằm trong chủ trương của nhà nước thuộc địa hay sự ý thức của tầng lớp tư sản dân tộc đang lên, việc dựng nên một Hà Nội có một tinh thần chiết trung pha trộn Đông Tây.

Các cuộc chiến tranh và kiến thiết sau đó dưới chính thể xã hội chủ nghĩa tiếp tục củng cố tinh thần này. Trong tâm trí những người Hà Nội một thời gian dài, họ vẫn đọng lại một cảm hứng lãng mạn của “những ánh sao đêm”: “Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng”. Cho đến thập niên gần đây, người ta thể hiện rõ xu hướng hoài niệm khi tìm lại những đường nét phố cổ và thậm chí cả những khu tập thể cũ cũng tạo ra một chất men chiết trung, không chỉ là đường nét của mái ngói mà còn có khi là những vật liệu cũ được phục hồi. Những ngôi nhà xây mới cũng cố gắng tìm cách gợi lại các phong cách tân cổ điển để sự hiện diện của chúng “hợp lý” hơn.

Bức tranh muốn vẽ của các họa sĩ hôm nay gửi gắm một ước vọng về một Hà Nội chậm rãi, u uẩn, có nhiều không gian cây xanh, hoặc một sự chất vấn thực tại có vẻ đe dọa đến di sản mà họ trân trọng. Họ cũng thuộc về một kiểu người ở Hà Nội, từ bao đời nay, luôn khắc khoải về một không gian sống tạo ra cảm hứng lãng mạn cho cộng đồng. Họ vừa là thư ký trung thành ghi lại những đường nét đô thị nhưng cũng vừa là những nhà lãng mạn chủ nghĩa bảo lưu vẻ đẹp của thành phố đầy chủ quan. Thiếu họ, Hà Nội có lẽ sẽ chỉ còn hợp với những bản vẽ phối cảnh sạch sẽ đơn điệu.

*KTS. Nhà văn Nguyễn Trương Quý

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343