Bảo tàng tự nhiên – công viên địa chất núi lửa Krông Nô – Giải Hội đồng

  1. Tên đồ án: Bảo tàng tự nhiên – công viên địa chất núi lửa Krông Nô
  2. Giải thưởng: Giải Hội đồng  Loa Thành 2019
  3. SVTH: Bùi Minh Châu
  4. GVHD: TS. KTS Phạm Phú Cường
  5. Trường: ĐH Kiến trúc Hồ Chí Minh

Bảo tàng tự nhiên nằm trong bối cảnh của tự nhiên, sự tương tác của công trình với hiện trạng là yếu tố đặt lên hàng đầu để biến kiến trúc là một tác phẩm điêu khắc tự nhiên thay vì là một hình thức nhân tạo áp vào.

Trên phương đứng, công trình bám chặt vào vách đá, vươn ra bên ngoài dòng thác Đray Sáp tạo cảm quan về sự kết nối và tính định hướng trong kiến trúc. Công trình vươn lên một cách mạnh mẽ nhưng không phá vỡ cảnh quan của khu vực thác nước.

Trên phương ngang,  hệ mái bằng nằm ẩn mình trong các tầng rừng và biến mất để hạn chế sự choáng chỗ thiên nhiên. Với sự thay đổi của địa hình, hệ mái bằng chuyển tiếp nhẹ nhàng theo cao độ, nhấp nhô êm ả. Công trình ở một phương diện nào đó đã lồng ghép được một không gian nơi chốn (Spirit of place), một không gian hồi tưởng (Memory) và một đời sống giữa thiên nhiên (Nature) của vùng đất Tây Nguyên vào trong hình ảnh của mình.

Bảo tàng, dù có cố gắng thế nào cũng là một công trình đóng. Tăng sự kết nối chức năng bảo tàng với bên ngoài thông qua việc mở rộng các tuyến đường đi dạo, các hình thái quan sát tham quan dưới cánh rừng tạo điều kiện cho con người được kết nối với thiên nhiên nhiều hơn nữa. Càng gần gũi với thiên nhiên, con người càng sẽ biết trân trọng, yêu quí nó nhiều hơn để từ đó, những hình ảnh tàn phá rừng, những mảnh đất trơ trọi sỏi đá thôi không còn ám ảnh.

Tự nhiên tạo nên con người, con người lại muốn chinh phục tự nhiên để rồi khi hai chữ chinh phục trở thành tàn phá thì lúc đó có phải là quá muộn. Bài học về sự hòa hợp giữa con người, kiến trúc và tự nhiên là một bài học không bao giờ cũ.

Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Tumblr
Pinterest

HOTLINE: 0977 409 343