Bảo tồn di sản hay đầu tư xây dựng?

Gần đây ở mọi nẻo đường của đất nước, ngoài khung cảnh thiên nhiên ban tặng riêng cho mỗi vùng miền thì các đô thị lớn nhỏ đều có hình thức kiến trúc xây dựng chung nhất như từ một khuôn đúc ra: Công sở bề thế tới mức khổng lồ mà vô cảm, nhà dân xây theo lối đất chia lô, với phố phường đều từa tựa như ở đâu đó và cũng không thể phân định được thể dạng kiến trúc thời đại nào? Thậm chí có những tòa nhà có vẻ được xây đắp ngô nghê như từ vài thế kỷ trước theo kiểu Tây phương nhưng đầy lỗi tật. Thật đáng tiếc cho những đô thị mang những nét kiến trúc khiêm nhường trong không gian duyên dáng hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên ở thủ phủ các tỉnh cuối thế kỷ trước. Thật sự băn khoăn rằng – Chúng ta có được vai trò gì trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các vùng miền của đất nước hay là chúng ta chịu trận với nhu cầu của những chương trình ao ước khổng lồ cho đầu tư xây dựng?

Đó là những vấn đề lớn đặt ra trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ở đây, xin được đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong thực tế làm nghề bảo tồn của giới KTS.

Việc xét tới một công trình hay quần thể di tích đã được xếp hạng để đầu tư Tu bổ – Bảo tồn, chúng ta đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị, trao đổi, bàn bạc quyết định cho di tích bởi là vốn quý của quốc gia, của dân tộc, và trong những vấn đề được đề cập tại đó thì các ý kiến liên quan tới góc cạnh căn nguyên của sự biến đổi các di tích nguyên gốc – hay nói đúng hơn là nguy cơ biến dạng hoặc mất dần và xuống cấp giá trị nguyên gốc của các di tích ít được quan tâm, mà thay vào đó là việc cần đầu tư xây dựng tôn tạo công trình để phát huy tác dụng và thường được gắn thêm mục tiêu phát triển “DU LỊCH và gần đây thêm chữ TÂM LINH” cho địa các phương.
Quy trình tu bổ di tích thông thường được thực thi theo các bước sau đây:

  • Đầu tiên danh mục được xếp hạng và giá trị của di tích;
  • Cách thức tu bổ thực chất là quy mô và khối lượng thi công xây dựng;
  • Tổng mức đầu tư và nguồn vốn;
  • Kết thúc là thủ tục và giấy phép xây dựng cơ bản (!) Mà như ta hiểu, thực chất tổng mức đầu tư và nguồn vốn đưa tới công trình là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để quyết định toàn bộ quy mô dự án – tức là số phận của công trình di tích.
Nghi môn đền Bà Kiệu xưa kia

Danh mục di tích được xếp hạng

Là căn cứ đề xét, xếp hạng bao gồm địa danh, lịch sử di tích, quy mô công trình, hồ sơ nguyên trạng, cấp đề xét và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quy mô công trình thông thường có bản đồ khoanh vùng bảo vệ, mà thực chất các cấp quản lý tại địa phương đều hiểu đó là gianh giới địa lý, đất đai của di tích. Đúng – Nhưng phần đất ấy thuộc quyền ai quản lý, ai có quyền can thiệp, ai có quyền quyết định tiếp nhận đầu tư xây dựng?

Nếu nguồn vốn đầu tư được xét duyệt từ ngân sách nhà nước cho di tích cấp quốc gia thì đương nhiên phải theo đúng quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng thông thường, nhưng với những di tích dù đã được hay chưa được xếp hạng do địa phương quản lý thì nguồn tiền được huy động cho việc tu sửa là loại vốn xã hội hóa không thuộc Ngân sách Nhà nước rất cần xem xét đây là vấn đề gặm nhấm các công trình di tích thường xuyên sảy ra ở các nơi.
Bài học của Chùa Trăm Gian, đình Thụy Phiêu… trong thời gian qua là những minh chứng và bài học đắt giá.

Không gian di tích có thuộc vào công trình di tích?

Hoài niệm di tích
Hình ảnh Chùa Đậu trước kỳ tu bổ 1988
Hình ảnh chùa đậu

Cộng đồng dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển trong những không gian đặc thù của vùng nông nghiệp nhiệt đới với địa hình đa dạng và phong phú nhưng nhân tài và vật lực không dồi dào kèm thêm là thiên nhiên khắc nghiệt và thường xuyên phải đối phó với nạn ngoại xâm, giặc giã, do vậy kiến trúc truyền thống phổ biến của Việt Nam từ xa xưa là giản dị, khiêm tốn, chắc chắn và công trình luôn gắn chặt vào thiên nhiên – Hay nói chính xác là công trình kiến trúc truyền thống của chúng ta luôn được gắn kết hài hòa với không gian được hoạch định từ nguyên khởi theo với lịch sử của sự kiện – Vhân vật linh thiêng trọng đại. Những công trình có không gian kỷ lục như Chùa Bái Đính, Chùa Tam Trúc, Chùa Ba Vàng, chùa trên đỉnh Phanxipan… là biểu hiện những tư duy thuần bản chất kinh doanh, ngây ngô và lạc lõng với tư duy văn hóa truyền thốngViệt Nam nhưng lại giỏi mượn nhờ vào danh nghĩa Phật giáo, cũng từ hiện tượng xuất hiện những công trình phổ biến vừa nêu trên ta thấy rõ vấn đề mượn tên di tích để giải quyết:

Dòng vốn nào và ai làm chủ đầu tư để khai thác

Cũng do quan niệm về công trình di tích ở nhiều địa phương được hiểu đơn giản chỉ là công trình di tích cho nên bước vào thời kỳ kinh tế phát triển, nhu cầu cúng cấp, hội lễ gia tăng, phương tiện di lại ngày một nhiều cho nên việc xây dựng mở rộng không gian của công trình để đáp ứng bao đồng số đông đã dẫn tới việc biến điệu và xóa bỏ những phần không gian cảnh quan xung quanh công trình di tích và cũng không loại trừ việc thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của chính công trình di tích.

Một ví dụ thuyết minh về Nghi Môn đền Bà Kiệu trong không gian nguyên khởi tại Bờ Hồ (Hà Nội), trước những năm ’70 thế kỷ trước, do sinh hoạt thờ cúng tạm thời trở thành thứ yếu trong đời sống xã hội nên công trình đã được dùng cho HTX bán hoa.
Việc tiếp theo là việc tôn tạo cảnh quan quanh Hồ và người ta đập bỏ 2 ngôi miếu nhỏ – Miếu Cô và Miếu Cậu là một trong những hạng mục không thể thiếu trong công trình của đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, chính là đền Bà Kiệu đối diện. Ngày nay lại được trang trí vàng son thành một công trình bán hàng lưu niệm cho khách du lịch (!).

Cũng một ví dụ khác để ta hiểu: Chùa Đậu (PhápVũ Tự) là một trong 4 đền thờ thần Mây – Mưa – Sấm – Sét (tứ Pháp: Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện) gắn liền với nền văn minh lúa nước từ rất sớm của đồng bằng Sông Hồng và tới khi Phật giáo du nhập vào nước ta, các đền thờ phát triển thêm chức năng Chùa thờ Phật. Ngôi chùa Đậu gắn liền với dòng sông Đáy cùng với tích trời cho nhập thần dựng đền thờ và sau này ngôi chùa gắn với đình, miếu thờ và đầm hồ, giếng nước, bến sông… Số phận của di tích này cũng long đong theo năm tháng lịch sử, trong thời kỳ Toàn quốc kháng chiến 1946 ngôi đền thờ chính của chùa bị cháy rụi, những thập niên cuối của thế kỷ 20 nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ cơ bản với những hạng mục chính của chùa, song từ đó tới nay, khi bước vào giai đoạn đời sống Kinh tế, Văn hóa và Tâm linh phát triển, địa phương đã cho san lấp đường đi lối lại, trồng cây, xây thêm nhiều công trình phục vụ lễ nghi của chùa và hôm nay chúng ta không còn có thể nhận ra được không gian cảnh quan vốn có của công trình này (!)

Vậy tiếp theo vấn đề không gian cảnh quan ngoài khu vực bảo vệ di sản mà không được định dạng chi tiết trong danh mục danh thắng được xếp hạng thì sẽ được quản lý ra sao? Ai được phép can thiệp? Câu hỏi này phải được đặt ra sau khi liên tiếp có những câu chuyện nóng về 2 công trình được dựng xây gần đây là khách sạn Panorama Mã Pì Lèng và ngôi chùa phạt núi san lấp hàng chục ha kề bên Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang).

Công trình Khách sạn Panorama Mã pì lèng đang tranh cãi để tìm giải pháp xử lý – Nguồn ảnh Internet.
Không gian thiên nhiên hùng vĩ cực Bắc tổ quốc đã bị “gặm nhấm”
Nguồn ảnh Internet.

Người ta nghe chuyện này chỉ thấy xoay quanh vấn đề: Ai cấp phép, giấy phép xây dựng đâu… nhưng vấn đề quan trọng nhất nằm trong tri thức văn hóa là tại sao không gian đấy lại phải có công trình, có cách nào để khai thác điểm dừng, ngắm cảnh mà không xâm phạm vào cảnh quan hùng vĩ trời ban tặng (mà bao máu xương của đồng bào địa phương mở đường mới có). Tại sao lại xây một không gian bề thế quy mô như một trung tâm Phật giáo tại một nơi mà núi rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt và đặc biệt lưu tâm là đồng bào dân tộc không có tín ngưỡng thờ Phật nơi đây? Vậy sao lại phải xây chùa như bao tỉnh khai thác các “Trung tâm du lịch tâm linh” dưới xuôi? đây cũng là một tín hiệu cảnh tỉnh cho những địa phương đang có mong muốn dựng nên những dự án quy mô đồ sộ thờ Phật – Thần nơi thâm sơn cùng cốc của đất nước. Xin đừng vịn cớ rằng những đầu tư đó là mang lại đời sống kinh tế, văn hóa cho địa phương mà thực tế phũ phàng là những công trình đó dang làm mờ nhạt tính đặc thù của văn hóa bản địa ngàn đời của nơi chúng ta đang quản lý, ta đang xóa đi đặc trưng văn hóa, sức hấp dẫn mà mọi du khác có nhu cầu tiếp cận văn hóa hằng mong đợi.

Nếu nói những điều này đâu có phải là KTS chúng ta vô cảm, không có trách nhiệm với vốn văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc hay cảnh quan của quê hương đất nước, mà lý do chính yếu là chúng ta thực sự không được giao phó và không có quyền chủ động đề xuất những phương án, giải pháp cho những hoạt động này của đất nước trong các hội nghị, văn đàn cũng như trên truyền thông đại chúng. Hay đúng hơn là làn sóng của nhu cầu đầu tư dựng xây và phát triển bỏ quá xa mà ta không dám nói là lãng quên vai trò kiến thức của giới kiến trúc.

Trần Quang Trung*

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343