Trong những năm gần đây, vấn đề bản sắc văn hóa trong kiến trúc đương đại đã được gắn một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự độc đáo trong một môi trường cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu. Kiến trúc là một phần của văn hóa xã hội được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác nên rõ ràng yếu tố bản sắc văn hóa, xã hội cộng đồng góp phần tạo ra giá trị lớn và tạo tiền đề cho việc một nền kiến trúc có bản sắc.
Theo tôi hiểu, bản sắc có nghĩa là duy nhất và khác biệt. Một số yếu tố tự nhiên và con người góp phần xác định sự duy nhất và khác biệt, chẳng hạn như địa điểm (khu vực, địa lý, địa hình và khí hậu), con người (xã hội, cộng đồng) và văn hóa (truyền thống, phong tục, ngôn ngữ, tôn giáo). Để hiểu rõ hơn bản sắc trong kiến trúc, điều cần thiết là thảo luận về các yếu tố này và sự liên quan giữa chúng được phản ánh trong kiến trúc.
Kiến trúc là một sản phẩm của con người, địa điểm và văn hóa; nó là một khía cạnh của bản sắc. Bản sắc kiến trúc có thể liên quan đến việc hiện thực hóa bản sắc cá nhân và xã hội. Kiến trúc, như các tạo tác vật lý rõ ràng nhất của bất kỳ nền văn hóa nào, có nhiều đặc điểm đáp ứng với sự độc đáo của địa điểm. Hai yếu tố theo tôi là quan trọng đối với bản sắc kiến trúc trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đó là bản sắc văn hóa và tính bền vững trong kiến trúc.
Tính bền vững thường là một phần cơ bản trong thành phần của cả tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể; tính bền vững về bản chất đã tích hợp trong di sản kiến trúc và bản sắc văn hóa của bất kỳ xã hội nào. Các yếu tố của thiết kế bền vững là không thể thiếu đối với kiến trúc bản địa,phát triển theo thời gian sử dụng vật liệu và công nghệ địa phương, thích ứng với môi trường tự nhiên và văn hóa xung quanh, tạo ra mối quan hệ tối ưu giữa con người và vị trí của họ. Lấy một ví dụ, trong nhiều thế kỷ trước con người đã sống hòa hợp với thiên nhiên – Họ trồng thức ăn từ vùng lân cận và phát triển lối sống phù hợp với các nguồn lực sẵn có. Họ đã xây dựng các tòa nhà bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng địa phương có sẵn trong môi trường xung quanh và phát triển các kỹ thuật xây dựng liên kết với các đặc tính vật lý của các vật liệu này. Sự sống còn của con người trong xã hội truyền thống đòi hỏi họ phải duy trì sự cân bằng với vòng đời xung quanh họ. Nói cách khác, kiến trúc truyền thống thực sự đã đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững theo thời gian trong quan điểm của môi trường tự nhiên và xây dựng.
KTS Lê Vũ Cường
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)