Bảo tồn di sản kiến trúc – Góc nhìn từ các công trình kiến trúc tại Đà Lạt và Bùi Chu

Ngày 6/5 vừa qua, tại 12 Hòa Mã đã diễn ra cuộc Đối thoại Bảo tồn di sản kiến trúc: “Góc nhìn từ các công trình kiến trúc tại Đà Lạt và Bùi Chu” tổ chức bởi AGOhub. Trong giai đoạn chỉ còn 7 ngày nữa đến ngày phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi, cuộc đối thoại đã nhận được nhiều ý kiến chuyên môn từ cộng đồng trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử.

AGO MeetUP tháng Năm
Đối thoại: BẢO TỒN DI SẢN KIẾN TRÚC – Góc nhìn từ các công trình kiến trúc tại Đà Lạt và Bùi Chu
Thông tin chương trình:
– Thời gian: 18h – 21h | Thứ Hai, 06.05.2019
– Địa điểm: AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội
– Diễn giả: PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng & ThS. Bảo tồn Cao Thành Nghiệp
– Điều phối viên: TS. KTS. Nguyên Hạnh Nguyên

KTS. Nguyên Hạnh Nguyên điều phối viên buổi đối thoại

Gần đây có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên bảo tồn một số công trình kiến trúc, những ý kiến đa chiều về phương pháp đánh giá một công trình khi nó có thể bị phá bỏ trong quá trình phát triển đô thị. Một trong những vấn đề trung tâm của bảo tồn là liệu công trình kiến trúc được lựa chọn có xứng đáng được bảo tồn hay không.

PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng trình bày về 5 tiêu chí xác định di sản

Tại buổi đối thoại, PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng có chia sẻ: “Việc đánh giá một công trình, những người làm kiến trúc như chúng ta phải đưa ra được những lý luận, phương pháp để chứng minh xem công trình có xứng đáng để bảo tồn hay không. Chúng ta có thể tìm ra câu trả lời nhờ công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị của Nahoum Cohen. Với 5 tiêu chí: Đặc điểm và ranh giới, Sự độc đáo và cảm nhận, Tỉ lệ và các mối quan hệ, Phong cách và các đặc trưng kiến trúc và Vật liệu phương pháp xây dựng, tôi đánh giá công trình Nhà thờ Bùi Chu đã đạt đến 62 điểm trong mức tiêu chuẩn cần có là từ 50-60 trở lên. Vậy công trình này xứng đáng được bảo tồn và cần chúng ta, những KTS kêu gọi xã hội quan tâm đến vấn đề di sản”. 

KTS. Cao Thành Nghiệp và những dẫn chứng về công trình tại Đà Lạt và Bùi Chu

Tiếp theo chương trình có sự tham gia diễn thuyết của KTS. Cao Thành Nghiệp, Ông là người đã trực tiếp tham gia vào nhiều dự án bảo tồn di sản, gần nhất là dự án tu sửa Tòa án Nhân dân TP HCM, công trình này có cùng thời gian xây dựng với Nhà thờ Bùi Chu. Tại đây, Ông có đưa ra các dẫn chứng sau: “Nhịp phá hủy các công trình ngày nay càng ngày càng tăng cao do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, các phương án trùng tu thì hầu như đều thất bại do việc lơ là trong công tác bảo tồn hay việc thiếu kiến thức và vốn đầu tư. Nhưng những lý do trên có thể giải quyết được bằng nâng cao nhận thức và bổ sung các phương pháp sử dụng các sản phẩm chi phí thấp tự sản xuất tại Việt Nam như gạch và ngói sét của chúng ta. Còn về Đà Lạt và Bùi Chu nếu chúng ta không tiếp tục truyền thông và can thiệp thì tương lai sẽ còn rất nhiều công trình bị phá dỡ hơn nữa. Thực tế, nếu những công trình di sản này được quan tâm từ chục năm trước thì có lẽ sẽ không bị hư hỏng như nay. Công trình Dinh Tỉnh trưởng, Chợ Đà Lạt hay Nhà thờ Bùi Chu đều bị can thiệp về mặt kiến trúc như cơi nới, xây thêm chèn lên công trình cũ khiến công trình bị mất đi nét kiến trúc ban đầu, đó chính là do con người không nhận thức được giá trị, tình cảm của các công trình này. Riêng đối với Nhà thờ Bùi Chu, đây là ngôi thánh đường có nét kiến trúc khác biệt hoàn toàn so với các công trình nhà thờ mang đậm nét kiến trúc phương tây khác, vì ở đây là sự kết hợp những nét kiến trúc đình làng cổ Việt Nam. Chúng ta đang còn rất nhiều công trình cần trùng tu và gìn giữ, tôi rất mong lần này nhờ sự chung tay của giới KTS, chúng ta sẽ giữ được Nhà thờ Bùi Chu với 134 năm tuổi và tương lai sẽ gióng lên một hồi chuông cho xã hội về giá trị lịch sử kiến trúc nước nhà.” 

Buổi đối thoại có sự tham gia của nhiều khách mời là các KTS có kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản, KTS. Lê Thành Vinh người đã theo đuổi công tác bảo tồn từ những thời kỳ đầu tiên có chia sẻ cảm xúc: “Việc bảo tồn trước đây hoàn toàn “đơn độc”, nhưng chúng ta đang có tín hiệu đáng mừng vì ngày nay nhờ sự rộng rãi thuận tiện của mạng xã hội, việc lan tỏa công tác bảo tồn đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của cộng đồng. Câu chuyện Nhà thờ Bùi Chu, một công trình vẫn đang được sử dụng, làm sao để song hành công năng – kiến trúc là cái khó đặt ra. Người dân vẫn cần một nhà thờ mới khang trang hơn, trong khi quỹ đất chỉ có thế, nên việc xây dựng nhà thờ mới lại là điều cần thiết cho chính những người trực tiếp sử dụng chứ không phải chúng ta.” 

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, KTS Bùi Vũ Thịnh có những chia sẻ hết sức chân thực đánh vào thực trạng vấn đề: “Có hay chăng khi quan tâm viết đơn dừng công trình Nhà thờ Bùi Chu, phải đưa kèm giải pháp cho người dân thì mới thiết thực. Theo tôi được biết, để xây dựng công trình này, giáo dân đã phải tích cóp hơn 10 năm, vậy nên khi các ban di sản đề nghị dừng xây dựng chắc hẳn sẽ không nhận được sự đồng thuận ngay. Phải chấp nhận một thực tế, chúng ta đã quan tâm “quá chậm trễ” đến các di sản. Đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh đến các đô thị lớn có nhiều di sản như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…, các cơ quan chức năng cần bổ sung những khung pháp lý để vừa phát triển được vừa bảo tồn thành công.”

Cuộc đối thoại nhận được nhiều ý kiến đóng góp vô cùng thực tế từ phía các KTS và những khách mời quan tâm, chỉ còn 7 ngày nữa đến ngày phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu, liệu sự lan tỏa của cuộc đối thoại, những đóng góp này có được lan rộng đến xã hội, các cơ quan nhà nước hay không. Chúng ta hãy cùng chung tay chia sẻ để tương lai sẽ không phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa ồ ạt tạo ra những đô thị vô hồn thiếu vắng lịch sử.

Ngọc Bích – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343